Thứ Hai, 23/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 31/5/2015 16:7'(GMT+7)

Đại học Quốc gia Hà Nội: Thí sinh hứng thú với phương thức thi mới

Thí sinh đến dự thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 30/5. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Thí sinh đến dự thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 30/5. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Tỷ lệ thí sinh đến dự tuyển trong ngày đầu diễn ra kỳ thi rất cao, đạt hơn 95,5% đối với thí sinh thi bài thi Đánh giá năng lực, hơn 90% với thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ.

Theo Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, đây là tỷ lệ cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, cũng có nhiều thí sinh dự thi nhưng không "mặn mà," vì xác định tham gia chỉ để lấy kinh nghiệm, để thử sức trường thi, thử với hình thức thi mới và để có thêm một cơ hội nếu không đỗ nguyện vọng chính.

Thi vì hứng thú với phương thức mới

Dự thi Đại học Quốc gia nhưng mục tiêu trọng tâm trong năm 2015 của thí sinh Nguyễn Tùng Anh (Hà Nội) là chinh phục cánh cổng trường… Học viện Cảnh sát nhân dân.

Chia sẻ về lý do đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội, Tùng Anh cho biết em cảm thấy rất hứng thú với hình thức thi tuyển sinh đại học online của đơn vị này, một hình thức thi hoàn toàn mới mẻ và lần đầu tiên có ở Việt Nam. Bên cạnh đó, đề thi lại yêu cầu kiến thức toàn diện, cũng là một thử thách với thí sinh.

“Em rất tò mò không biết một kỳ thi như thế phòng thi sẽ như thế nào. Nhưng thi xong em thấy không khác lắm so với thi học kỳ ở trường,” Tùng Anh nhận định. 

Giải thích rõ hơn về nhận định của mình, Tùng Anh cho biết, các cán bộ coi thi rất nghiêm túc. Trong khi làm bài, các thí sinh cũng không ai trao đổi, ai cũng tập trung cho bài làm của mình. 

Tuy nhiên, khi hết giờ, các thí sinh có thể nói chuyện thoải mái hơn do khi đó, bài thi đã chốt và có trao đổi cũng không thay đổi được bài làm. “Điều này làm cho không khí trường thi rất thoải mái, không quá căng thẳng như em nghĩ, làm giảm áp lực cho thí sinh,” Tùng Anh nói.

Tuy nhiên, cậu học trò Thủ đô cũng không phủ nhận việc đi thi với mục đích thử sức cũng là một trong những nguyên nhân khiến áp lực tâm lý của mình nhẹ nhàng hơn.

Thử sức với phương thức thi mới cũng là lý do đăng ký dự thi bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội của thí sinh Nguyễn Đức Mạnh. Mạnh cho biết, em không có ý định học tại các trường thành viên của Đại học Quốc gia nhưng rất ủng hộ phương thức thi trực tuyến, biết kết quả ngay. 

“Thí sinh nào thi xong cũng muốn biết luôn kết quả điểm chính xác thay vì phải chờ đợi và tự đoán già đoán non như các kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học hàng năm. Ngay khi biết thông tin về kỳ thi mới mẻ này, em đã nghĩ phải đăng ký tham gia để trải nghiệm, cũng là để tập dượt cảm giác thi cử trước kỳ thi quốc gia,” Mạnh chia sẻ.

Thí sinh xếp hàng trước khi vào phòng thi. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)


Thêm phương án dự phòng

Năm nay, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ kỳ thi đại học theo hình thức ba chung sau 13 năm liên tục duy trì. 

Mặc dù được tự quyết việc tuyển sinh nhưng hầu hết các trường đại học, cao đẳng đều xét tuyển dựa trên điểm Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia do Bộ tổ chức hoặc xét theo học bạ bậc trung học phổ thông.

Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị duy nhất trong số hơn 400 trường đại học, cao đẳng tổ chức kỳ thi hoàn toàn độc lập với bài thi Đánh giá năng lực để tuyển đầu vào. Lịch thi vào tháng 5 và tháng 8, không trùng với Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. 

Vì thế, theo nhiều thí sinh, đây thực sự là một cơ hội để tập dượt thi cử, vừa để có phương án dự phòng trong trường hợp điểm Kỳ thi quốc gia không cao và cơ hội vào các trường khác thấp.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Anh (Bắc Ninh) dự thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia nhưng ngôi trường em hướng đến là Đại học Dược Hà Nội. “Em cũng còn phụ thuộc vào điểm kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Nếu điểm không đủ cao để đăng ký Đại học Dược, phương án hai của em là… Đại học Ngoại thương. Tuy nhiên, em vẫn dự thi Đại học Quốc gia Hà Nội để có thêm cơ hội,” Ngọc Anh cho biết.

Đi thi với mục tiêu dự phòng nên với nhiều thí sinh, tâm lý khá thoải mái.

Mặc dù không làm được hẳn một phần thi đến 40 câu hỏi trên tổng số 140 câu do lỡ tay chọn nhầm trong phần thi tự chọn nhưng thí sinh Kiều Thị Mai Anh (Hà Nội) cũng không quá lo lắng, căng thẳng khi rời phòng thi.

“Đáng lẽ chọn phần khoa học tự nhiên thì em lại click nhầm sang khoa học xã hội. Vì không phải môn sở trường nên em chỉ còn biết tích bừa,” Mai Anh kể.

Tuy nhiên, cô học trò Thủ đô cũng không vì thế mà quá căng thẳng bởi mục tiêu chính của em là Khoa Toán của trường Đại học Sư phạm. “Em chỉ thi ở đây để rèn tâm lý thi cử, đồng thời nếu kết quả tốt thì mình cũng có thêm lựa chọn khi không đỗ Đại học Sư phạm,” Mai Anh nói.

Theo lịch thi của Đại học Quốc gia Hà Nội, đợt một của kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2015 vào các trường thành viên của đơn vị này sẽ diễn ra đến hết ngày 2/6.

Điểm thi bài thi Đánh giá năng lực của tất cả các thí sinh sẽ được công bố vào ngày 6/6. Điểm bài thi môn Ngoại ngữ sẽ được công bố sau một tuần. Chậm nhất là ngày 29/6, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ công bố danh sách thí sinh trúng tuyển vào từng ngành học./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất