Với diện tích chiếm tới 3/4 lãnh thổ trên cả nước, vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở nước ta là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp và đóng vai trò chiến lược về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng. Vì thế, việc đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể - hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, hội nhập miền núi với sự phát triển của cả nước.
Những năm qua, kinh tế tập thể - hợp tác xã phát triển rộng khắp, góp phần mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò kinh tế tập thể - hợp tác xã ở những địa bàn này vẫn cần nhiều việc phải làm.
Trong những năm gần đây, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xác định phát triển hợp tác xã tập trung vào địa bàn vùng dân tộc miền núi vì đây là vùng giàu tiềm năng để phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu, chăn nuôi, du lịch… Đặc biệt, mô hình hợp tác xã hiện nay là thành phần kinh tế quan trọng tác động đến sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó thúc đẩy kinh tế xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng. Nhiều khu vực biên giới hiện nay đã có hàng trăm hợp tác xã hoạt động hiệu quả, đặc biệt là các hợp tác xã cây ăn quả sản xuất theo quy mô lớn để thực hiện xuất khẩu, từ đó thúc đẩy kinh tế nông lâm nghiệp tại địa phương và nâng cao đời sống cho người dân là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực tế cho thấy, mô hình hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rất đa dạng. Bên cạnh những mô hình truyền thống về sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thổ sản… trong bối cảnh, tình hình mới, việc phát triển các mô hình hợp tác xã thương mại - du lịch cộng đồng sẽ rất thích hợp phát triển ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi bởi những thế mạnh về tiềm năng, bẳn sắc văn hóa, thiên nhiên, môi trường…
Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 chỉ rõ: “thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn”.
Theo đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các ban, ngành chức năng đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thu hút ít nhất 70% số hộ nông dân tham gia hợp tác xã, 70% hợp tác xã hoạt động hiệu quả; đóng góp của kinh tế tập thể - hợp tác xã vào GRDP vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 7 - 10%... Đến năm 2030, thu hút hầu hết hộ cá thể vùng dân tộc thiểu số và miền núi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; 85% hợp tác xã hoạt động hiệu quả, đóng góp của kinh tế tập thể - hợp tác xã vào GRDP vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 10-12%....
Để hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao đời sống, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã xây dựng các chương trình kế hoạch cụ thể, đồng thời rà soát 3.434 xã dân tộc thiểu số để phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã. Trên cơ sở đó xác định các bước đi cần thiết từ thấp đến cao, trước hết là xây dựng các tổ hợp tác sau đó phát triển thành các hợp tác xã nhằm giúp kinh tế tập thể phát triển bền vững hơn và đời sống đồng bào tại các khu vực này từng bước nâng cao.
Với các kế hoạch và chương trình hành động cụ thể, nhiều sản phẩm từ trước đến nay vốn chỉ tự cung tự cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số, bày bán thủ công như thảo quả, chè, quế, hồi, măng, gỗ ép, tinh dầu…trong vài năm trở lại đây đã được đưa lên kệ hàng các siêu thị, lên các sàn thương mại điện tử, thậm chí tham gia vào chuỗi OCOP (Chương trình mỗi xã/phường một sản phẩm tiêu biểu) để xuất khẩu cả ra nước ngoài. Trong chuỗi cung ứng ấy, các hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số đang chính là cầu nối, trung gian và đang ngày càng trở thành những địa chỉ tin cậy. Nhiều hợ tác xã đã phát triển thành công sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số; kết hợp du lịch với mô hình sản xuất sản phẩm truyền thống như thuốc tắm truyền thống, thổ cẩm, tinh dầu, vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội, vừa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề truyền thống.
Xử lý nguyên liệu chế biến tại Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Để mô hình hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững, trong thời gian tới rất cần phải đón bắt xu thế tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Đây cũng là tinh thần và quan điểm chỉ đạo được xác định trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XIII về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XIII về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo đó, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã thành lập và hoạt động. Đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội ngành hàng, vai trò nòng cột của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế tập thể - hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi về bản chất của kinh tế tập thể - hợp tác xã, nhất là về hợp tác xã kiểu mới theo phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân thụ hưởng”. Trong công tác tuyên truyền, cần chú trọng giới thiệu để nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, gắn với chuỗi đa giá trị, năng động, hiện đại, có năng lực quản trị, điều hành tốt, tham gia phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải nhà kính, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, phát triển cộng đồng…
Cùng với đó, cần chú trọng tăng cường công tác đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động./.
VIỆT HÀ