Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 30/7/2008 9:9'(GMT+7)

Đưa tri thức và văn hóa đến đồng bào thiểu số Tây Nguyên

Cán bộ, phóng viên CQTT Đài TNVN tại Tây Nguyên đang sản xuất chương trình

Cán bộ, phóng viên CQTT Đài TNVN tại Tây Nguyên đang sản xuất chương trình

Thành lập ngày 11-5-1993, sau 15 năm xây dựng và trưởng thành, với 56 cán bộ, nhân viên, phóng viên, biên dịch và phát thanh viên, đảm nhận sản xuất 6 chương trình phát thanh tiếng dân tộc, Cơ quan thường trú (CQTT) Đài tiếng nói Việt Nam (TNVN) tại Tây Nguyên đã trở thành người bạn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Tây Nguyên.
Ngày 2-7-1993, một ngày sau khi chương trình phát thanh tiếng Ê-đê đầu tiên của Đài TNVN phát sóng, tại nơi làm việc-căn nhà tạm trong khu nhà khách của Vườn quốc gia Yók Đôn, CQTT Đài TNVN tại Tây Nguyên đón tiếp một thính giả đặc biệt đó là nghệ sĩ Y Yơn, dân tộc Ê-đê, trú tại xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắc Lắc. Ông Y Yơn lúc đó đã qua cái tuổi "xưa nay hiếm", nhưng vẫn đạp xe, vượt hơn 100 cây số, tới Buôn Ma Thuột để sẻ chia niềm hạnh phúc của mình khi lần đầu tiên được nghe lời xướng “Anei Asăp Blũ Vietnam” (Đây là Tiếng nói Việt Nam) lồng trong bản nhạc “Diệt phát-xít” quen thuộc và hùng tráng.

Từ 1994 đến 2001, CQTT Đài TNVN tại Tây Nguyên đã sản xuất và phát sóng thêm 4 chương trình, bằng tiếng của 4 dân tộc thiểu số Tây Nguyên khác, là Giơ-rai, Ba-na, Xê-đăng, Cơ-ho. Chương trình phát thanh tiếng M’Nông là chương trình phát thanh dân tộc thứ 6, chính thức được lên sóng vào ngày 19-8-2006. Góp sức trong chương trình tiếng M’Nông, lão nghệ nhân dân gian Điểu Kâu ở xã Đắc Rung, huyện Đắc Song, tỉnh Đắc Nông, đã phải bỏ việc nhà nhiều tháng trời, lên Buôn Ma Thuột kèm cặp các biên dịch viên, phát thanh viên của chương trình này. Giữa năm 2007, mặc dù Điểu Kâu phát hiện mình bị ung thư gan, nhưng khoảng thời gian giữa các lần khám và điều trị, ông vẫn tới cơ quan để chỉ dạy, uốn nắn kỹ năng dịch từ tiếng Việt sang tiếng M’Nông. Nghệ nhân Điểu Kâu tâm sự: “Từ khi được nghe có chương trình tiếng Ê-đê trên sóng Đài TNVN, tôi đã ước ao được nghe chương trình phát thanh tiếng M’Nông!”.

Trong suốt 15 năm qua, các chương trình phát thanh tiếng dân tộc của Đài TNVN đã có nhiều thay đổi, cải tiến. Trong đó, mảng nông nghiệp, y tế và luật pháp vẫn là những ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, các chuyên mục “Dành cho nhà nông”, “Từ luật tục đến luật pháp”, “Lời khuyên của thầy thuốc” là những chuyên mục có “tuổi thọ” lâu nhất. Đây cũng là các chương trình nhận được nhiều thư thính giả góp ý và ngợi khen. Năm 2006, CQTT Đài TNVN tại Tây Nguyên mở thêm chuyên mục “Chuyện nhà nông cao nguyên”. Bà con nghe đài ở các buôn làng Tây Nguyên được nghe các chuyên gia về nông nghiệp-khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Tây Nguyên; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và thức ăn gia súc trong chăn nuôi. “Tây Nguyên trên đường hội nhập và phát triển”, “Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là hai chuyên mục mới nhất, với mục đích vừa đảm bảo định hướng tuyên truyền, vừa thoả mãn nhu cầu thông tin của thính giả…

Để các chương trình không bị khô cứng, các biên tập viên của CQTT Đài TNVN tại Tây Nguyên sáng tác và dàn dựng nhiều tiểu phẩm kịch truyền thanh. Không có diễn viên nên chính các phát thanh viên phải nỗ lực để đảm nhận vai trò này. Nhiều người trong số họ diễn như những diễn viên kịch nói chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, CQTT Đài TNVN tại Tây Nguyên còn tiến hành nhiều đợt sưu tầm dân ca, truyện cổ các dân tộc Tây Nguyên và đưa vào dàn dựng, phát sóng. Trung bình, mỗi tổ phát thanh tiếng dân tộc, mỗi năm sưu tầm được từ 30 đến 60 bài dân ca. Ngay trong những lần đi thực tế ở buôn làng, nhiều biên tập viên đã tranh thủ sưu tầm truyện cổ để làm cho chương trình phát thanh của mình thêm phong phú. Nhờ đó đến nay, CQTT Đài TNVN tại Tây Nguyên đã có kho tư liệu dân ca các dân tộc thiểu số Tây Nguyên phong phú vào bậc nhất cả nước.

Tây Nguyên có nhiều buôn làng, nhiều xã vùng sâu, điều kiện giao thông rất khó khăn. Đối với phóng viên CQTT Đài TNVN tại Tây Nguyên, đây chính là những nơi cần phải quan tâm nhiều nhất. Chú trọng công tác vùng sâu vừa là mệnh lệnh của cấp trên, cũng là mệnh lệnh tự trong lòng mỗi phóng viên. Không đi được ô tô thì đi xe máy, không đi xe máy được thì đi bộ. Nhà báo Trương Thị Bích Tâm tâm sự: “Nhận công tác tại cơ quan năm 2005, khi mới tốt nghiệp đại học. Ngay chuyến công tác đầu tiên em đã phải đi bộ vào tận thôn 13, xã Đắc Rồ, huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông, để viết bài về tình trạng thất học và tảo hôn ở vùng này. Hành trình gần 30 cây số, hỏng giày, rách tất, ê ẩm mất hơn một tuần, nhưng là một trong những chuyến đi thành công để lại cho em một trải nghiệm ý nghĩa”.

Ngoài hoàn thành nhiệm vụ cơ quan giao phó, những trải nghiệm, vượt khó cũng là con đường dẫn các phóng viên của cơ quan tới thành công. Các phóng viên Phạm Thúy Ngọc, Lê Bích Phượng, Lê Xuân Lãm và những phóng viên khác của đài đã lặn lội xuống các buôn làng, lăn lộn với thực tế để có những tác phẩm phát thanh đạt chất lượng, đạt giải thưởng trong những đợt Liên hoan phát thanh toàn quốc và Giải báo chí quốc gia. Năm 2008 này, CQTT Đài TNVN tại Tây Nguyên gửi 4 tác phẩm tham dự Giải báo chí quốc gia lần thứ 2 thì có 3 tác phẩm đoạt giải. Nhưng với tập thể cán bộ, phóng viên CQTT Đài TNVN tại Tây Nguyên, phần thưởng lớn nhất đối với họ chính là lòng tin yêu và sự tin cậy của thính giả đối với các chương trình của Đài trong hành trình 15 năm qua.

PV- Theo Báo QĐND

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất