Ấp ủ mơ ước duy trì, bảo tồn tranh Đông Hồ, gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã quyết định xây dựng đề án và đầu tư vốn xây dựng Trung tâm giao lưu văn hoá dân gian tranh Đông Hồ.
Trung tâm giao lưu văn hoá dân gian tranh Đông Hồ do nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế làm giám đốc đã khai trương hôm 25-7 tại thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cùng ngày, tại Trung tâm đã diễn ra Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát triển làng tranh dân gian Đông Hồ"
Ấp ủ từ lâu dự định sẽ phải làm một cái gì đó để duy trì, bảo tồn nghề truyền thống của cha ông giữa bối cảnh tranh Đông Hồ đang ngày càng trở nên chật vật bởi những tác động, cạnh tranh từ nền kinh tế thị trường, gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã quyết định xây dựng đề án và đầu tư vốn xây dựng Trung tâm giao lưu văn hoá dân gian tranh Đông Hồ. Trong khuôn viên có diện tích 5.508m2, 3 ngôi nhà có kiến trúc mái lợp ngói kiểu đồng bằng Bắc Bộ đã được xây dựng với trên 400m2. Gọn gàng nhưng được bố trí đầy đủ các công năng cần thiết của các địa điểm trưng bày, bảo tồn, nơi sản xuất, đón tiếp và nghỉ ngơi của du khách...
Đặc biệt là trong không gian ấy, du khách “say” nghệ thuật tranh dân gian truyền thống Việt Nam sẽ được thoả mãn khi được thưởng lãm hàng trăm bản khắc cổ quý hiếm, cá biệt có những bản khắc có tuổi đời vài trăm năm, hàng ngàn bản khắc mới phục chế và rất nhiều bộ tranh Đông Hồ được các nghệ nhân làm nên từ niềm say mê và tâm huyết với dòng tranh cổ này.
Cũng bắt nguồn từ tình yêu ấy mà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cùng các con đã đầu tư một số tiền không nhỏ để xây dựng nên một trung tâm mang ý nghĩa giới thiệu, giao lưu, quảng bá những cái hay, cái đẹp của tranh Đông Hồ đến rộng rãi du khách trong nước và quốc tế. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế tiếc nuối: “Làng Đông Hồ xưa vốn ở ngoài bãi ven sông Hồng, thường bị lụt, nên các ván để in tranh và đồ nghề làm tranh thường bị nước lũ cuốn trôi. Phần khác do chiến tranh loạn lạc, người dân làng Đông Hồ đi sơ tán khắp nơi như Thị Cầu (Bắc Ninh), Yên Phụ (Hà Nội), Thổ Tang (Vĩnh Yên), Nhã Nam (Bắc Giang)…, bởi vậy nhiều bản khắc, nhiều mẫu tranh cũng bị thất lạc”.
Những việc nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế làm quả đã không uổng. Mấy năm nay, hàng ngàn khách du lịch từ khắp mọi nơi đã lặn lội tới tận nhà ông để được chiêm ngưỡng và mua những bức tranh quê giản dị, mộc mạc, thơ mộng và đầy tính nhân văn. Họ ngỡ ngàng và thán phục thực sự. Đông Hồ đã trở thành một điểm dừng chân lý thú trong các tour du lịch của du khách khi tìm đến vùng quê Kinh Bắc. Hơn thế, không chỉ được chuộng vì vẻ đẹp là lạ và độc đáo mà người xem giờ đã hiểu và thấy được vẻ đẹp hồn nhiên, mộc mạc tiềm ẩn trong cái khiêm tốn, giản dị, rất hóm hỉnh của mỗi bức tranh. Ngoài khách tìm đến tận nơi mua tranh, gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế vẫn thường nhận được những hợp đồng lớn đặt mua hàng trăm, hàng ngàn bức tranh từ nhiều nước.
Làng tranh dân gian Đông Hồ vốn xưa kia có 17 dòng họ đều làm tranh thì nay chỉ còn 3 hộ giữ được nghề. Trong đó gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế có lẽ đã tìm được hướng phát triển hiệu quả hơn cả. Đầu tư hàng tỉ đồng vào Trung tâm giao lưu văn hoá dân gian tranh Đông Hồ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế vẫn ước, giá như có 10 tỉ đồng, ông sẽ đầu tư xây dựng một trung tâm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của tranh Đông Hồ bề thế, hoành tráng hơn. Ông Nguyễn Nho Thuận (GĐ Trung tâm Văn hoá thể thao huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) thì lại tiếc cái vẻ nên thơ của một làng tranh cổ với các “nghệ sĩ” đa phần là nông dân sản xuất tranh trong những buổi nông nhàn. Ông Nguyễn Nho Thuận cho rằng, nếu như tái hiện được một không gian văn hoá của làng nghề truyền thống xưa thì thật tuyệt biết bao: “Vẻ thấp thoáng của màu giấy điệp phơi trên các sào nứa ngoài sân đất cũng đủ gợi về một thời dĩ vãng tranh xưa làng cổ, còn ấm áp tình quê hương trong những sắc màu giản dị, hồn nhiên mà thấm đậm tình người”…
(Theo: Báo Văn hoá)