Ngày nay, các cuộc mít tinh đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu trong các hoạt động xã hội. Thế nhưng, gần đây đối với nhiều người, đi dự mít tinh là một thứ trách nhiệm khó chối nên họ tham gia cũng chỉ lấy lệ.
Mít tinh là một tổ chức hoạt động xã hội. Thông qua mít tinh để biểu thị sự chào mừng ngày lễ lớn, hưởng ứng một hành động thiết thực, hay thể hiện khối đoàn kết toàn dân...
Việc được chỉ định thay mặt cho cơ quan, đơn vị hay lớp học của mình đi tham dự một buổi mít tinh nào đó, cho dù chỉ đến cho có mặt cũng không mấy ai thích thú. Trong khi đó nếu không đi thì không được, thế là nhiều người chọn biện pháp “nhất cữ lưỡng tiện”, tranh thủ thời gian mít tinh để làm việc riêng, tán gẫu với bạn bè. Buổi Mít tinh vì thế trở nên lộn xộn, ồn ào, đại biểu cứ việc phát biểu trên lễ đài, còn những người đi dự phía dưới thích làm gì thì làm. Tất nhiên là trong một chừng mực nhất đinh, không thái quá nhưng cũng đủ cho thấy được rằng ý thức cá nhân trong một tổ chức hoạt động tập thể như mít tinh của nhiều người là quá kém.
Ở nhiều buổi mít tinh, sau chương trình văn nghệ chào mừng, các vị đại biểu còn chưa ngồi yên chỗ, phần tuyên bố lý do và giới thiệu nội dung chưa được tiến hành thì nhiều người đã lục đục kéo nhau ra về, bởi đối với họ, như vậy coi như là cũng đã tham dự rồi (!). Có trường hợp khi đại biểu đang phát biểu thì phía dưới đồng loạt vỗ tay, nhưng không phải để tán thưởng mà tỏ ý rằng vị đại biểu kia phát biểu dài dòng quá !
Mới đây, tại buổi Mít tinh hưởng ứng Ngày môi trường Thế giới, sau tiết mục văn nghệ của các cháu thiếu nhi, các vị đại biểu được mời lên lễ đài, phía dưới sân là các đơn vị đóng trên địa bàn đến tham dự. Khi một vị đại biểu đại diện cho cơ quan ở Trung ương đang phát biểu thì phía dưới nhiều người tỏa đi trú nắng, để lại khoảng sân trống với đầy giấy, báo, túi nilon…Cho dù phía trên kia, loa phóng thanh liên tục vang lên tiếng người dẫn chương trình yêu cầu mọi người ổn định chỗ ngồi để buổi mít tinh được tiếp tục.
Thử nhìn lại trong lịch sử, đã không ít lần mít tinh trở thành phương thức xây dựng khối đoàn kết, thống nhất, tạo nên sức mạnh tập thể, đồng lòng hành động. Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã dùng các buổi mít tinh để kêu gọi đồng bào ta đứng dậy chống giặc ngoại xâm. Đặc biệt trong buổi mít tinh lịch sử tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam DCCH. Buổi mít tinh này không đơn thuần chỉ là để tuyên bố đất nước Việt Nam độc lập, đây còn là dịp để biểu dương sức mạnh cuả khối đoàn kết toàn dân.
Dẫu biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng. Thế nhưng, xem ra mít tinh thời nay không còn đạt tới được những cái đích mà cha ông ta đã làm !./.
(Đặng Cường/Báo Nghệ An)