Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 7/1/2009 22:9'(GMT+7)

Đạo đức học đường xuống cấp, vì đâu?

Một giờ học giáo dục công dân tại Trường THPT Nguyễn Thị Định, TPHCM.
 

Sau khi xử lý một trường hợp học sinh đánh nhau ngoài sân trường, có lần cô hiệu phó trường tôi buồn buồn: “Không biết chủ trương giáo dục cái gì mà đạo đức học đường ngày càng xuống cấp, cái môn giáo dục công dân...”, cô thở dài. Giáo dục đạo đức từ nhà trường đã có những điều bất ổn. Từ chuyện o ép học sinh (HS) về dạy thêm để tăng thu nhập, những tiêu cực trong thi cử... đến những bất hợp lý, phi giáo dục, thiếu thực tế của sách giáo khoa buộc chúng ta phải suy nghĩ và giải quyết.

Dạy điều quá cao siêu

Dư luận đã lên tiếng nhiều về chương trình quá tải. HS không theo kịp chương trình do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên vì bệnh thành tích, HS được đưa lên lớp trên. Kiến thức cũ chưa nắm, làm sao theo kịp kiến thức mới? HS chán học, quay ra quậy phá trong lớp rồi kết băng nhóm gây sự với lớp khác. Ra đường, gặp băng nhóm khác, thế là các em về trường liên kết các nhóm gây chiến nhau, tạo nên bạo lực học đường. Người ta lại đổ lỗi cho gia đình không quan tâm, cho nhà trường không quản lý... Thế có ai đặt lại vấn đề: Chương trình giáo dục có tạo hứng thú để các em học, có đủ thực tế để các em thấy gần gũi?

Ngày trước có bộ Quốc văn giáo khoa thư cùng những quyển như Tâm hồn cao thượng... với những bài viết đơn giản nhưng sinh động. Bên cạnh đó là những giờ luân lý rất thuyết phục. Thí dụ, chúng tôi hay châm chọc bạn H. mặc áo khín của chị. Tức thì hôm sau, giờ luân lý, cô giáo cho H. sang lớp khác (cũng giờ luân lý nhưng đề tài khác). Tại lớp, chúng tôi nghe giảng hàng giờ về sự tôn trọng bạn bè, không nên làm tổn thương nhau. Từ đó, chúng tôi đối xử với H. thật bình đẳng, đầy yêu thương.

Tại sao bây giờ chúng ta không dạy HS biết dẫn người già qua đường, không xả rác nơi công cộng, biết dạ thưa với người lớn, nhã nhặn cùng bạn bè....? Tại sao không dạy HS có trách nhiệm với gia đình, học đường, làng xóm... trước khi đòi hỏi các em nghĩa vụ nộp thuế (chương trình giáo dục công dân lớp 9). Tại sao không dạy các em tình thân yêu đùm bọc giữa những con người gần gũi trước khi cho các em biết về Liên Hiệp Quốc? (chương trình giáo dục công dân lớp 5).

Thiếu sự đồng bộ, hợp lực

Những tháng năm học tiểu học, tôi luôn bị “dọa”: Nói tục, chửi thề, nói láo, quay cóp bài... là việc xấu, mai mốt chết, hỗn sẽ bị quỷ cắt lưỡi, ăn cắp sẽ bị quỷ chặt tay... Chúng tôi đều sợ làm điều xấu. Lên trung học, chúng tôi cũng không nói tục, chửi thề, quay cóp bài, ăn cắp vặt... cho dù chúng tôi không còn tin vào quỷ ma nữa. Chúng tôi đã có thói quen không làm việc xấu bên cạnh những thói quen biết cám ơn khi nhận của ai điều gì, biết xin lỗi khi phạm sai trái.

Tâm hồn HS như trang giấy trắng, không thầy cô nào muốn các em chửi thề. Thế nhưng về nhà, trong xóm... người người chửi thề, ngay trong những chương trình tấu hài cũng nhan nhản những câu nói nhảm... Cách nay nhiều năm, tôi luôn nhắc HS lớp 6 cám ơn mỗi khi tôi trả lại quyển tập, phát em tờ giấy thi. Vậy mà thật đáng tiếc, có vẻ như chỉ mình tôi làm việc đó tại trường. Tại các gia đình, hình như nhiều bậc cha mẹ ít quan tâm đến việc uốn nắn các em những thói quen tốt.

Một thực trạng đau lòng là trong khi thầy cô dạy HS không gian dối nhưng những lúc dự giờ, HS được phân công theo kiểu gian dối: Em X. hỏi câu A., em Y. hỏi câu B... Thậm chí em V. được giao công việc trả lời sai, hỏi ngớ ngẩn để giáo viên có dịp phô trương kiến thức! Nạn tuồn đáp án vào phòng thi không phải hiếm... Bố mẹ lại chạy điểm, chạy trường chuyên, lớp chọn cho con... Như vậy, HS học được gì từ người lớn bên cạnh những bài đạo đức khô khan thiếu thực tế?

Cần một chương trình giáo dục không ôm đồm

Một sự nghiên cứu nghiêm túc về mục đích giáo dục, tâm lý lứa tuổi và xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa phải chăng là điều cần thiết lúc này? Cũng cần lắm sự hợp tác từ phía gia đình. Cha mẹ phải làm gương trước trong việc giáo dục con cái. Thật buồn cười khi con học an toàn giao thông nhưng mẹ chở con vượt đèn đỏ. Thầy cô dạy không xả rác nơi công cộng, ba mẹ “vô tư” ném rác sang nhà người khác!

Có một chương trình giáo dục hợp lý, vừa tầm, không ôm đồm và được sự phối hợp đồng bộ từ gia đình, xã hội... chắc chắn giáo dục sẽ thoát khỏi “vùng sương mù”.  

(Theo VnMedia)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất