Thông thường là vậy, nhưng mùa xuân này có điều đặc biệt. Thứ nhất, đây là mùa xuân thứ 80 của Đảng. Thứ hai, từ mùa xuân này đến mùa xuân sau là bước chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XI của Đảng, Đại hội được coi là một cột mốc quan trọng đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới với sự bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991. Thứ ba, mùa xuân này là một điểm nhấn quan trọng cho Đại lễ ngàn năm Thăng Long- Hà Nội. Thứ tư, mùa xuân này mở đầu cho năm thứ tư thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, một Đảng đạo đức, văn minh. Thứ năm, mùa xuân này lập thành tích cao nhất dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người...
Chúng ta có nhiều lý do để mùa xuân này nói chuyện “trồng người” nhưng “điểm nhấn” là việc “trồng đội ngũ cán bộ”. Bởi vì, “cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng” như Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa X (1-2009) đã khẳng định. Nói chuyện “trồng đội ngũ cán bộ” thì lúc nào cũng cần thiết, nhưng nói vào thời điểm 80 mùa xuân của Đảng là rất hợp thời. Hội nghị lần thứ 11 (khoá X) của Đảng (10-2009) tiếp tục khẳng định “lấy xây dựng kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Sự phát triển bền vững của đất nước dựa trên thế “kiềng ba chân” đó, Đảng ta xác định “công tác xây dựng Đảng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng và có ý nghĩa sống còn đối với Đảng với chế độ ta”.
Chúng ta đều biết, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong đó. Cán bộ là tinh hoa của dân tộc. Số lượng đảng viên, cán bộ không nhiều so với dân tộc, nhưng có vị trí quan trọng và có vai trò quyết định mọi việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Xây dựng Đảng, quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ. Khi nói chuyện với cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh nêu câu hỏi: “Đảng là gì?” Và Người trả lời: “Đảng là mỗi chúng ta. Đảng lớn lên là do mỗi chúng ta lớn lên”.
“Trồng đội ngũ cán bộ” để lớn lên là công việc vừa lâu dài vừa cấp bách. Lâu dài vì đội ngũ cán bộ sẽ đồng hành cùng mỗi bước phát triển của cách mạng. Cấp bách vì trong những năm qua, bên cạnh mặt mạnh và ưu điểm, đội ngũ cán bộ còn nhiều mặt yếu kém, khuyết điểm. Đó là “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, thoái hóa biến chất, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thiếu tự giác rèn luyện phấn đấu, thiếu tinh thần đồng chí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và kịp thời xử lý. Tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp” không giảm. Những biểu hiện tiêu cực trên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả, thậm chí có mặt còn nghiêm trọng hơn đã làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ”.
Kinh tế suy giảm, sớm hay muộn, chậm lắm là vài chục năm, có thể khôi phục được. Tổn thất, thiệt hại, mất mát về kinh tế, có thể dần dần lấy lại được. Nhưng một khi lòng tin giảm sút, dẫn tới mất lòng tin- đặc biệt là lòng tin của nhân dân với Đảng- là mất tất cả. Bài học về đại tá Trần Dụ Châu trong kháng chiến chống Pháp là một ví dụ điển hình. Nếu không kịp thời giải quyết theo cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công bố rộng rãi để nhân dân cả nước biết được thì có nguy cơ mất lòng tin của quân đội, của nhân dân đối với Đảng và chế độ.
Mùa xuân Canh Dần 2010, kỷ niệm Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 80 tuổi, nói chuyện “trồng người” xin có mấy điều tâm sự.
Trước hết, “trồng đạo đức”. Đó phải là những cán bộ có đạo đức theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đạo đức là gốc của cán bộ. Mọi việc thành hay bại đều chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không. Ý nghĩa “gốc” của đạo đức là “từ đó sinh ra”. Có gốc vững chắc và gốc mục ruỗng. Gốc vững thì cách mạng thành công, gốc không vững thì cách mạng thất bại.
Suy giảm đạo đức làm cho gốc yếu có nhiều biểu hiện, nhưng hiện nay có mấy vấn đề nổi lên rất đáng quan ngại. Một là nạn “mua chức bán quyền” diễn ra nghiêm trọng. Ở không ít nơi, công tác cán bộ dường như bất lực, không thể ngăn chặn, vì “những người mua chức bán quyền không báo cho những cán bộ có trách nhiệm trong công tác cán bộ”(!?). Hai là, thiếu tinh thần và đùn đẩy trách nhiệm trong công việc, tranh công đổ lỗi, vô cảm trước đời sống nhân dân. Ba là, nói một đường, làm một nẻo, rất ít tấm gương để nhân dân tin tưởng, noi theo. Bốn là, cán bộ chủ chốt, đứng đầu thiếu gương mẫu, chưa làm cho “dân tin, dân phục, dân yêu”. Năm là, có biểu hiện “kéo bè kéo cánh” của những cán bộ kém hoặc trung bình, tiêu cực, cô lập cán bộ thẳng thắn, trung thực, có tài có đức... Những căn bệnh này cần phải được tiêu diệt tận gốc thì “cây trồng mới xanh tươi, ra hoa kết trái được”.
Thứ hai, “trồng năng lực, trí tuệ”. Phải đào tạo đội ngũ cán bộ “làm nghề gì giỏi nghề đó”, “làm nghề gì cũng phải học” như Bác Hồ đã dạy. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ chiến lược. Quá nhấn mạnh bằng cấp là không nên. Nhưng không có bằng cấp gì theo nghĩa đã được đào tạo ở chuyên môn đó mà vẫn phụ trách, quản lý, lãnh đạo lại càng không nên. Chúng ta không thiếu những người giỏi chuyên môn, có đạo đức, chỉ thiếu cách nhìn, tầm nhìn, trọng và dụng những con người đó.
Phải đào tạo những cán bộ có tầm nhìn đại dương, tư duy toàn cầu. Công việc giờ đây là công việc của một “thế giới phẳng”, không chỉ là chuyện riêng của Việt Nam hay bất kỳ một quốc gia nào. Thiếu một đội ngũ cán bộ có tầm nhìn xa trông rộng thì không thể nói sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Hàng đầu của vấn đề trí tuệ là đổi mới tư duy. Sau hơn hai mươi năm đổi mới, Việt Nam không còn đất cho tư duy cũ theo kiểu chỉ thích tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm các vấn đề xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; chỉ thấy thành tích mà không thấy khuyết điểm; chỉ thấy nguyên nhân khuyết điểm là do khách quan mà không nhận thức được yếu kém thuộc năng lực chủ quan; chỉ thấy ngoại lực mà không biết phát huy nội lực; chỉ thích hình thức mà không chú trọng nội dung; chỉ thấy lãnh đạo, cán bộ mà không thấy quần chúng; chỉ nói mà không làm; chỉ thấy tập thể mà không thấy cá nhân... Phải sớm loại bỏ những kiểu tư duy đó khỏi đội ngũ cán bộ của thế kỷ XXI.
Thứ ba, “trồng bản lĩnh”. Đã là cán bộ thì phải có bản lĩnh, mà hàng đầu là dám chịu trách nhiệm. Sau 80 năm, Đảng không thể chấp nhận những loại cán bộ “nhát gan, dễ bảo,” “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách; những loại cán bộ trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi, theo gió bẻ buồm. Ngược lại, phải đào tạo những cán bộ phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc, có gan phê phán cái xấu, cái ác, cái sai; có gan nhận khuyết điểm, tìm rõ nguyên nhân vì đâu sinh ra khuyết điểm đó và tìm mọi cách sửa chữa khuyết điểm đó. Biết và dám nhận khuyết điểm và tìm cách sữa chữa là một giá trị. Cán bộ cần phải có bản lĩnh vượt qua chính mình. Đây là điều khó nhất. Nói thì dễ, làm thì khó. Tự mình không cần, kiệm, liêm, chính mà yêu cầu người khác làm thì thật vô lý. Báo chí đã đề cập tới chuyện có cán bộ lãnh đạo yêu cầu cán bộ cấp dưới tự xét mình, nếu không đủ đức đủ tài thì vui vẻ rời khỏi các vị trí lãnh đạo, nhưng lại trừ mình ra, không nói tới mình.
Trong bối cảnh thế giới ngày nay, rất cần những cán bộ không tham quyền cố vị, có bản lĩnh từ chức, dám từ chức. Trước hết những cán bộ đó phải nhận thức được rằng, chức vụ họ đảm nhận là do nhân dân ủy thác. Khi nhân dân ủy thác thì phải gắng sức làm cũng như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ tự thấy tài không xứng với chức vụ mình đảm nhận thì phải vui vẻ từ chức. Văn hóa từ chức là một khía cạnh của văn hóa chính trị theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ Việt Nam cần phải học tập có chọn lọc kinh nghiệm các nước. Văn hóa xin lỗi là cần thiết. Nhưng không chỉ có dừng lại ở xin lỗi trước dân. Cần tự mổ xẻ chính mình và một khi tự thấy mình không còn uy tín trước nhân dân thì vui vẻ xin từ chức. Đó là một hành động mang tầm vóc của một giá trị lớn.
Thứ tư, “trồng cách làm việc”. Cách làm việc tốt nhất của cán bộ là đi đúng đường lối quần chúng, từ bỏ cách quan liêu. Đi đúng đường lối quần chúng là đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân và giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo.
Từ mùa xuân thứ 81, nếu Đảng “trồng” được một đội ngũ cán bộ như thế thì chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng sẽ sớm hoàn thành được mục tiêu đề ra, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, sải bước cùng thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu./.
PGS, TS. Bùi Đình Phong