(TCTG)-Giờ này chiếc đồng hồ của năm Tân Mão đang dần dần về đích, không khí năm Nhâm Thìn đang ùa về khắp nẻo đường góc phố, mọi người đang tấp nập mua sắm chuẩn bị đón một cái Tết yên vui. Trên dặm dài thiên lý, những chiếc xe khách lũ lượt đưa những người con xa quê trở về bên người thân, gia đình. Nhưng, cũng có những người tha hương đang ngày đêm mong nhớ, dù xuân về rất gần, nhưng quê vẫn còn xa ngái…
Mưa xuân lắc rắc bay, gió xuân đang tràn về trên khắp nẻo, bóng dáng của mùa xuân mới đang dần dần hiện hữu, với những người sẽ đón tết tha hương, nỗi buồn dâng chiếm tâm can bởi trong mỗi trái tim, khối óc, nỗi nhớ quê nhà càng dàn trải: “Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp. Quê nhà một góc nhớ mênh mông”.
Xuân tha hương, đó là điều không ai mong muốn, có rất nhiều lý do để người ta không thể trở về quê đón Tết. Trong số hàng vạn công nhân lao động ở các tỉnh phía Nam, cũng có đến vài nghìn công nhân không thể trở về quê đón tết như mọi người. Có thể là người mới lần đầu ăn tết xa nhà, nhưng cũng có người đó là cái tết thứ hai, thứ ba vẫn chưa trở về với nơi mình đã ra đi…Nguyên nhân kể đến rất nhiều, đó là lương thưởng không đủ chi cho một chuyến về quê, là các khoản cơm áo gạo tiền, đành gạt nước mắt đón tết nơi xa. Cũng có người toan tính, thà không về để dành khoản chi phí đó mua sắm chút quà, gửi về bố mẹ góp chút vui xuân. Mỗi cảnh đời, số phận đều có những éo le khác nhau, nhưng tựu chung ở điểm: đón tết tha hương.
|
Tết là dịp ôn lại những giá trị văn hóa của dân tộc. Ảnh: INT |
Với những người xa quê, nỗi nhớ nhà lúc nào cũng hiện hữu, nhưng áp lực của công việc, của gánh nặng cơm áo mưu sinh nỗi nhớ ấy phần nào bị lấn át. Khi mùa xuân về, tiếng gọi quê hương trong tâm khảm lại trào lên, day dứt. Tết quê hương không chỉ là ánh mắt người thân trìu mến, đó còn là phút tề tựu bên nhau, là không khí hồn tết của dân tộc. Giây phút giao thừa thiêng liêng thắp nén nháng kính cẩn lạy ông bà tổ tiên, là lời chúc phúc mừng bố mẹ trăm tuổi, mạnh khỏe an khang, là lúc vợ chồng dành cho nhau những lời trìu mến, là giây phút bé thơ khoe áo mới vui cười. Hồn dân tộc tựu lại trong không khí đất trời, tết quê hương là như thế đó…
Đâu đó, trên khắp mọi miền tổ quốc, những người xa xứ cũng đang vội vã chuẩn bị cho gia đình một cái Tết tha hương. Cũng bánh trưng xanh, mứt tết, mâm ngũ quả, có khi cũng đào, cũng quất…, rồi câu đối đỏ. Một cái Tết mang đậm hồn Việt nơi đất khách, quê người. Nhưng với họ, vẫn là chưa đủ, vẫn còn điều gì đó chưa trọn vẹn, hoàn mỹ. Không phải. Hơn hết, đó là nỗi nhớ, là tình yêu quê hương, đất nước. Những người tha hương, họ mong mỏi được đoàn viên trên đất mẹ trong những ngày tết đến, xuân về.
Vậy mới biết rằng, nối nhớ Tết quê hương của người tha hương day dứt lắm. Vào phút chuyển mình của trời đất, khi vạn vật cỏ cây, muôn loài chuyển mình đón xuân sang, kẻ tha hương buồn tủi lắm bởi nơi đất khách dù có bao la, tươi đẹp, cái góc nhỏ quê hương mênh mông biết nhường nào.
Quê hương thật bao dung, vì thời khắc xuân về, dẫu không được đón không khí tết ở quê nhà, nhưng những kỷ niệm về thời ấu thơ vẫn còn đọng mãi trong trái tim người lữ khách. Không khí tết quê hương, hồn dân tộc đã ăn sâu vào tình cảm của mỗi con người, đó là dòng suối nguồn nuôi mát tâm hồn; đó là dòng sông tuổi thơ, ngôi trường thơ ấu; lễ hội đình làng, những đêm hè trăng thanh gió mát nghe câu hò bên tiếng chèo khuya nước…
Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”- Với những người con xa quê, mảnh đất quê hương chính là tâm hồn của họ. Chính vì thế, một cái Tết cho dù có đủ đầy về vật chất nơi đất khách cũng vẫn là chưa đủ. Cái tình quê vẫn luôn đau đáu trong lòng những người con tha hương nơi đất khách. Bởi vậy: “Ở nơi đó, tuổi thơ tôi đã sống/ Tôi yêu thương bằng tất cả tâm hồn/ Dẫu lưu lạc khắp chân trời góc bể/ Giấc mơ nào cũng bóng dáng quê hương” (Tổ quốc- Nguyễn Huy Hoàng)./.
Trọng Nghĩa