Thứ Năm, 28/11/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 14/3/2016 21:38'(GMT+7)

Đài truyền hình không được liên kết sản xuất chương trình thời sự

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết tiến tới sẽ xóa bỏ quảng cáo trên chương trình thời sự. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết tiến tới sẽ xóa bỏ quảng cáo trên chương trình thời sự. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo giới thiệu Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình diễn ra chiều 14/3 tại Hà Nội.

Vào tháng 3 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20 về Quy chế quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình và quản lý nội dung trên dịch vụ trả tiền. 

Năm năm qua Quyết định này đã đạt được một số mục tiêu song còn chưa đủ và chưa theo kịp sự phát triển của lĩnh vực truyền hình trả tiền. Đây chính là lý do Nghị định số 06 được ra đời.

Theo ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong Nghị định số 06 có nhiều điểm mới trong việc quy định về hoạt động liên kết sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình so với Thông tư số 19/2009/TT-BTTTT ngày 28/5/2009.

Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không cấp đăng ký chứng nhận các chương trình liên kết mà quy định về vấn đề này sẽ được ghi trong hồ sơ xin cấp phép kênh truyền hình của các đài truyền hình. 

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định các đài truyền hình không được thực hiện hoạt động liên kết sản xuất chương trình đối với các chương trình phát thanh, truyền hình thời sự-chính trị; các kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền không vượt quá 30% trên tổng số kênh chương trình.

Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, việc không cấp phép các chương trình liên kết sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo đài truyền hình trong việc liên kết với đối tác. 

Bên cạnh đó, việc quy định tỷ lệ các kênh nước ngoài được phát sóng cũng khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ truyền tải các kênh truyền hình trong nước nhiều hơn. 

Về việc quản lý các kênh truyền hình Internet đang rậm rịch cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, ông Bảo cũng cho biết đây là vấn đề khó và đang được nghiên cứu kỹ lưỡng. Rất có thể trong tháng Tư, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ra văn bản hướng dẫn quản lý vấn đề này…

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, Nghị định 06 là văn bản điều chỉnh toàn diện hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình trên cả nước theo hướng thúc đẩy hình thành thị trường truyền hình phát triển bền vững và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. 

Nghị định cũng cho phép các đài truyền hình huy động nguồn lực xã hội để sản xuất các kênh truyền hình trong nước theo hình thức liên kết nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân, nhất là những chương trình liên quan tới lịch sử, văn hóa, xã hội…

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu xóa bỏ quảng cáo trong chương trình thời sự tổng hợp. Bên cạnh đó, việc cơ phải chịu trách nhiệm về chương trình liên kết sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí.

Về phía mình, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện việc hậu kiểm, xử lý nghiêm các cơ quan báo chí vi phạm. 

Theo thống kê đến hết 2015, cả nước có 31 đơn vị cung cấp dịch vụ với 73 kênh truyền hình và 9 kênh phát thanh trong nước. Số lượng kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập trên hệ thống truyền hình trả tiền là 40 kênh. 

Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền khoảng 9,9 triệu, trong đó số lượng thuê bao truyền hình cáp chiếm 80,8%. Tổng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền là 9.624 tỷ đồng, thu hút khoảng 9.500 lao động. 

Cả nước có tổng số 182 kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá, gồm 105 kênh chương trình truyền hình quảng bá, 77 kênh chương trình phát thanh, quảng bá. Đặc biệt có 6 kênh truyền hình hoạt động không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng, bao gồm Truyền hình VOV, Truyền hình Công an nhân dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình quốc phòng, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Nhân dân.../.

Theo VietNam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất