Thứ Năm, 5/12/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 25/1/2020 0:5'(GMT+7)

Năm bản lề

Cột cờ Lũng Cú - Hà Giang. (Ảnh minh họa)

Cột cờ Lũng Cú - Hà Giang. (Ảnh minh họa)

Chúng ta bước vào năm mới, thời kỳ mới với một hành trang không tồi: kinh tế phát triển cao, thậm chí đạt nhiều kỷ lục; giá cả, tiền tệ ổn định; an ninh - quốc phòng được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, chống tham những có những bước tiến quan trọng, niềm tin của nhân dân được tăng cường; công tác đối ngoại gặt hái nhiều thành quả… Những thành công ấy càng đáng ghi nhận trong tình hình thế giới cả về kinh tế lẫn chính trị - an ninh diễn biến hết sức phức tạp.

Năm 2019 để lại nhiều bài học quý báu giúp chúng ta vững bước tiến vào năm mới và những năm tiếp theo. Về phần mình, tôi xin chia sẻ vài cảm nghĩ riêng tư. Phải chăng đó là bài học bình tĩnh, tỉnh táo nắm bắt tình hình; tận dụng tối đa những cơ hội mới, đồng thời khôn khéo hóa giải những thách thức nẩy sinh; hành động quyết liệt, cơ động, linh hoạt và quyết liệt, tập trung vào những khâu then chốt trong sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lĩnh vực hoạt động và các thành tố trong hệ thống chính trị…

Nay là lúc nghĩ đến tương lai. Bản thân không có đủ thông tin và trí tuệ để đề xuất điều gì to tát mà chỉ có thể bày tỏ vài suy ngẫm và ước vọng riêng tư.

Căn cứ vào những gì đang diễn ra hiện nay có thể mường tượng rằng, tình hình thế giới cả về kinh tế lẫn chính trị - an ninh chí ít là trong năm tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, một số sự kiện cuối năm 2019 hé lộ khả năng hạ nhiệt trên một số vấn đề. Tốc độ phát triển kinh tế tuy vẫn thấp song xem ra chưa có nguy cơ trực tiếp của một cuộc suy thoái mới. Những sự việc như Mỹ - Trung ký thỏa thuận vòng đầu về giải pháp cho những tranh chấp thương mại, cuộc gặp Noócmăngđi giữa Nga- Pháp-Đức cùng Ucraina đưa tới vài biểu hiện hòa giải giữa Nga và Ucraina, cuộc gặp cấp cao Trung-Nhật-Hàn cho thấy xu hướng khôi phục hợp tác giữa ba nước Đông Bắc Á…

Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít ẩn số như quá trình “luận tội” Tổng thống và chiến dịch vận động bầu cử mới ở Mỹ chưa rõ sẽ thế nào; diễn biến của quá trình Brexit sẽ đi về đâu; tranh chấp thương mại, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc có đi tới hồi kết không; căng thẳng giữa phương Tây và Nga, nhất là cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Nga sẽ diễn biến ra sao; tình hình bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, Trung Cận Đông, Mỹ La-tinh còn ẩn chứa đựng nhiều ẩn số; chưa rõ các “luật chơi” về thương mại, đầu tư toàn cầu sẽ được điều chỉnh theo hướng nào…

Mường tượng về tương lai xa hơn, ta có thể hình dung thế giới sẽ thay đổi hẳn theo cả chiều thuận lẫn chiều nghịch dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nhiều vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, di dân, tội phạm xuyên biên giới, khủng bố, chủ nghĩa dân tộc, dân túy… sẽ gia tăng; xu thế toàn cầu, hội nhập kinh tế, hợp tác đa phương sẽ tiếp tục nhưng gặp nhiều trở ngại, không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện nhiều “luật chơi mới”; tương quan lực lượng giữa các nước, nhất là các nước lớn sẽ thay đổi đáng kể đưa tới những tranh chấp, kèn cựa phức tạp…

Riêng đối với nước ta, bên cạnh những thuận lợi của 35 năm đổi mới và những năm gần đây, trong những năm tới chúng ta sẽ phải đối mặt với một số tình hình mới. Đó là, những nhân tố phát triển theo chiều rộng cạn dần, đỉnh cao của thế hệ dân số vàng sẽ qua đi, quá trình già hóa dân số ngày càng đến gần, tài nguyên thiên nhiên của nước ta vốn đa dạng nhưng trữ lượng không quá lớn, than đá là tài nguyên phong phú nhất cũng đã cạn kiệt; tài nguyên đất và nước cũng không còn dư dật, thêm vào đó tình trạng biến đổi khí hậu gây tác động ngày càng dữ dội tới nước ta…

Tuy đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử song về trình độ phát triển nước ta mới ở mức thu nhập trung bình thấp, ở phía trước là cả một chặng đường phấn đấu gian khổ để có thể sánh vai cùng bè bạn năm châu về trình độ phát triển.

Ước nguyện chung của mọi người Việt Nam lúc này là thực hiện cho được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Mong rằng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ vạch ra lộ trình thực hiện mục tiêu chiến lược trên trong 5-10 và 25 năm tới bằng những chỉ tiêu có thể định lượng được; đồng thời nêu ra cả những chỉ tiêu xếp hạng trên thế giới để có thể hình dung quá trình thu hẹp khoảng cách với các nước khác để phấn đấu.

Phương cách đạt tới những mục tiêu cao cả trên đòi hỏi phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ mô hình phát triển theo chiều sâu, lấy chất lượng và hiệu quả cao làm khâu then chốt thông qua việc gia tăng đáng kể năng suất lao động, ứng dụng rộng rãi những thành tựu khoa học kỹ thuật, cải tiến quản lý cũng như kỹ năng và văn hóa lao động.

Thật ra điều này không có gì mới, những người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học đã từng nhấn mạnh; Đại hội III năm 1961 đã từng coi cách mạng khoa học công nghệ là “then chốt” trong 3 cuộc cách mạng; trong thời kỳ đổi mới nó cũng được coi là “quốc sách hàng đầu”, đã có lúc “kinh tế tri thức” được coi là phép mầu còn chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng đã được nêu ra tại Đại hội XI rồi.

Tương tự như vậy, chủ trương công nghiệp hóa (CNH) đã được nêu ra tại Đại hội III năm 1961, còn Đại hội VIII (1996) nêu mục tiêu tới năm 2020 về cơ bản biến nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, song chưa thực hiện được nên Đại hội XII chỉ còn nêu mục tiêu “sớm”.

Vấn đề đặt ra là vì sao những chủ trương cao đẹp ấy vẫn chưa đi vào cuộc sống như mong đợi? Do chủ quan duy ý chí? Do chưa trúng về nội hàm và tiền đề? Do vướng mắc về cơ chế? Do việc tổ chức thực hiện chưa rốt ráo?...

Mong rằng trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội XIII những băn khoăn ấy sẽ được làm rõ thêm. Về phần mình, tôi chỉ xin chia sẻ vài suy ngẫm sau:

Một là, chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại những kết quả nhãn tiền, cho tới nay nước ta đã ký kết 13 thỏa thuận về Khu vực thương mại tự do (FTA), trong đó với Liên minh châu Âu chưa được phê chuẩn, đang đàm phán về 3 thỏa thuận; nhờ vậy đã mở rộng mạnh mẽ được thị trường, tăng cường xuất khẩu, tranh thủ được nhiều nguồn vốn đầu tư, tạo ra nhiều công ăn việc làm…

Như vậy về chiều rộng thì nước ta đã hội nhập hầu như hết cỡ; vấn đề còn lại là nỗ lực “nội địa hóa ngoại lực”, gia tăng nội lực nhằm thục hiện phương châm “ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định”. Bộ Chính trị cũng đã có nghị quyết về vấn đề này, vấn đề còn lại là thực hiện rốt ráo và khôn khéo.

Hai là, cần bổ sung thêm một khâu đột phá; đó là phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ.

Rất tiếc rằng, lĩnh vực này luôn được coi là quốc sách hàng đầu, có hẳn hai Viện Hàn lâm và vô số học viện, viện, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng; số lượng tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư không hề “thua chị kém em” so với các nước có cùng trình độ phát triển. Tuy nhiên cũng chưa thể đem lại những thành tựu đột phá cả về khoa học tự nhiên và nhất là khoa học xã hội, quá trình đổi mới thể chế trong khoa học-công nghệ có phần chậm hơn các ngành khác.

Vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã có nghị quyết về việc tận dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Hy vọng khoa học - công nghệ của nước nhà sẽ có bước phát triển đột biến.

Ba là, chất lượng nguồn nhân lực luôn luôn là khâu có ý nghĩa hàng đầu. Khâu này không nên chỉ bó hẹp trong việc đổi mới một cách căn bản và toàn diện giáo dục - một lĩnh vực còn bề bộn công việc mà nên đặt vấn đề rộng hơn, chí ít là trên hai khía cạnh: Một là, làm sao cách mạng công nghiệp 4.0 có thể phát triển nếu như mọi người dân, mọi cán bộ - viên chức không biết sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật? làm sao có thể vận hành tốt các thành phố thông minh nếu người dân không thông minh? Hai là, muốn bắt kịp các nước tiên tiến thì một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu là làm sao nguồn nhân lực của nước ta phải đổi mới mạnh mẽ văn hóa ứng xử, giao tiếp, kinh doanh, nâng cao tính chuyên nghiệp và tay nghề.

Bốn là, trong khâu đột phá, có lẽ nên bổ sung yêu cầu xây dựng hạ tầng thông tin đủ mạnh để phát huy sức mạnh của công nghệ số.

Trên đây là một số suy ngẫm có phần ngổn ngang về con đường phía trước của đất nước, trong đó có nhiều điều “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Mong bạn đọc lượng thứ nếu như có điều gì không nên, không phải./.

Vũ Khoan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất