Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 2/9/2012 10:4'(GMT+7)

Đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp, Nhà nước

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long. (Ảnh: Đỗ Hải)

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long. (Ảnh: Đỗ Hải)

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, theo ông tại sao giá xăng dầu Việt Nam trong thời gian qua liên tục tăng?

Như chúng ta đã biết, xăng dầu hiện là mặt hàng nguyên nhiên liệu chiến lược, có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế đất nước; nó tác động đến rất nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Đặc biệt với Việt Nam, nhập khẩu đến trên 70% xăng dầu phục vụ cho nhu cầu trong nước cho nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào thị trường xăng dầu thế giới. Bên cạnh đó, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, sự hòa đồng giữa thị trường trong nước và thế giới như một bình thông nhau và sự hòa đồng về giá xăng cũng là lẽ bình thường.

Đặc biệt, đối với mặt hàng xăng dầu là mặt hàng hết sức nhạy cảm, yếu tố chính trị có tác động rất quan trọng đến sự tăng giảm của nó. Trong khi đó, tình hình chính trị trên thế giới lại có những diễn biến phức tạp, nhất là tại các nước có trữ lượng dầu lớn và cung cấp xăng dầu lớn cho thế giới nên đã tác động đến nguồn cung dầu, đẩy giá xăng dầu thế giới tăng. Do đó, sự biến động của giá xăng trong nước biến động trong thời gian gần đây là sự biến đông theo giá xăng thế giới.

Trong diễn biến giá xăng liên tục tăng trong thời gian qua, ông đánh giá như thế nào về vai trò điều hành của cơ quan nhà nước?

Theo Nghị định 84 của Chính phủ đã giao quyền cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự quyết định giá bán xăng dầu trong biên độ về giá từ 0 đến 7%. Nói như vậy không có nghĩa là Nhà nước hoàn toàn thả nổi, buôi lỏng quản lý khi doanh nghiệp tự định giá. Trong quá trình biên độ tăng từ 0 đến 7%, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề nghị lên các cơ quan chức năng và trên cơ sở đề nghị các cơ quan chức năng có quyết định tăng hay không, tăng bao nhiêu là quyền quyết định thuộc về các cơ quan quản lý.

Như vậy mặc dù nói là để cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự định giá bán nhưng thực tế vẫn phải chịu sự giám sát, kiểm tra rất chặt chẽ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là với Bộ Tài chính.

Qua những lần tăng giá vừa qua, không ít người đặt câu hỏi nghi ngờ các doanh nghiệp xăng dầu thiếu minh bạch, không chia sẻ khó khăn với người dân, chỉ biết tăng giá để tăng lợi nhuận. Là chuyên gia kinh tế, ông đánh giá như thế nào những nghi ngờ trên?

Thực tế trong thời gian qua, mỗi khi xăng dầu tăng người dân lại cho rằng lĩnh vực này còn độc quyền thích tăng thì tăng. Điều này hoàn toàn sai lầm. Sự công khai minh bạch của giá xăng dầu đã được thể hiện rất rõ qua giá cơ sở cộng với các yếu tố khác cũng rất rõ ràng cụ thể, nếu ai quan tâm đều có thể biết tường tận qua các quy định của Nhà nước. Trong những lần tăng xăng dầu gần đây, các doanh nghiệp đã phải hy sinh lợi nhuận của mình, thậm chí chấp nhận lỗ khoảng 300 đồng/lít để bán với mức giá như trên thị trường, đó chính là sự chia sẻ cho người tiêu dùng và xã hội. Cho nên, nói là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ nghĩ đến lợi nhuận, vun vén cá nhân là chưa đúng và oan cho họ.

Thưa ông, trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng như vậy tại sao Bộ Tài chính không giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để giảm áp lực giá lên người tiêu dùng?

Như chúng ta đã biết, giá xăng dầu bán trên thị trường được hình thành trên giá cơ sở bao gồm thuế, phí và các một số yếu khoản khác đã được công khai, minh bạch. Riêng thuế có ba loại là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Trong ba loại thuế này, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng điều chỉnh như thế nào là quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ; còn với thuế nhập khẩu Bộ Tài chính có quyền quyết định.

Còn vấn đề tại sao không giảm thuế nhập khẩu để giảm chi phí thì thời gian qua Bộ Tài chính đã rất linh hoạt trong việc tăng giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Điển hình như trong một thời gian dài Bộ Tài chính đã giảm mức thuế này xuống 0%; đồng thời không trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm kiềm chế giá xăng dầu tăng, chia sẻ khó khăn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang tiến đến thực hiện theo cơ chế thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, mặt khác nguồn thu trong nước suy giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên việc hạ thuế nhập khẩu xăng dầu chưa được tính đến. Mặt khác, chúng ta cũng biết, thuế là tiền đóng góp của dân và thu thuế cũng là để phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, do đó việc chưa hạ thuế cũng đã được các cơ quan chức năng tính toán kỹ, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và nhân dân cũng như hài hào giữa các nguồn thu trong bối cảnh hiện nay.

Trong thời gian qua trên thị trường kinh doanh xăng dầu đã diễn ra tình trạng lộn xộn và chất lượng tại nhiều cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh chưa được đảm bảo. Vậy trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?

Thực tế người dân cũng đã rất bức xúc về tình trạng găm hàng, chất lượng kém trên thị trường xăng dầu. Nghị định 84 của Chính phủ đã quy định rất rõ chức năng nhiệm vụ của từng bộ liên quan như Bộ Khoa học-Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, tuy nhiên mỗi khi thị trường xăng dầu xảy ra hiện tượng tiêu cực là người tiêu dung lại "nhắm thẳng" vào Bộ Tài chính để "quy tội". Với chức năng, nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính chỉ quản lý và điều hành về giá, còn các vấn đề thị trường, chất lượng xăng dầu không thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính./.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Hải
(thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất