Việc “Chào cờ và sinh hoạt tư tưởng dưới cờ” vào sáng thứ hai tuần đầu tiên của tháng tại tất cả các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, đơn vị trong tỉnh được thực hiện thường xuyên, nền nếp. Nội dung sinh hoạt tư tưởng dưới cờ được thực hiện đa dạng từ biểu dương người tốt, việc tốt, kể một câu chuyện về Bác đến thông tin thời sự nổi bật, từ đó đã có tác dụng thiết thực trong giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao tinh thần yêu nước và lòng tự hào về Đảng ta. Từ đó, nhắc nhở cán bộ đảng viên thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần làm chuyển biến tình cảm, nhận thức, thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với Tổ quốc trong thực thi nhiệm vụ.
Quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân của tỉnh được ban hành, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan thực hiện. Tỉnh Quảng Trị không thiết lập đường dây nóng nhưng với cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh gửi đến Tỉnh ủy; từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm đã tiếp nhận trên 600 lượt ý kiến phản ánh, kiến nghị, góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân gửi đến cơ quan Đảng, được Thường trực Tỉnh ủy lắng nghe và chỉ đạo giải quyết kịp thời nhiều vấn đề phát sinh, góp phần ổn định tình hình tư tưởng và dư luận xã hội ở địa phương.
CÔNG TÁC CÁN BỘ CÓ NHIỀU ĐỔI MỚI
Xác định đánh giá cán bộ là khâu khó, khâu yếu nhất trong công tác cán bộ như Văn kiện Đại hội XII đã chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị đã chỉ đạo xây dựng Quy chế đánh giá cán bộ, công chức diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý và Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ đối với các chức danh do Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trực tiếp nhận xét, đánh giá. Qua quá trình thực hiện cho thấy, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ có sự chuyển biến tích cực sau khi triển khai thực hiện Quy chế và Bộ tiêu chí. Với việc lượng hóa các tiêu chí, quy định rõ về nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo các địa phương, đơn vị và người đứng đầu đã góp phần đưa công tác nhận xét, đánh giá thực chất, hiệu quả hơn, khắc phục từng bước tình trạng hình thức, bệnh thành tích. Thực hiện yêu cầu “liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm” trong đánh giá cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang chỉ đạo thực hiện thí điểm việc đánh giá cán bộ công chức các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo sản phẩm, kết quả công việc hàng tháng. Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm nhân rộng trong toàn tỉnh.
Gắn với thực hiện các giải pháp về công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW; bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ trên tinh thần đúng người, đúng việc, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, khung năng lực vị trí việc làm, gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ và giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trên quan điểm chỉ đạo quyết liệt nhưng thận trọng, đi từng bước vững chắc, nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được ban hành, tạo cơ chế để các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện đúng định hướng, đảm bảo tiến độ đề ra. Từ đó, xác định lộ trình cụ thể để làm ngay đối với việc đã rõ, thí điểm những việc mới mà Nghị quyết yêu cầu. Trong đó, nhiều nội dung đã được khảo sát, đánh giá thực trạng trước nên thực hiện được ngay. Việc sắp xếp tổ chức, bộ máy nhận được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh.
Trong sắp xếp bộ máy, đã chọn các cơ quan khối Đảng thực hiện sắp xếp trước để nêu gương trong hệ thống chính trị. |
NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
Để xác định nhiệm vụ trọng tâm cho từng năm, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định chủ đề hàng năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Năm 2016 là năm đầu nhiệm kỳ, nhằm huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, chủ đề được chọn là “Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư”. Năm 2017, với chủ đề “Công tác cán bộ ” đã tập trung giải quyết khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt là công tác cán bộ. Năm 2018 là năm “Doanh nghiệp”để tập trung cho phát triển, khởi nghiệp doanh nghiệp. Năm 2019, với chủ đề “Trách nhiệm, kỷ cương, tăng tốc phát triển”, toàn tỉnh đã tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Đại hội Đảng bộ đã đề ra. Năm 2020, là năm cuối của nhiệm kỳ, Quảng Trị tập trung “Hành động quyết liệt, về đích toàn diện, tạo đà bứt phá”, triển khai thực hiện chủ trương “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới” và “Ngày thứ 7 vì các dự án động lực”.
Có thể khẳng định, nhờ xác định đúng, trúng những việc cần tập trung chỉ đạo đã tạo được những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội, nên tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng của tỉnh Quảng Trị trongnhững năm qua có nhiều điểm mới, điểm sáng, đem lại kết quả thiết thực, cụ thể.
Nhằm phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có sáng kiến tổ chức ký cam kết trách nhiệm của Ban Thường vụ và đồng chí Bí thư các huyện, thị, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Việc cam kết không phải là các nội dung chung chung mà định hướng, “đặt hàng” 3 - 4 đầu việc cụ thể, cấp bách nổi lên của Đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị cần tập trung giải quyết. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức ký cam kết trách nhiệm với cấp dưới, tạo ra hiệu ứng lan tỏa và đạt kết quả rõ nét, trước hết là sự chuyển động thực sự về kỷ cương kỷ luật, về tính chịu trách nhiệm của lãnh đạo các cấp các ngành trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Gắn trách nhiệm của tập thể với trách nhiệm người đứng đầu, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát, quyết liệt hơn; khắc phục đùn đẩy trách nhiệm.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều quy chế, quy định, quy trình giải quyết công việc như: Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng với cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh; Quy trình chỉ đạo xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân gửi đến Tỉnh ủy; Quy định về trách nhiệm của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và cách xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân... Trên cơ sở các quy định, quy trình mẫu này các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã ban hành đã ban hành các quy định, quy trình ở cấp mình, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan đảng, cải cách thủ tục hành chính trong Đảng.
Trong hơn 2 năm qua, kể từ khi thực hiện chủ trương ký cam kết, cùng với sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trên tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy tính chịu trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh đã có sự chuyển biến, tích cực, toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo sự chuyển biến của công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển của kinh tế-xã hội.
Năm 2019, tỉnh Quảng Trị có bước đột phá trong thu hút đầu tư, gần 30 dự án có quy mô lớn, với tổng vốn đầu tư trên 90.000 tỷ đồng đã được khởi công.
Năm 2019 cũng là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh hoàn thành toàn diện 24/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,72% - cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
|
Kết quả điều tra dư luận xã hội các năm 2018, 2019 cho thấy niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã tăng cao so với năm đầu nhiệm kỳ. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ tỉnh và kết quả của những chủ trương, cách làm mới, sáng tạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị trong công tác xây dựng Đảng, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Điều này cũng tạo đà cho thành công hơn nữa của công tác xây dựng Đảng của Quảng Trị trong thời gian sắp tới.
Hồ Đại Nam
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị