Theo Báo cáo của Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc tỉnh Kiên Giang năm 2007, toàn tỉnh có 275.097 gia đình văn hóa, 1.938 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, 570 ấp được công nhận ấp văn hóa, 8.466 tổ văn hóa và 665 khu dân cư tiên tiến. 139 gia đình văn hóa tiêu biểu cấp huyện, thị, thành phố, trong đó có 17 gia đình được tham dự Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc.
Phong trào đã tạo được điều kiện và môi trường tốt cho việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, khôi phục và phát triển các thuần phong mỹ tục, đồng thời từng bước ngăn chặn, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng mối đoàn kết tương thân tương ái xóm giềng... Cùng với việc lồng ghép vào các cuộc vận động khác như: giúp nhau xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhân rộng và biểu dương cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, xây dựng quỹ khuyến học... phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" cùng với phong trào khác đã tác động mạnh đến sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội địa phương. Diện mạo của những ấp, tổ nhân dân tự quản và các xã đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa đã có nhiều thay đổi rõ rệt trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, phát triển xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, ổn định đời sống của người dân, giảm dần hộ nghèo và quan tâm sâu sắc hơn đối với các gia đình chính sách...
Bên cạnh những mặt đạt được, trong quá trình khảo sát thực tế ở một số địa phương trong tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh nhận thấy vẫn còn một số trường hợp đánh giá chưa trung thực, thiếu tinh thần trách nhiệm, có nơi vẫn còn chạy theo thành tích, chất lượng của phong trào chưa đồng đều, nhiều nơi sau khi được công nhận là đơn vị văn hóa đã tự làm rớt chuẩn do công tác quản lý, giám sát thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó là một số tồn tại khác như việc phối hợp trong phong trào ở các địa phương có một số lĩnh vực phát huy chưa tốt, việc cưới, việc tang, lễ hội vẫn còn một số hủ tục lạc hậu phiền hà, lãng phí tốn kém. Ban chỉ đạo thiếu đồng bộ, cơ chế điều hành quản lý và nguồn lực kinh phí đầu tư cho phong trào còn thiếu thốn... Đây là những vấn đề đã được Ban chỉ đạo phong trào tỉnh nghiêm túc nhìn nhận, và rút kinh nghiệm để có những điều chỉnh và giải pháp tốt hơn trong quá trình thực thi.
Để phong trào thực sự đi vào cuộc sống với đích tới là chiều sâu, trong thời gian tới, việc tiến hành phân cấp xét công nhận những đơn vị đạt chuẩn văn hóa cho cấp huyện, xã cũng đã được điều chỉnh theo hướng tích cực và sâu sát hơn. Mặt khác, để phong trào phát triển toàn diện theo phương hướng nâng cao chất lượng, Ban chỉ đạo tỉnh đã đề nghị tập trung chỉ đạo khảo sát và nêu chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương trong giải quyết những vấn đề như vệ sinh môi trường, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, tụ điểm kinh doanh và dịch vụ không lành mạnh...
Tiếp tục xây dựng xã, ấp văn hóa để từ đó rút kinh nghiệm tiếp tục nhân rộng trên địa bàn tỉnh, kiện toàn Ban chỉ đạo ở cơ sở các cấp. Cùng với những việc này, việc tổ chức định kỳ họp bình xét hằng năm gia đình, ấp, xã, đơn vị văn hóa trong toàn tỉnh. Đây là những hoạt động có tính chất nhắc lại và củng cố phong trào, tránh tình trạng “bệnh hình thức” như đã có trong thời gian qua./.
CTV