Những kết quả đạt được
Trong giai đoạn 2011 - 2016, việc quản lý biên chế công chức, viên chức được thực hiện thống nhất trên cả nước theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 (đến hết năm 2015), Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa quản lý biên chế công chức với tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; kết hợp giữa quản lý biên chế công chức với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm của công chức và cơ bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện trong giai đoạn 2011 - 2016 có xu hướng giảm, đặc biệt là trong giai đoạn 2014 - 2016 với số lượng giảm trung bình mỗi năm khoảng hơn 4.000 biên chế và tiếp tục giảm trong năm 2017. Đa số các bộ, ngành, địa phương chấp hành tốt các quy định của pháp luật, thực hiện quản lý và sử dụng đúng, thậm chí ít hơn số biên chế được giao. Cụ thể: có 12/15 bộ, cơ quan ngang bộ sử dụng đúng hoặc không sử dụng hết biên chế được giao tại các tổng cục trực thuộc; 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ dư biên chế tại các vụ, cục trực thuộc, trong đó có một số bộ, cơ quan ngang bộ còn dư biên chế với số lượng khá lớn.
Số lượng cán bộ, công chức cấp xã trên cả nước, theo thống kê của Chính phủ, đã giảm 1.307 người, từ 235.368 người (năm 2011) xuống còn 234.061 người (năm 2016). Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố được giữ ổn định (với 229.592 người ở cấp xã; 729.509 người ở thôn, tổ dân phố). Việc phân cấp quản lý biên chế công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước được thực hiện bước đầu có hiệu quả, qua đó đề cao trách nhiệm, phát huy quyền chủ động của các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước phát huy hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính, tổ chức, biên chế và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời gắn việc phân cấp quản lý biên chế với tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Chính phủ quyết định biên chế công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương(1). Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc giao và quản lý biên chế công chức đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định giao biên chế công chức trong cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai thực hiện và quản lý biên chế địa phương do mình quản lý sau khi được Hội đồng nhân dân quyết định.
Việc quản lý số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp cũng được phân cấp hoàn toàn cho các bộ, ngành và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của Luật Viên chức và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2015. Từ năm 2016, theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc phân cấp này vẫn tiếp tục được thực hiện nhưng có sự quản lý chặt chẽ, phải có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với những trường hợp tăng thêm số lượng biên chế được giao so với năm 2015; đồng thời chỉ cho phép bổ sung biên chế sự nghiệp trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bộ, ngành, địa phương không thể tự cân đối được trong tổng biên chế được giao.
Nội dung, phương pháp, quy trình công tác tổ chức, cán bộ có bước đổi mới, phát huy và đề cao trách nhiệm người đứng đầu, từng bước chuẩn hóa các chức danh cán bộ, công chức và bố trí, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, hạn chế tình trạng cơ quan chủ quản cấp trên can thiệp quá sâu vào công việc của cơ quan cấp dưới, tạo điều kiện để cơ quan hành chính chủ động trong điều hành, phân công công việc thuộc phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thứ nhất, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên, cơ cấu hợp lý hơn.
Đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân từng bước được nâng lên về trình độ chuyên môn, chất lượng và hiệu quả công tác. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện tốt theo kế hoạch hằng năm. Việc tổ chức các kỳ thi nâng ngạch cho đội ngũ công chức, viên chức được thực hiện thường xuyên hơn; qua đó số lượng chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính làm việc tại các bộ, ngành và cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã được tăng lên. Công tác tổ chức cán bộ, tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch, đề bạt, luân chuyển đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đào tạo và năng lực sở trường công tác được quan tâm, chú trọng gắn với đổi mới cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong giải quyết các công việc của cơ quan, đơn vị và của người dân, doanh nghiệp, góp phần vào kết quả chung phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn các ngạch công chức cơ bản được ban hành; danh mục vị trí việc làm trong hầu hết các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương được thẩm định và phê duyệt làm cơ sở cho việc xác định số lượng biên chế cần thiết của bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai, việc quản lý cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố được quan tâm chỉ đạo và có nhiều đổi mới.
Việc quy định khung số lượng các chức danh và số lượng cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố được thực hiện theo đúng quy định và hướng dẫn của Trung ương(2). Theo đó, Chính phủ quy định mức trần số lượng và chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã và phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh quyết định cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương (Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể số lượng và chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo đề nghị của ủy ban nhân dân cùng cấp). Việc quản lý biên chế cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố được thực hiện gắn với quy định cụ thể về mức phụ cấp chức vụ, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh, khoán quỹ phụ cấp từ nguồn kinh phí khoán phụ cấp của ngân sách Trung ương và nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương, bảo đảm tương quan hợp lý với hệ số lương của cán bộ, công chức cấp xã. Cụ thể, cán bộ cấp xã được hưởng phụ cấp chức danh lãnh đạo, phụ cấp theo loại đơn vị hành chính cấp xã; cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm số lượng người thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm (từ 20% - 50% lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ).
Tại một số địa phương đã có sự linh hoạt trong thực hiện chế độ kiêm nhiệm một số chức danh đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, như bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác Mặt trận Tổ quốc; trưởng thôn kiêm thôn đội trưởng; công an viên kiêm tổ phó tổ dân phố,... Đồng thời, thực hiện khoán kinh phí hoạt động (tính theo mức lương cơ sở) cho một số tổ chức đoàn thể ở cấp xã, tổ dân phố gồm: Chi đoàn thanh niên, chi hội liên hiệp phụ nữ, chi hội người cao tuổi, chi hội nông dân, chi hội cựu chiến binh. Việc thực hiện chế độ kiêm nhiệm như vậy đã giảm được một phần số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Theo kết quả tổng kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thực hiện theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP thực tế giảm là 11.668 người (giảm 1,4%).
Thứ ba, việc quản lý biên chế viên chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục được đổi mới.
Việc phân cấp cho các bộ, ngành và địa phương (cấp tỉnh) trong quản lý biên chế viên chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được phân cấp theo quy định của pháp luật đã tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cùng với việc thực hiện chủ trương chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu, đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ về biên chế, tài chính ở một số bộ, ngành, địa phương đã góp phần làm giảm số lượng biên chế, người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Biên chế sự nghiệp được quản lý chặt chẽ hơn từ năm 2016 đến nay. Các bộ, ngành, địa phương cố gắng tự cân đối, sắp xếp trong tổng số biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao để bố trí đối với các đơn vị thành lập mới hoặc được bổ sung nhiệm vụ mới, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do đó, trong giai đoạn 2011 - 2016, mặc dù tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương vẫn tăng nhưng ở mức độ thấp và giảm dần qua các năm.
Những bất cập, hạn chế
Một là, thẩm quyền quản lý biên chế thiếu thống nhất, thiếu tập trung.
Thẩm quyền quản lý biên chế được giao cho nhiều cơ quan trong thời gian qua dẫn đến sự thiếu thống nhất, thiếu tập trung. Về biên chế công chức: Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Nghị định số 21/2010/NĐ-CP, trên cơ sở tổng biên chế công chức do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền quyết định giao biên chế và thực hiện quản lý biên chế công chức đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định giao biên chế, chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện và quản lý biên chế được giao trong phạm vi địa phương quản lý. Biên chế sự nghiệp công lập ở địa phương giai đoạn 2011 - 2015 do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chủ động quyết định theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng dân dân và Ủy ban nhân dân. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định theo phân cấp tại Nghị định số 29/2013/NĐ-CP, dẫn đến tình trạng không thống nhất giữa các địa phương trong việc quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (ví dụ: Quảng Ngãi: tối đa 3 người; Hà Giang tối đa 5 - 7 người; Hòa Bình tối đa 13 người...). Sự thiếu thống nhất và khác nhau về số lượng còn thể hiện ở chỗ có địa phương xác định số người hoạt động không chuyên trách của tổ chức đảng, đoàn thể, có địa phương không xác định.
Nhiều địa phương chưa thực hiện đúng quy định của Trung ương về rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước. Một số địa phương còn để số lượng cấp phó vượt quy định, tỷ lệ lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên; chưa chủ động đề xuất, kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung các văn bản không phù hợp với thực tế địa phương. Chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến việc củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã, phường. Tình trạng phổ biến là dồn nhiều việc cho cấp thôn, bản, tổ dân phố, làm tăng nhiều người hoạt động không chuyên trách, tăng chi phí, chính quyền cơ sở xa dân... Cá biệt có địa phương có tình trạng bổ nhiệm nhiều người nhà vào các chức danh lãnh đạo, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Hai là, việc thực hiện quy định về quản lý biên chế ở một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm.
Việc xây dựng kế hoạch biên chế hằng năm ở các bộ, ngành, địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Bên cạnh nhiều bộ, ngành, địa phương sử dụng đúng hoặc ít hơn số biên chế được giao thì vẫn còn có bộ, ngành, địa phương sử dụng nhiều hơn số biên chế được giao. Theo Báo cáo của Chính phủ, tính đến hết năm 2016, vẫn còn có 3/15 bộ có tổng cục sử dụng nhiều hơn số biên chế được giao và 2/15 bộ có sử dụng nhiều hơn số biên chế được giao tại các vụ, cục trực thuộc. Ở các địa phương, việc sử dụng vượt quá số biên chế được giao vẫn còn xảy ra ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương tăng nhanh (năm 2016 là 2.093.313 người, tăng so với năm 2011 là 121.736 người (tăng 5,8%), mặc dù thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị nhưng số biên chế sự nghiệp vẫn tăng 5.401 người (tăng 0,24%), trong đó tăng mạnh ở các đơn vị sự nghiệp thuộc các bộ, ngành ở Trung ương. Tình trạng sử dụng lao động hợp đồng làm công việc chuyên môn không đúng quy định tại các bộ, ngành, địa phương vẫn diễn ra khá phổ biến. Theo số liệu tổng kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, số lượng người làm việc theo hợp đồng lao động ký theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ở các bộ, ngành, địa phương vượt chỉ tiêu được giao đến 45.152 người (tăng 56,75% so với năm 2015).
Đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, mặc dù Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28-5-2013, yêu cầu “tăng cường kiêm nhiệm công việc, khoán quỹ phụ cấp để giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách... Mỗi thôn, tổ dân phố có một số chức danh (không quá 3 người) được hưởng phụ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước”, nhưng trên thực tế có rất ít địa phương thực hiện đúng quy định này (thường bố trí từ 5 - 7 người, có địa phương bố trí tối đa đến 13 người); nhiều địa phương chưa thực hiện chế độ kiêm nhiệm một số chức danh ở thôn, tổ dân phố. Thực tế này dẫn đến số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố tăng.
Ba là, cơ cấu cán bộ công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Mặc dù việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng công chức, viên chức đã được thực hiện trên cơ sở yêu cầu vị trí việc làm, nhưng cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhiều bộ, ngành, cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân tỉnh chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng bị động, hụt hẫng giữa các thế hệ cán bộ. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; số lượng chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và tương đương trong một số ngành, lĩnh vực còn chiếm tỷ lệ thấp; đội ngũ chuyên gia đầu ngành còn ít, chưa có nhiều chuyên gia đủ khả năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoạch định chính sách pháp luật và giải quyết những vấn đề pháp lý đặt ra trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, số lượng chuyên viên cao cấp và tương đương, chuyên viên chính và tương đương hiện nay chiếm tỷ lệ tương ứng là 0,8 % và 9,2 % so với tổng số công chức, viên chức của Bộ và hệ thống thi hành án dân sự, chưa tương xứng với yêu cầu và tính chất, vị trí công việc(3). Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn tư tưởng làm việc theo kiểu bao cấp trước đây, không có tính cạnh tranh, thiếu động lực để làm việc, suy giảm đạo đức, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu, tham nhũng, lãng phí.
Bốn là,việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, không theo đúng quy định và chưa đạt mục tiêu đề ra.
Chủ trương tinh giản biên chế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện thống nhất, đồng bộ trên cả nước, tạo cơ sở quan trọng cho việc xác định và quản lý biên chế. Tất cả các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai quán triệt nội dung tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Quyết định số 2218/QĐ-TTg; đã tiến hành việc rà soát, đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiện có để xác định được số lượng người cần giữ lại làm việc lâu dài, ổn định và những người không đáp ứng được yêu cầu cần tinh giản, tuy nhiên mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu, chưa thực chất và chưa đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, từ khi triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP đến hết năm 2016, đa số các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế của bộ, ngành, địa phương từ năm 2015 - 2021 và của từng năm, dẫn đến tình trạng đề xuất tinh giản biên chế không theo quy định (định kỳ 2 lần/năm).
Năm là, việc xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm còn nhiều khó khăn, vướng mắc và tính khả thi không cao.
Việc xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm là một trong những cơ sở quan trọng để thực hiện tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đúng người, đúng việc, tránh “phình” bộ máy, tăng biên chế. Tuy nhiên, thực tế xây dựng vị trí việc làm tại các bộ, ngành, địa phương cho thấy còn chậm và gặp nhiều vướng mắc. Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính ở địa phương chậm được bộ, ngành ở Trung ương phê duyệt và hướng dẫn cụ thể cho từng ngành. Đề án vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ hoàn toàn vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Các quy định pháp luật hiện hành về xây dựng và triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm có tính khả thi không cao, khó thực hiện và cần phải được đánh giá lại để hướng dẫn sát thực tế hơn. Việc xây dựng khung năng lực của vị trí việc làm cũng mang tính chất định tính và bị chi phối bởi số lượng, chất lượng, kỹ năng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có. Do đó, khi xây dựng Đề án vị trí việc làm ở các bộ, ngành, địa phương chủ yếu là căn cứ vào biên chế hiện có để mô tả, hợp thức hóa các công việc đang thực hiện và căn cứ vào khối lượng công việc để đề xuất bảo toàn số lượng biên chế hiện có, chứ chưa hoàn toàn xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ để lựa chọn cán bộ, công chức.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tinh giản biên chế
Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, hệ thống in-tơ-nét, sự mở rộng của không gian mạng đang tạo ra những phương thức và không gian tương tác mới giữa các cơ quan nhà nước với người dân, thúc đẩy sự giao lưu, kết nối thông tin, giao thoa văn hóa trong và ngoài nước, tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng là thách thức lớn đối với tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trong việc bảo đảm và phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với việc tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo mô hình quản trị mới phù hợp, hoạt động hiệu lực và hiệu quả nói chung và trình độ chuyên môn, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nói riêng.
Thứ nhất, xây dựng hệ thống tiêu chí cụ thể phù hợp về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động quản lý, quy mô phát triển,... để xác định tổng biên chế của các bộ, ngành, địa phương, tránh việc áp đặt bình quân đồng loạt giữa các bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, giao cho bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc giao, bố trí, tinh giản biên chế, tái cơ cấu thuộc phạm vi quản lý của mình để tạo sự chủ động, sát với tình hình, yêu cầu thực tế tại bộ, ngành, địa phương. Việc xây dựng cơ cấu, số lượng biên chế đội ngũ cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính nhà nước phải gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khối lượng công việc, phạm vi, tính chất của công việc.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nhưng phải bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và thu hút những người có đức, có tài; gắn với khoán kinh phí chi thường xuyên. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo Đề án vị trí việc làm, bảo đảm thực hiện nghiêm yêu cầu của Trung ương về vấn đề này; coi đây là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Thứ ba, đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, bảo đảm đánh giá đúng, khách quan, công bằng, công khai về kết quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng cào bằng, nể nang trong đánh giá. Xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá kết quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức để làm cơ sở xác định đối tượng cần tinh giản một cách khoa học, chính xác, thuyết phục. Nghiên cứu việc thực hiện chế độ tuyển dụng, hợp đồng có thời hạn đối với tất cả công chức, viên chức và người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, khắc phục tâm lý vào Nhà nước là yên tâm trọn đời trong biên chế./.
--------------------------------------------------------------------
(1) Trên thực tế, Nghị định số 21/2010/NĐ-CP giao Thủ tướng Chính phủ thực hiện phê duyệt tổng biên chế công chức
(2) Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22-10-2009, và Nghị định số 29/2013/NĐ-CP, ngày 08-4-2013, của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
(3) Báo cáo số 57/BC-BTP, ngày 28-2-2017, của Bộ Tư pháp
Nguyễn Thanh Giang
Bộ Nội vụ
Theo Tạp chí Cộng sản