( TCTG ) Trong hai năm 1995-1996, nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh Chủ tịch Hố Chí Minh, chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sưu tầm, bổ sung và xuất bản bộ Hồ Chí Minh Toàn tập, gồm 12 tập. Nhiều văn kiện, tác phẩm, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới sưu tầm được bổ sung vào bộ sách. Trong đó tập 1 của bộ Hồ Chí Minh Toàn tập, trên cơ sở tiếp thu thành quả của lần xuất bản năm 1980, đã bổ sung hơn 30 bài và tác phẩm với hơn 100 trang, khai thác ở kho lưu trữ của Quốc tế Cộng sản trước đây, trên các tập san La Revue Communiste, Inprekorr, các báo L’Humanité, Le Paria, La Vie Ouvrière, Le Journal du Peuple, Le Libertaire... Trong số những bài mới bổ sung có bản Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Bản báo cáo được lấy từ sách: Hồ Chí Minh: Những bài viết 1914-1969, do Alain Ruscio(1) biên soạn, xuất bản bằng tiếng Pháp tại Pari, năm 1990. Trong sách Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, bản Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ, để ở phần Phụ lục, trong phần các văn bản viết chung.
Từ khi bản Báo cáo Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ được in trong Hồ Chí Minh toàn tập, nhiều nhà nghiên cứu đã đi sâu nghiên cứu tác phẩm này và đánh giá rất cao những luận điểm khoa học của Báo cáo.
Sách Hồ Chí Minh tiểu sử, do Giáo sư Song Thành, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, cùng tập thể tác giả là các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu lâu năm biên soạn, Nxb. Lý luận chính trị xuất bản năm 2006 đã dành một mục phân tích đánh giá về tác phẩm này. Đây là kết quả sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu của tập thể tác giả. Trên cơ sở tác phẩm in trong Hồ Chí Minh toàn tập các tác giả phân tích và khẳng định: Đây là một tác phẩm lý luận xuất sắc về đường lối và phương pháp cách mạng Việt Nam, với hai luận điểm: Cuộc đấu tranh giai cấp ở các nước phương Đông và ở Việt Nam không diễn ra giống như ở phương Tây; Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Từ hai luận điểm cơ bản trên, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến một luận điểm thứ ba: Về sự cần thiết phải vận dụng sáng tạo và bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác sao cho phù hợp với thực tiễn của mỗi nước.
|
Trang đầu tiên của bản Báo cáo |
Ngược dòng thời gian, chúng ta thấy từ khi tiếp thu Luận cương của V.I Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa năm 1920, tin theo Lênin và Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc là người dân thuộc địa đầu tiên đi tiên phong trong phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa. Sau này hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã thúc đẩy Đảng Cộng sản Pháp quan tâm đến vấn đề thuộc địa. Chính Nguyễn Ái Quốc đề nghị Đảng Cộng sản Pháp mở chuyên mục về thuộc địa đăng trên báo L’Humanité. Tháng 6-1923, rời nước Pháp sang Mátxcơva, tháng 7-1923, Nguyễn Ái Quốc đã viết thư gửi Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, phê bình Đảng Cộng sản Pháp bỏ mục thuộc địa trên báo L’Humanité. Người yêu cầu: mở lại mục viết về thuộc địa trong báo L’Humanité; Ban nghiên cứu thuộc địa cung cấp tài liệu cho phân bộ thuộc địa và cứ hai hoặc ba tháng một, báo cáo công tác của mình với phân bộ; ở những nơi đã thành lập phân bộ thuộc địa thì khuyến khích các phân bộ này tăng cường công tác tuyên truyền và tuyển thêm người bản xứ; trên tất cả báo chí của Đảng, mở một mục viết về thuộc địa để làm cho độc giả làm quen với các vấn đề thuộc địa; nói đến các thuộc địa trong hết thảy các đại hội, mít tinh hoặc hội nghị của Đảng; cử các nghị sĩ đi thăm các thuộc địa, mỗi khi nền tài chính của Đảng cho phép...
Trong thời gian sống và hoạt động ở Mát xcơva, trung tâm của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, được theo học một lớp ngắn hạn của trường Đại học Phương Đông, tham dự nhiều đại hội và hội nghị quốc tế, trong đó quan trọng nhất là Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản, nơi diễn ra cuộc trao đổi lớn về đường lối chiến lược, sách lược của phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa, Nguyễn ái Quốc đã nhận thức sáng tỏ thêm nhiều vấn đề lý luận. Nguyễn Ái Quốc cũng nhận thấy, Quốc tế Cộng sản biết rất ít về tình hình các thuộc địa, do đó đã chủ động viết nhiều báo cáo về tình hình Đông Dương và tình hình nông dân ở một số nước thuộc địa. Trong thư gửi Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, ngày 11-4-1924, Nguyễn Ái Quốc viết: “Những thuộc địa của Pháp nói chung và Đông Dương nói riêng ít được biết đến trong giới vô sản và cộng sản. Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp rất ít được thông tin về những gì xảy ra ở những thuộc địa đó. Cục thông tin của đảng cần phải được thành lập. Còn như ở đây, chúng tôi tuyệt đối không có gì. Nếu chúng ta muốn hoạt động một cách có ích về vấn đề thuộc địa thì nhất thiết phải bắt liên lạc với các thuộc địa đó.” Người đề nghị sớm được trở về Đông Dương, trước hết là tới Trung Quốc để khảo sát và nghiên cứu: “Thiết lập những quan hệ giữa Đông Dương và Quốc tế Cộng sản. Thông báo cho Quốc tế Cộng sản về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của thuộc địa này. Tiếp xúc với các tổ chức đang tồn tại ở đó, và tổ chức một cơ sở thông tin và tuyên truyền.”(2). Bản Báo cáo Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ chính là những thông tin ban đầu về tình hình An Nam của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp.
Nguyễn Ái Quốc là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, làm việc trong Ban nghiên cứu thuộc địa. Khi rời nước Pháp đến Mátxcơva, Liên Xô, Người vẫn giữ liên lạc với Đảng Cộng sản Pháp. Trong nhiều thư, báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, gửi Đảng Cộng sản Pháp, Người vẫn coi mình là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp (Thư gửi Quốc tế Cộng sản, 11-9-1924; Thư gửi đồng chí Tơ Ranh, 19-9-1924; Thư gửi cho một đồng chí đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, ngày 19-2-1925)... Trước khi lên đường về gần Đông Dương, ngày 21-5-1928, trong thư gửi Ban Phương đông Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc góp ý nhiều về công việc của Ban Thuộc địa Đảng Cộng sản Pháp.
Trong thời gian hoạt động ở Pháp (1911-1923), đặc biệt là từ khi tiếp xúc Luận cương của V.I Lênin về các vấn đề dân tộc thuộc địa, gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, đến thư viện đọc sách báo để tìm hiểu những vấn đề mà Người còn chưa hiểu rõ..., nhận thức lý luận của Người tiến bộ rất nhanh. Ngay khi ở nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã có một số bài viết, thể hiện luận điểm cách mạng sáng tạo, như hai bài Đông Dương đăng trên Tạp chí Cộng sản. Nhận thức được thuộc địa là một khâu yếu trong hệ thống của chủ nghĩa đế quốc, trong khi khả năng cách mạng của nó lại rất lớn, do vậy, trong bài Đông Dương, đăng trên Tạp chí Cộng sản số 15, năm 1921, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra nhận định hết sức táo bạo: “Chế độ cộng sản có áp dụng được ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không? Đấy là vấn đề mà chúng ta đang quan tâm hiện nay... Trả lời câu hỏi đó, chúng ta có thể khẳng định rằng có” (Bản tiếng Pháp có câu gạch chân này, bản in trong Hồ Chí Minh toàn tập không có). Sau khi phân tích tình hình châu Á về những lý do lịch sử, Nguyễn Ái Quốc dự đoán: “Chủ nghĩa Cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu Á, dễ dàng hơn là ở châu Âu”, và Người đưa ra kết luận: “Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn.”(3).
Những luận điểm trong bản Báo cáo Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ, chính là đúc rút từ việc nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và thực tế ở các thuộc địa, nhất là các thuộc địa ở phương Đông. Nguyễn Ái Quốc thấy không thể áp dụng một cách rập khuôn, máy móc lý luận đấu tranh giai cấp của Mác vào các nước này mà cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế: “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(4). Phân tích các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đưa ra luận điểm: “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước“, “Người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên cái động lực vĩ đại, và duy nhất trong đời sống của họ”. Chủ nghĩa dân tộc mà Nguyễn Ái Quốc dùng ở đây là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc. Luận điểm này thể hiện trong các văn kiện lý luận quan trọng của Đảng ta, từ Chính cương, sách lược vắn tắt và các văn kiện của Hội nghị hợp nhất (1930). Chủ trương đoàn kết rộng rãi dẫn đến việc thành lập Mặt trận phản đế (1930), Mặt trận dân chủ (1936-1939), Mặt trận Việt Minh(1941), Mặt trận tổ quốc Việt Nam(1955), Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960). Khẩu hiệu: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tổng kết ngắn gọn sâu sắc chiến lược đại đoàn kết của Đảng ta, một chân lý làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ trước đến nay, và từ nay về sau.
Như vậy, trên cơ sở nghiên cứu nội dung bản Báo cáo đã in trong Hồ Chí Minh toàn tập, chúng ta thấy các nhà nghiên cứu đã hoàn toàn đúng khi xác định đây là tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc, và chúng ta có thể yên tâm khi trích dẫn sử dụng tác phẩm này trong các công trình, các bài nghiên cứu của mình.
Tuy nhiên, Bảo tàng Hồ Chí Minh, với chức năng, nhiệm vụ của mình, vẫn tiếp tục tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, để tìm toàn văn bản báo cáo trên và những tư liệu chung quanh tác phẩm này.
Rất may là năm 2007, trong chuyến đi sưu tầm tài liệu ở các kho Lưu trữ của Liên bang Nga, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thu được khá nhiều tài liệu về thời kỳ Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở nước ngoài, từ năm 1921 đến năm 1940. Trong số tài liệu mới sưu tầm được, có bản Báo cáo Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Khi phát hiện được tài liệu này, người được cử đi sưu tầm đã vui mừng bật khóc, và vội nhắn tin ngay về nước.
Bản Báo cáo được lưu ở Kho lưu trữ Lịch sử Chính trị- xã hội Nga(5), Phông Đảng Cộng sản Pháp. Ngoài bìa hồ sơ ghi Ban Nghiên cứu Thuộc địa, năm 1924(6). So với bản báo cáo đã đưa vào sách Hồ Chí Minh toàn tập, thấy mới chỉ có một số đoạn, tất nhiên là những đoạn quan trọng, thể hiện tư tưởng, quan điểm và tinh thần sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc, nhưng chưa đầy đủ, có thể nói là còn thiếu rất nhiều, và những đoạn đưa vào Hồ Chí Minh toàn tập, có đoạn lại không ghi tiêu đề, do vậy người đọc không hình dung được bản báo cáo này có mấy phần và mỗi phần đề cập đến vấn đề gì. Bản Báo cáo chúng tôi mới sưu tầm được đầy đủ, gồm 16 trang đánh máy bằng tiếng Pháp. Góc trái, phía trên trang 1 có dấu hình chữ nhật: APXUB UKKU, dịch là Lưu trữ Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, góc phải phía đầu trang ghi: 1924.
Căn cứ vào bản Báo cáo Bắc Kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ mới sưu tầm được, chúng tôi xác định được thời gian viết bản Báo cáo là năm 1924. Nội dung và một số chi tiết trong Báo cáo cho phép khẳng định bản Báo cáo do một người Việt Nam viết. Mặc dù trong tài liệu mới tìm được này cũng không ghi rõ ai là tác giả, nhưng khi đọc bản Báo cáo, qua phần trình bày khoa học, rõ ràng, với những phân tích, đánh giá tình hình, đưa ra cương lĩnh, và cuối cùng là dự báo tương lai cho cách mạng Việt Nam, chúng tôi lại có thêm cơ sở để khẳng định các nhà nghiên cứu trước đây đã hoàn toàn đúng khi xác định Nguyễn Ái Quốc là tác giả của bản Báo cáo. Bởi vì, vào thời điểm ấy người Việt Nam ở Mátxcơva, không có ai, ngoài Nguyễn Ái Quốc, người có đủ kiến thức, trình độ lý luận và thực tiễn, uy tín để viết bản Báo cáo này. Hơn nữa, qua nghiên cứu tài liệu hiện lưu ở Bảo tàng Hồ Chí Minh chúng tôi thấy, trong khoảng thời gian từ năm 1923-1940, ở những thời điểm quan trọng, chuẩn bị về gần Tổ quốc, Nguyễn Aí Quốc đã có 3 bản báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản: Báo cáo về Đông Dương, viết 21-9-1923; Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ, năm 1924; Báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản, 12-7-1940, đều có cấu trúc giống nhau, từ đặc điểm lịch sử-xã hội, tình hình cụ thể của Việt Nam Nguyễn Ái Quốc đã đề ra phương hướng hành động cho cách mạng Việt Nam và dự báo tương lai. Ba bản báo cáo này đều không ký tên, nhưng chúng tôi xác định được là của Nguyễn Ái Quốc, vì ngoài bản đánh máy, còn có bản Nguyễn ái Quốc viết tay. Chỉ riêng bản Báo cáo Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ, chưa tìm thấy bản viết tay của Nguyễn Ái Quốc.
Toàn văn bản Báo cáo Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ được viết hết sức ngắn gọn, nhưng khoa học, rõ ràng, gồm 4 phần:
1. Tình hình người bóc lột.
2. Tình hình người bị bóc lột.
3. Cương lĩnh của chúng ta
4. Tương lai
Kết luận
Phần 1: Tình hình người bóc lột
Gồm 7 trang đánh máy, chưa có trong Hồ Chí Minh toàn tập. Rất ngắn gọn, bằng những con số (lấy theo số liệu của năm 1923), Nguyễn Ái Quốc đã nêu doanh thu của Pháp khi bóc lột ở thuộc địa và ở chính quốc; mánh lới của người bóc lột: Tham nhũng, đánh lừa, lợi dụng giới trí thức ở thuộc địa để làm việc cho chúng, thực hiện chính sách ngu dân, sử dụng các chính sách nhằm có lợi cho các doanh nghiệp tư bản thực dân...
Phần 2: Tình hình người bị bóc lột. Tác giả chia thành 4 mục.
A.- Các giai cấp xã hội.
Mục này chưa có trong Hồ Chí Minh Toàn tập. Cũng rất ngắn gọn, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã điểm qua hết các tầng lớp, các giai cấp trong xã hội, từ trí thức, nông dân, quân đội, phụ nữ, thanh niên đến phu kéo xe..., điều kiện sống và làm việc, khả năng, hạn chế về nhận thức chính trị của họ. Tầng lớp được Nguyễn Ái Quốc đánh giá có tiến bộ hơn là công nhân, phu kéo xe, quân đội. Đây là cơ sở Người đưa ra những nhận định ở mục B của phần 2, nhan đề: Cuộc đấu tranh giai cấp.
B.- Cuộc đấu tranh giai cấp. (Đã in trong Hồ Chí Minh Toàn tập).
C. Cuộc xung đột giữa hai thế hệ và hai nền văn minh. Chưa có trong Hồ Chí Minh toàn tập. Theo Nguyễn Ái Quốc, đó là xung đột giữa thế hệ những nhà nho cũ và thế hệ thanh niên An Nam đã Âu hóa, đó chính là xung đột giữa nền văn minh châu Âu do thực dân Pháp thâm nhập và nền văn minh Trung Hoa và Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “thắng lợi thuộc về lớp trẻ An Nam, vì đó là hiện thân của lớp trẻ châu Âu...”
D.- Chủ nghĩa dân tộc. (Đã in trong Hồ Chí Minh toàn tập).
Cuối phần 2, có một mục không đánh số, chưa có trong Hồ Chí Minh toàn tập, nhan đề: Trung tâm cách mạng, trong đó Nguyễn Ái Quốc kể đến: Trung Kỳ; Bắc Kỳ; Nam kỳ; Tôkyô, Bắc Kinh, Quảng Châu, biên giới Trung Hoa; ở Pháp (Paris, Marseille, Bordeaux, Montpellier, Le Havre.)
Phần 3: Cương lĩnh của chúng tôi. (đã in trong Hồ Chí Minh toàn tập).
Phần 4: Tương Lai. gồm hơn 4 trang đánh máy tiếng Pháp, hoàn toàn chưa có trong Hồ Chí Minh Toàn tập, gồm các mục sau:
A.- Người bị bóc lột có thắng nổi người đi bóc lột không?
Theo Người: “Sức mạnh lớn nhất của Chủ nghĩa thực dân là chế độ ủng hộ nó”, nhưng chúng ta có thể thắng, nếu biết được những điểm yếu của mình để khắc phục. Người chỉ ra nhược điểm của tầng lớp cách mạng trẻ: “Nhược điểm lớn của An Nam trẻ là thiếu kinh nghiệm cách mạng. Những người già chỉ dạy cho họ những phương pháp cổ hủ và không tưởng, do đó bây giờ họ phải tiếp thu không những văn hóa mà cả hành động của phương Tây”, đó là “hành động cách mạng. Đó là tinh túy của nền văn minh phương Tây...”
B.- Đông Dương có theo Chủ nghĩa Bônsêvích không?
Nguyễn Ái Quốc đề xuất là phải tăng cường công tác tuyên truyền để người An Nam hiểu mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chế độ thực dân, về sự đoàn kết giữa người bản xứ ở các thuộc địa và người vô sản ở chính quốc; tăng cường tuyên truyền về Quốc tế Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc viết: “về mặt nhận thức, chúng ta sẽ rất có lợi nếu hiểu biết tất cả các học thuyết, tất cả các nguyên tắc tác động đến sự phát triển của các dân tộc. Những xã hội được xây dựng theo những nguyên tắc của đạo đức tư sản không dẫn đến những kết quả như vậy, nên họ phải chống lại những xã hội đó để tìm một xã hội tốt hơn”.
Chú ý tới tầng lớp những người cách mạng trẻ tuổi, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Ngày mà thanh niên An Nam biết rằng ở Mátxcơva có một Trường đại học cho người phương Đông học miễn phí, sẵn sàng tiếp đón họ, kêu gọi họ, tuyển chọn họ, thì tôi khẳng định rằng hàng loạt thanh niên chống đối ở An Nam sẽ ra đi, những thanh niên thông minh và trung thành, đang bị vùi dập trong chế độ ngu dân ở thuộc địa sẽ sôi nổi đi học ở châu Âu! Và khi những nguồn sinh lực như vậy được tự do phát huy, thì không ai biết được điều gì sẽ xảy ra?”
C.- Thực dân Pháp làm gì để ngăn cản tuyên truyền Bônsêvích
Cuối cùng là phần Kết luận, Nguyễn Ái Quốc viết về khả năng khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương. Phần này đã được in trong Hồ Chí Minh toàn tập.
Bản Báo cáo này được viết khi Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị rời Mátxcơva lên đường về gần Tổ quốc. Những điều Người viết trong Báo cáo này và những việc Người làm khi về đến Quảng Châu, Trung Quốc càng khẳng định tác giả của bản Báo cáo chính là Nguyễn Ái Quốc. Chỉ đơn cử một việc, đó là việc gửi người đi học ở Trường Đại học Phương Đông. Theo nguồn tư liệu hiện có, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên học ở Trường Đại học Phương Đông. Sau đó, để chuẩn bị đào tạo cán bộ, xúc tiến việc chuẩn bị về tổ chức, lực lượng cho việc thành lập chính Đảng Mácxít ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã liên hệ, tác động nhờ gửi những thanh niên ưu tú của Việt Nam sang Mátxcơva học. Đã có khoảng 60 người Việt Nam sang học tại Mátxcơva, bằng hai con đường: qua Pháp, qua Trung Quốc. Sau Nguyễn Ái Quốc, Người đến Mátxcơva học Trường Đại học Phương Đông là Nguyễn Thế Rục (1925-1928), tiếp đó là Ngô Đức Trì (1926-1929), Bùi Lâm (1926-1928), Trần Phú (1927-1929), Bùi Công Trừng (1927-1929), Hà Huy Tập (1929-1932).
Có một điều trùng hợp là năm 1940, khi chuẩn bị về nước, ngày 12-7-1940, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc viết bản Báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản, bằng tiếng Hán về cách mạng Việt Nam. Qua nội dung Báo cáo, chúng ta có thể hiểu những suy nghĩ lớn của Nguyễn Ái Quốc kể từ khi Người quyết định rời Mátxcơva cuối tháng 10-1938, về Tây An, Diên An, Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc. Bản Báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản gồm 9 mục, trong đó Nguyễn ái Quốc báo cáo tóm tắt về tình hình: Địa lý, dân tộc, chế độ chính trị, tài nguyên, quốc phòng, nạn bóc lột, phong trào giải phóng ở Việt Nam, các tầng lớp xã hội và khuynh hướng của họ, các đảng phái như Tân Việt đảng, Quốc dân đảng và về Đảng Cộng sản, mà tổ chức tiền thân là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được tổ chức ở Quảng Châu, Trung Quốc; về Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hồng Kông, Trung Quốc; về tình hình Việt Nam sau khi chiến tranh châu Âu bùng nổ, tình hình sau khi Pháp đầu hàng Đức, đặc biệt là những đánh giá có tính dự báo của Người về tình thế cách mạng mới với Việt Nam và đưa ra phương hướng hành động, yêu cầu được giúp đỡ về súng đạn, kinh phí, cố vấn...
Hai thời điểm quyết định trở về nước, hai bản báo cáo cách nhau 16 năm, về hình thức đều có chung một cấu trúc, về nội dung toát lên một ý chí quyết tâm, một cương lĩnh hành động.
Chúng tôi đã tổ chức dịch toàn văn bản Báo cáo Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ và sẽ công bố toàn văn bảo Báo cáo để bạn đọc có điều kiện đọc và nghiên cứu./.
. TS. Chu Đức Tính-- Phạm Thị Lai
Bảo tàng Hồ Chí Minh
——————————
(1) Nhà sử học, hiện nay là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học tại Pari.
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, t.1, tr.252, 33
(4) Các đoạn trích từ Bản Báo cáo Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam Kỳ từ đây đều để trong ngoặc kép và in nghiêng.
(5) Trước đây là lưu trữ Quốc tế Cộng sản.
(6) Trong hồ sơ này, xếp sau bản Báo cáo Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ, còn có bản báo cáo của Nguyễn ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản, nhan đề: Tình hình Đông Dương, ngày 19-12-1924, đã in trong Hồ Chí Minh,Toàn tập, t. 2, tr.10-14.