Thứ Sáu, 20/9/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Tư, 9/9/2009 15:1'(GMT+7)

Của cơ quan hay của các quan?

Trong bãi xe tại Chùa Hương còn không ít xe công

Trong bãi xe tại Chùa Hương còn không ít xe công

Chuyện kể...

Tháng 10/1945, nhà thơ Tố Hữu nhận được điện của Trung ương gọi ra Hà Nội và được vào gặp Bác Hồ.
Thấy nhà thơ Tố Hữu đến, Bác vẫy tay đến gần và hỏi: “Chú ra đấy à?”
Nhà thơ Tố Hữu đáp: Dạ!
Bác lại hỏi: Chú ra bằng gì?
- Dạ, bằng ô tô.
- Ô tô của ai?
- Dạ thưa, ô tô của mình…
- Bác nhìn có vẻ ngạc nhiên, hỏi lại:
- Của mình là… của ai?
- Dạ của cơ quan ạ.
Bác cười:
- Nhớ nhé, ô tô của cơ quan chứ không phải… của các quan đâu đấy.
Bác nói tiếp:
Bây giờ Đảng cầm quyền có nhà cao cửa rộng, có ô tô sang trọng, dễ lên mặt “quan” lắm. Xe của cơ quan là để làm việc công, không phải để các chú đi chơi, mang cả quan ông, quan bà, quan cô, quan cậu. Thế là hỏng đấy!
Ngày 17/10/1945, báo Cứu quốc đăng thư Hồ Chủ tịch gửi các ủy ban nhân dân, các bộ, cả tỉnh, huyện và làng. Trong thư, một lần nữa câu chuyện xe công được Bác nhắc đến: “… lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên đến các cô, các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai chịu?”
                                          (Trích từ cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh-Một huyền thoại kỳ vĩ, Ban Tư tưởng Văn hóa TW, 2008).

Cùng suy ngẫm:

Sau 40 năm về với "thế giới người hiền" nhưng mỗi câu chuyện kể về Bác vẫn còn đậm chất thời sự về đạo đức cách mạng không chỉ với mỗi "công bộc" mà còn với từng người con đất Việt. Ở vào điểm hiện nay, sau 40 năm thực hiện Di chúc của Người, cả nước đang báo công với Người, nhắc lại câu chuyện trên lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Một câu chuyện tưởng là nhỏ bé, vặt vãnh nhưng chứa đựng vấn đề lớn mang tính thời sự sâu sắc trong cuộc sống hiện nay khiến tất cả chúng ta cần suy ngẫm. Đó là của công - việc tư; là đạo đức cách mạnh của người cán bộ, là lề lối làm việc, là việc lạm dụng quyền... trong quản lý và sử dụng tài sản công.

Câu chuyện về ông "quan" tỉnh nọ, tỉnh kia đầu xuân, hoặc ngày lễ ngày nghỉ "mượn" xe công đi lễ, về thăm gia đình, giải quyết việc riêng... không phải là chuyện "xưa nay hiếm". Đây không phải là vấn đề mới nhưng luôn có tính thời sự. Cách đây hơn 40 năm Bác Hồ đã đích danh phê bình và đến nay, nó đã trở thành "cuộc chiến" với nạn lạm dùng quyền hạn sử dụng tài sản công không đúng mục đích. Báo giới liên tục vào cuộc, phản ánh, công kích nhiều dưới hính thức "chiến đấu" trực diện (đích danh) hay gián tiếp, và trong các cuộc họp của các cấp ủy Đảng cũng đã chỉnh đốn nhiều nhưng hiện tượng đó vẫn chưa được loại bỏ. Có nghĩa là đã bắt được "bệnh", nhưng "bệnh nhờn thuốc" và khi nào "bệnh" chưa được loại bỏ thì "cuộc chiến" còn tiếp diễn. Bởi, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài sản công luôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với mỗi quốc gia. Tầm quan trọng đó càng nhân lên gấp nhiều lần đối với nước ta trong bối cảnh nguồn thu cho ngân sách bị giảm mạnh do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Làm tốt công tác này cũng sẽ góp phần đắc lực vào việc chống bội chi ngân sách, giảm áp lực lạm phát, tiết kiệm nguồn lực để phát triển kinh tế…

Trọng trách quản lý tài sản công đã được giao phó cho ngành Tài chính, nhiệm vụ này hết sức nặng nề nhưng cũng hết sức vinh quang. Bởi, mỗi một tài sản công là mồ hôi, công sức và là sương máu của nhân dân. Quản lý không chặt, lạm dụng quyền hạn sử dụng tài sản công vào việc tư là lạm dụng mồ hôi, xương máu của nhân dân; là có tội với nhân dân. Có thể nói, đây là công việc khó, tuy nhiên là người "công bộc" - cán bộ cách mạng Việt Nam đã được Bác dạy “không có việc gì khó” nên không thể không xác định một nguyên tắc bất biến trong quản lý, sử dụng tài sản công là: “Tài sản công không dành cho việc tư”. Đồng thời, mỗi cán bộ, công chức cần giữ được “thanh liêm đạo đức”, có ý thức trong việc sử dụng tài sản công nếu không muốn bị coi là “hủ hóa” (nghĩa là trở nên hư hỏng, thối nát, tồi tệ) như lời Bác Hồ từng phê bình thì chắc chắn chiến thắng được trong "cuộc chiến" lạm dụng quyền hạn trong sử dụng tài sản công./.

Quỳnh Chi, Bộ Tài chính

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất