Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 25/7/2008 17:23'(GMT+7)

Kiên Giang: Đa dạng hóa mô hình tủ sách phục vụ cộng đồng

Phương thức tổ chức là chính quyền xã, ấp bố trí địa điểm, mua kệ, tủ và bàn ghế; nhiều nơi do các cơ quan và quần chúng nhân dân ủng hộ. Việc bố trí người quản lý sách, báo và phục vụ bạn đọc hầu hết do cán bộ hưu trí, hội viên Hội Người cao tuổi hay Hội Phụ nữ hoặc đoàn viên thanh niên của xã, ấp tự nguyện đứng ra làm công việc này. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư vốn sách báo ban đầu từ nguồn kinh phí sự nghiệp của ngành. Giao trách nhiệm cho Thư viện tỉnh tham mưu hỗ trợ xây dựng phong trào đọc và hướng dẫn về mặt nghiệp vụ. Đến nay đã đầu tư khoảng hơn 600 triệu đồng bổ sung sách cho trên 160 tủ sách, điểm đọc sách xã, ấp. Xu hướng chủ đạo là ưu tiên phát triển việc đọc cho nhân dân các xã, ấp vùng sâu, biên giới, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc Khmer. Quan tâm xây dựng tủ sách tại một số điểm chùa, thánh thất Cao Đài huyện Châu Thành; tủ sách Hội Chữ thập đỏ xã Gành Dầu huyện Phú Quốc; tủ sách gia đình tại huyện Hòn Đất, An Biên và Vĩnh Thuận… Ngoài ra còn hỗ trợ sách báo cho các điểm Bưu điện văn hóa xã, tủ sách pháp luật; ký kết chương trình liên tịch với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Tỉnh đội và Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng tủ sách đồn biên phòng, đơn vị bộ đội và đoàn thanh niên.

Mặc dù mới được xây dựng và phát triển vài năm trở lại đây, nhưng mô hình tủ sách, điểm đọc sách ở cơ sở đã và đang đóng vai trò chủ đạo trong việc phục vụ sách báo cho nhân dân ở địa bàn nông thôn. Trong khi quần chúng nhân dân ở vùng nông thôn sâu đang thiếu thông tin thì sách báo đã góp phần cung cấp thông tin kinh tế- văn hóa- xã hội cho bà con; giúp họ đổi mới tư duy kinh tế và năng động hơn trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chủ trương xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa nói chung, thư viện nói riêng bước đầu đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể và nhân dân ở địa phương. Mặt khác, những người làm công tác kiêm nhiệm phụ trách tủ sách nhìn chung đều nhiệt tình, yêu sách, quý sách. Song, qua thực tế hoạt động của các tủ sách, điểm đọc sách trên địa bàn tỉnh thời gian qua hiệu quả chưa cao. Một số nơi bảo quản chưa tốt nên đã hay dẫn đến mất sách, không giữ gìn tốt sách báo. Ngoài số sách hỗ trợ ban đầu và bổ sung hàng năm từ phía Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương chưa làm tốt công tác vận động cán bộ, nhân dân trên địa bàn góp sách với phương châm “góp một cuốn sách để được đọc nhiều cuốn sách”. Việc phối hợp giữa ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các ngành khác như: Sở Thông tin Truyền thông, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục- Đào tạo, BCH Bộ đội biên phòng, Tỉnh đội…trong việc xây dựng tủ sách, phòng đọc còn có mặt lúng túng. Trong điều kiện hiện nay nên kết hợp tủ sách xã, ấp với tủ sách pháp luật và bố trí ở nơi thuận tiện, tập trung đông dân cư. Có như vậy mới cuốn hút bà con tới tiếp cận thông tin qua sách báo. Vì tâm lý của người dân rất ngại khi đến với tủ sách pháp luật được đặt ngay tại UBND xã, có nơi để ngay tại phòng Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND xã. Đối với điểm Bưu điện văn hóa xã, nên chăng cần xem xét đầu tư thêm sách báo vì hiện nay vốn sách báo ở những nơi này rất nghèo nàn. Tại các xã đã có thư viện trường học, cần phối hợp với tủ sách, điểm bưu điện để luân chuyển sách cho nhau. Thậm chí, các xã liền nhau không cách trở nhiều về giao thông cũng cần phát huy tối đa phương thức luân chuyển để bà con được đọc nhiều hơn và liên tục có sách mới.

Hiện nay có nhiều doanh nghiệp và tư nhân đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, cũng cần lưu tâm tới việc phục vụ đọc sách báo ở những nơi này. Gắn việc tham quan, vui chơi, giải trí của du khách với việc nghỉ ngơi thư giãn đọc sách báo. Đặc biệt là sách viết về Kiên Giang và các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Các địa phương nên khuyến khích phát triển mô hình tủ sách gia đình; có thể kết hợp bán cà phê với việc phục vụ đọc sách báo miễn phí. Quan tâm hơn tới việc xây dựng tủ sách trong nhà chùa, vì chỉ tính trong vùng đồng bào dân tộc ở tỉnh Kiên Giang đã có trên 70 ngôi chùa Khmer.

Vấn đề còn lại đối với các mô hình tủ sách dùng chung như đã nói trên, ngoài việc quan tâm đầu tư xây dựng cần vận động và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tại xã, ấp tham gia ủng hộ sách báo và kinh phí để nó tồn tại lâu dài. Đồng thời nên xem xét có chế độ thù lao cho người làm công tác quản lý, phục vụ tủ sách tại cơ sở.

Theo: Thông tin Kiên Giang

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất