Ba câu chuyện về những người đảng viên cộng sản, mỗi chuyện một vẻ, nhưng có một điểm chung, ấy là: Chúng ta từng đi qua những năm tháng mà người đảng viên cộng sản và tổ chức đảng thật sự trở thành biểu tượng của niềm tin, của sức mạnh, của ý chí chiến thắng. Đó là gương sáng cho những người đảng viên cộng sản hôm nay, đó cũng chính là những con người đã mẫu mực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
1. Nhà văn Cao Tiến Lê kể: Lần ấy anh còn là phóng viên Báo Tiền Tuyến của Quân khu 4. Trong một lần đi công tác ở chiến trường phía Tây Quảng Trị, cùng hai phóng viên Báo Quân đội nhân dân tìm đường về chỉ huy sở tiền phương của mặt trận. Chặng đường các anh ước lượng trên bản đồ chỉ chừng dăm cây số, vì thế, dù đã ngả chiều các anh vẫn quyết cắt rừng về tiền phương. Nhưng đi mãi, đi mãi, càng đi tổ 3 nhà báo càng lọt sâu vào vùng rừng vắng bóng người...
Cho đến lúc bóng tối ập xuống, đường rừng như hũ nút, lại nghe tiếng súng AR15 nổ bì bọp xung quanh, rồi máy bay OV10 lượn vo ve trên nóc rừng và C130 bay thấp xuống các vòm cây, các anh nhận ra mình không chỉ bị lạc đường mà còn có thể đã lọt vào vùng địch kiểm soát. Không thể cứ tiếp tục thúc nhau đi, 3 nhà báo dừng lại, tìm chỗ nghỉ qua đêm. Tất cả không ai được mắc võng để tránh sát thương khi địch thả bom gần. Lặn lội vất vả cả ngày, nay được nằm trong lòng rừng nhưng giấc ngủ không thể đến với cả tổ vì tiếng súng địch xem ra mỗi lúc một gần. Ba nhà báo chỉ có 3 khẩu súng ngắn với vài băng đạn, chạm địch đánh nhau thế nào? Dù biết đánh với lực lượng lớn của địch là khó, nhưng các anh không thể không tổ chức sẵn sàng chiến đấu. Đã tổ chức chiến đấu tất phải có người chỉ huy. Có người chỉ huy, tất phải có lãnh đạo. Cả 3 nắm chặt tay cùng quyết định thành lập một tổ đảng tạm thời, cử Cao Tiến Lê, nguyên đại đội trưởng gan góc, từng chỉ huy đại đội bộ binh chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị làm tổ trưởng đảng, kiêm tổ trưởng tổ 3 người. Cuộc “họp” đầu tiên của tổ đảng ra nghị quyết: 1. Nếu bị địch phát hiện và vây ráp sẽ chiến đấu đến cùng; không để bị địch bắt sống. 2. Khẩn trương chôn cất các tài liệu ghi chép về đơn vị để nếu có hy sinh tài liệu không lọt vào tay giặc. 3. Cả tổ ba người phải chấp hành mệnh lệnh của tổ trưởng đảng kiêm tổ trưởng tổ ba người khi tình huống chiến đấu xảy ra.
Tổ đảng “họp” xong, không ai đi ngủ nữa. Cả ba người tự chuẩn bị cho mình một vị trí chiến đấu thích hợp, sẵn sàng đánh địch. Lúc các anh sẵn sàng ở tư thế chiến đấu thì tiếng súng địch nghe càng xa dần và không có hướng nào cụ thể. Máy bay cũng thưa quần thảo trên nóc rừng. Tổ trưởng đảng kiêm tổ trưởng tổ ba người - nhà báo Cao Tiến Lê bấm anh em xúm lại và đưa ra nhận định: Có thể bọn thám báo địch chỉ càn rừng bắn hú họa để ngăn cản các đơn vị vận tải của ta xuyên rừng vào phía trong, gần sáng là chúng rút. Anh đề nghị mọi người đi ngủ, nhưng phải nằm cách xa nhau để không may có bị bom thì vẫn còn người sống. Được đi ngủ, nhưng không ai ngủ cả, chỉ nằm đợi sáng, ngóng ánh mặt trời để định hướng, tìm đường đi tiếp. Đúng như dự đoán của tổ trưởng, về sáng địch không quấy nhiễu trong rừng nữa. Cả tổ thu dọn, xuống suối rửa mặt, vừa lấy lương khô ra ăn với nước suối thì bỗng thấy có mấy anh lính nhô ra ở khúc suối phía dưới. Họ nhận ra nhau. Thì ra đó là lính thuộc tổ thông tin đường dây của chỉ huy sở tiền phương. Bám theo đường dây, cả nhóm nhà báo chỉ đi chừng nửa giờ đã về đến chỉ huy sở tiền phương. Thở phào nhẹ nhõm, họ lại nắm tay nhau quyết định giải tán tổ đảng tạm thời để đi về các đơn vị chiến đấu lấy tài liệu viết bài.
2. Thu Đông năm 1969, cách nay 42 năm, Sư đoàn chủ lực 312 nhận nhiệm vụ là đội quân tình nguyện, cùng quân đội Pa-thét Lào giải phóng Cánh Đồng Chum bị quân Vàng Pao được máy bay Mỹ hỗ trợ lấn chiếm vùng giải phóng. Để mở chiến dịch phản công vào mùa khô, Sư đoàn trao nhiệm vụ cho Trung đoàn 165 có truyền thống tác chiến vùng rừng núi vào chiến trường giữa mùa mưa để chuẩn bị “bàn đạp” cho cả Sư đoàn vào chiến dịch. Mùa mưa Thượng Lào thật chẳng giống đâu, đã mưa là như nước đổ suốt mấy ngày, suối đá réo ầm ầm, nước tung bờm ngựa. Với đơn vị bộ binh hành quân bộ thì mùa mưa không thể cơ động. Một tiểu đoàn của Trung đoàn 165 được phái đi trước, vừa vào đến gần Xiêng Khoảng thì gặp mưa trút xuống cả tuần, cắt đường vận tải, anh em phải ăn củ rừng, rau rừng, măng rừng trừ bữa.
Thách thức với cả trung đoàn có mặt ở chiến trường giữa mùa mưa không phải là chuyện đói, no, bởi rừng Lào mênh mông, nhiều sản vật có thể nuôi lính, và bà con các bản Lào chạy giặc ẩn sâu trong rừng cũng sẵn lòng nhường cơm áo cho bộ đội tình nguyện. Thách thức với Trung đoàn chính là cuộc chạy đua ngăn chặn sự nống ra lấn chiếm các đỉnh cao của địch. Do được máy bay trực thăng Mỹ yểm trợ và lính Vàng Pao cũng quen với đường rừng nên sau khi chiếm Cánh Đồng Chum, giặc nống lấn chiếm rất nhanh các điểm cao án ngữ. Để địch chiếm cả Cánh Đồng Chum lẫn các điểm cao bao quanh là bất lợi cho Sư đoàn tổ chức phản công. Làm thế nào để chặn không cho địch “nhảy cóc” trên các điểm cao?
Thiếu tướng Nguyễn Chuông, bấy giờ mới là trung tá, Trung đoàn trưởng bỗng nghĩ ra diệu kế: huy động kho hậu cần của Trung đoàn xuất toàn bộ số gạo dự trữ và cho cán bộ, chiến sĩ rang gạo lên, đóng vào các bao ni lông chống ẩm ướt, rồi lại nhồi vào bao tượng, 5 ki-lô-gam/bao. Sau khi có đủ gần hai trăm ruột tượng lèn chặt gạo rang, Trung đoàn trưởng Nguyễn Chuông lệnh tập trung một đại đội bộ binh, được tăng cường thêm một trung đội hỏa lực, một tiểu đội thông tin, một tiểu đội công binh xếp hàng dọc theo con đường rừng, giáp bờ suối, phát cho mỗi người một bao gạo rang, giao nhiệm vụ bí mật luồn sâu, đánh ở hậu phương của địch. Cả đại đội chấp hành mệnh lệnh.
Trước khi xuất phát, Trung đoàn trưởng Nguyễn Chuông yêu cầu các đảng viên của đại đội đứng riêng ra một hàng trước hàng quân. Đại đội tăng cường đến 180 tay súng, nhưng hầu hết đều là lính trẻ, nên chỉ có 8 đảng viên, trong đó có chính trị viên đại đội, đại đội trưởng và một số cán bộ trung đội, tiểu đội. Ông nói với cả đơn vị: "Đây là các đảng viên, những người thay mặt Đảng sẽ luôn đi đầu và gìn giữ ý chí chiến đấu cho cả đại đội trong hoạt động đánh địch". Thế rồi, cả đại đội hào hứng lên đường. Chỉ 3 ngày sau, Trung đoàn nhận được báo cáo của đại đội luồn sâu, vì lọt vào giữa hậu phương địch nên mọi người chỉ ăn gạo rang, uống nước suối để chiến đấu ngày đêm, diệt không ít sinh lực địch, thu được nhiều vũ khí và lương thực. Tất cả 8 đảng viên, trận nào cũng đi đầu, đã hy sinh 4. Chi bộ của đại đội xin Đảng ủy Trung đoàn cho phép kết nạp tại mặt trận 5 đảng viên mới. Đây là các chiến sĩ đã chiến đấu như các đảng viên đi đầu. Chừng một tuần bị đơn vị luồn sâu của ta đánh ngay tại nơi xuất phát, phá hủy nhiều kho tàng, tiêu diệt không ít căn cứ tại hậu phương, địch đành phải rút dần các đỉnh cao đã nhảy cóc lấn chiếm quay về giữ căn cứ. Địch rút khỏi điểm cao nào, ta thế luôn chỗ điểm cao đó, tổ chức phòng ngự chắc chắn. Kế hoạch đẩy lùi địch để tạo thế đứng chân trên các điểm cao ngay trong mùa mưa của Trung đoàn trưởng Nguyễn Chuông thắng lợi.
Vào một buổi chiều, cũng trên con đường rừng ven suối hôm nào, Trung đoàn trưởng Nguyễn Chuông đón đơn vị luồn sâu đã hoàn thành nhiệm vụ trở về. Ông thấy thấp thoáng trên vành mũ cối của một số cán bộ, chiến sĩ, có dòng chữ: "Tôi là đảng viên!”. Trừ đại đội trưởng và một cán bộ trung đội, anh nuôi trưởng là đảng viên còn lại từ hôm xuất phát luồn sâu, tất cả đảng viên của đại đội là mới… Một lớp đảng viên mới đứng vào chỗ các đảng viên đã anh dũng đi đầu, chiến đấu và hy sinh để đơn vị chiến thắng. Trung đoàn trưởng hỏi cả đơn vị: Các đảng viên của đơn vị đã hy sinh trong những trận chiến đấu vừa qua, nay trong anh em, ai muốn đứng vào chỗ các đảng viên hy sinh để lại? Cả đơn vị giơ tay!
3. Cách nay chừng mười năm, tôi tìm gặp các cựu tù Côn Đảo để thu thập tài liệu viết vở kịch “Hòn đảo bị xiềng”, tôi được nghe một câu chuyện khá thú vị tại địa ngục trần gian này, chuyện từ những năm 1940. Bấy giờ phong trào cộng sản hoạt động trong tù hết sức sôi động, quyết liệt với những cuộc đấu tranh chống lại chế độ giam cầm hà khắc của địch, đòi tự do, có sức cuốn hút các tù nhân toàn trại giam. Để có thể chui vào tổ chức bí mật của tù cộng sản trong các trại giam tù chính trị, nắm tình hình để đối phó, địch ngụy tạo ra một nhân vật đội lốt cộng sản, cũng đem xử tại Tòa phúc đình ở Sài Gòn rồi ném vào banh giam tù chính trị của nhà tù Côn Đảo. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhân vật đội lốt cộng sản do địch ngụy tạo bị anh em tù cộng sản đích thực vạch mặt. Để bịt đầu mối trò lừa gạt gian trá, chúa ngục Côn Đảo thừa hành lệnh của cấp trên đem kẻ giả danh ra pháp trường. Trước đó, kẻ giả danh được chúa ngục mớm cho điều kiện: khi bị tuyên án tử hình, hãy hiên ngang như tù cộng sản, rồi xin đầu thú thì sẽ được tha, đưa đi khỏi nhà tù, về đất liền, nếu không làm được như vậy thì khó giữ mạng sống… Nhưng kể cả đóng giả, tên ngụy cộng sản cũng không thể vào vai. Vừa nghe tuyên án tử hình xong, mặt kẻ mạo danh trắng bợt, toàn thân run bắn, làm cho tên cai ngục phải chửi thề: "Không có tù cộng sản nào ra pháp trường lại hèn như mi. Họ ngửng cao đầu đón cái chết chứ không gục xuống, run như gà bị cắt tiết. Mi làm hỏng việc rồi…". Con rối của trò mạo danh chưa kịp nói gì đã bị bắn để bịt đầu mối.
Ba câu chuyện về người đảng viên cộng sản trên, mỗi chuyện một vẻ, nhưng có một điểm chung, ấy là: Chúng ta từng đi qua những năm tháng mà người đảng viên cộng sản và tổ chức đảng thật sự trở thành biểu tượng của niềm tin, của sức mạnh, của ý chí chiến thắng. Đó là gương sáng cho những người đảng viên cộng sản hôm nay.
Theo Báo QĐND