Thứ Năm, 19/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 28/4/2010 9:4'(GMT+7)

Đại đoàn kết dân tộc - nguồn sức mạnh vô địch bảo đảm thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Xe tăng quân giải phóng trên đường phố Sài Gòn ngày 30-4-1975- Ảnh tư liệu

Xe tăng quân giải phóng trên đường phố Sài Gòn ngày 30-4-1975- Ảnh tư liệu

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã một lần nữa khẳng định sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc. Sức mạnh đó có cội nguồn từ tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc ta trải qua mấy ngàn năm lịch sử, mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “… mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(*). Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thực sự được nhân lên gấp bội khi được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam-hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc.

Với đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng XHCN ở miền Bắc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã động viên đến mức cao nhất lực lượng nhân dân cả nước, kết hợp tiền tuyến lớn miền Nam với hậu phương lớn miền Bắc, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Kiên trì quan điểm cách mạng bạo lực, Đảng đã đề ra phương pháp cách mạng đúng đắn. Đó là sử dụng sức mạnh tổng hợp, bao gồm lực lượng vũ trang nhân dân và lực lượng quần chúng rộng rãi; tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nông thôn phát triển chiến tranh cách mạng; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy; đánh địch trên cả 3 vùng chiến lược, bằng 3 mũi giáp công; kết hợp 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích); với phương châm chiến lược là đánh lâu dài, nhưng phải biết tạo thời cơ mở những cuộc tiến công chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến tranh để giành thắng lợi cuối cùng…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân đã đoàn kết một lòng, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống đánh giặc của cha ông, dũng cảm, mưu trí, đoàn kết, phối hợp cùng các lực lượng khác tìm ra được các cách đánh rất sáng tạo, đưa nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam lên đến đỉnh cao. Cán bộ, chiến sĩ quân đội ta càng chiến đấu, càng trưởng thành về mọi mặt, thực sự là lực lượng nòng cốt, quyết định cùng toàn dân đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, các đơn vị chủ lực, bằng một loạt trận tiến công Quân binh chủng hợp thành, đập tan các tập đoàn phòng thủ của địch bảo vệ Sài Gòn, đã làm cho chúng hoang mang cực độ và đi đến tan rã; bộ đội địa phương, dân quân du kích đã tích cực đánh địch khắp nơi, tiêu diệt và làm tan rã nhiều đồn bốt giặc, hỗ trợ cho lực lượng quần chúng nổi dậy giành chính quyền, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở… Lực lượng chính trị của quần chúng đã nổi dậy mạnh mẽ trên nhiều địa bàn, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến đồng bằng, với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt và có sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang nên đã tạo ra sức mạnh tổng hợp để đập tan ngụy quân, đánh đổ hoàn toàn ngụy quyền, giành thắng lợi cuối cùng cho cách mạng.

Có thể nói, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một bức tranh đại đoàn kết dân tộc rất sinh động. Toàn thể dân tộc Việt Nam đã kết thành một khối vững chắc không gì có thể phá vỡ nổi; trong đó, Đảng, lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân luôn đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhau. Đảng tin vào dân, dân tin vào Đảng; quân với dân một ý chí, cả nước đồng lòng, toàn dân ra trận, tất cả vì mục tiêu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Để phát huy được sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất ở hai miền, lấy liên minh công nông làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Theo đó, ở miền Bắc, tháng 9 năm 1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập. Mặt trận tập hợp lực lượng toàn thể người Việt Nam tán thành đưa miền Bắc đi lên CNXH và đấu tranh thống nhất đất nước. Mặt trận đã phát huy được sức mạnh đoàn kết của 17 triệu nhân dân miền Bắc cho công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ miền Bắc XHCN; đồng thời, đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, chi viện đắc lực sức người, sức của cho chiến trường miền Nam; phát huy vai trò quyết định của miền Bắc XHCN đối với công cuộc giải phóng miền Nam.

Ở miền Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập ngày 20-12-1960, đã chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và nhân sĩ, trí thức yêu nước… nhằm đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai của chúng; thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Dựa chắc vào khối liên minh công nông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận đã phát triển lực lượng ngày càng sâu rộng trong quần chúng cơ bản của cách mạng, cả ở thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi. Mặt trận coi việc đấu tranh cải thiện dân sinh, tự do, tự chủ, hòa bình, trung lập là những mục tiêu phù hợp để thu hút các tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên, tín đồ các tôn giáo… vào cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Với cương lĩnh đúng đắn, chương trình hành động thiết thực, hình thức, phương pháp tập hợp lực lượng, tổ chức đấu tranh phong phú, uyển chuyển, Mặt trận đã tập hợp được ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân đoàn kết, đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Nhờ đó, nhân dân ta dù ở thành thị hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi đều hết lòng, hết sức ủng hộ cách mạng.

Chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất ở hai miền với những mục tiêu, thành phần, phương thức hoạt động khác nhau là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ trương đó thể hiện sự thấm nhuần sâu sắc Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và CNXH. Mặt trận dân tộc thống nhất trên cả hai miền đã thực sự tập hợp, động viên được mọi lực lượng, mọi cá nhân… có ý thức dân tộc, có tinh thần yêu nước, chống Mỹ, tham gia vào cuộc chiến đấu cho mục tiêu chung là đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc. Trên cơ sở đề ra đường lối đúng đắn, Đảng ta luôn coi việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận; không ngừng củng cố khối liên minh công nhân, nông dân, trí thức vững mạnh; thực hiện những sách lược mềm dẻo, linh hoạt nhằm tranh thủ, trung lập những lực lượng có thể tranh thủ và trung lập được; phân hóa, cô lập triệt để những lực lượng chính trị phản động, những tên đầu sỏ, ngoan cố nhất trong hàng ngũ địch… làm cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc tăng lên không ngừng, thực sự là sức mạnh vô địch, bảo đảm cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Hiện nay, đất nước ta đã hòa bình, thống nhất; cả nước đang tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những bài học về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn còn nóng hổi. Hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục nêu cao truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự lực, tự cường, xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; thực hiện toàn dân đoàn kết một lòng, biến mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành hiện thực, để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

Đại tướng Lê Văn Dũng
Bí thư TW Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
______________________________

(*): Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H.2000.tr.171.

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất