Thứ Hai, 25/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 26/7/2008 23:34'(GMT+7)

Tìm hiểu Hội nghị Trung ương 7

 

>>>Tìm hiểu Hội nghị Trung ương 7
(phần 2)

>>>Tìm hiểu Hội nghị Trung ương 7
(phần 3)

>>>Tìm hiểu Hội nghị Trung ương 7
(phần cuối)


Phần I. Giới thiệu chung về Hội nghị Trung ương 7

Thực hiện chương trình công tác toàn khóa, từ 09 đến 17/7/2008, Ban Chấp hành Trung ương đã họp Hội nghị lần thứ bảy. Đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có bài phát biểu khai mạc và bế mạc quan trọng. Sau khi Hội nghị kết thúc, đã có Thông báo Kết quả Hội nghị. Đấy là những tài liệu rất quan trọng, thể hiện một cách cô đúc nhất tinh thần cơ bản của các đề án, các nội dung Hội nghị Trung ương đã tập trung thảo luận và quyết nghị. Xung quanh các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 đã thông qua và sắp tới sẽ ban hành, chúng ta sẽ có một đợt nghiên cứu, quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng.

Tại Hội nghị Trung ương đã nghe và thảo luận các đề án do Bộ Chính trị trình; quyết định ban hành các Nghị quyết và kết luận những vấn đề quan trọng, nhằm tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội X, đưa Nghị quyết Đại hội X vào thực tiễn cuộc sống.

1. Những hoạt động chính và quyết nghị của Hội nghị

* Hội nghị Trung ương 7 đã thảo luận và ra nghị quyết về 3 vấn đề quan trọng:

- Thứ nhất, thảo luận Đề án và quyết nghị ra nghị quyết về vấn đề “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.

- Thứ hai, thảo luận Đề án và quyết nghị ra nghị quyết về vấn đề “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

- Thứ ba, thảo luận Đề án và quyết nghị ra nghị quyết về “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

* Hội nghị cũng đã nghe báo cáo và thảo luận về một số vấn đề khác:

- Nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, bàn và thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2008.

- Nghiên cứu và góp ý kiến vào 3 báo cáo do Bộ Chính trị và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trình Ban Chấp hành Trung ương bao gồm: Báo cáo những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 7; Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của Trung ương tại Hội nghị Trung ương 6 về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2007, trọng tâm công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2008; Báo cáo giải trình của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tiếp thu ý kiến của Trung ương về Báo cáo tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng năm 2007.

- Xem xét kỷ luật cán bộ và một số công việc khác.

2. Một số cảm nhận

* Hội nghị mang tính chuyên đề rất đậm nét. Ba đề án Trung ương thảo luận và thông qua đều tập trung vào mảng vấn đề xây dựng các lực lượng chính trị - xã hội. Hội nghị Trung ương 3 tập trung thảo luận và quyết nghị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Hội nghị Trung ương 4, Trung ương 5, Trung ương 6 tập trung bàn sâu và khá toàn diện về những vấn đề liên quan đến xây dựng Đảng: vấn đề củng cố, đổi mới hệ thống tổ chức trong Đảng, trong hệ thống chính trị; bàn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; bàn về củng cố, kiện toàn bộ máy Nhà nước, cải cách hành chính; nâng cao chất lượng tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên cơ sở đúng theo tinh thần chủ đề Đại hội X. Nhiệm kỳ này chúng ta quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Đồng thời với việc tập trung và triển khai khá toàn diện những vấn đề liên quan đến xây dựng Đảng, các kỳ họp Trung ương trước đã bàn và quyết nghị những vấn đề quan trọng, cấp bách liên quan đến kinh tế: Làm thế nào để phát triển kinh tế bền vững khi đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới; nghe và bàn sâu về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, những nội dung này tập trung vào nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội. Nửa nhiệm kỳ sau tập trung vào hành động, trong hành động thì lực lượng quan trọng nhất chính là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và một lực lượng rất đông đảo luôn luôn đảm nhận vai trò xung kích là thanh niên. Trung ương 6 bàn về công nhân, Trung ương 7 tập trung bàn về thanh niên, trí thức, nông dân – những lực lượng đóng vai trò quyết định thắng lợi của CNH, HĐH. Tính chuyên đề rất tập trung nhưng lại thể hiện tính logic trong tư duy lãnh đạo.

* Hội nghị Trung ương 7 thể hiện một bước tiến mới trong quá trình chuẩn bị các đề án. Các Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 lần này là những vấn đề rất lớn và khó, được chuẩn bị rất công phu và nghiêm túc, có sự kết hợp chặt chẽ giữa tổng kết thực tiễn với nghiên cứu khoa học lý luận.

Từ trước tới nay, các đề án, các vấn đề trình ra Trung ương đều được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, nhưng do yêu cầu khách quan của thực tiễn với những vấn đề ngày càng phức tạp hơn, mới hơn, khó hơn đòi hỏi Đảng phải tiếp tục nâng cao trình độ trí tuệ trong việc đề ra các quyết sách lớn. Chất lượng các đề án trình ra Trung ương tạo cơ sở để Trung ương cân nhắc, bàn thảo và quyết định chính xác nhất những vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là sau khi Hội nghị Trung ương 5 đã ra Nghị quyết về “Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”. Ba Đề án trình ra Hội nghị Trung ương 7 có thể nói là kết quả của một quá trình kết hợp tổng kết thực tiễn một cách nghiêm túc, với việc triển khai nghiên cứu khoa học lý luận rất công phu.

Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế”: Từ tháng 12/2007 đến tháng 6/2008, theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo chuẩn bị Đề án đã khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao: tổ chức điều tra xã hội học với đối tượng là trí thức hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau; hướng dẫn Ban Tuyên giáo của 64 tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các tổ chức liên quan báo cáo về tình hình đội ngũ trí thức và công tác trí thức. Trực tiếp làm việc với lãnh đạo tỉnh uỷ, thành uỷ, ban tuyên giáo, các sở, ban ngành ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, tỉnh Đắc Lắc, tỉnh Thái Nguyên. Tổ chức 22 buổi hội thảo, toạ đàm, hội nghị với sự tham gia của gần 2.000 đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lão thành, các chuyên gia và các trí thức đại diện cho các bộ, ban, ngành, hội ở Trung ương, trí thức, kiều bào. Đã có trên 30 chuyên gia gửi văn bản góp ý kiến vào dự thảo Đề án. Ngày 19/5/2008, Thường trực Ban Bí thư đã mời và nghe ý kiến đóng góp trực tiếp của 23 trí thức tiêu biểu. Kỳ họp thứ 5 của Hội đồng Lý luận Trung ương đã tập trung thảo luận về những vấn đề lý luận liên quan đến xây dựng đội ngũ trí thức. Chương trình khoa học cấp Nhà nước KX.04.13/06-10 của Hội đồng lý luận Trung ương đã phối hợp với Thời báo Kinh tế tổ chức cuộc hội thảo quy mô về xây dựng trí thức trong doanh nghiệp. Ngày 30/5/2008, Thường trực Ban Bí thư đã làm việc với Ban Biên tập Đề án, chỉ đạo một số nội dung cần chỉnh sửa, hoàn thiện. Ngày 12/6/2008, Bộ Chính trị đã họp, thảo luận dự thảo Đề án do Ban Chỉ đạo chuẩn bị, sau đó hoàn chỉnh trình Ban Chấp hành Trung ương.

Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, Ban Chỉ đạo đã tổ chức khảo sát trực tiếp ở 8 tỉnh, thành phố, đi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm tại Nhật Bản, Trung Quốc về tình hình thanh niên và công tác thanh niên; tổ chức 2 cuộc hội thảo khoa học tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; 2 cuộc hội thảo với lãnh đạo một số bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, một số nhà khoa học; lấy ý kiến các đồng chí nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn và một số cán bộ đoàn tiêu biểu của Trung ương Đoàn để tham gia vào các nội dung của dự thảo Đề án. Đã tiến hành một cuộc điều tra xã hội học trên diện rộng, trên cơ sở đó, kết hợp việc phân tích kết quả điều tra hàng năm của Viện Nghiên cứu thanh niên trong những năm gần đây để nắm sát hơn tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của thanh niên. Trước khi Bộ Chính trị cho ý kiến lần cuối để trình ra Trung ương, Bộ Chính trị giao cho Hội đồng Lý luận Trung ương đã nghiên cứu 4 chuyên đề để thẩm định, đối chiếu, so sánh các chuyên đề. Ngày 28/5/2008, Bộ Chính trị đã thảo luận, chỉ đạo hoàn chỉnh Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương.

Đề án về “Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn” thực sự là kết quả của nhiều công trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, lý luận đồ sộ, nghiêm túc với sự tham gia đóng góp của đông đảo các cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, nghiên cứu lý luận thuộc nhiều lĩnh vực.

Ngoài nội dung chính của các Đề án còn có các phụ lục rất chi tiết về số liệu và rất công phu: Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế” có 4 phụ lục với 82 trang; Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá” có 5 phụ lục với 82 trang. Đề án về “Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn” có tập phụ biểu với 9 nội dung quan trọng với 91 trang.

Có thể nói, các Đề án trình trình Hội nghị Trung ương 7 đã chắt lọc và đúc kết, trí tuệ của nhiều cấp, nhiều ngành; thể hiện tinh thần làm việc trách nhiệm, nghiêm túc, khoa học và dân chủ của Ban Chấp hành Trung ương (tổng hợp cả 3 đề án, có 337 ý kiến phát biểu thảo luận ở tổ và tại Hội trường).

* Trung ương vừa quan tâm những vấn đề lớn, có tầm chiến lược, vừa quan tâm lãnh đạo những vấn đề cấp bách, bức xúc trước mắt; đã dành thời gian thoả đáng để nghe và bàn sâu về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng, các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết vấn đề an sinh xã hội và bảo đảm phát triển, tăng trưởng kinh tế hợp lý và bền vững 6 tháng cuối năm và quyết định sẽ bổ sung một Hội nghị Trung ương vào tháng 10 để bàn sâu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 trước khi Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư cuối năm 2008.

Trong quy chế hoạt động của Trung ương, để bảo đảm cho các đồng chí Trung ương có đủ thời gian tập trung lãnh đạo các địa phương, các ngành, Trung ương quy định 6 tháng họp một lần. Để đảm bảo sự lãnh đạo của Trung ương đối với việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, thống nhất phương thức trước khi Chính phủ trình Quốc hội về kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm, bản báo cáo của Chính phủ gửi Hội nghị, được Trung ương nghiên cứu cho ý kiến trực tiếp, Bộ Chính trị tổng hợp và có ý kiến chỉ đạo để Chính phủ hoàn thiện kế hoạch trình ra Quốc hội. Nhưng năm nay, trong bối cảnh rất đặc biệt, chúng ta đang chịu sự tác động chung của sự khủng hoảng và suy thoái của kinh tế thế giới, có nhiều vấn đề mới, phức tạp, khó khăn đang nảy sinh, Trung ương nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trước những vấn đề quan trọng này của đất nước nên cần thiết phải có một cuộc họp để tập trung bàn sâu hơn, kỹ hơn để có những chủ trương, định hướng xác đáng hơn cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.

* Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm trước toàn Đảng, trước nhân dân, phát huy dân chủ và tinh thần tự phê bình, phê bình trong thảo luận các nội dung đề án và xem xét, biểu quyết kỷ luật nội bộ.

(Còn tiếp)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất