Thứ Hai, 25/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 18/7/2008 13:0'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay

Thứ nhất, đảng viên là một bộ phận của Đảng, nhiều đảng viên gộp lại thành Đảng. Như vậy, cá nhân đảng viên không thể tách rời tập thể Đảng. Đảng không có đảng viên, không thể gọi là Đảng. Đảng viên tách ra khỏi tổ chức Đảng không thành đảng viên.

Thứ hai, số lượng đảng viên càng nhiều, Đảng càng to lên, càng tốt. Đảng không thể không tính đến số lượng. Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, 15 năm sau Cách mạng Tháng Tám, hàng ngũ Đảng ta đã tăng gần 100 lần, nghĩa là độ nửa triệu đảng viên. Cùng với lực lượng đoàn viên thanh niên, quân đội nhân dân, hệ thống chính trị, chúng ta có một lực lượng to lớn và ngày càng to lớn. Với lực lượng đó, chúng ta nhất định thành công.

Thứ ba, điều quan trọng nhất là cái chất của người đảng viên. Một thí dụ: hồi khởi nghĩa, Đảng ta chỉ có non 5.000 đảng viên mà lãnh đạo được nhân dân cả nước làm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Bàn về mối quan hệ giữa chất và số lượng đảng viên, Hồ Chí Minh viết: “Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên”(2). Cái chất của người đảng viên được Hồ Chí Minh nhắc tới nhiều lần, với nhiều nội dung khác nhau. Tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta. Trong 15 năm đấu tranh trước Cách mạng Tháng Tám và trong chín năm kháng chiến, biết bao đảng viên ưu tú và quần chúng cách mạng đã vì dân, vì Đảng mà hy sinh một cách cực kỳ oanh liệt. Chỉ riêng trong cấp Trung ương của Đảng đã có 14 đồng chí đã bị đế quốc Pháp bắn, chém, hoặc đập chết trong nhà tù. Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do...”(3).

2. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bối cảnh hiện nay

Nay nước đã có độc lập. “Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(4). Hạnh phúc tự do, gắn với cuộc chiến đấu thắng bần cùng lạc hậu. Mà “thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều”(5). Trong Di chúc, Hồ Chí Minh viết, chúng ta phải tiến hành “một cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi”(6). Cũ kỹ, hư hỏng ở đây gồm cả tư duy, con người và tổ chức.

Muốn có hạnh phúc, tự do, tức “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” như trong Nghị quyết của Đảng ta, nhất định phải có sự lãnh đạo của một Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng, cùng với việc động viên được toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân, thì phải có một đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh. Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” nhấn mạnh: “Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, thực sự tiền phong gương mẫu, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao”(7).

Tại sao cần một đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh?

Cần phải nhắc lại mấy luận điểm then chốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là “ cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Xưa cũng như nay, những luận điểm trên đúng trong mọi không gian, thời gian, trong giai đoạn hiện nay lại càng chính xác.

Cũng từ tinh thần Hồ Chí Minh, cần nhận thức đúng đắn rằng, trong điều kiện Đảng cầm quyền thì tai họa thường là đi từ sự tha hóa của cán bộ, đảng viên. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ sau 14 ngày Đảng lãnh đạo cách mạng thành công, nắm chính quyền trong tay, ngày 17-9-1945, trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, Người chỉ ra những khuyết điểm to nhất như “cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công mà báo thù tư”(8). Hai ngày sau đó, trong bài Chính phủ là công bộc của dân, Người chỉ rõ: “Các ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt các ủy ban đó”(9). Mặt trái của thuận lợi trong điều kiện Đảng cầm quyền không nhỏ. Vì đảng viên cầm quyền mà thiếu lương tâm thì rất dễ tha hóa. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”(10).

Như vậy, theo tinh thần Hồ Chí Minh, không ai có thể xóa bỏ được chế độ ta, ngoại trừ ta tự đánh đổ; không ai bôi nhọ được chúng ta ngoại trừ chúng ta tự bôi nhọ mình. Sự suy thoái của cán bộ, đảng viên do tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, chính là kẻ thù nằm trong các tổ chức của ta, bạn đồng minh của các thế lực thù địch, sẽ phá hoại chúng ta từ trong phá ra, làm hỏng công việc của ta.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là nâng cao những gì?

Trước hết, nói về bản lĩnh của cán bộ, đảng viên. Chúng ta đang phải đối mặt với cuộc chiến đấu khổng lồ (chúng ta chưa quán triệt được tư tưởng này của Bác Hồ từ thập kỷ sáu mươi). Vì vậy, hơn lúc nào hết, rất cần bản lĩnh của cán bộ đảng viên. Bản lĩnh ở đây bao gồm cả bản lĩnh chính trị, bản lĩnh văn hóa, bản lĩnh chuyên môn nghiệp vụ. Một bản lĩnh vững vàng đòi hỏi trong mọi tình huống thuận lợi, khó khăn, cán bộ, đảng viên không được lạc quan tếu, tự huyễn hoặc, ru ngủ mình; cũng không được bi quan dao động. Mỗi chúng ta nên nhận thức đầy đủ, sâu sắc rằng, trên con đường đi tới hạnh phúc còn lắm chông gai. Khó khăn vừa rồi chưa phải là tất cả, càng không phải chỉ do những nguyên nhân tức thời, mà có một sự tích tụ từ nhiều năm trước. Thiếu bản lĩnh sẽ dẫn tới một sự phân tích thiếu khoa học và tất yếu sẽ dao động.

Con thuyền Việt Nam ra biển lớn và đang gặp thời tiết xấu. Không thể quay lại bờ (muốn quay cũng không được). Không thể liều mạng lái ẩu. Hãy cùng nhau nhắc nhở câu của cha ông: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Một sự bình tĩnh, vững tin, vững vàng, biết lựa con sóng để tìm cách đưa thuyền vượt sóng và các mỏm đá ngầm, đi đúng hướng, tới đích là hết sức cần thiết trong lúc này.

Bản lĩnh của cán bộ đảng viên còn được nhận thức giống như đức tính “Dũng” trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Tức là phải dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Bản lĩnh cán bộ đảng viên đòi hỏi phải nhận thức được, bối cảnh hiện nay không còn đất cho kiểu tư duy cũ không dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật; thất bại hay khó khăn là do khách quan... Mà thấy khuyết điểm là phải có gan thừa nhận, có gan sửa chữa. Làm được điều này là một giá trị. Bởi vì “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(11). Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý không chính đáng. Bản lĩnh của cán bộ, đảng viên ngày nay phải chứa đựng tố chất dám đấu tranh chống lại mọi tiêu cực như quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí, thiếu tinh thần trách nhiệm. Nên hiểu rằng, thiếu tinh thần trách nhiệm cũng là một biểu hiện của quan liêu. Mà quan liêu đẻ ra tham ô, lãng phí. Tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân, tội lỗi như Việt gian, mật thám, là tội ác.

Hai là, nâng cao về trí tuệ. Về mặt tư duy, giờ đây người ta hay nói đến một “tư duy toàn cầu”, tức là phải nhìn khắp chân trời như cách nói của Bác; phải có tầm nhìn xa trông rộng. Trí tuệ đòi hỏi phải ngày càng đổi mới và sắc sảo về tư duy. Một tư duy xơ cứng, trì trệ, bảo thủ kiểu chạy theo thành tích, bệnh hình thức, không thực chất, áp đặt chủ quan, thích kẻ khéo nịnh hót, ghét người chính trực, dìm người tài, v.v… sẽ là nguy cơ cho Đảng.

Trong kỷ nguyên của cách mạng khoa học- công nghệ, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa, rõ ràng rất cần những cán bộ, đảng viên có tài, vững chuyên môn, nghiệp vụ. Bằng cấp thật và đúng là cần, nhưng cần hơn là những người có năng lực thật sự. Những kiến thức cán bộ, đảng viên học được ở trường phải góp phần đắc lực trả lời được những câu hỏi do thực tiễn đặt ra.

Trí tuệ của cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay rất cần trở lại quan điểm Hồ Chí Minh, đó là không có việc tư túi nó làm mù quáng. Cần một đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc. Phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt. Biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng bọn cơ hội, chạy chọt, nịnh bợ...

Cán bộ lãnh đạo, quản lý cần một trí tuệ về mặt quản lý trong điều kiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Bởi vì, ở đâu thiếu và yếu kém về quản lý, ở đó sẽ xảy ra tiêu cực và tham nhũng. Trong bài viết Thách thức phức tạp nhất trên đường phát triển, đăng báo Tuổi trẻ số xuân Đinh Hợi, 2007, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng cho rằng “cần xóa bỏ hiện tượng lãnh đạo thấp hơn quần chúng, tri thức của Đảng thấp hơn dân trí”.

Ba là, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức phục vụ nhân dân. Toàn Đảng, toàn dân đang thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó nổi lên là thực hiện 4 xây và 4 chống. 4 xây: Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; ý thức tổ chức kỷ luật; ý thức trách nhiệm; ý thức phục vụ nhân dân. 4 chống: đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham ô, lãng phí.

Những nội dung đó đều cần thiết, kết hợp chặt chẽ “xây” và “chống”. Tôi muốn nhấn mạnh, phân tích mấy điểm. Cán bộ, đảng viên có ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân thì phải dám chịu trách nhiệm cá nhân, biết hổ thẹn khi không hoàn thành nhiệm vụ nhân dân giao phó, và phải có bản lĩnh, có gan từ chức (“văn hóa từ chức”) khi không còn sự tín nhiệm của nhân dân, theo tinh thần Hồ Chí Minh, “bao giờ đồng bào cho lui, thì rất vui lòng lui”. Về điểm này, cán bộ đảng viên ta, nhất là cán bộ đảng viên có chức, có quyền, cần phải nghiên cứu nghiêm túc, học tập có chọn lọc kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới.

Một vấn đề nóng hiện nay là tham nhũng. Cần nhận thức đúng đắn rằng, cán bộ và nhân dân, nếu thiếu lương tâm, đều có thể tham ô. Nhưng tham nhũng thì chỉ có cán bộ mới thực hiện được. Bởi vì “tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”(12). Bác Hồ viết: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần kiệm liêm chính, thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(13). Như vậy, tham nhũng trước hết và lâu dài là tham nhũng quyền lực. Muốn chống tham nhũng trước hết phải chữa nơi quyền lực, tức là phải chữa bệnh cho hệ thống; phải giám sát, kiểm soát quyền lực để cho quyền lực thực thi được minh bạch, không để xảy ra hiện tượng chạy, mua, bán chức, quyền. ở đâu tù mù, thiếu minh bạch, thiếu dân chủ, ở đó sẽ nảy sinh tiêu cực. Từ sự phân tích đó cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay, tuy có nhắm vào toàn bộ cơ chế, song chủ yếu vẫn nhắm vào cán bộ và đảng viên cầm quyền. Nhận thức như vậy để thấy, nếu đa số cán bộ, đảng viên trong sáng thì sẽ có tác động rất lớn tới vấn đề chỉnh đốn xã hội, làm cho cục diện chung sẽ có chuyển biến theo hướng tích cực.

Trên đây là một vài suy nghĩ về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay trên cơ sở nghiên cứu Nghị quyết Trung ương VI khóa X và những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

PGS,TS. Bùi Đình Phong




———————

(1), (3), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H, 1996, t.10, tr.463, 3, 4

(2), (6) Hồ Chí Minh: Sdd,t.12,tr. 222, 505.

(4), (8), (9) Hồ Chí Minh: Sdd, t.4, tr.56, 21, 22.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu BCHTW khóa X, Nxb CTQG, H, tr.96-97.

(10), (11), (13) Hồ Chí Minh: Sdd, t.5, tr.641, 261, 104.

(12) Luật Phòng chống tham nhũng, Nxb CTQG, H, 2007, tr.8.

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất