Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 24/7/2008 22:46'(GMT+7)

Đạo đức Hồ Chí Minh với triết lý phát triển ở Việt Nam

Vấn đề triết lý phát triển thường được quan tâm đối với mỗi nước có chế độ xã hội khác nhau, nhất là từ khi thế giới xuất hiện học thuyết phát triển theo chủ nghĩa Mác – Lênin. Do đó, không phải là ngẫu nhiên từ năm 1979 Liên Hợp Quốc đã tập hợp một nhóm chuyên gia bao gồm những nhà khoa học nổi tiếng ở 17 nước, tổ chức cuộc họp bàn về triết lý phát triển trong thời đại thế giới có nhiều biến động.

Từ đó đến nay đã xuất hiện nhiều học thuyết phát triển khác nhau gắn liền với bản chất mỗi chế độ xã hội mà loài người đã và đang trải qua. ở nước ta, trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh không chỉ tiếp cận với một triết lý phát triển mới trên cơ sở áp dụng những quy luật của khoa học kinh tế chính trị như Mác, Ăngghen đã từng dùng nó để nhận thức và phân tích xã hội loài người, đặc biệt là nhận thức và phân tích xã hội tư bản chủ nghĩa, mà Người còn xác lập được một triết lý phát triển mới xuất phát từ thực tế Việt Nam tập trung vào con người nhân danh những giá trị văn hoá, văn minh và nhân văn để hướng tới mục tiêu cách mạng và chiến lược phát triển phù hợp với đặc điểm văn hoá và điều kiện của một đất nước chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa như Việt Nam. Điều đó không có gì trái với chủ nghĩa Mác – Lênin mà thực chất là cụ thể hoá đồng thời bổ sung cho học thuyết Mác – Lênin bằng cách đưa văn hoá thâm nhập vào bên trong chính trị và kinh tế tạo nên một sự thống nhất biện chứng giữa văn hoá với chính trị và kinh tế, giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu xây dựng chính sách xã hội đối với con người và tiến bộ xã hội nói chung.

Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Câu nói trên chủ yếu đối với văn nghệ sĩ, nhưng ngày nay khi văn hoá đã được đề cao như một tiềm năng sáng tạo lớn, được coi là “điều bí ẩn không cùng” như cách nói của J.Derrida hoặc có vị trí trung tâm và vai trò điều tiết như nhận định của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO), thì câu nói của Hồ Chí Minh có thể xem như một lời tiên tri sáng suốt của một triết lý phát triển mới trong thời đại loài người đã bước vào nền văn minh mới - văn minh trí tuệ.

Hơn nữa, không chỉ một lần nói đến vị trí, vai trò của văn hoá trong mối quan hệ với kinh tế và chính trị mà Hồ Chí Minh còn có cả một hệ thống quan điểm hết sức phong phú và mới mẻ về văn hoá gắn với phát triển, từ định nghĩa khái niệm văn hoá đến việc xác định ý nghĩa và chức năng của văn hoá trong phát triển nói chung, trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói riêng. Chính hệ thống quan điểm ấy đã góp phần quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là việc xây dựng con người mới gắn liền với đạo đức cách mạng và một quan niệm mới về chủ nghĩa nhân văn, có thể gọi là chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Điều đáng chú ý là khi đề cao vai trò của văn hoá, Hồ Chí Minh không hề hạ thấp vai trò trung tâm của xây dựng kinh tế trong quá trình phát triển đất nước. Người chỉ muốn đưa văn hoá vào bên trong kinh tế và chính trị nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế, chính trị và tiến bộ xã hội. Có thể xem triết lý phát triển của Hồ Chí Minh là triết lý phát triển xuất phát từ cách tiếp cận với văn hoá học, đặc biệt là văn hoá đạo đức và chủ nghĩa nhân văn. Cần phải nhấn mạnh ở đây không chỉ là vai trò của đạo đức nói chung mà phải thấy cái kết tinh của đạo đức chính là chủ nghĩa nhân văn; cũng như chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là cái cốt lõi đạo đức của Người. Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến việc tu dưỡng đạo đức cách mạng và đạo lý làm người, coi đó là nền tảng của người cách mạng chân chính, thực chất, đó cũng là đòi hỏi của Người đối với mỗi người cách mạng phải thấm nhuần sâu sắc trước tiên một chủ nghĩa nhân văn mới tiếp nối đồng thời cụ thể hoá chủ nghĩa nhân văn mác-xít.

Mặt khác, để thấy rõ những đóng góp mới về một triết lý phát triển mang tính nhân văn trên cơ sở học thuyết phát triển gắn với hành động cách mạng của Mác, cũng cần phải hiểu cho đúng cái triết lý phát triển được xác lập trên cơ sở áp dụng những quy luật của khoa kinh tế chính trị học của Mác, Ăngghen. Trong bối cảnh lịch sử trước đây, khi văn hoá chưa được đề cao đúng mức, Mác và Ăngghen chỉ quan tâm đến mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, đồng thời xem kinh tế giữ vai trò quyết định so với chính trị nhưng theo các ông, đó là quyết định cuối cùng.

Để tránh sự hiểu lầm, thậm chí xuyên tạc quan điểm của hai ông, Ăngghen đã viết: “Theo quan điểm duy vật lịch sử, nhân tố quyết định trong lịch sử, xét đến cùng, là sự sản xuất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực. Cả Mác lẫn tôi chưa bao giờ khẳng định gì hơn thế. Do đó, nếu có ai xuyên tạc câu đó khiến cho nó có nghĩa là nhân tố kinh tế là nhân tố quyết định duy nhất thì như vậy là họ đã biến câu đó thành một câu trống rỗng, trừu tượng, vô nghĩa”(1). Trong khi xem kinh tế giữ vai trò quyết định cuối cùng, các ông cũng cho rằng “những tiền đề và điều kiện chính trị, v. v…và ngay cả cái truyền thống đang ám ảnh đầu óc con người cũng đóng một vai trò, tuy không phải là quyết định”(2). Từ đó, chúng ta càng thấy rõ việc Hồ Chí Minh xuất phát từ cách tiếp cận với văn hoá học, đặc biệt là văn hoá đạo đức và chủ nghĩa nhân văn để đưa ra một triết lý phát triển mới phù hợp với nước ta là một sự vận dụng rất sáng tạo, đồng thời góp phần phát triển học thuyết Mác trong điều kiện và hoàn cảnh một đất nước chủ yếu là nông nghiệp, chưa qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản, nơi Mác chưa có “cơ sở lịch sử” để hoàn thiện học thuyết phát triển của mình.

Ngày nay, với chủ trương xây dựng và chấn hưng đất nước, coi xây dựng kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, coi văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, thực chất là Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện triết lý phát triển theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là văn hoá đạo đức của Người. Hơn nữa, với chủ trương tiến hành cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” rõ ràng Đảng ta đã thực sự thấm nhuần quan điểm phát triển xuất phát từ cách tiếp cận với văn hoá đạo đức, lấy đạo đức cách mạng làm gốc của người cách mạng chân chính.

Đây cũng là vấn đề mang tính thời đại được cả thế giới quan tâm chứ không riêng ở nước ta. Nói rõ quan điểm phát triển lấy đạo đức làm gốc trong xã hội hiện nay, trong Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội năm 1990, nhà văn Úc All Asbolt nói: “Nếu chúng ta muốn đối phó một cách hợp lý và mạnh mẽ với những vấn đề mà chủ nghĩa xã hội đang gặp phải, chúng ta phải học ở Hồ Chí Minh bằng cách phát triển những phẩm chất đã thể hiện trong suốt cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài của Người: Kiên nhẫn và vững vàng theo đuổi mục đích và bình tĩnh trong những lúc khó khăn; linh hoạt về tư duy và chính trị khi xây dựng khối đoàn kết xã hội chủ nghĩa; khiêm tốn và gần gũi với nhân dân, nhất là với công nhân và nông dân; có sự đồng cảm để đạt tới sự hoà giải dân tộc; có tinh thần quốc tế mạnh mẽ; sự sáng tạo và nhạy bén về văn hoá, một sự hiểu biết có phân tích về lịch sử, đặc biệt là về cách thức mà những biến đổi lịch sử đã diễn ra; và phẩm chất mà Hồ Chí Minh có một cách dồi dào - đó là sự lạc quan của ý chí”(3).

Quan điểm của nhà văn Úc đã phản ảnh đúng đắn thực tế đang diễn ra trên thế giới và ở Việt Nam chúng ta. Những gì chúng ta đang thực hiện hôm nay, nhất là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phát động, chính là chúng ta đang học ở Hồ Chí Minh những phẩm chất đã thể hiện trong suốt cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài của Người, như nhà văn Úc mong đợi, mà chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh được xem là một phẩm chất cơ bản, sâu sắc, xuyên suốt cả cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Người.

Vấn đề đặt ra hiện nay phải chăng là ở việc cụ thể hoá cơ sở lý luận của cái triết lý phát triển lấy văn hoá đạo đức làm gốc đó cho có hiệu quả, thể hiện trong đường lối phát triển kinh tế và các chính sách xã hội, trong việc phòng chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt trong việc xây dựng chỉnh đốn Đảng vững mạnh đủ sức lãnh đạo nhằm thực hiện và chấn hưng đất nước ta theo đúng triết lý phát triển mang tính nhân văn của Hồ Chí Minh. Nhiều vấn đề nổi cộm hiện nay về thực trạng đạo đức xã hội, về sự xuống cấp và suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên… đang trở thành vấn đề bức xúc có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình phát triển đất nước, hoàn toàn không phải do chúng ta chưa có một học thuyết phát triển đúng đắn hoặc yếu kém về lý luận cơ bản của một triết lý phát triển mà chủ yếu có lẽ là do chúng ta chưa có những giải pháp thật sự hữu hiệu trong việc thực hiện triết lý phát triển xuất phát từ cách tiếp cận với văn hoá đạo đức như triết lý phát triển theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, nếu chúng ta còn băn khoăn về một triết lý phát triển đúng đắn trong bối cảnh hiện nay nhằm thích nghi với việc giải quyết những vấn đề lý luận về phát triển mang tính toàn cầu theo chiều hướng khẳng định con đường xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng thời đấu tranh có hiệu quả với các mặt tiêu cực của chủ nghĩa tư bản, thì phải chăng là ở việc cần tiếp tục hoàn thiện học thuyết phát triển mang tính nhân văn của Hồ Chí Minh chứ không cần thiết phải đi tìm một học thuyết phát triển mới.

Mặt khác, cũng cần phải xem lại cách tiếp cận của chúng ta trong việc thiết lập một triết lý phát triển đúng đắn với môi trường đổi mới đất nước ta theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh định hướng xã hội chủ nghĩa trên nền tảng vững chắc của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề phức tạp, khó khăn và chắc chắn có những thử thách không dễ vượt qua, nếu chúng ta chưa thấy hết vị trí, vai trò của triết lý phát triển coi đạo đức là gốc của Hồ Chí Minh.

Với việc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ khoá IX đến khoá X đều thấy sự cần thiết phải phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, có thể xem là một phát hiện nhạy cảm trước tình hình mới của đất nước và thế giới. Đây không chỉ là một cuộc vận động với ý nghĩa thông thường là để thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, mà là xuất phát từ yêu cầu bức xúc của thực tế đang có sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và trong xã hội nói chung, trong đó có thể phải nói đến sự thiếu kiên định lập trường về một đường lối phát triển theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chủ trương mở cuộc vận động này, chính là thể hiện sự quyết tâm của Trung ương Đảng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên, công chức và toàn dân ta nói chung về ý thức xây dựng và phát triển đất nước không thể đi chệch con đường đã chọn của Hồ Chí Minh và Đảng ta.

Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong tình hình mới hiện nay không chỉ là ở việc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, mặc dù đó là những việc không dễ dàng, mà trước hết phải nói đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên khi khẳng định một đường lối phát triển theo mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đường lối phát triển ấy như thế nào trong tình hình đất nước ta hội nhập với quốc tế toàn cầu hoá theo xu thế phát triển chủ nghĩa tư bản là vấn đề phải quan tâm, phải tìm tòi những bước đi thích hợp, chứ không thể chạy theo những tiêu chí chỉ thích hợp với đường hướng phát triển chủ nghĩa tư bản mang tính toàn cầu.

Hơn nữa, đã đến lúc phải nhận dạng một cách mạnh mẽ và nghiêm túc về thực trạng đạo đức của cán bộ, đảng viên và công chức nhà nước ta, đồng thời tìm giải pháp khắc phục là hết sức quan trọng và bức xúc. Có thể xem việc nhận dạng cũng như việc tìm giải pháp hữu hiệu đó là một trong những nội dung quan trọng có quan hệ đến phương châm nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tế trong triết lý phát triển và chấn hưng đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng là yêu của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mà thực chất là trở về với triết lý phát triển xuất phát từ cách tiếp cận với văn hoá học, đặc biệt là văn hoá đạo đức và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Điều quan trọng là phải thấy cho đúng những giá trị lý luận cũng như ý nghĩa thực tiễn của một triết lý phát triển mới mang tính nhân văn gắn liền với hành vi văn hoá đạo đức của con người, hình thành trong thời đại cách mạng vô sản như triết lý phát triển của Hồ Chí Minh. Đó chính là ngọn nguồn biểu hiện của một nền văn minh mới - nền văn minh xã hội chủ nghĩa, tiếp nối nền văn minh tư bản chủ nghĩa, ra đời từ khi xuất hiện triết lý hành động theo học thuyết Mác và trải qua những bước thăng trầm, đến Hồ Chí Minh nó đã thực sự hình thành một triết lý phát triển có ý nghĩa thời đại.

Hồ Chí Minh không phải là người đầu tiên đề ra triết lý hành động có ý nghĩa nhân văn, mà trước hết phải nói đến Mác, nhưng Người đã hành động theo triết lý mang tính nhân văn có đặc trưng, sắc thái riêng phù hợp với những dân tộc còn lạc hậu chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa như Việt Nam. Vì thế, triết lý phát triển lấy văn hoá đạo đức làm nền tảng của Hồ Chí Minh cần được nghiên cứu rộng rãi hơn, sâu sắc hơn, cần làm toả sáng không chỉ tư tưởng Hồ Chí Minh mà chủ yếu là hành động mang triết lý nhân văn có đặc trưng và sắc thái riêng của Người để mọi người thuộc mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước và trên thế giới đều có thể thấy và học tập vẻ đẹp vĩnh cửu của một tấm gương sống, chiến đấu, lao động và học tập như Hồ Chí Minh: vì con người và vì mọi người, vì dân tộc và vì cả thế giới, vì hoà bình và vì cả nền văn hoá của tương lai.

Cùng với chủ nghĩa yêu nước mang nội dung mới, yêu nước xã hội chủ nghĩa, sự hiện diện của một triết lý phát triển mang tính nhân văn Hồ Chí Minh là một thực tế không cần bàn cãi. Vấn đề là phải tìm hiểu quá trình hình thành cũng như những nội dung cơ bản của nó, để không chỉ hiểu rõ hệ thống tư tưởng thấm đậm giá trị nhân văn mang đặc điểm và sắc thái riêng của một triết lý phát triển mang tính nhân văn Hồ Chí Minh mà còn để giữ gìn, phát huy những tình cảm cao quý, những khát vọng thương người cháy bỏng, muốn cứu thoát cho con người khỏi áp bức, bóc lột và đói nghèo, lạc hậu, không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà với mọi kiếp người cùng khổ trên khắp hành tinh. Một triết lý phát triển vĩ đại như vậy chỉ có thể ra đời trên cơ sở xuất hiện một nền văn minh mới với sự xuất hiện một chủ nghĩa nhân văn ưu việt, tiếp nối những nền văn minh có trước, đồng thời phát huy cao độ những giá trị truyền thống nhân văn mà nhân loại đạt được trong các thời đại đã qua.

Đương nhiên, công lao ấy trước tiên phải nói đến học thuyết Mác với sự hình thành triết lý hành động và chủ nghĩa nhân văn mác-xít. Nhưng, tiếp nối ngọn nguồn trí tuệ của triết lý hành động và chủ nghĩa nhân văn mác-xít trong hoàn cảnh những dân tộc còn lạc hậu, kém phát triển, không phải ai khác mà chính là Hồ Chí Minh sinh ra từ mảnh đất Việt Nam với một truyền thống văn hoá được hun đúc lâu đời để có thể trở thành sức mạnh chiến thắng kẻ thù xâm lược và tích tụ một triết lý phát triển phù hợp với chủ nghĩa nhân văn mới, mang đặc điểm và sắc thái riêng của thời đại loài người bước vào nền văn minh trí tuệ.

Trong bối cảnh thế giới toàn cầu hoá theo xu thế tư bản chủ nghĩa như hiện nay, việc thực hiện cho được cái triết lý phát triển mang tính nhân văn Hồ Chí Minh quả là không hề giản đơn, nếu không nói là cực kỳ phức tạp. Đây là giai đoạn đặt ra những thời cơ mới cho Việt Nam phát triển, nhưng cũng đặt ra những thách thức không dễ vượt qua nếu chúng ta không kế tục được những phẩm chất nhân văn mang tầm chiến lược của triết lý phát triển như triết lý phát triển theo chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Nếu triết lý phát triển theo chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh như một sự tiếp nối quy luật muôn đời của một nền văn minh chân chính - văn minh mác-xít, thì nước Việt Nam trong hiện tại và tương lai là sự hiện diện của một quy luật muôn đời mà Hồ Chí Minh đặt nền móng, quy luật của triết lý hành động theo chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Vì thế, triết lý phát triển theo chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh gắn liền với bản chất chế độ ta, gắn liền với những thành tựu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang ra sức phấn đấu theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó cũng có nghĩa là triết lý hành động theo chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh chỉ có thể trở thành hiện thực khi mục tiêu cách mạng theo con đường Hồ Chí Minh đã chọn, được thực hiện thành công ở nước ta. Với đất nước, dân tộc ta, tất cả còn đang ở phía trước./.

PGS.TS Thành Duy
Viện Khoa học xã hội Việt Nam
------------------

(1), (2) Mác, Ăngghen, Tuyển tập, Nxb ST, H, 1984, t.4, tr.720, 727

(3) Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá lớn. Nxb KHXH, H, 1990, tr.150.
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất