Để đạt chuẩn quốc gia, trường đại học phải có 80% số sinh viên năm cuối
hài lòng về chương trình đào tạo và môi trường học tập, nghiên cứu khoa
học của cơ sở giáo dục đại học.
Đây là một trong những tiêu chí để xếp loại trường đại học theo Quy định
chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học vừa được Bộ Giáo dục và
Đào tạo công bố.
Các cựu sinh viên của ba khóa tốt nghiệp gần nhất cũng sẽ được lấy ý
kiến và phải có 80% ý kiến hài lòng về tính thực tiễn của chương trình
đào tạo, về khả năng thích nghi của sinh viên tốt nghiệp với môi trường
công tác. Số mẫu lấy ý kiến ít nhất là 10% số lượng sinh viên tốt nghiệp
và không ít hơn 50 phiếu cho mỗi khóa đào tạo.
Không chỉ sinh viên, người sử dụng lao động cũng sẽ tham gia đánh giá về
chất lượng đào tạo. Theo đó, một trường đại học đạt chuẩn quốc gia hạng
một phải có 70% người sử dụng lao động được lấy ý kiến có tuyển dụng
sinh viên tốt nghiệp trong 3 năm gần nhất hài lòng về chất lượng sinh
viên tốt nghiệp. Số mẫu lấy ý kiến ít nhất là 10 người cho mỗi lĩnh vực
đào tạo.
Trường cũng phải có 70% số sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với
chuyên môn được đào tạo sau một năm kể từ khi tốt nghiệp.
Ngoài tiêu chí về khả năng tìm việc, sự hài lòng của sinh viên, nhà
tuyển dụng, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn nêu nhiều tiêu chí khác đối với
cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia.
Các tiêu chí đó là về đất đai, cơ sở vật chất và thiết bị, đội ngũ giảng
viên, nghiên cứu viên và cán bộ quản lý, chương trình đào tạo và hoạt
động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ và hợp tác quốc tế, tài
chính, kiểm định chất lượng giáo dục, kết quả xếp hạng.
Cụ thể, về đất đai, diện tích đất cơ sở giáo dục đại học được giao ít
nhất 25m2/1 sinh viên, diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo
ít nhất 3m²/1 sinh viên.
Về đội ngũ, giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy ít nhất 80% khối lượng kiến thức của mỗi chương trình đào tạo.
Tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu xác định theo ngành đào tạo đảm bảo
không quá 10 sinh viên/giảng viên đối với nhóm ngành nghệ thuật, thể dục
thể thao; 15 sinh viên/giảng viên đối với nhóm ngành y-dược và 20 sinh
viên/giảng viên đối với các nhóm ngành khác.
Giảng viên cơ hữu và nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ chiếm ít
nhất 40% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu đối với cơ sở giáo
dục đại học định hướng nghiên cứu, 25% đối với cơ sở giáo dục đại học
định hướng ứng dụng và 10% đối với cơ sở giáo dục đại học định hướng
thực hành.
Riêng đối với ngành, chuyên ngành đào tạo theo định hướng nghiên cứu của
các cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu tỷ lệ này không
thấp hơn 50%.
Đối với cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, tỷ lệ giảng viên,
nghiên cứu viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư trong tổng số giảng
viên, nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ chiếm ít nhất 30%.
Về chương trình đào tạo, phải có ít nhất 10% thời lượng của chương trình
đào tạo dành cho hoạt động giảng dạy, báo cáo chuyên đề, tọa đàm chuyên
môn, hội thảo với sự tham gia của các giảng viên thỉnh giảng, báo cáo
viên có uy tín hoặc kinh nghiệm thực tế ở trong nước hoặc nước ngoài.
Về tái chính, trường phải đảm bảo ít nhất 80% chi thường xuyên, Đảm bảo
ít nhất 50% chi đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, bồi dưỡng nâng cao
năng lực giảng viên, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác...
Để được xếp loại, cơ sở giáo dục đại học xây dựng báo cáo tự đánh giá
căn cứ vào các tiêu chuẩn quy định, gửi hồ sơ đăng ký công nhận đạt
chuẩn quốc gia về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ định một tổ chức kiểm định chất lượng giáo
dục có uy tín và kinh nghiệm kiểm định triển khai đánh giá, kiểm tra
thực tế tại các cơ sở và báo cáo kết quả về Bộ. Căn cứ trên kết quả này
và hồ sơ đăng ký của trường đại học, Bộ sẽ xem xét việc công nhận cơ sở
giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 9/11/2015./.
Theo TTXVN