Đó là kết quả thăm dò dư luận xã hội về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai vào tháng 9/2022.
Đối tượng thăm dò dư luận xã hội là cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Mẫu khảo sát được chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng kết hợp phân theo khu vực. Địa bàn triển khai thu thập thông tin gồm có: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đăk Nông, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau và một số cơ quan Trung ương.
Tổng số phiếu phát ra là 2.550 phiếu, số phiếu thu về là 2.503 phiếu, đạt tỷ lệ 98%.
Kết quả thăm dò dư luận cho thấy, sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, cuộc vận động đã thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi.
Trên 80% người được hỏi cho rằng, công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm tốt nhưng nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam (87%).
Thứ hai, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam (82%).
Thứ ba, cổ vũ và khơi dậy tinh thần yêu nước của cộng đồng người Việt trong và ngoài nước (81%).
Đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao và tin tưởng rằng nội dung nhiệm vụ tại Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư thời gian qua đã thực hiện tốt, cụ thể: 1) Đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm Việt Nam, các thương hiệu Việt Nam uy tín; 2) Phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại; 3) Công khai và minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; 4) Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 5) Xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng ...; 6) Phát triển thương mại điện tử, kết hợp hài hòa giữa các kênh thương mại hiện đại và phương thức phân phối truyền thống.
Đa số ý kiến ghi nhận công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động đã có hiệu quả về nhiều mặt như: 1) Khuyến khích và tạo động lực cho người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 2) Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của con người Việt Nam trong các sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam; 3) Cổ vũ và khơi dậy tinh thần yêu nước của cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước, 4) Hỗ trợ và tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19; 5) Khuyến khích, động viên các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam; 6) Tạo ra sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động. Các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin cho người dân. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng là những nguồn cung cấp thông tin chủ yếu giúp cho các tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận thông tin về Cuộc vận động.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
94% người được hỏi cho rằng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã ít nhiều có hiệu quả đối với việc thay đổi nhận thức và hành vi ưu tiên mua và sử dụng hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ người đánh giá “Hiệu quả cao” đạt 43%, tỷ lệ đánh giá “Hiệu quả có mức độ” chiếm đa số (51%). So với những năm trước, Cuộc vận động đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo ra những chuyển biến trong nhận thức, thái độ và hành vi ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong xã hội. Hiện nay, đa số người dân đã tự xác định tâm thế khi mua hang hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam và khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam. Nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã được người dân ưa chuộng mua sắm nhiều hơn (đặc biệt: sản phẩm dệt may, nông sản, rau quả, thực phẩm; sản phẩm da, giày dép; đồ gia dụng...).
Đa số ý kiến ghi nhận các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là chính quyền, cấp ủy Đảng các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện Cuộc vận động. Các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong nước đã đồng hành cùng Cuộc vận động bằng những việc làm thiết thực như: phát triển hệ thống nhà bán buôn, bán lẻ, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản phẩm; thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi; coi trọng chế độ bảo hành sản phẩm và cam kết với người tiêu dùng, tăng cường thông tin, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng...
Đối với người Việt Nam hiện nay, “chất lượng”, “giá cả”, “độ an toàn của sản phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng","nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm” và “thương hiệu của sản phẩm” là những yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn mua sắm hàng hóa.
Bảo Châu