Thứ Bảy, 23/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 3/2/2020 18:47'(GMT+7)

Đảng lãnh đạo - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của của cách mạng Việt Nam

Cờ hoa, khẩu hiệu được trang trí tại Trung tâm Hội nghị quốc gia chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Cờ hoa, khẩu hiệu được trang trí tại Trung tâm Hội nghị quốc gia chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

NHỮNG THẮNG LỢI VÀ THÀNH TỰU VĨ ĐẠI

Những năm đầu thế kỷ XX, trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, từ chủ nghĩa yêu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở học thuyết khoa học và cách mạng đó con đường cách mạng đúng đắn. Từng bước, với sự nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn sôi nổi, phong phú, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá lý luận Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, đồng thời cùng với các đồng chí của mình chuẩn bị những điều kiện về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức, cán bộ để thành lập một Đảng cách mạng chân chính.

Mùa xuân năm 1930, với vai trò và trách nhiệm trong Quốc tế cộng sản, với uy tín chính trị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng là kết quả tất yếu, là yêu cầu khách quan của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam và đó là công lao và sáng kiến vĩ đại của Nguyễn Ái Quốc...

90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Nhân dân và Dân tộc ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, xóa bỏ hoàn toàn chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta. Cách mạng Tháng Tám 1945 mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH). Tiếp đến là thắng lợi oanh liệt của các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.

Phát huy truyền thống đoàn kết trong đánh giặc cứu nước và kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm trong xây dựng CNXH ở miền Bắc khi còn chiến tranh cũng như những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, trải qua nhiều tìm tòi khảo nghiệm, tổng kết thực tiễn và tổng kết sáng kiến của Nhân dân, Đảng đã đề ra và lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN phù hợp với thực tiễn Việt Nam, phù hợp với bối cảnh quốc tế. Công cuộc đổi mới đã giành được thắng lợi to lớn, từng bước đưa đất nước quá độ lên CNXH. “Đây là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta"[2].

Gần 35 năm đổi mới, Đất nước ta vượt qua khủng hoảng kinh tế đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; diện mạo đất nước và đời sống của Nhân dân có nhiều thay đổi. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử đó “đã tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối lãnh đạo của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên CNXH ở nước ta  là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”[3].

Cùng với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng không ngừng thu được những kết quả đáp ứng với mong đợi của quần chúng nhân dân. Đảng ta ngày càng xứng đáng “là con nòi của dân tộc”. 90 năm xây dựng và phát triển, số lượng đảng viên không ngừng gia tăng, tổ chức Đảng không ngừng được củng cố và lớn mạnh. Từ Đại hội lần thứ I (1935) Đảng ta chỉ có khoảng 500 đảng viên, đến Cách mạng Tháng Tám 1945 có 5.000 đảng viên và đến Đại hội lần thứ XII (2016) Đảng ta đã có hơn 4,5 triệu đảng viên với lớp lớp cán bộ tiền phong, gương mẫu đã anh dũng phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cao cả của Đảng, để lại nhiều tấm gương sáng ngời trong lòng Nhân dân và Dân tộc. Sự hy sinh can trường của các đồng chí ấy đã tô thắm thêm màu cờ cách mạng của Đảng “xé tan cái màn đêm đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường cách mạng...”[4].  

ĐẢNG KHÔNG SỢ CÓ SAI LẦM VÀ KHUYẾT ĐIỂM, CHỈ SỢ KHÔNG CHỊU CỐ GẮNG SỬA CHỮA SAI LẦM VÀ KHUYẾT ĐIỂM

Đây là một đặc tính cách mạng của Đảng ta, là yếu tố căn bản, khiến cho Nhân dân ta mãi mãi tin yêu, đùm bọc, che chở và giao phó sứ mệnh lịch sử lãnh đạo đất nước cho Đảng. Thực tiễn trong 90 năm qua, có những lúc Đảng ta có những sai lầm, khuyết điểm, thậm chí có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Nhưng mỗi lần như vậy, Đảng đã nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, kịp thời “sửa đổi lối làm việc”, nêu cao tinh thần phê bình, tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chính đốn để củng cố niền tin đối với Nhân dân, tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ lịch sử.

Trong những năm đổi mới đất nước và tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những thuận lợi là muôn vàn những khó khăn, thách thức do tác động của mặt trái cơ chế thị trường và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, ảnh hưởng đến tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Trong Đảng, đã có một bộ phận không nhỏ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm nảy sinh những phần tử cơ hội chính trị, đe dọa tới sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Đứng trước hiện trạng ấy, Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, XII đã ban hành các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chỉ rõ những biểu hiện suy thoái để ngăn ngừa, giáo dục nâng cao chất lượng đảng viên; đồng thời, kiên quyết xử lý những sai phạm trong Đảng, khôi phục lại niềm tin của Nhân dân với Đảng.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Kết quả đó cho thấy, công cuộc chỉnh đốn Đảng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ với bất cứ đối tượng nào đang có biểu hiện suy thoái và làm suy yếu Đảng.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 135.816 tỷ đồng và trên 897 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.967 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 98 vụ việc, 121 đối tượng; tập trung hoàn thành thanh tra kiểm toán các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và các vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương.  

Hiện nay, khi Đảng ta đang triển khai công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, vẫn còn xuất hiện tình trạng một số cán bộ, đảng viên có chức có quyền đã không tập trung vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội ở cơ quan, địa phương mình, mà chỉ lo chạy chức, chạy quyền để có những vị trí cao ở nhiệm kỳ tới. Điều này đặt ra cho toàn Đảng phải chú trọng tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tệ cơ hội chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ năng lực phẩm chất, thực sự là “công bộc” của nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, cho dù: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân!”. Điều này, cũng thể hiện đúng phương châm, tôn chỉ và hành động của Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy từ rất sớm: “Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[5].

TIẾP TỤC PHẤN ĐẤU VÌ LỢI ÍCH CỦA NHÂN DÂN VÀ DÂN TỘC

Quá trình hoạt động lãnh đạo vô cùng phong phú, sôi động và hào hùng của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay đã để lại những bài học có ý nghĩa lý luận và giá trị thực tiễn sâu sắc, soi chiếu cho cả hiện tại và tương lai.

Một là, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây dựng nên. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Hai làthấm nhuần sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng luôn luôn được xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất của Đảng, đe dọa đối với vận mệnh của đất nước và của chế độ. Mọi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí minh: “Ngoài lợi ích của giai cấp, của Nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”[6]. Chỉ có như vậy, chúng ta mới xây dựng được một Đảng cầm quyền đáp ứng yêu cầu lịch sử mà Nhân dân tin tưởng giao phó.

Ba là, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế phải được thực hiện như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Chỉ có sự đoàn kết thống nhất trong Đảng mới khơi dậy được tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nhân dân và trong toàn dân tộc, làm cho sức mạnh của dân tộc ngày càng được nhân lên, trở thành sức mạnh to lớn của Đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lênin, với chí khí anh dũng của đội quân tất thắng, toàn Đảng ta đã đoàn kết, hãy đoàn kết giành những thắng lợi mới...”[7].

Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ, nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công cuộc đổi mới và hội nhập.

Năm là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan. Phải phòng và chống những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hoá, biến chất của cán bộ, đảng viên.

Những kinh nghiệm trên cũng là những giải pháp để Đảng ta kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với bối cảnh mới của tình hình thế giới và trong nước. Để khẳng định vị trí vai trò lãnh đạo của Đảng, hơn lúc nào hết Đảng cần phải phấn đấu không ngừng vì lợi ích của Dân tộc và Nhân dân, thực hiện đồng bộ một số nội dung căn bản:

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 23-CT/TW ngày 9-2-2018 của Ban Bí thư Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, gắn với Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị khóa XI về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 và Quy định số 285-QĐ/TW ngày 25-4-2015 của Bộ Chính trị khóa XI về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan Đảng, nhà nước, nhằm tạo môi trường khuyến khích và tôn trọng sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu lý luận chính trị; tiếp thu và sử dụng kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Coi đây là nội dung quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng về mặt tư tưởng, vừa có vai trò nền tảng, vừa có vị trí then chốt trong tình hình hiện nay.

Chú trọng công tác tư tưởng, gắn thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; triển khai toàn diện, sâu rộng Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam; trước hết, trong xây dựng đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thể chế, nguyên tắc tổ chức hoạt động của toàn hệ thống chính trị…

Mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục học tập nâng cao trình độ về mọi mặt để có đủ năng lực nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc và có hệ thống những di sản tư tưởng, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm nâng cao về nhận thức, trình độ, bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy… Thông qua đó, giúp mỗi người không chỉ hiểu đúng, sâu sắc và tin tưởng vững chắc vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng vào quá trình công tác và thực tiễn cuộc sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó mà còn góp phần trong tuyên truyền và bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh với các luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, cơ hội để thống nhất cao về ý chí, hành động, siết chặt đội ngũ, bảo vệ và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác tổ chức cán bộ, thực hiện chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội...; thực hiện nghiêm Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”; đẩy mạnh đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nêu cao tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật, cảnh giác đấu tranh ngăn ngừa và đẩy lùi tệ cơ hội chính trị trong Đảng.

Tự hào với những thắng lợi đã đạt được trong 90 năm xây dựng và lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc Việt Nam hướng về Đảng quang vinh, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới và công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cùng chung sức, chung lòng xây dựng một nước Việt Nam phát triển bền vững, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

ThS. Trần Ngọc Trường Giang

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ An Giang

_________________

[1][4][6][7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2011, t.12,  tr . 406, 401, 402, 420.

[2][3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H,2016, tr. 65, 66.

[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 301..

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất