Chủ Nhật, 29/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 14/5/2011 16:24'(GMT+7)

Hướng tới nền kinh tế “cao cấp”

Cha ông ta đã dạy “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”. Có thể hiểu một cách nôm na lời dạy trên như sau:

Không làm nông nghiệp thì xã hội không thể ổn định, nên an ninh lương thực phải là vấn đề hàng đầu.

Cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội tiềm ẩn từ những năm 70, bùng phát trong thập kỷ 80, kéo dài đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước có nguyên nhân quan trọng hàng đầu là thiếu lương thực; việc thoát ra được cuộc khủng hoảng này cũng bắt đầu từ việc coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, lương thực là trọng điểm số một và Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo với khối lượng lớn, đứng hàng đầu thế giới.

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu mới đây đã tác động xấu đến nước ta về nhiều mặt, trong đó có lao động, việc làm. Nhưng cũng nhờ có nông nghiệp nên đã góp phần sớm khắc phục tình trạng mất và thiếu việc làm ở nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và nhóm ngành dịch vụ. Dù nông nghiệp quan trọng như vậy, nhưng cũng chỉ đưa đến đủ ăn. Muốn giàu thì phải làm công nghiệp, bởi công nghiệp tạo ra nhiều giá trị gia tăng, tạo ra tích luỹ nhiều hơn để tái sản xuất mở rộng nhanh hơn, mạnh hơn.

Chẳng thế mà đến năm 2010, số lao động làm trong nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm 22,4%, nhưng đã tạo ra được trên 41,1% GDP, nhờ vậy mà năng suất lao động của khu vực này cao gấp trên 5 lần của khu vực nông, lâm nghiệp - thuỷ sản, gấp 1,3 lần của khu vực dịch vụ. No đủ, giàu, nhưng phải thông qua buôn bán mới năng động, linh hoạt; chẳng thế mà các nước đang phát triển giỏi lắm thì xuất siêu hàng hoá, nhưng lại thường phải nhập siêu dịch vụ, còn các nước phát triển thì thường nhập siêu hàng hoá, nhưng lại xuất siêu dịch vụ để hưởng lợi từ “cánh kéo” tỷ giá thông qua việc cho vay vốn, hưởng lợi từ giá nhân công rẻ, giảm ô nhiễm môi trường,...

Dù đã no đủ, đã giàu có, năng động, nhưng phải có tri thức thì đất nước, xã hội cũng như sự no đủ, giàu có đó mới hưng thịnh, bền vững lâu dài.

Nền kinh tế hiện đại, dựa trên hiểu biết, với tầm nhìn rộng, gọi là nền kinh tế tri thức. Nền kinh tế dựa trên tri thức là nền kinh tế “cao cấp” hơn hẳn các nền kinh tế dựa trên các yếu tố khác, như nền kinh tế dựa trên khai thác tài nguyên, nền kinh tế dựa trên việc tăng số lượng vốn, nền kinh tế dựa trên việc tăng số lượng lao động phổ thông, giản đơn.

Nền kinh tế dựa trên việc khai thác tài nguyên thì trong điều kiện tài nguyên Việt Nam có nhiều loại, nhưng trữ lượng không nhiều, sẽ cạn dần,... Nền kinh tế dựa trên việc tăng số lượng vốn thì trong điều kiện thu nhập còn thấp, sản xuất trong nước vẫn chưa đủ đầu tư và tiêu dùng, tiết kiệm/GDP thấp hơn đầu tư/GDP vẫn còn phải nhập siêu lớn và vay nợ nước ngoài, tích luỹ nội bộ còn nhỏ,..., thì nợ nần sẽ gia tăng, hiện đã ở mức trên dưới 50% GDP.

Nền kinh tế dựa trên việc tăng số lượng lao động thì bây giờ số lượng lao động còn tăng một vài phần trăm một năm, nhưng cũng chỉ một vài thập kỷ nữa sẽ không còn tăng, thậm chí còn bị giảm như nhiều nước hiện nay. Việt Nam được dự báo là tỷ lệ người già thuộc loại tăng nhanh. Nền kinh tế dựa trên tri thức, thì nguồn cung cấp sẽ vô tận- càng khuyến khích, càng sử dụng, càng tôn vinh, thì tri thức càng nhiều thêm, giàu có hơn, sắc sảo hơn, do tri thức được sinh ra, đẻ ra những tri thức mới,...

Kinh tế tri thức sẽ làm cho nền kinh tế phát triển theo chiều sâu, tăng trưởng kinh tế có chất lượng và bền vững.

Để phát triển kinh tế tri thức, các Văn kiện Đại hội XI cũng đã đưa ra nhiều mục tiêu trực tiếp hoặc các mục tiêu có tính chất trung gian- mặc dù khá cao, nhưng bức bách phải đạt được. Đưa tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế GDP của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) năm 2015 lên 31- 32%, năm 2020 lên 35%, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 25- 27% hiện nay, tức là giảm tỷ trọng đóng góp của hai yếu tố là tăng số lượng vốn đầu tư và tăng số lượng lao động từ 73- 75% hiện nay xuống còn 68- 69% vào năm 2015 và còn 65% vào năm 2020.

TFP bao gồm hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, trên cơ sở khoa học- công nghệ. ICOR hiện ở mức 6,1 lần trong thời kỳ 2006- 2009 sẽ được giảm xuống còn khoảng 5 lần trong thời kỳ 2011- 2015 và 2011 - 2020- tức là nâng cao được hiệu quả đầu tư.

Năng suất lao động năm 2010 ước đạt khoảng 2.202 USD/người - mục tiêu đến năm 2015 sẽ cao gấp rưỡi, tức là đạt khoảng 3030 USD/người. Về khoa học- công nghệ, ngay ngành công nghiệp chế biến mà tỷ trọng các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến hiện nay cũng mới chiếm khoảng 20%, thấp xa so với tỷ lệ 36 - 40% của một số nước trong khu vực.

Chính vì vậy, các Văn kiện Đại hội XI đã đề ra mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao đến năm 2015 lên 35%, đến năm 2020 lên 45%. Sản phẩm công nghệ cao là sản phẩm có hàm lượng công nghệ chiếm tỷ trọng lớn trọng toàn bộ giá trị sản phẩm, là kết tinh của trí tuệ và đòi hỏi người sản xuất cũng phải có trình độ kỹ thuật - công nghệ mới sử dụng và tạo ra được.

Để đạt được những mục tiêu này, thì phải coi khoa học - công nghệ là động lực, giáo dục- đào tạo là chìa khoá.

Về giáo dục chung, chủ yếu là giáo dục phổ thông, được thể hiện ở chỉ số phát triển con người (HDI): Mục tiêu đến năm 2020, HDI của Việt Nam sẽ thuộc mức trung bình cao của thế giới, trong điều kiện GDP bình quân đầu người chưa nằm trong tốp này thì cùng với tuổi thọ bình quân là tỷ lệ biết chữ của Việt Nam và tỷ lệ hoàn thành các cấp học cần phải cao lên, nhưng quan trọng hơn là sự nâng cao chất lượng giáo dục.

Mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo theo Văn kiện Đại hội XI, đến năm 2015 là 55% và đến năm 2020 lên 70%, là những mục tiêu rất cao, một phần cũng nhằm để nâng cao trình độ tri thức cho người lao động. Văn kiện đề ra mục tiêu đưa số sinh viên/vạn dân đến năm 2020 lên 450 - cũng là một mục tiêu rất cao (gấp hơn 2 lần hiện nay), nhưng cũng nhằm phát triển kinh tế tri thức.

Các mục tiêu này có thể nói là rất cao, việc thực hiện được không dễ dàng. Nhưng dù sao đó cũng là những chỉ tiêu định lượng: nếu có vốn, có kinh phí đủ lớn thì vẫn dồn sức có thể đạt được. Điều quan trọng là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trên cơ sở “trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò”; quan trọng hơn là việc sử dụng tốt đội ngũ này. Đầu tư cho giáo dục, đào tạo là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho sự hưng thịnh và sự phát triển bền vững.

Theo Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất