Chủ Nhật, 22/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 16/12/2015 22:1'(GMT+7)

Dân số và phát triển bền vững ở Việt Nam

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức hội thảo "Dân số và phát triển bền vững ở Việt Nam". Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và TS. Lê Bạch Dương, chuyên gia UNFPA chủ trì hội thảo.

Hội thảo nhằm cung cấp thông tin góp phần định hướng công tác dân số trong thời gian tới cho cán bộ tuyên giáo và các cơ quan thông tấn báo chí khu vực phía Bắc.

Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình thường xuyên được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Các quan điểm, định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về chính sách DS-KHHGĐ; trong Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22-3-2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; trong Kết luận số 44-KL/TW ngày 1-4-2009 của Bộ Chính trị về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW.

Năm 2015, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW và trình Ban Bí thư vào tháng 11-2015. Qua việc tổng kết, đã thấy rất rõ các quan điểm chỉ đạo của Đảng được thể chế hóa, được tổ chức và triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả, nên coong tác dân số đã đạt được  nhiều thành tựu quan trọng.

Từ năm 2006 đến nay, nước ta đã duy trì tổng tỷ suất sinh ổn định trong khoảng 2,0-2,1 con( năm 2014 là 2,09 con). Với quy mô dân số và số người tăng thêm bình quân hàng năm như hiện nay, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu dân số không quá 93 triệu người vào năm 2015 và không quá 98 triệu người vào năm 2020, tiến tới ổn định quy mô dân số khoảng 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ 21. Chất lượng dân số đã từng bước được nâng lên với chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ 0,573 điểm năm 2005 lên 0,638 điểm năm 2013, xếp thứ 121/187 nước tham gia xếp hạng. Tuổi thọ của người Việt Nam tăng từ 72 tuổi năm 2005 lên 73,2 tuổi năm 2014 và hiện ở mức cao hơn so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Bùi Thế Đức nhấn mạnh, những thành công trên góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, thực hiện thắng lợi các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu, rộng với khu vực và thế giới, các cộng đồng kinh tế, chính trị, văn hóa chung đang được hình thành. Dân số Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu chưa từng có trong lịch sử phát triển nhân khẩu nói riêng và lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam nói riêng. Mức sinh và mức chết giảm đã làm cho Việt Nam chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số trẻ, bước vào thời kỳ cơ cấu dân số "vàng" đồng thời là giai đoạn "già hoá dân số". Các dòng di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ với cường độ lớn và số lượng người di cư ngày càng đông...

Bên cạnh những lợi thế của thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu, nhiều thách thức và những vấn đề mới nảy sinh trong công tác dân số có ý nghĩa quan trọng, có ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước cần phải quan tâm giải quyết. Đó là: Mức sinh biến động chưa ổn định và khoảng cách chênh lệch mức sinh giữa các khu vực chưa được khắc phục. Cơ cấu dân số có sự biến đổi nhanh chóng như mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao; Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng từ năm 2007, giá hóa dân số với tốc độ rất nhanh; tình trạng di cư diễn ra mạnh mẽ làm thay đổi cơ cấu và phân bố dân cư...

Việt Nam đã xác định "phát triển bền vững" là mục tiêu chiến lược của quốc gia. Hiện nay và trong tương lai, khi mức sinh đã giảm bền vững dưới mức sinh thay thế, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, trọng tâm của chính sách dân số cần phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh phát triển mới như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển việc làm có giá trị cao để tận dụng cơ cấu dân số vàng; phát triển hệ thống giáo dục và y tế phù hợp với cơ cấu dân số thay đổi mạnh mẽ; dân số già và an sinh xã hội; mất cân bằng giới tính khi sinh và hệ luỵ; di dân và chất lượng cuộc sống... Yếu tố dân số cần phải được giải quyết trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển bền vững. Việc chuyển đổi trọng tâm của chính sách số, từ kế hoạch gia đình sang dân số và phát triển bền vững là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc, ông Lê Bạch Dương cũng cho biết, việc giảm mức sinh, giảm tỷ lệ tử vong, tuổi thọ tăng của người dân Việt Nam khiến Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số, tính từ năm 2011. Việt Nam là một trong những quốc gia có mức già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực. Những thay đổi về nhân khẩu học này đòi hỏi Việt Nam phải có một cách thức tiếp cận mới trong các chính sách về dân số. Đó là từ góc độ phát triển chiến lược của quốc gia, chứ không chỉ bó hẹp trong các khía cạnh như kế hoạch hóa gia đình  hay chăm sóc sức khỏe cho người dân. Việt Nam hiện đang trong thời khắc phải cân nhắc và xác định đường hướng nào để đảm bảo sự phát triển bền  vững.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ các thông tin về: kết quả chủ yếu của Tổng điều tra dân số giữa kỳ năm 2014; dự báo mức sinh của Việt Nam từ năm 2015-2035; Tác động của cơ cấu tuổi của dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách; vấn đề già hóa dân số và chính sách; mất cân bằng giới tính khi sinh...

Các thông điệp được đưa ra tại hội thảo được đề cập là: khi lập kế hoạch phát triển xã hội, kinh tế và môi trường cho một quốc gia, các nhà hoạch chính sách cần phải tính đến tình trạng và xu hướng. Không thể có được các chính sách phát triển hiệu quả nếu không tính đến cơ cấu dân số, phân bổ dân số và dự báo  dân số. Vì vậy, các dữ liệu và bằng chứng về các xu hướng dân số là nguyên liệu quan trọng cho các chính sách kinh tế - xã hội. Cần đảm bảo rằng các biến số cần phải lồng ghép vào hoạt động lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các ngành, các cấp.

Việt Nam cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ chỉ tập trung vào kiểm soát mức sinh sang lồng ghép dân số vào công tác lập kế hoạch phát triển. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy Việt Nam không cần phải tập trung vào giảm hay kiểm soát dân số sau 10 năm duy trì mức sinh thay thế. Nếu Chính phủ tiếp tục chính sách giảm sinh, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng mức sinh quá thấp và điều  này có thể gây ra các tác động xấu tới quá trình phát triển bền vững như: thiếu lao động, già hóa dân số nhanh chóng gây thêm gánh nặng cho hệ thống bảo hiểm quốc gia và thu hẹp thị trường trong nước.

Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng kể từ năm 2010 trong đó cứ hai người trong độ tuổi lao động sẽ gánh một người ở độ tuổi phụ thuộc (0-14 và 65+). Tuy nhiên, cơ hội vàng sẽ không được tự động chuyển thành lợi tức cho nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cần ban hành các chính sách kịp thời, phù hợp để có thể tận dụng được các lợi thế của lực lượng lao động dồi dào bằng cách đầu tư vào thanh thiếu niên vì giai đoạn này dự kiến sẽ kết thúc sau năm 2041. Cần nỗ lực hơn nữa để giúp thanh thiếu niên phát huy được tối đa tiềm lực của mình  bằng cách hỗ trợ họ phát triển toàn diện, bao gồm cả sức khỏe sinh sản và tình dục.

Kết quả của Hội thảo là cơ sở giúp các cơ quan chức năng xác định một hướng đi mới cho đất nước ta trong quá trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất