Từ phân công trách nhiệm cụ thể...
Giai đoạn phát triển kinh tế của tỉnh Ðăc Lắc năm 2000 - 2005, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao. Vào thời điểm cuối năm 2005, số hộ nghèo là 90.247 hộ, chiếm 27,55%, tập trung ở các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, vốn đầu tư chủ yếu trông chờ ở sự cấp phát nhỏ giọt của ngân sách... Kết thúc giai đoạn giảm nghèo 2006-2010, Ðắc Lắc chỉ còn dưới 10% hộ nghèo, giảm hơn 54 nghìn hộ nghèo so với cuối năm 2005. Thành công đó là nhờ những hướng đi đúng đắn của tỉnh với chiến lược huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ trực tiếp từng thôn, buôn để xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Sau nhiều đợt khảo sát thực tế, Tỉnh ủy quyết định đổi mới phương pháp chỉ đạo và điều hành, kết hợp lồng ghép tất cả các chương trình, dự án đầu tư, tổng hợp nguồn lực của địa phương, tập trung vốn hoàn thành dứt điểm từng dự án và cuốn chiếu theo địa bàn, khắc phục tình trạng rải vốn, triển khai không đồng bộ, kéo dài thời gian, chất lượng công trình thấp... Nhất là cần phát huy được thế mạnh của từng tổ chức đoàn thể và sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội. Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội thôn, buôn; Nghị quyết số 57 ngày 14-12-2006 của HÐND tỉnh về chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2006-2010; Nghị quyết 09 của HÐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội các huyện đặc biệt khó khăn... cùng nhiều văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh với mười chính sách ưu đãi lớn cho người nghèo đã thể hiện sự quyết tâm, tập trung nguồn lực để xóa đói, giảm nghèo.
Các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở trong tỉnh đã phân công các thành viên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc... tại từng cụm xã; huy động cán bộ, đảng viên cùng vào cuộc, giao trách nhiệm cụ thể để mỗi đơn vị thực hiện xóa đói, giảm nghèo theo thế mạnh của mình. Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M'gar Lê Ðức Thắng cho biết: Ðoàn công tác liên ngành (gồm các phòng, ban, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội) của huyện thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ nghèo nhằm triển khai tốt các chính sách ưu đãi đúng nhóm đối tượng. Ðồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ để có hướng giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Qua những buổi đối thoại trực tiếp, người nghèo nắm được các chính sách ưu đãi Nhà nước dành cho mình, nhất là xác định rõ trách nhiệm của bản thân, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại. Ngoài ra, huyện còn phát động phong trào "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ tích cực của toàn xã hội. Cuộc vận động được các đoàn thể quần chúng xây dựng thành chương trình hành động cụ thể: Hội Chữ thập đỏ huyện đã quyên góp hỗ trợ hàng trăm con lợn, bò giống để các hộ nghèo có điều kiện chăn nuôi và tặng quà, làm nhà tình thương cho hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Ðoàn Thanh niên phối hợp với các đơn vị liên quan mở hàng chục lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng sắn, tre lấy măng, điều cao sản cho các hộ gia đình trẻ, nhận đỡ đầu, giúp đỡ hàng trăm gia đình thanh niên nghèo; Hội Phụ nữ các cấp vận động 149 hội viên có kinh tế khá, giúp hơn 150 hội viên nghèo vay gần 1,5 tỷ đồng không tính lãi hoặc với lãi suất thấp để đầu tư phát triển kinh tế... Bên cạnh đó, đã có hàng chục nghìn địa chỉ nhân đạo nhận được sự giúp đỡ, góp phần đưa hàng nghìn hộ thoát nghèo bền vững. Chính vì vậy, sau năm năm thực hiện Ðề án xóa đói giảm nghèo (2006-2010), cả huyện giảm được hơn 4.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 24% xuống còn dưới 10%...
... Ðến những việc làm nghĩa tình
Sau khi có chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy Ðắc Lắc phân công các cơ quan, đơn vị của tỉnh tiến hành kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động thành lập ban chỉ đạo, phân công đại diện cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của đơn vị trực tiếp xuống các buôn được phân công kết nghĩa phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát đánh giá đặc điểm, tình hình của buôn để làm cơ sở cho việc thực hiện chương trình kết nghĩa bảo đảm hiệu quả, thiết thực.
Ðến nay, đã có 161 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp tỉnh và các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố kết nghĩa với 141 buôn; 1.005 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học do huyện, thị xã, thành phố quản lý kết nghĩa với 463 buôn; 2.185 tổ chức đoàn thể, thôn xóm, tổ dân phố người Kinh kết nghĩa với 1.767 trong số 2.141 tổ chức, đoàn thể buôn người dân tộc thiểu số.
Từ những việc làm cụ thể đã làm chuyển biến nhận thức của người dân nghèo và tạo cho họ những động lực, hướng phát triển để thoát nghèo; đồng chí Nguyễn Thế Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Sô (huyện Ea Ca, tỉnh Ðắc Lắc) tâm đắc nói: Ðỡ đầu không có nghĩa là huy động tiền, của để bao cấp cho đồng bào. Trước đây, việc thăm hỏi, giúp đỡ bà con chỉ tập trung vào các dịp lễ, Tết thì nay các tổ chức, đoàn thể đã thường xuyên về từng thôn, buôn tìm hiểu nhu cầu của địa phương. Qua đó, giúp bà con phương tiện sản xuất, giống cây, con phù hợp và trực tiếp hướng dẫn từng hộ về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... Ông K'sơr BLok ở buôn Bir (buôn đặc biệt khó khăn của xã Ea Hiao, huyện Ea H'leo) tâm sự: Cho "con cá" hay "cần câu" mà không hướng dẫn cách thức sử dụng thì bà con cũng không thể làm ăn hiệu quả được. Ðã nhiều năm nay, nhờ có cán bộ phòng kinh tế, trạm khuyến nông huyện bám sát buôn, chỉ dẫn từng gia đình nuôi, trồng cây, con gì phù hợp với địa hình, diện tích để cho năng suất cao nhất. Vì vậy, cùng với sự hỗ trợ vốn của Nhà nước, bà con trong buôn nhanh chóng thoát nghèo và ít xảy ra tình trạng tái nghèo.
Ðồng chí Phan Xuân Lĩnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết: Ðể công tác kết nghĩa đạt hiệu quả, ngay khi nhận được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy đã thành lập Ban chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ sở, đơn vị; tuyên truyền, quán triệt mục đích, ý nghĩa của việc kết nghĩa, xây dựng bản cam kết, hướng dẫn việc tổ chức kết nghĩa có sự chứng kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương. Sau khi kết nghĩa, các đơn vị đã phân công cán bộ, đảng viên kết nghĩa với từng hộ cụ thể trong tổ, thường xuyên liên lạc với các tổ được phân công kết nghĩa để kịp thời nắm bắt tình hình, khó khăn, vướng mắc, nguyện vọng của bà con. Ðiều tra, khảo sát đời sống của người dân trong buôn để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa phù hợp với đặc thù của từng gia đình, tham mưu giải quyết kịp thời nhu cầu cấp bách về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, tình hình dịch bệnh, học hành... Với tinh thần trách nhiệm cao, các cơ quan, đơn vị đã chú trọng công tác hướng dẫn bà con cách làm ăn, phổ biến khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, nhiều đơn vị đã xây dựng được các mô hình trình diễn về thâm canh cây trồng, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao để đưa vào sản xuất, nhờ đó mà thu nhập của bà con đã được cải thiện đáng kể.
Chương trình xóa đói, giảm nghèo của tỉnh Ðắc Lắc đã đi vào chiều sâu, thu được kết quả khả quan với hơn 66 nghìn hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 10%. Diện mạo các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã thay đổi rõ rệt. Hệ thống điện, đường, trường, trạm cơ bản được hình thành. Tiếp tục thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phấn đấu trong 5 năm (2011-2015), giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới bình quân 3% mỗi năm.
Theo đó là các giải pháp trọng tâm như: Tăng cường đầu tư hơn nữa cho công tác giảm nghèo, tập trung vào đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ người nghèo, xã nghèo tạo cơ hội về phát triển sản xuất để thoát nghèo thông qua các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, hỗ trợ sản xuất, tín dụng ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm, khuyến nông, khuyến lâm; phát triển đa dạng các hoạt động dịch vụ đến tận thôn, buôn... Xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, mô hình liên kết doanh nghiệp với hộ nghèo, xã nghèo để phát triển kinh tế. Ðác Lắc sẽ lồng ghép tốt hơn các nguồn vốn giữa Trung ương với địa phương; giữa ngân sách với huy động trong dân để thực hiện có hiệu quả hơn chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, coi đây là giải pháp then chốt để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.../.
Bài, ảnh: Nguyễn Đình
(Nguồn: ND)