(TCTG) - Vừa rồi có 2 sự việc trên thế giới khiến nhiều người không thể không suy nghĩ. Chỉ là 2 việc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, chẳng có gì to tát đến mức có thể gọi được là sự kiên. Nhưng lại hàm chứa không ít điều có thể rút ra bài học ở ta, nhất là ở Thủ đô.
Việc thứ nhất: Cầu thủ CanaVarô- một trung vệ nổi tiếng của đội tuyển Ý, người hâm mộ bóng đá ở Việt Nam đều rất ngưỡng mộ tài năng - bị xử lý rất nặng khi làm nhà sai quy định trong giấy phép. Thiệt hại do anh ta không tuân thủ pháp luật là rất nặng.
Việc thứ 2: Vị đương kim Tổng thống Paragoay bị cảnh sát giao thông phạt hơn 100 USD vì vi phạm luật giao thông và sử dụng giấy phép lái xe quá thời hạn.
Một chuyện xảy ra ở một nước có nền kinh tế phát triển tại châu Âu và một chuyện ở nước Nam Mỹ có đời sống thấp kém. Chuyện liên quan đến một nhân vật nổi tiếng là siêu sao bóng đá và một vị là người đứng đầu quốc gia. Những người thực thi pháp luật ở 2 nước đó đã rất thoải mái, sòng phẳng, tự nhiên khi xử lý đương sự dẫu có là những đối tượng rất đáng được ngưỡng mộ vị nể. Họ thừa biết người vi phạm là ai nhưng điều đó không ảnh hưởng đến việc thi hành công vụ. Quả đúng là “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.
Ngược lại 2 “can phạm” được nêu ở trên cũng rất ý thức về nghĩa vụ phải tuân thủ cuả mình, đã răm rắp chấp hành, không mảy may nghĩ mình đang là ai trong xã hội. Thảo nào mà ở 2 nước đó - và còn rất nhiều nước khác nữa trên thế giới - hầu như ít có tình trạng vi phạm pháp luật, bởi ý thức chấp hành của mọi thành viên trong cộng đồng là rất cao.
Còn ở ta, mà tiêu biểu là ở Hà Nội - nơi được coi là trái tim cả nước - thì sao? Thật đáng buồn với nhau và đáng ngượng với bạn bè quốc tế! Có thể nói, nhìn vào đâu, trong bất cứ lĩnh vực nào, thời gian nào cũng luôn thấy rất nhiều hiện tượng coi thường kỷ cương, vi phạm pháp luật (ở mức độ nhẹ là sự bất chấp những quy định). Ngừơi ta ngang nhiên làm những việc bị cấm: Vi phạm luật giao thông, luật xây dựng, luật xuất bản, luật bảo vệ môi trường… Sai phạm hiển nhiên nhưng khi bị xử lý thì lại tìm mọi cách trốn, chạy tội. Còn về phía người thi hành công vụ, thực thi pháp luật thì không phải lúc nào, ở trừơng hợp nào cũng hoàn tất tốt đẹp phận sự như 2 chuyện vừa nói ở trên. Thói vô trách nhiệm, ăn hối lộ, nhẹ hơn là nể nang, sợ bóng sợ vía cuả một bộ phận trong các lực lượng chức năng ở nước ta đã tiếp tay, tạo sự gia tăng cho các hành vi phạm pháp.
Hướng tới 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, tình trạng trên mong sớm được loại bỏ để chỉ còn là chuyện buồn của một thời./.
Hoài Ninh