(TCTG) - Người ta dễ bị ngộ nhận khi hiểu về khái niệm tính chiến đấu cuả báo chí, khi nghĩ phiến diện đó là sự phanh phui lên án phê phán những mặt tiêu cực của xã hội, quên hẳn việc khẳng định, ngợi ca, biểu dương, cổ vũ cho những nhân tố tích cực dù chỉ là mầm mống.
Được một sơ sở mời về “khảo sát” nắm tình hình và viết bài, có hai nhà báo nhận lời. Họ đã có hai cách làm việc khác nhau dẫn tới hai bài báo khác nhau. Cùng được đón tiếp linh đình với những phương tiện làm việc đi lại chu đáo, ông bạn nhiều tuổi cuả tôi tỏ ra quá say sưa với những giây phút thù tạc. Mấy chục năm có kinh nghiệm làm báo cho thấy: Người ta không ai rỗi hơi tốn kém mời nhà báo về để phanh phui, để “lên lớp”. Về nhà ông đã đăng bài báo mà ngay cả cái “tít” cũng rất vừa lòng cơ sở: “Bước chuyển mình của…”. Bây giờ những bài báo như thế thường chỉ có mỗi một đối tượng thích đọc: đó là mấy vị lãnh đạo cơ sở thích được nhắc đến.
Trong khi đó, nhà báo trẻ đã thận trọng tìm hiểu tình hình ở phía quần chúng. Cuốn sổ tay của anh chỉ có vài ngày mà đã ghi chép tới hàng chục trang, kín đặc những con số và tình tiết có thực sinh động. Anh chẳng mấy hứng thú với cỗ bàn, không có nhu cầu uống, hút nên nhanh chóng rời khỏi mâm, sử dụng thời gian vào việc thâm nhập thực tế. Và bài báo của anh đã không làm hài lòng lãnh đạo cơ sở. Thay cho sự ghi nhận , tâng bốc, anh chỉ ra những chỗ yếu kém, phân tích những nguyên nhân và nêu hướng khắc phục, đề xuất phương hướng làm ăn mới… Bài của anh có cái “tít” thu hút ngay bạn đọc: “Yếu kém do đâu?’. Sau khi bài báo ra đời, toà soạn nhận được thư cảm ơn của nhiều quần chúng tốt ở cơ sở, đồng thời cũng có cả công văn phản bác gay gắt của lãnh đạo sở tại.
Cùng một thực tế, cùng một chức năng mà hai nhà báo trong câu chuyện trên đã có hai cách làm khác nhau, dẫn tới hai hiệu quả khác nhau. Hiện nay chúng ta đã sang thế kỷ XXI, vậy mà đáng tiếc vẫn còn tồn tại khá phổ biến lối làm báo dạng thứ nhất. Đó là sự già cỗi lạc hậu, thậm chí xuyên tạc sự thật, có hại cho phong trào cách mạng cuả quần chúng. Và cách làm việc của nhà báo thứ hai là một phong cách trẻ trung đáng được đề cao.
Nói chuyện già trẻ về tâm hồn thể chất thì ai cũng dễ hình dung. Nói đến sức trẻ cuả ngòi bút thì sẽ bàn đến những điều gì? Và yếu tố quyết định các sức trẻ đó? Hiện nay đây đó vẫn còn những tờ báo, người viết bài quen và ưa lối viết suôn sẻ một chiều. Như vậy thường dễ dàng vui vẻ và “thông đồng bén giọt”. Quen với ca ngợi tô vẽ, “đánh bóng mạ kền”, hô hào cổ vũ, tới cơ sở thực tế nào cũng có thể có ngay những bài viết mang những cái tên cùng một “mô típ” quen thuộc đại loại “Bước tiến mới…”; “Ghi nhận ở…”, rồi thì kết thúc những bài đó cũng lại một “mô típ” khác: ghi lại lời phát biểu hứa hẹn cuả vị thủ trưởng nọ, vị bí thư Đảng uỷ kia… Trong bài viết giao đãi, thủ tục, hiếu hỉ, nặng về ve vuốt, làm đẹp lòng nhau hơn là thông tin phân tích mổ xẻ những vấn đề đang được người đọc quan tâm. Đến môt đơn vị sản xuất đang xuống cấp, làm ăn đình đốn, nội bộ lãnh đạo có nhiều tiêu cực, quần chúng mất lòng tin, thay cho viêc đi thẳng vào những vướng mắc chính, đặt ra những vấn đề thiết thực cần giải quyết, không thiếu những nhà báo đã kể lể vòng vo, miêu tả không gian thời gian bằng lối văn chương hoa hoè hoa sói.
Sức trẻ của ngòi bút được thể hiện đầy đủ ở khả năng đổi mới, khả năng tiếp cận và cập nhật đời sống báo chí hôm nay. Tính chiến đấu , khả năng góp sức vào việc hướng dẫn cổ vũ dư luận rộng rãi ủng hộ bảo vệ cái tích cực, đẩy lùi triệt tiêu cái tiêu cực là những yêu cầu công việc cụ thể cuả những ngòi bút chân chính.
Người ta cũng dễ bị ngộ nhận khi hiểu về khái niệm tính chiến đấu cuả báo chí, khi nghĩ phiến diện đó là sự phanh phui lên án phê phán những mặt tiêu cực của xã hội, quên hẳn việc khẳng định, ngợi ca, biểu dương, cổ vũ cho những nhân tố tích cực dù chỉ là mầm mống. Có một dạo, báo chí đổ xô đi tìm kiếm những hiện tượng tiêu cực ở khắp mọi nơi, trong mọi lĩnh vực để phê phán.Việc đó là cần thiết và đã đem lại cho các diễn đàn không khí sôi động, thu hút được sự chú ý cuả người đọc, dần chiếm lại được lòng tin của họ. Nhưng hiện thực yêu cầu không chỉ phản ánh tiêu cực mà phải phản ánh cả tích cực nữa. Nếu không có nhiều điển hình tốt làm sao đời sống có thể trở lại ổn định và phát triển? Làm sao bão lụt, thiên tai là thế mà nhìn trên tổng thể, nông nghiệp vẫn phát triển, vẫn được mùa, vẫn xuất khẩu được nhiều gạo ra nước ngoài? Làm sao tuy các loại tội phạm vẫn còn, bọn phản động quốc tế và trong nước vẫn ra sức phá hoại công cuộc đổi mới của đất nước mà tình hình chính trị vẫn được ổn định, dân vẫn luôn tin và hướng về Đảng, yên tâm mọi bước đi? Trong sự pha trộn, đan xen giữa rất nhiều cái tốt và cái xấu hôm nay, ngòi bút nào phát hiện được diễn biến ngày mai?
Sức trẻ của ngòi bút báo chí, ngoài tính chiến đấu còn cần phải kể đến cả tính dự báo nữa. Dự báo gần , dự báo xa, trong trạng thái khách quan vô tư… Nhưng sẽ không thể đạt được sức mạnh ấy nếu ngòi bút thiếu dũng khí.
Ngòi bút trẻ, dĩ nhiên phải là ngòi bút cường tráng, năng động, sung sức có khả năng “xung trận” và giành chiến thắng. Có thể bị nhiều thế lực bao vây phong toả, ngáng trở đe doạ và có nguy cơ thiệt hại rõ rệt mà những thế lực này hiện vẫn tồn tại tác oai tác quái ở mọi nơi- ngòi bút trẻ hoặc là tử vì đạo, hoặc là đầu hàng, để tìm kiếm một nghề khác an nhàn béo bở hơn…
Nhà thơ Đồ Chiểu ngày xưa viết: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Nhà thơ Sóng Hồng cũng nói: “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ.”. Cách nhau hàng trăm năm mà cả hai thi nhân cùng gặp nhau ở cái sức trẻ ngòi bút. Đó là sự hữu ích với đời. Mong sao đội ngũ những người cầm bút viết báo hôm nay hùng hậu, phong phú những ngòi bút dồi dào sức trẻ mà lược bỏ dần những ngòi bút già cỗi, luôn “miễn dịch” “dị ứng” với mọi đổi thay. Tất nhiên già trẻ ở đây không phải ở tuổi tác…/.
Quang Chí-Nguyễn Hưng