Thứ Hai, 23/9/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 23/1/2012 15:6'(GMT+7)

Tết vui là Tết an toàn

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm, những con số phản ánh tình hình tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, cháy nổ trong những ngày Tết được “đều đặn” đăng tải trên các báo, đài. Bởi thế, lâu nay, mỗi gia đình và toàn xã hội đều có chung kỳ vọng được đón một cái Tết vui-Tết an toàn.

“Từ 30 Tết đến mồng 5 Tết, trên địa bàn toàn quốc đã xảy ra 373 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 288 người chết, 359 người khác bị thương”, đó là số vụ và số người bị thương vong do tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011. Con số tăng đột biến so với ngày thường. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

Thường thì mỗi độ Tết đến xuân về, các thành viên trong mỗi gia đình mới có dịp đoàn tụ sau thời gian dài xa cách. Khi đã vui như thế, chuyện “quá chén” là điều rất dễ xảy ra. Tết đến, bạn hữu xa nhau lâu ngày nay có dịp gặp lại, cũng khó có thể chối từ những chén rượu, cốc bia mừng hội ngộ và chúc mừng năm mới. Đến khi “chén chú, chén anh” vượt quá “tửu lượng” cho phép của mỗi người, ắt hẳn sẽ đến…hồi say. Không quá khó để hình dung ra hậu quả, khi những người không còn tỉnh táo do bia rượu, tham gia giao thông bằng ô tô, xe gắn máy. Cùng với đó, dường như trong dịp Tết, người ta không chỉ tự “quyết thoáng” cho mình uống bia, rượu…nhiều hơn ngày thường, mà còn tự…cho phép mình không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe gắn máy. Thậm chí cả gia đình 4 người, gồm vợ chồng, con cái, đều không mũ bảo hiểm vi vút trên xe; nam thanh, nữ tú rồng rắn du xuân trên xe gắn máy, không đội mũ bảo hiểm cho…thoáng, cho dễ…chuyện trò tâm sự. Và khi tai nạn xảy ra với người đi xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, hậu quả thật khôn lường; danh sách số người tử vong, bị thương vì thế cứ nối dài thêm.

Ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Tân Mão 2011 cũng làm nên con số “khủng”, với hơn 10.000 vụ và số người bị ảnh hưởng đến sức khỏe do ngộ độc gấp 10 lần Tết trước đó. Và thống kê cho thấy, hơn 60% số vụ ngộ độc xảy ra tại hộ gia đình, do tích trữ quá nhiều thức ăn trước Tết. Có thể thấy, trong những năm gần đây, “thực phẩm bẩn” vẫn là vấn đề làm “nóng” xã hội mỗi ngày. Bởi thế, cùng với kêu gọi đạo đức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quản lý thị trường cần vào cuộc quyết liệt, không khoan nhượng, với mục đích cao nhất là sự an toàn của người tiêu dùng. Cùng với đó, vẫn là một câu…không mới, song vẫn không cũ dành cho người tiêu dùng, rằng “hãy là người tiêu dùng thông thái”.

Trong dịp Tết, cháy nổ cũng là một “ẩn họa” đối với toàn xã hội. Đây là dịp các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp, làng nghề, trung tâm thương mại, chợ… đều gia tăng so với ngày thường; lượng hàng hóa, vật tư đưa vào phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết rất lớn. Các khu dân cư, hộ gia đình cũng tăng cường hoạt động nấu nướng, thắp hương, đốt vàng mã nên rất dễ dẫn đến hỏa hoạn. Ngoài ra, các hoạt động sang chiết gas lậu, kinh doanh xăng dầu tự phát tại các khu dân cư, hộ gia đình…cũng là nguyên nhân dễ gây cháy nổ. Để không “mất Tết” do cháy nổ, thiết nghĩ, lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống cháy nổ phải được trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy; tổ chức phân công lực lượng ứng trực thường xuyên, nghiêm túc trong những ngày Tết. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện các quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy. Cùng với đó, công tác bảo đảm an toàn cháy nổ phải được thực hiện trước hết từ mỗi gia đình, thông qua việc cẩn trọng khi sử dụng củi, lửa để đun nấu, thờ cúng những ngày Tết.

Nếu mỗi người đều tự giác nâng cao ý thức, trách nhiệm với bản thân, với gia đình, cộng đồng, xã hội trong tham gia giao thông, trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong phòng chống cháy nổ khi đón Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, chúng ta có thể hy vọng vào một cái Tết vui-Tết an toàn…/.

(Phạm Hoàng Hà/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất