Thứ Ba, 24/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 2/6/2012 15:17'(GMT+7)

Ðánh giá chất lượng đào tạo qua phân tầng đại học

Giờ học công nghệ thông tin của sinh viên Trường đại học Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh.

Giờ học công nghệ thông tin của sinh viên Trường đại học Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh.

Nhiều chênh lệch

Theo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, dự kiến đến năm 2020 cả nước có 573 trường, trong đó 259 trường ÐH và 314 trường cao đẳng (CÐ). Ðiều này giúp tăng số lượng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT vào học các trường ÐH, CÐ, giảm thiểu được các tệ nạn xã hội do sự dư thừa nhiều học sinh trượt ÐH, CÐ gây nên... Tuy nhiên, thực tế công tác thi, tuyển sinh những năm gần đây cho thấy nhiều cơ sở đào tạo ÐH có chung mục tiêu đào tạo nhân tài nhưng không phải chuyên sâu mà phát triển đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực theo hướng đại trà. Mặt khác, tâm lý phụ huynh và thí sinh khi đăng ký tuyển sinh cũng không xác định được khả năng học tập cũng như mục tiêu học tập sau khi tốt nghiệp THPT, cho nên đều mong muốn sau khi học ÐH đều trở thành các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhân tài. Trong khi đó, không phải trường ÐH, CÐ nào cũng thật sự đáp ứng được các điều kiện đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. Nhiều trường thiếu đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất thiết bị... nhưng vẫn "nỗ lực" để được mở ngành nghề, tuyển sinh vượt chỉ tiêu đáp ứng nhu cầu "ăn sổi, ở thì" mà không chú ý đến chất lượng. Theo PGS, TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng Ban đào tạo ÐH Quốc gia Hà Nội: Mục tiêu của GD ÐH là đào tạo ra những con người có đủ năng lực  làm chủ bản thân và làm chủ xã hội. Bên cạnh những trường chú trọng đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng, đào tạo chuyên sâu, hiện nay xuất hiện những trường ÐH chỉ cần mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực "thường thường bậc trung" hơn là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, hội nhập quốc tế. Vì vậy, có sự chênh lệch khả năng, chất lượng đào tạo khá lớn giữa các trường "tốp trên" và "tốp dưới".

Một điểm đáng chú ý, các kỳ thi, tuyển sinh những năm gần đây, điểm sàn trúng tuyển ÐH của Bộ GD và ÐT khoảng 13 đến 14 điểm, xét theo từng khối thi (nếu tính hết các chính sách ưu tiên vùng khó khăn thì điểm chuẩn chỉ còn khoảng tám điểm). Trong quá trình tuyển sinh, trong khi nhiều trường ÐH lấy điểm chuẩn khá cao so với điểm sàn (khoảng hơn 20 điểm), thì lại có nhiều trường ÐH kiến nghị Bộ GD và ÐT tiếp tục hạ điểm sàn. Ðiều đó cho thấy có sự chênh lệch đáng kể trong tuyển sinh đầu vào, uy tín chất lượng của các trường có sự khác biệt rõ rệt.

Cần có tiêu chí phân tầng

Việc phân tầng GD ÐH là cần thiết, phù hợp xu thế chung trên thế giới. Tuy nhiên, trong hệ thống GD ÐH Việt Nam hiện nay, việc phân tầng vẫn còn bất cập, nhất là chưa xây dựng và thực hiện hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục ÐH, bộ tiêu chí chất lượng để kiểm tra, đánh giá ÐH. Theo các chuyên gia giáo dục, để giải bài toán quy mô, chất lượng, điều kiện, cần phân tầng chất lượng các trường ÐH theo hướng có tầng chất lượng quốc tế, tầng chất lượng quốc gia, tầng chất lượng địa phương, cộng đồng và điều kiện bảo đảm chất lượng tương ứng. Cần xây dựng và thực hiện hệ thống bảo đảm chất lượng GD ÐH, bộ tiêu chí chất lượng để kiểm tra, đánh giá, phân tầng ÐH. PGS, TS Nguyễn Văn Nhã cho rằng, hiện nay ở nước ta đã có hai ÐH quốc gia, năm ÐH vùng và một số trường ÐH trọng điểm thì việc phân tầng đã "tự phát" sinh ra. Tuy nhiên, Bộ GD và ÐT cần nêu rõ tiêu chí, tiêu chuẩn, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các ÐH trong các tầng khác nhau.

GS Lâm Quang Thiệp (Trường ÐH Giáo dục) thì cho rằng, các trường ÐH cần có sứ mạng khác nhau và cần phục vụ nhiều loại nhóm người khác nhau có lợi ích liên quan với giáo dục ÐH. Vì vậy, để phân tầng, cần xây dựng nền ÐH có tính chất đại chúng trong đó có phần chóp tinh hoa, chứ không nên từ chối tính chất đại chúng mà chỉ xây dựng nền giáo dục ÐH tinh hoa. Cần chấp nhận tính chất đa dạng của hệ thống vì yêu cầu của thị trường lao động là rất đa dạng, nhiều tầng chất lượng, nhiều dạng cấu trúc về kiến thức và kỹ năng. Trên thế giới, để đáp ứng nhu cầu gia tăng số lượng sinh viên ÐH đồng thời giữ vững chất lượng của một số trường ÐH đẳng cấp cao, ở một số quốc gia, nhà nước đã đứng ra tổ chức phân tầng các trường ÐH. Ðiển hình như, hệ thống Nhị phân tại Anh, Ô-xtrây-li-a; hệ thống giáo dục ÐH ba tầng ở Ca-li-pho-ni-a (Mỹ)... Sự phát triển của giáo dục ÐH Việt Nam trong vài thập niên qua không nằm ngoài xu thế phát triển của giáo dục ÐH thế giới đồng thời gắn với đặc điểm riêng của nước ta.

Có thể nói, việc phát triển mạng lưới các trường ÐH, CÐ cần phù hợp chiến lược phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội, tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước, gắn với từng vùng, từng địa phương. Cần xây dựng cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo, bố trí theo vùng miền hợp lý, trong đó, xây dựng một số trung tâm đào tạo nhân lực trình độ cao, gắn với các vùng kinh tế trọng điểm. Ðáng chú ý, trong phân tầng cần lấy chất lượng đầu ra làm tiêu chí xác định mục tiêu đào tạo. Theo quy hoạch mạng lưới các trường ÐH, CÐ giai đoạn 2006 - 2020, cần phân tầng mạng lưới trường ÐH, CÐ gồm: các trường ÐH được xếp hạng trong nhóm 200 trường hàng đầu thế giới, các trường ÐH đào tạo định hướng nghiên cứu, các trường ÐH, CÐ đào tạo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng... Ðiều đó sẽ tránh tình trạng "cào bằng" trong GD ÐH, từng bước đánh giá thực chất năng lực đào tạo của mỗi trường, tăng hiệu quả đầu tư của nhà nước, giúp các cơ sở GD ÐH lựa chọn và xác định được chính xác nhu cầu xã hội và mục tiêu đào tạo, đồng thời giúp sinh viên dễ dàng chọn trường ÐH phù hợp theo học... nhằm nâng cao chất lượng GD ÐH, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Theo: Mạnh Xuân/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất