Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 6/2/2009 22:36'(GMT+7)

Chưa có tiêu chí cho việc phục dựng lễ hội

Lễ hội Chạy lợn.

Lễ hội Chạy lợn.

Theo giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, phục dựng lễ hội là một cách giáo dục con người biết quý trọng truyền thống dân tộc.

Năm 2008, nhiều lễ hội tưởng bị “xóa sổ” đã phục hồi mạnh mẽ như: Tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam), Chạy lợn (Phú Xuyên, Hà Nội), tế đàn Xã Tắc (Huế), Xên Mường (dân tộc Thái Đen), Xuống đồng (huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh)… Qua mỗi lần tái dựng, người dân lại có cơ hội thể hiện đặc trưng tín ngưỡng, những quan niệm sống, ứng xử và đạo đức, phong tục, tập quán cùng khát vọng cuộc sống. Lễ hội cũng là dịp để mỗi người thêm gần gũi, được sống giữa không khí chan hòa, đùm bọc.

GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam ủng hộ việc khôi phục lễ hội, bởi theo ông, bây giờ người dân có thể chưa hiểu rõ khái niệm một số lễ hội, nhưng nếu muốn nói về lịch sử Việt Nam, cần có dẫn chứng cụ thể thông qua lễ hội…

Tuy nhiên, Giáo sư Tô Ngọc Thanh cũng như phần đông các nhà nghiên cứu văn hóa nhận định, song hành với rất nhiều động thái tích cực để lễ hội diễn ra thêm long trọng, không ít lễ hội chưa chú trọng đến ý nghĩa văn hóa - lịch sử. Theo đó, mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại không được xử lý thích đáng, dẫn đến sự khập khiễng.

Theo GS Tô Ngọc Thanh, thời gian qua, Việt Nam du nhập nhiều loại hình văn hóa hiện đại mà quên mất tính truyền thống. Lấy ví dụ cụ thể về nghệ thuật chèo cổ, ông  tỏ ra tiếc nuối trước thực tế các đạo diễn lấy kịch nói để cải biên, cải tiến, tệ hơn khi pha chèo vào kịch, khiến chèo cổ không còn giữ được giá trị cũ.

Bảo tồn giá trị lịch sử của lễ hội
GS Ngọc Thanh cho rằng, điều quan trọng nhất là trong việc phục hồi lễ hội là cần phục hồi đúng nguyên gốc chứ không nên cải biên, cải tiến. “Cái gì của lịch sử thì trả lại cho nó”, ông nói.

Đồng tình với ý kiến này, nhiều đạo diễn lễ hội tỏ ra kén chọn trước khi gật đầu nhận lời thực hiện một dự án. Đạo diễn lễ hội Tịch điền, TS Quang Thắng phát biểu: “Có tích mới dịch nên trò. Khi bắt tay thực hiện, tôi không kén chọn quy mô sự kiện lớn hay nhỏ mà tìm tới những lễ hội giàu bản sắc và giá trị văn hóa, lịch sử, có ý nghĩa với đời sống”. Đạo diễn Lê Quý Dương lại nhận định, trữ lượng văn hóa ở Việt Nam rất lớn, điều quan trọng là có biết cách khai thác và phát triển hay không. Theo ông Quý Dương: “Festival Huế hằng năm mới chỉ khai thác 7-8% trữ lượng văn hóa Huế. Còn những vùng đất khác như Bình Định, Quảng Nam, Gia Lai... vẫn còn rất nhiều giá trị văn hóa chưa được đánh thức”.

Trước câu hỏi dựa vào tiêu chí nào để phục dựng lễ hội, ông Nguyễn Đạo Toàn - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT & DL), cho biết: “Hiện, nhiều nơi đang phục hồi những lễ hội bị mai một. Lễ hội Tịch điền phục dựng dựa trên cơ sở tư liệu nghiên cứu của Viện Văn hóa. Còn các lễ hội làng xã trước kia, các cụ làm thế nào, giờ ta làm lại. Trách nhiệm của cơ quan văn hóa địa phương là hướng dẫn để đừng có yếu tố mê tín dị đoan trong đó”. Cũng theo ông Toàn, nếu các lễ hội phù hợp và đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương, thì sẽ được nhân dân bảo tồn và phát triển.

Theo baodatviet.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất