Chủ Nhật, 29/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 14/5/2011 16:24'(GMT+7)

Đảng Cộng sản Việt Nam với vấn đề nông dân và phát triển nông nghiệp trong tiến trình cách mạng

Bác Hồ tát nước chống hạn với nông dân

Bác Hồ tát nước chống hạn với nông dân

1. Nông dân và nông nghiệp thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Muốn tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo quỹ đạo cách mạng vô sản, Đảng Cộng sản - đội tiền phong của giai cấp công nhân và của dân tộc “phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến. Đảng phải làm cho các đoàn thể thợ thuyền và dân cày (công hội, hợp tác xã) khỏi ở dưới quyền lực và ảnh hưởng của bọn tư bản quốc gia”[1]. Sau 15 năm đấu tranh gian khổ, thực hiện Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, với đường lối chính trị đúng đắn, với sách lược linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam đã thành công vào mùa Thu năm 1945. Cùng với thắng lợi vĩ đại đó, “Đảng giải phóng công nhân và nông dân thoát khỏi ách tư bản” ngoại bang và giai cấp phong kiến, thoát khỏi kiếp đời lầm than, nô lệ, trở thành chủ nhân của nước Việt Nam độc lập.

Tuy nhiên, một nước Việt Nam mới, non trẻ đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Nạn đói, nạn dốt và nạn ngoại xâm, đang từng ngày, từng giờ đe dọa vận mệnh của quốc gia. Trong tình thế hiểm nghèo đó, thấm nhuần quan điểm của Ph.Ănghen: “Trước hết con người cần phải có ăn, uống, ở, mặc, trước khi lo đến chuyện làm chính trị, khoa học, nghệ thuật và tôn giáo[2], Chính phủ do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp. Trong “Thư gửi nông gia Việt Nam” năm 1946, Hồ Chí Minh khẳng định: “Loài người ai cũng "dĩ thực vi tiên" (nghĩa là trước cần phải ăn); nước ta thì "dĩ nông vi bản" (nghĩa là nghề nông làm gốc). Dân muốn ăn no thì phải giồng giọt cho nhiều. Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp. Vậy chúng ta không nên bỏ hoang một tấc đất nào hết. Chúng ta phải quý mỗi tấc đất như một tấc vàng… Hiện nay chúng ta có hai việc quan trọng nhất: cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam. "Thực túc" thì "binh cường", cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện "tấc đất, tấc vàng" thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó”[3].

Những năm sau đó, mặc dù vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Chính phủ cũng đã từng bước tiến hành giảm tô, giảm tức, thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng” cho nông dân. Năm 1949, cuộc kháng chiến chống giặc Pháp đã chuyển sang giai đoạn mới, cùng với việc quan tâm đến nông dân và phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó có việc ký sắc lệnh giảm tô 25% để bồi dưỡng sức của nông dân, cơ quan Trung ương của Nông hội Việt Nam cũng đã được chính thức thành lập, trở thành nơi tập hợp lực lượng nông dân, nâng nguồn sức mạnh của giai cấp nông dân, góp sức cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Để tiến hành kháng chiến, Chính phủ đã huy động mọi nguồn nhân lực, vật lực để phục vụ chiến trường. Người từng nói: "Trong vệ quốc quân và bộ đội địa phương, dân quân du kích số đông là nông dân. Tăng gia sản xuất để nuôi bộ đội, nuôi công nhân và công chức, là nông dân... Nói tóm lại nông dân là lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thực sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân”[4]. Hơn nữa, để có thể động viên nguồn nhân lực, tất yếu phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân (trong đó đông đảo nhất là nông dân), thì một trong những chính sách cơ bản của Đảng và Chính phủ là phải từng bước đem lại ruộng đất cho nông dân. Vì vậy, dù điều kiện chiến tranh rất ác liệt, đi lại khó khăn, nhưng kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá I vẫn được triệu tập, đã thảo luận, bổ sung, sửa đổi, và ngày 4/12/1953, và thông qua Luật cải cách ruộng đất, “xoá bỏ chế độ phong kiến và chiếm hữu ruộng đất...thực hiện người cày có ruộng”[5].

Sau khi Quốc hội thông qua Luật cải cách ruộng đất, trên cơ sở thí điểm từng bước, rút kinh nghiệm thực tế, với tinh thần: “Đã tán thành kháng chiến thắng lợi thì phải tán thành chính sách ruộng đất. Không có nước đôi”, và triển khai làm nhiều đợt, Cải cách ruộng đất ngay trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến đã kịp thời đem lại ruộng đất cho nông dân, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần đẩy mạnh và kết thúc cuộc chiến.

2. Nông dân và nông nghiệp trong thời kỳ thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cải cách ruộng đất tiếp tục được thực hiện và cơ bản hoàn thành việc “xoá bỏ hẳn chế độ chiếm hữu phong kiến về ruộng đất và giải phóng sức sản xuất ở nông thôn”. Mười mấy triệu nông dân đã thoả lòng mơ ước, đã được chia ruộng đất. Tiếp đó, cả nước đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Từng nói rằng: Nước ta là một nước nông nghiệp. Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính. Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở để phát triển công nghiệp, nên quan tâm phát triển nông nghiệp, coi sản xuất nông nghiệp là một trong hai chân của nền kinh tế nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ kêu gọi nông dân tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, mà còn quan tâm đến việc phòng chống lụt, bão, vấn đề chống hạn, vấn đề cải tiến kỹ thuật, v.v..đặc biệt là củng cố và phát triển phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở miền Bắc.

Song thực tế ở miền Bắc giai đoạn này, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp lẽ ra phải được tiến hành từ thấp đến cao, từ tổ đổi công (có mầm mống xã hội chủ nghĩa), tiến lên hợp tác xã cấp thấp (nửa xã hội chủ nghĩa), rồi tiến lên hợp tác xã cấp cao (xã hội chủ nghĩa). Nhưng vì nóng vội, chủ quan, duy ý chí, vì chạy theo số lượng, đưa nông dân vào hợp tác hóa nhanh, gọn; đơn giản coi việc làm cách mạng về quan hệ sản xuất là xóa bỏ chế độ tư hữu, xác lập chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa (toàn dân và tập thể), là biến sản xuất nhỏ thành sản xuất lớn, v.v..nên sản xuất nông nghiệp không những không phát triển, mà ngược lại, sản xuất nông nghiệp thời kỳ này bị trì trệ, lương thực thiếu trầm trọng. Đời sống nhân dân khó khăn, và đời sống của nông dân càng khó khăn hơn rất nhiều, kể cả sau khi miền Nam được giải phóng, cả nước thống nhất và đi lên CNXH, song vấn đề lương thực vẫn rất khó khăn. Sản xuất nông nghiệp vẫn chưa phát huy được “vị thế quan trọng” của mình trong nền kinh tế nước nhà, và ở một góc độ nào đó, giai cấp nông dân dường như vẫn chưa thể gắn kết chặt chẽ trong liên minh công-nông-trí.

Sau đó, từ việc “nhận thức” lại vị trí và vai trò của sản xuất nông nghiệp, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V, 3/1982 đã khẳng định: “Tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”. Tuy nhiên, những năm này, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng về việc “coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu” chưa triệt để, nên sản xuất nông nghiệp tăng chưa đáng kể, đời sống nhân dân nói chung và đời sống người nông dân vẫn rất khó khăn. Đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng.

3. Đảng với vấn đề nông dân và nông nghiệp thời kỳ đổi mới

Năm 1986, cùng với việc quyết định thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, Đảng ta đã nhấn mạnh vị trí đặc biệt quan trọng của sản xuất nông nghiệp: “Chính yêu cầu cấp bách về lương thực, thực phẩm, về nguyên liệu sản xuất hàng tiêu dùng, về hàng xuất khẩu quyết định vị trí hàng đầu của nông nghiệp"[6],và khẳng định vị thế của người nông dân. Cùng với việc kiên quyết bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, tập trung sức người, sức của vào việc thực hiện ba chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, chủ trương đổi mới và phát huy triệt để vai trò chủ động của nông dân, phấn đấu đưa nông nghiệp nước ta trở thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá xã hội chủ nghĩa,v.v.. sản xuất nông nghiệp đã đủ đáp ứng nhu cầu lương thực của nhân dân, có dự trữ và bắt đầu xuất khẩu gạo (năm 1990). Đời sống của nhân dân cả nước, trong đó có nông dân đã khởi sắc.

Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp từ sau năm 1986, đặc biệt sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 10, có tác dụng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và góp phần làm cho đời sống nông dân có những chuyển biến rõ rệt. Tiếp theo đó, một loạt các chỉ thị, nghị quyết, nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn của Bộ Chính trị, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) của các Bộ, Tổng cục, các ngành, các địa phương có liên quan về ruộng đất đối với nông dân, giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất, như Luật đất đai được Quốc hội thông qua năm 1987, như Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng (6/1996) khẳng định chủ trương: "Thực hiện tốt" chính sách giao đất, giao rừng, ngăn chặn và khắc phục tình trạng nông dân không có ruộng đất sản xuất, giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, các dịch vụ cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, …Giúp đỡ nông dân phát triển các hình thức kinh tế hợp tác. Có chính sách bảo hộ sản xuất cho nông sản”[7],v.v..và đặc biệt là Hội nghị lần thứ sáu (lần I) Ban chấp hành Trung ương Đảng, khoá VIII (17/10/1998) về kinh tế - xã hội năm 1999 và phát triển nông nghiệp, nông thôn, Nghị quyết số 06/NQ/TW (10/11/1998), khoá VIII: Về một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn,v.v..cùng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật đất đai 1993 được Quốc Hội thông qua, đã đáp ứng yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế nước ta nói chung và nền nông nghiệp nước ta nói riêng.

Tiếp đó, Đại hội lần thứ IX (4/2001) của Đảng đã khẳng định vai trò của nông dân trong quá trình đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp CNH-HĐH. Và để phát huy vai trò của nông dân, ngày càng thể hiện rõ sự đổi mới tư duy trong cách nhìn, cách đánh giá về vai trò của nông dân trong sự nghiệp đổi mới, Đảng và Nhà nước tiếp tục có chủ trương, chính sách nhằm ra sức bồi dưỡng sức dân ở nông thôn, thực hiện tốt các chính sách về ruộng đất, phát triển nông nghiệp toàn diện, tiêu thụ nông sản hàng hoá, phát huy lợi thế từng vùng, giúp đỡ vùng khó khăn; phân bố dân cư theo quy hoạch, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí xây dựng nông thôn mới[8].

Tiếp tục tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 (khóa X): "Nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế -xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI khẳng định: “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa lớn, đẩy mạnh thâm canh sản xuất lúa…phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp”[9].

Nghị quyết cũng nêu rõ: “Phát triển giao thông nông thôn, đảm bảo đường ô tô tới các xã thông suốt bốn mùa và từng bước có đường ô tô đến thôn, bản”[10], để “khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Tăng nhanh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia… Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác đi đôi với việc bảo đảm lợi ích của người trồng lúa và địa phương trồng lúa. Trên cơ sở quy hoạch vùng, bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ và giống phù hợp với nhu cầu thị trường và giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Phát triển các hình thức bảo hiểm phù hợp trong nông nghiệp. Đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến, bảo quản; ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học để tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình sản xuất đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, tăng nhanh giá trị gia tăng trên một đơn vị đất canh tác”[11], đồng thời, “Xây dựng và phát huy vai trò của giai cấp nông dân, nâng cao trình độ giác ngộ giai cấp, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích nông dân học nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, tiếp nhận và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; nâng cao chất lượng cuộc sống để giai cấp nông dân thực sự là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới”[12].

Những nội dung thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết, trong từng quyết sách, thể hiện bước hoàn thiện căn bản tư duy của Đảng về vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp và nông dân, và đi liền cùng đó là huy động, tập hợp, phát huy vai trò của giai cấp nông dân trong thời kỳ mới; khẳng định vai trò, mối quan hệ chặt chẽ giữa nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong sự nghiệp CNH, HĐH nước nhà, vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

TS. Hoàng Thanh Mai

Đại học Nông nghiệp Hà Nội



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.3, tr.3

[2] Mác-Ănghen, Tuyển tập, Nxb. Sự thật, H, 1962, t.2, tr. 264

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.114-115

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.710

[5] Quốc Hội khóa I, Văn bản chính kỳ họp thứ 3, 1/12-4/12/1953, tr.135

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb, ST, H, 1987, tr.48

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam,Vãn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. CTQG, H, 1996, tr. 123 - 124.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb, CTQG, H, 2001, tr.125

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb, CTQG, H, 2011, tr.120

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb, CTQG, H, 2011, tr.121

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb, CTQG, H, 2011, tr.113-114

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb, CTQG, H, 2011, tr.49

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất