Trong buổi họp mặt tối 29/4, đi cùng các cựu phóng viên là những người vợ, người em, con, cháu…
“Sum họp” tại Việt Nam
Buổi họp mặt diễn ra trong không khí ấm áp tình cảm bạn bè, đồng nghiệp, thân hữu. Cuộc chiến đã lùi xa 35 năm, những tay viết, tay máy trẻ trung năm nào giờ đã ngoài sáu mươi, bảy mươi. Carl Robinson (cựu phóng viên hãng AP), người “chủ xị” cuộc hội ngộ lần này thể hiện vai trò dẫn dắt, nối kết mọi người.
Neal Ulevich (cựu phóng viên ảnh AP), như trẻ lại khi đóng vai trò “bình luận viên” cho những thước phim tư liệu về giới báo chí nước ngoài tại Sài Gòn trước 30/4/1975, để bất chợt khi thấy lại hình ảnh thời trẻ của một thành viên trong nhóm hiện nay, những câu “bình luận” của Neal khiến mọi người cười phá lên.
Steve Northup (cựu phóng viên ảnh UPI, Washington Post và Time) và vợ, Martha Northup, tranh thủ lướt qua những tấm ảnh cũ được trưng bày ở sảnh. Còn John Smith (cựu quay phim CBS) cũng kịp “khoe” với vợ, Jan Smith, những tấm hình thời trẻ khá “phong độ” của ông trên chiến trường Việt Nam.
Ngay như Glenn MacDonald (cựu phóng viên ABC News) giờ phải chống gậy, đi lại khá khó khăn nhưng ông cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội gặp lại những đồng nghiệp cũ.
Hơn không khí của một buổi họp mặt bạn bè, đây như là một cuộc “sum họp” gia đình của những người anh em. Bởi với tất cả những cựu phóng viên, Việt Nam là mảnh đất có quá nhiều kỷ niệm, nơi để lại những dấu ấn thăng trầm nhất cả trong đời người, lẫn đời làm phóng viên chiến trường của họ.
Với Carl Robinson, quãng thời gian hơn 13 năm, từ 1968-1975, làm phóng viên chiến trường tại miền Nam Việt Nam, là những năm tháng không thể quên.
Không quên được Việt Nam nên ông đã trở lại với mảnh đất này nhiều lần kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, hội nhập. Carl Robinson coi Việt Nam như là quê hương thứ hai của mình và mỗi khi trở lại Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, với ông, đó như là trở lại nhà mình.
Với Neal Ulevich, lần trở lại sau 35 năm này ông đi cùng với cậu con trai Jake, như để cho con trai hiểu rõ hơn về những năm tháng tuổi trẻ của ông và bởi vì sao đến bây giờ ông vẫn không thể quên nơi này.
Jim Pringle (cựu phóng viên Reuters và Newsweek) trở lại Sài Gòn cùng với vợ, Milly Pringle, để tìm lại những ký ức về Sài Gòn, để chứng kiến những đổi thay đến kinh ngạc qua từng năm của Thành phố Hồ Chí Minh.
Có lẽ hiểu được tâm tư, suy nghĩ và cảm giác mong muốn được “sum họp,” Carl Robinson đã có ý tưởng lập ra nhóm “những tay viết già” dành cho các cựu phóng viên chiến trường Mỹ tại chiến tranh Việt Nam, và ý tưởng ấy đã được hưởng ứng, thành hiện thực qua những lần hội ngộ.
Ký ức Việt Nam
Cuộc hội ngộ lần này chủ yếu để gặp gỡ, ôn lại và chia sẻ những kỷ niệm cũ. Chiến tranh đã lùi xa nhưng đối với các cựu phóng viên, những ngày tháng nóng bỏng của cuộc chiến tranh tại Việt Nam vẫn tồn tại và có lẽ sẽ mãi tồn tại trong họ.
Những bức ảnh, thước phim tư liệu cũ được đem ra giới thiệu lại, là những tác phẩm của các cựu phóng viên, hoặc là ảnh chụp, thước phim ghi lại chính hình ảnh của họ trong những ngày tháng có mặt tại Việt Nam trước sự kiện 30/4/1975.
Phần lớn là những hình ảnh về các phóng viên trẻ trung năm nào tác nghiệp tại Sài Gòn và tại nhiều địa điểm, chiến trường khác. Và có cả những hình ảnh của Việt Nam những năm 90 của thế kỷ trước, với những thay đổi mạnh mẽ.
Trong dịp trở lại Thành phố Hồ Chí Minh lần này, gặp gỡ các tướng lĩnh, các cựu chiến binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, hay gặp gỡ các cựu sỹ quan cao cấp của chính quyền Sài Gòn và cả “lực lượng thứ ba” - giới nhân sỹ trí thức yêu nước trước đây, những Don Kirk (cựu phóng viên Washington Star), Jim Caccavo (cựu phóng viên ảnh Newsweek), Carl Robinson… đã đặt hàng loạt câu hỏi về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, về cách hành quân, về công tác tổ chức, điều hành chiến dịch, về vai trò của bộ chỉ huy quân giải phóng.
Các cựu phóng viên vẫn muốn biết thêm, biết nhiều hơn nữa, để giải thích cho nguyên nhân vì sao cuộc chiến kết thúc, Việt Nam đã chiến thắng. “Chúng tôi mong chiến tranh tại Việt Nam kết thúc sớm bởi thật sự đất nước này, những người dân nơi này không đáng phải chịu đựng, phải sống trong cảnh chiến tranh như thế,” nhiều cựu phóng viên đã xúc động nói.
Mong muốn ấy đã thành hiện thực. Giờ Việt Nam là một đất nước thống nhất, hòa bình, ổn định và phát triển. 35 năm xa dần quá khứ chiến tranh, trong lần trở lại đầy kỷ niệm này bên cạnh những câu chuyện cũ ôn lại, các cựu phóng viên và thân nhân còn chia sẻ những câu chuyện của hiện tại và tương lai; thăm hỏi, chia sẻ về sức khỏe, gia đình, vợ con, nghề nghiệp hiện tại; dặn dò, hẹn gặp cho cuộc hội ngộ lần sau.
Nói như cựu phóng viên ảnh Kỳ Nhân (từng làm cho hãng AP tại Sài Gòn): “Đã 35 năm rồi, đâu còn gì để bàn cãi, để tranh luận nữa. Gặp nhau được như thế này để thăm hỏi, chia sẻ là quý lắm rồi. Hồi kỷ niệm 25 năm, 30 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam còn thấy đông đủ anh em, bạn bè đồng nghiệp, nhưng rồi qua thời gian, do tuổi tác nên cũng vắng dần. Biết năm năm tới đây còn được mấy người gặp mặt…”
Bắt tay ông bạn già, Tim Page (cựu phóng viên ảnh nổi tiếng) như chia sẻ điều này với cái nhìn xa xăm có chút bùi ngùi, lắng đọng.
Thời gian sẽ qua, chiến tranh sẽ càng lùi xa hơn nữa. Nhưng có một điều chắc chắn không thể xóa được nơi các cựu phóng viên chiến trường, đó là hình ảnh về Việt Nam, nơi họ đã đến, đã rời đi, đã nhớ và trở lại…
Tin rằng họ sẽ còn trở lại với Việt Nam, bởi đất nước này, những con người nơi này, luôn mở rộng vòng tay chào đón bè bạn khắp bốn phương. Với nhiều cựu phóng viên “đến Việt Nam như trở về nhà,” bởi họ - các cựu phóng viên chiến trường, cũng là một phần làm nên ký ức Việt Nam./.
Hoàng Liên Sơn (Vietnam+)