Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 9/7/2008 22:42'(GMT+7)

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: Xuất hiện và hành trình

Tháng 6-1847, Đại hội quyết định đổi Đồng minh những người chính nghĩa thành Đồng minh những người cộng sản và thông qua những văn kiện lịch sử. Một điều có ý nghĩa to lớn là Đại hội quyết định thay khẩu hiệu “ Tất cả mọi người đều là anh em” của tổ chức chính trị trước bằng một khẩu hiệu chiến đấu của phong trào công nhân quốc tế “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”. Việc thành lập Đồng minh những người cộng sản, tổ chức chính trị đầu tiên của giai cấp công nhân quốc tế tuyên bố chủ nghĩa cộng sản khoa học là ngọn cờ tư tưởng của mình đã mở đầu quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân. Cuối năm 1847, Đồng minh những người cộng sản triệu tập Đại hội II tại Luân Đôn với sự có mặt của các đại biểu từ các nước Đức, Thuỵ Sĩ, Pháp, Anh, Bỉ v.v... Đây là đại hội mà C.Mác và Ph.Ănghen gọi là Đại hội quốc tế đầu tiên của giai cấp vô sản. Hai ông tham dự đại hội với tư cách đại biểu và đã bảo vệ thành công những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản khoa học trong suốt cả quá trình thảo luận của Đại hội. Về sau, Ph.Ănghen nhớ lại: “Cuối cùng mọi ý kiến trái ngược và mọi ghi ngờ đều được thanh toán, những nguyên lý mới được toàn thể Đại hội nhất trí tán thành và chúng tôi, C.Mác và tôi, được giao nhiệm vụ thảo bản Tuyên ngôn”(1). Như vậy, việc xây dựng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được chính thức đặt ra từ Đại hội II của Đồng minh những người công sản. Song, tư tưởng của nó được hình thành sớm hơn. Tháng 6-1847, Ph.Ănghen đã hoàn thành “Dự thảo biểu tượng lòng tin cộng sản” ở Luân Đôn, cuối tháng 10-1847 ông chỉnh lý lại thành Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản ở Pari và cuối cùng, trên cơ sở đó, từ tháng 12-1847 đến 1-1848, C.Mác và Ph.Ănghen đã xây dựng Tuyên ngôn của Đảng cộng sản. Sự xuất hiện của Tuyên ngôn của Đảng cộng sản kết thúc giai đoạn hình thành chủ nghĩa Mác, một thế giới quan hoàn chỉnh, một quan niệm mới về các nguyên tắc nhận thức và cải tạo thế giới.

Tuyên ngôn mở đầu bằng lời tuyên bố công khai về mục đích chiến đấu của mình : “Đã đến lúc những người cộng sản phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình và kết thúc bằng một kết luận mang tính chất tiên tri: “Mặc cho giai cấp thống trị run sợ khi nghĩ đến một cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa ! Trong cuộc cách mạng ấy, những người cộng sản chẵng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Trong cuộc cách mạng ấy, họ giành được cả một thế giới cho mình. Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại !.

Tuyên ngôn xuất hiện lần đầu tiên tại Luân Đôn vào tháng 2-1848 bằng tiếng Đức, do Hiệp hội công nhân của J.C.Turghard ấn hành, 46 phố Liverpool, Bishopsgate. Tiếp đó, từ tháng 3 đến tháng 7-1848, Tuyên ngôn được đăng tải trên tờ Deutsche London Zeitung, cơ quan ngôn luận của những người Đức lưu vong, cuối năm đó, được tái bản thành một cuốn sách nhỏ dày 30 trang. Trong lần xuất bản này, người ta sửa một số lỗi ấn loát của lần xuất bản đầu tiên và nó trở thành cơ sở cho những lần xuất bản sau đó. Tuyên ngôn đã được lần lượt dịch ra nhiều thứ tiếng : Anh, Pháp, Italia, Phơlamang, Đan Mạch, Ba Lan, Nga... nghĩa là những ngôn ngữ chủ yếu ở châu Âu. Tên tác giả được ghi đầu tiên trong Lời tựa của G.J. Hácnây viết cho bản dịch đầu tiên sang tiếng Anh đăng tải trên tờ The Red Republican (Người cộng hoà đỏ), từ số 21 đến số 24, ở Luân Đôn, năm 1850. Sau năm 1850, Tuyên ngôn, bản tiếng Đức được tái bản nhiều lần ở Thuỵ sĩ, Anh và Mỹ. Chính C.Mác và Ph.Ănghen đã viết Lời tựa cho ba lần xuất bản Tuyên ngôn bằng tiếng Đức vào những năm 1872, 1883 và 1890.

Theo Ph. Ănghen, một bản dịch ra tiếng Pháp đầu tiên xuất hiện ở Pari vào trước cuộc khởi nghĩa tháng 6-1848. Trong một lá thư viết từ Luân Đôn gửi cho Lôra, con gái C.Mác ngày 11-4-1883, Ph.Ănghen có nói tới việc bà Gedre muốn dịch Tuyên ngôn ra tiếng Pháp và muốn Ănghen xem lại bản dịch. Năm 1885, Lôra Laphácgơ dịch Tuyên ngôn ra tiếng Pháp, đăng nhiều kỳ trên tờ Le Soialiste (Người xã hội chủ nghĩa), từ số 1 ra ngày 29-8 đến số 11 ra ngày 7-11-1885 và sau đó được đăng dưới hình thức Phụ trương của tờ La France socialiste (Nước Pháp xã hội chủ nghĩa) của Mácmếc, Pari, năm 1888. Theo Ph.Ănghen, cho đến năm 1890, bản dịch sang tiếng Pháp cuốn Tuyên ngôn là bản dịch tốt nhất. Từ bản tiếng Pháp đó, Tuyên ngôn được dịch ra tiếng Tây Ban Nha, đăng trên tờ El Socialista ở Manđrit và sau đó in thành sách.

Tuyên ngôn được in bằng tiếng Anh lần đầu tiên tại Luân Đôn vào năm 1850 theo bản dịch của Hêlen Mácpháclan. Từ trung tâm Luân Đôn, Tuyên ngôn đã theo chân các nhà cách mạng đến Hoa Kỳ, để từ đó tiếp tục cuộc hành trình của mình trên khắp lục địa này. C.Mác và Ph.Ănghen tán thành để Oétđơmayơ sang Hoa Kỳ vì vị trí của nước này trong phong trào công nhân thế giới ngày càng quan trọng. Năm 1851, sau khi đến Hoa Kỳ, Oétđơmayơ đã trở thành lãnh tụ của những người mácxit tại đây. C.Mác và Ph.Ănghen đã trao đổi thư từ và tìm cách “trao ngay bản Tuyên ngôn của Đảng cộng sản vĩ đại này cho Oétđơmayơ và những người bạn chiến đấu của ông”. Và dựa vào Cương lĩnh mácxit đó, tháng 6-1852 Oétđơmayơ đã thành lập Đồng minh những người vô sản, tổ chức mácxit chân chính đầu tiên gồm 17 người trên đất Hoa Kỳ. Từ năm 1871 Tuyên ngôn mới xuất hiện công khai trên báo chí nước Mỹ. Trước hết, Uthun (Woodhul) và Claflin (Claflin) đã cho đăng Tuyên ngôn trên tờ Tuần báo của mình, trong số ra ngày 30-12-1871. Tiếp đó, tháng 2-1872 xuất hiện trên tờ Người xã hội chủ nghĩa, cơ quan ngôn luận của các chi bộ Pháp trong Quốc tế I tại Mỹ. Bản dịch tốt nhất Tuyên ngôn sang tiếng Anh là của Xamuen Murơ, bạn của Ph. Ănghen. Dịch giả đã cùng với tác giả duyệt lại lần cuối trước khi đem in vào năm 1888.

ít lâu sau khi ra đời, Tuyên ngôn đã được dịch và công bố bằng tiếng Ba Lan và tiếng Đan Mạch ở Luân Đôn. Năm 1885, một bản dịch mới sang tiếng Đan Mạch đã được xuất bản ở Côpenhaghen. Năm 1892, các nhà xã hội chủ nghĩa Ba Lan dịch và xuất bản ở Luân Đôn một bản tiếng Ba Lan mới. Năm 1893, bản dịch ra tiếng Italia của Pôngpêô được xuất bản ở Milan, trong đó có Lời tựa cuối cùng của Ph. Ănghen viết cho độc giả Italia.

Tuyên ngôn đã đến với giai cấp vô sản Nga từ nữa cuối những năm 60 của thế kỷ XIX. Người Nga đầu tiên dịch Tuyên ngôn sang tiếng mẹ đẻ của mình là M.A. Bacunin. Bản dịch này đã được nhà in Côlôcôn của Hécxen xuất bản ở Giơnevơ vào năm 1869. Năm 1882, bản dịch thứ hai sang tiếng Nga là của G.R. Plêkhanốp, được xuất bản tại Giơnevơ... Đó là bản dịch tốt nhất đã được tái bản nhiều lần ở nước Nga những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. ở châu á, Nhật Bản là nước đầu tiên đã công bố Tuyên ngôn của Đảng cộng sản trên tờ Dân chúng theo bản dịch của Kôtôky và Tôxihikô vào tháng 11-1904.

Rõ ràng, hành trình của Tuyên ngôn phản ánh khá rõ lịch sử của phong trào công nhân quốc tế. Cũng phải thừa nhận một sự thực là hành trình của Tuyên ngôn phần nào phản ánh mức độ phổ biến, phạm vi ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác. Cho đến đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác mới chỉ đóng khung ở các nước Âu-Mỹ. Phải đến sau Cách mạng Tháng Mười Nga, đặc biệt sau khi thành lập Đệ tam Quốc tế, tức Quốc tế cộng sản – Bộ tham mưu của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Tuyên ngôn mới có một hành trình mới – Hành trình đến với các dân tộc phương Đông, các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa. Chính V.I. Lênin, người kế tục kiệt xuất sự nghiệp của của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, đã tạo nên bước phát triển mới đó với khẩu hiệu chiến đấu vang dội: “Giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, đoàn kết lại !”. Nói một cách khác, chủ nghĩa Mác sau Lênin đã đạt tới quy mô toàn cầu.

ở Trung Quốc, chủ nghĩa Mác được truyền bá trên nền tảng phong trào Ngũ Tứ, từ nhà mácxit Lý Đại Chiêu. Tháng 4-1920, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản được xuất bản bằng tiếng Trung Quốc tại Thượng Hải, theo bản dịch từ tiếng Nhật của Trần Văn Đào.

Những người yêu nước Việt Nam hoạt động ở nước ngoài tiếp xúc Tuyên ngôn sớm nhất, trong đó chắc chắn có Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn ái Quốc. Lãnh tụ Nguyễn Ai Quốc đã đọc và thấm nhuần những tư tưởng lớn trong Tuyên ngôn và đưa nó vào những tác phẩm của mình. Một đoạn trong cuốn Đường cách mạng: Vì công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới” bất chợt làm ta nhớ tới câu cuối cùng trong Tuyên ngôn. Và trong hành động, Người luôn theo chỉ dẫn trong Tuyên ngôn : “Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền”.

Tuyên ngôn của Đảng cộng sản được du nhập bí mật vào nước ta từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước theo chân những du học sinh từ Pháp về. Trong Hóa đơn mua sách ở Pari để đưa về nước của Nguyễn An Ninh người ta thấy có cuốn Tuyên ngôn của Đảng cộng sản của C. Mác và Ph. Ănghen. Nhưng mãi đến năm 1926 mới thấy xuất hiện công khai trên mặt báo ở Sài Gòn. Đó là lần đầu tiên Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh cho đăng toàn văn Tuyên ngôn bằng tiếng Pháp trên tờ báo La Cloche fêlée ( Chuông Rạn) của mình dưới hai hình thức: 1) Đăng liên tục trên các số báo, từ số 50, ra ngày 29-3-1926 đến số 60, ra ngày 26-4-1926; 2) In thành tờ rời như là Phụ trương của báo. Tuyên ngôn bằng tiếng Pháp in trên La Cloche fêlée có lẽ theo bản dịch của con gái Mác, bởi vì ngoài phần chính văn của Tuyên ngôn còn có ba Lời tựa của Mác và Ănghen viết cho các bản tiếng Đức. Ngoài việc đăng toàn văn Tuyên ngôn, tờ báo của Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường còn đăng lại nhiều bài của tờ LHumanité (Nhân Đạo), cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Pháp, của tờ Le Paria (Người cùng khổ), cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa mà Nguyễn ái Quốc là chủ bút và những bài của các lãnh tụ cộng sản như Dinôvíep, Bukharin, Các Rađếc và Gabrien Pêri... Ngoài con đường chính đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam của Nguyễn ái Quốc, hoạt động báo chí của hai ông đã góp một phần đáng kể vào việc truyền bá tư tưởng mácxit ở nước ta. Đó thực sự là một hành động rất dũng cảm của những nhà báo yêu nước ở một nước thuộc địa. Một tháng sau khi đăng Tuyên ngôn, tháng 5-1926 tờ La Cloche fêlée bị đình bản. Để tiếp tục công việc đang còn dang dở, hai ông cho ra tờ báo mới mang tên LAnnam (Nước Nam).

Bắt đầu từ khi xuất hiện các tổ chức cách mạng theo khuynh hướng vô sản cho đến năm 1945, các nhà cách mạng Việt Nam liên tục nhận được tài liệu, sách vở mácxit từ Pháp gửi sang, trong đó có cuốn Tuyên ngôn của Đảng cộng sản của C. Mác và Ph.Ănghen. Các chiến sĩ cộng sản bị giam cầm trong các nhà tù thực dân Hoả Lò, Khám Lớn Sài Gòn, Côn Đảo... tổ chức dịch và viết lại dưới dạng tóm tắt các tác phẩm kinh điển, trong đó có Tuyên ngôn, để tổ chức học tập lý luận trong tù. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, ta mới có điều kiện dịch và in thành sách tác phẩm bất hủ đó. Đầu năm 1946, Tuyên ngôn do Nhà xuất bản Sự Thật ấn hành lần thứ nhất tại Hà Nội theo bản dịch của Thép Mới và Sơn Tùng (Lê Hữu Kiều). Tiếp đó, năm 1952 xuất bản lần thứ hai tại chiến khu Việt Bắc. Lần đầu dịch qua bản tiếng Pháp của Lôra Laphácgơ, con gái Mác, lần thứ hai có tham khảo bản Trung văn do Nhà xuất bản Giải phóng, Trung Quốc xuất bản. Cho đến nay, tác phẩm “mỏng, giá trị lớn” của hai nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học đã được Nhà xuất bản Sự Thật tái bản trên chục lần. Đặc biệt năm 1986, nhân dịp kỷ niệm 140 năm xuất hiện Tuyên ngôn, nhà xuất bản Sự thật tái bản lần thứ 12 vào tháng 8-1986 với số lượng in 10.100 cuốn, khổ 13 x 19. Mỗi lần tái bản đều có sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện dần theo nguyên tác. Tái bản lần thứ 12 Tuyên ngôn là hoàn chỉnh nhất, bỏi lẽ, ngoài văn bản chính, sách còn in đầy đủ tất cả các bài tựa của hai đồng tác giả viết cho các lần xuất bản khác nhau, ở nhiều nước khác nhau. Đồng thời, trong sách còn khôi phục những chú thích của Ph.Ănghen viết cho các nhà xuất bản và chú thích của các nhà xuất bản khác nhau.

Vậy là, sự xuất hiện và hành trình của Tuyên ngôn của Đảng cộng sản của C. Mác và Ph. Ănghen là bước đi của chủ nghĩa cộng sản từ lý thuyết trên sách vở đến hiện thực, từ hiện thực một nước đến hiện thực nhiều nước và cuối cùng trở thành một trào lưu định hướng phát triển của xã hội loài người. Sự xuất hiện và hành trình của Tuyên ngôn chứng minh trên thực tế sức sống mãnh liệt và sức lan toả mạnh mẽ của một hệ tư tương tiên tiến./.

Pgs, Ts. Phạm Xanh
-----------------

(1) C.Mác- Ph.Ănghen. Tuyển tập, Nxb ST, H, 1971, t.2, tr.426.

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất