(TG) - Để phòng, chống hiệu quả âm
mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo
ở Tây Nguyên, cùng với nhiều giải pháp, cần thường xuyên củng cố “thế trận lòng dân”
vững chắc và thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động…
Với diện tích khoảng 54.600km2, khu vực Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo cùng chung sống; là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng của nước ta, nên trong những năm qua, Tây Nguyên cũng là “vùng chiến lược” mà các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
Vẫn với những “bổn cũ soạn lại”, các thế lực thù địch không ngừng phủ nhận những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh khu vực Tây Nguyên; thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” hòng làm suy giảm niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp trên địa bàn… Đặc biệt, chúng luôn “thổi phồng để bóp méo” và triệt để lợi dụng, đẩy mạnh việc chính trị hóa, quốc tế hóa các vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm gây mất ổn định xã hội, tạo sức ép và can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Xác định sự ổn định và phát triển của Tây Nguyên góp phần hết sức quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của các cấp, các ngành, kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên ngày càng phát triển; đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao; giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; niềm tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường...
Trong bối cảnh, tình hình mới, đan xen thuận lợi là những khó khăn và nguy cơ khó lường, để bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời phòng, chống hiệu quả âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên để chống phá, cùng với thường xuyên củng cố trận địa tư tưởng, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, không để mắc mưu các thế lực thù địch, phản động… chúng ta cần thực hiện tốt hơn nữa một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân tộc, tôn giáo. Không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố sự đoàn kết, nhất trí trong xã hội, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo. Xây dựng mối quan hệ gắn bó, củng cố lòng tin của đồng bào đối với chính quyền. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”, Luật biên giới quốc gia và các nghị định, chỉ thị về tăng cường an ninh tuyến biên giới...
Thứ hai, đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên “gần dân, hiểu dân, trọng dân và vì dân”; củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo. Xây dựng, củng cố tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Thường xuyên kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là cấp tỉnh và cấp cơ sở, ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo.
Thứ ba, tiếp tục tập trung giải quyết các mặt bất cập, hạn chế, bức xúc của nhân dân về đất đai, việc làm, thu nhập và mâu thuẫn nội bộ... Đồng thời giải quyết, tháo gỡ những vấn đề “nóng”, bất cập. Tăng cường quản lý, điều hành thực hiện các chương trình, dự án, trong đó có mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo...
(Ảnh minh họa)
Thứ tư, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền, đoàn thể và công tác vận động quần chúng. Xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh toàn diện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành hoạt động phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Xây dựng quy chế phối hợp công tác chặt chẽ giữa ủy ban nhân dân với các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ năm, tiếp tục kiện toàn Mặt trận Tổ quốc các cấp; chú trọng cơ cấu dân tộc, tôn giáo, bảo đảm quy tụ được những người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trên địa bàn. Cùng với phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể, cần đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng Đoàn Thanh niên, phát huy vai trò xung kích trong các phong trào hành động cách mạng, các cuộc vận động ở địa phương, không để tổ chức phản động xâm nhập, nắm, lôi kéo thanh niên dân tộc thiểu số thanh niên và theo đạo
Thứ sáu, nắm chắc địa bàn, xử lý hiệu quả hoạt động chống phá; ngăn chặn các hoạt động truyền đạo trái phép, vượt biên; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn hoạt động kêu gọi biểu tình của các tổ chức phản động; tiến hành giáo dục, cảm hóa, đấu tranh với đối tượng hoạt động vượt biên, hoạt động Fulro, các loại tà đạo./.
VIỆT HÀ