1.Ngẫm từ lợi thế cạnh tranh vượt trội
Nước ta có tài nguyên thiên nhiên nông nghiệp phong phú và đa dạng. Với khoảng 10 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn bảy triệu ha đất bằng, tạo điều kiện phát triển nghề trồng lúa nước nổi tiếng thế giới; theo quy hoạch, có 16 triệu ha rừng các loại là kho tài nguyên sinh học quý giá; hơn một triệu ha nước mặn, nước lợ và hơn 300 nghìn ha nước ngọt có tiềm năng phát triển ngành thủy sản hàng hóa lớn.
Tài nguyên khí hậu nông nghiệp có lợi thế hiếm có. Nằm trọn vẹn trong vùng nội chí tuyến Bắc bán cầu, nhưng kéo dài theo phương kinh tuyến, chênh lệch tới 15 vĩ độ, tạo nên khí hậu đa dạng của các vùng miền. Miền bắc khí hậu nhiệt đới có mùa đông lạnh; miền nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới nắng nóng quanh năm, nhưng lại có vùng Tây Nguyên quanh năm mát; khí hậu hai miền tạo nên bản sắc độc đáo là điều kiện phát triển nông sản đa dạng.
Một loại tài nguyên nổi bật là vị trí địa lý. Vị thế là một quốc gia biển, có đường biển dài hơn 3.260 km, tạo điều kiện cho nông sản hàng hóa của các vùng miền cả nước dễ tiếp cận biển. Nằm ở tâm điểm đường giao thương của vùng Ðông Á có hơn hai tỷ người, với nền kinh tế năng động nhất thế giới, cũng là cửa ngõ ra biển gần nhất của những vùng nông nghiệp các nước láng giềng như Lào, vùng tây nam Trung Quốc. Hơn 1.400 km đường biên giới giáp Trung Quốc tạo điều kiện phát triển thương mại nông sản Việt Nam với nước bạn hơn 1,3 tỷ dân có nhu cầu nông sản - thực phẩm ngày càng lớn.
Tài nguyên quý giá nhất là lực lượng nông dân chiếm hơn 60%, đều biết chữ và học vấn khá, nổi tiếng về tính cần cù và thông minh, được xếp vào thứ hạng hàng đầu trong các nước đang phát triển.
25 năm thực hiện đường lối đổi mới cho thấy, so với các ngành kinh tế khác, đầu tư vào nông nghiệp ít tốn kém, có tỷ suất lợi nhuận và tỷ lệ xuất siêu cao nhất. Năm 2010, xuất khẩu các loại nông, lâm sản của cả nước đạt 19,6 tỷ USD, nông sản nhập khẩu khoảng 5 tỷ USD, xuất siêu 14,6 tỷ USD (chiếm khoảng 70%).
Tuy vậy, trong tương lai gần, nền nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt những thách thức lớn.
Trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, cùng với biến đổi khí hậu, nhiều vùng đất nông nghiệp bị nước biển nhấn chìm, sẽ làm suy giảm diện tích đất nông nghiệp. Hàng trăm nghìn ha cây công nghiệp lâu năm như cao-su, cà-phê, chè, điều... được trồng và khai thác từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, nay đã già cỗi, phải tái canh, dẫn đến một thời kỳ có thể suy giảm sản lượng, phải bỏ tiền của tái đầu tư. Là một trong năm nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, với bất kỳ kịch bản nào, nước ta cũng không có khả năng chặn đứng nước biển dâng mà chỉ hạn chế tác hại và chung sống với thực trạng này, nhất là ở các vùng đồng bằng ven biển.
2.Hướng tới mô hình phát triển nông nghiệp xanh
Nông nghiệp nước ta cần hướng tới nền nông nghiệp xanh, dựa vào cơ cấu xanh và công nghệ xanh, nhằm mục tiêu sản xuất nông thực phẩm an toàn, bảo vệ an ninh sinh thái, an ninh tài nguyên, nâng cao hiệu ích kinh tế - xã hội tổng hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa phát triển bền vững.
3.Những quyết sách mang tính đột phá về cơ cấu và tổ chức sản xuất
Nền nông nghiệp nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiếp tục làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia với dân số hơn 100 triệu người trong tương lai gần, tự sản xuất một số nguyên liệu công nghiệp có lợi thế sản xuất trong nước, đồng thời phát huy mọi tiềm năng để phát triển một số ngành sản xuất hàng hóa lớn có sức cạnh tranh cao, trở thành một cường quốc xuất khẩu nông sản có kim ngạch hơn 50 tỷ USD/năm, trong đó có khoảng tám ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn với hơn 5-10 tỷ USD/năm, 80% xuất siêu, đứng trong tốp 10 nước xuất khẩu nông sản với hơn 20 tỷ USD/năm và trong tốp năm các nước xuất siêu nông sản lớn nhất thế giới.
Ðối tượng sản xuất được tập trung đầu tư là giữ vững và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo trên diện tích ổn định 3,8 triệu ha, phát triển một số sản nghiệp trồng trọt có giá trị cao, thị trường xuất khẩu lớn, trong đó có loại cây đem lại doanh thu đạt hơn hai tỷ đồng/ha năm gồm: phát triển cà-phê, ca-cao, theo hướng thâm canh diện tích cà-phê hiện có, mở rộng thêm diện tích cà-phê chè ở Tây Bắc, ca-cao ở các vùng có điều kiện; thâm canh và mở rộng diện tích cao-su trong nước kết hợp mở rộng hợp tác phát triển cao-su với Lào, Cam-pu-chia. Phát triển có chọn lọc rau, hoa quả, trong đó có cây quả khô như điều và mở rộng nhanh trồng cây mắc-ca ở Tây Bắc và Tây Nguyên. Coi trọng phát triển cây nhiên liệu sinh học ở các vùng có điều kiện; phát triển hợp lý chăn nuôi lợn, phát triển mạnh sản xuất gia cầm lấy thịt và trứng, tăng tốc phát triển gia súc ăn cỏ: bò thịt, bò sữa, dê... Tập trung đầu tư phát triển mạnh thủy sản nước mặn, nước lợ, nước ngọt, trong đó tận dụng khả năng phát triển nuôi cá đặc sản nước lạnh ở Tây Bắc và Tây Nguyên mà doanh thu có thể đạt mức 30-50 tỷ đồng/ha năm. Khai thác hiệu quả tổng hợp kinh tế - xã hội của 16 triệu ha rừng để sản xuất các cây lấy gỗ, thông nhựa, dầu ăn, dược liệu... Từng bước phát triển ngành chăn nuôi động vật hoang dã, sớm hình thành chuỗi sản nghiệp chủ lực nông, lâm, thủy sản dựa vào ba trụ cột chủ yếu: bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu lớn và bảo vệ môi trường.
Tổ chức sản xuất phải kiên quyết sắp xếp lại. Kinh tế hộ nông dân là hình thức chủ yếu trong sản xuất hàng hóa, đi theo hướng ở vùng có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi, dân trí cao sẽ phát triển kinh tế nông trại gia đình có quy mô tích tụ ngày càng lớn, cùng với kinh tế hộ tiểu nông sản xuất hàng hóa quy mô nhỏ tồn tại lâu dài ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa là những nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng ít thuận lợi, mặt bằng dân trí có hạn.
Có giải pháp đủ mạnh để phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới đích thực, làm chức năng liên kết kinh tế hộ nông dân, bảo vệ hiệu quả lợi ích nông dân trong cơ chế thị trường; đổi mới triệt để các nông lâm trường quốc doanh theo hướng cho hộ dân được thuê đất lâu dài để sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp. Phát triển các doanh nghiệp tư nhân góp phần huy động vốn và công nghệ mới đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Theo hướng đó, nền nông nghiệp hàng hóa nước ta do nông dân làm chủ, được thụ hưởng thành quả của mình, đủ sức đương đầu với mọi thách thức khắc nghiệt của cơ chế thị trường.
Làm được như vậy, nền nông nghiệp nước ta sẽ trở thành một hợp phần hữu cơ có thế mạnh độc lập của nền kinh tế quốc dân, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tự đi lên bằng đôi chân của mình. Theo đó, hàng triệu nông dân ta có đủ cơ hội làm giàu bền vững dựa vào nghề nông nổi tiếng của đất nước.
Nguyễn Công Tạn
Nguồn: Nhân Dân