Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 5/1/2009 22:19'(GMT+7)

Việt Nam đã tiến vào vũ đài quốc tế một cách ngoạn mục

Công ty xi-măng Chinfon (Hải Phòng).

Công ty xi-măng Chinfon (Hải Phòng).

Thế giới công nhận

Lãnh đạo Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), tại phiên thảo luận về thực hiện thí điểm sáng kiến Một LHQ do IPU và LHQ đồng chủ trì (ngày 2-11) đánh giá cao vai trò và ảnh hưởng tích cực của việc thực hiện sáng kiến trên tại Việt Nam đối với các nước thành viên LHQ, mong muốn tiếp tục trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng này. 

Thủ tướng Australia K.Rudd được hãng tin Anh ABC, mạng tin ABC và Ðài Phát thanh Australia dẫn lời, tuyên bố trước chuyến thăm nước này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam là quốc gia quan trọng ở khu vực, sẽ trở thành "một quốc gia mạnh", "trụ cột của Ðông-Nam Á".

Bộ trưởng Tư pháp Anh J.Straw (thăm Việt Nam ngày 11-12-9). Theo Ðài BBC (đêm 12-9), nói chuyện tại Ðại học Luật Hà Nội, Bộ trưởng J.Straw đã nhấn mạnh vị trí của Việt Nam trong một châu Á "siêu tăng trưởng". Ông cho biết, cách đây 40 năm, khi còn là sinh viên và là Chủ tịch Hội Sinh viên quốc gia, ông đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Ông J.Straw nhận xét "Hiện thời Việt Nam đã hoàn toàn đổi khác so với những tháng ngày đen tối đó. Chỉ cần nhìn quanh Hà Nội là người ta đã nhận thấy một sự chuyển biến đáng kinh ngạc". Theo ông, nếu thế kỷ 20, trong một chừng mực nào đó, được coi là Thế kỷ của phương Tây thì thế kỷ 21 chắc chắn là Thế kỷ của châu Á. Châu Á đã được xác định là "khu vực siêu tăng trưởng của nền kinh tế thế giới... Việt Nam đã tiến vào vũ đài quốc tế một cách ngoạn mục và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam như một lực lượng kinh tế đã được toàn thế giới công nhận". Bộ trưởng J.Straw hy vọng: "Trong 40 năm tới, Việt Nam có thể khẳng định vị trí trên thế giới như là một lực lượng tiến bộ vì những thay đổi mang tính xã hội cũng như sự phát triển kinh tế, dựa trên nền tảng pháp quyền và tôn trọng con người".

Nhật báo Hải Nam (Trung Quốc) trong bài Tốc độ Việt Nam (25-11) nhận xét: Sau 22 năm mở cửa, đặc biệt sau khi vào WTO, văn hóa thương mại tràn đầy mỗi góc phố, hiển hiện trên gương mặt mỗi người Việt Nam; mười năm qua Việt Nam giữ tốc độ tăng trưởng GDP cao, trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, nổi trội ở Ðông-Nam Á; khẳng định "sự phát triển của kinh tế Việt Nam đóng góp lớn cho khu vực".

Báo Làn sóng Ðức (30-11) nhận xét: 30 năm sau chiến tranh, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế đạt mức tăng trưởng vào hàng cao nhất châu Á. Từ khi thực hiện chính sách mở cửa và cải cách thị trường, Việt Nam đạt mức tăng GDP 8%/năm, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng vào hàng nhanh nhất thế giới. Với thị trường phát triển năng động, lực lượng lao động trẻ ham hiểu biết, chăm chỉ và có tay nghề, Việt Nam là thị trường tiềm năng và hấp dẫn lớn đối với cộng đồng đầu tư quốc tế.

Business Monitor International (BMI - tổ chức nghiên cứu kinh tế, tài chính hàng đầu của Anh) cho rằng, Việt Nam nổi lên như một nền kinh tế hứa hẹn nhất ở châu Á bắt nguồn phần lớn từ việc thực hiện chính sách mở cửa; sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư hết sức rõ ràng; BMI lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong mười năm tới.

Ví như Chim Phượng

Chủ tịch Phòng Thương mại Lima (Peru), P.A. Mores (19-11) nêu rõ: Nhờ thực hiện đổi mới, những năm qua Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc, có thể ví như Chim Phượng (tái sinh từ đống tro tàn) của khu vực châu Á-Thái Bình Dương; hiện Việt Nam nằm trong tốp mười nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới; sự năng động kinh tế thể hiện qua tốc độ tăng xuất khẩu (từ 788 triệu USD năm 1986 lên 49,9 tỷ USD năm 2007) đứng thứ 11 trong 21 thành viên APEC. Việt Nam còn đạt những chỉ số phúc lợi xã hội rất khả quan, đặc biệt tỷ lệ nghèo giảm mạnh.   

Bộ trưởng Ngoại giao Australia S.Smith khẳng định: Với chương trình đổi mới, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế và kết quả xóa đói nghèo đầy ấn tượng; tương lai tươi sáng đang ở phía trước. Australia nhiệt liệt hoan nghênh, ủng hộ Việt Nam tăng cường vai trò tích cực ở khu vực và trên thế giới; cam kết mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác toàn diện với Việt Nam. 

Tổ chức Giám sát doanh nghiệp quốc tế dự báo trong mười năm tới, khu vực công nghiệp của Việt Nam vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế (năm 2017 chiếm 40% GDP so với 25% hiện nay); mức tăng GDP 8%/năm được duy trì mà không làm cho nền kinh tế quá nóng.

Bộ Ngoại giao Italy đề cập những ưu tiên trong chính sách ngoại thương đến năm 2020 nêu rõ coi Việt Nam là "điểm cầu đầu tư".

Báo Bưu điện tài chính (Canada) ngày 6-12 nhận xét: Việt Nam được coi là "con hổ châu Á mới" với sự phát triển rầm rộ, sự cởi mở kinh doanh và lực lượng dân số trẻ hăng hái xây dựng đất nước. Ðiều hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài là tiềm năng và sự ổn định chính trị của Việt Nam. Ðã có mọi dấu hiệu về cuộc sống sung túc nơi đây. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp phương Tây nhận định Việt Nam "đang tạo ra một loạt cơ hội lớn trong hầu hết các lĩnh vực, từ hàng hóa tiêu dùng, y tế đến công nghệ thông tin" so với bất kỳ một quốc gia nào ở  Ðông-Nam Á.  

Tác giả cuốn sách “Việt Nam đi lên”, nhà sử học, nhà nghiên cứu Ðông Á của Ðại học Stanford (Mỹ), U.Ratliff có những chuyến đi thường kỳ tới Việt Nam, khẳng định "kỷ lục phát triển kinh tế của Việt Nam từ năm 1986 rất ấn tượng".

Thị trường bán lẻ tiềm năng

Tạp chí Bán lẻ châu Á đánh giá: Thị trường bán lẻ Việt Nam là "ngôi sao đang lên" trong khu vực. Giữa tháng 10, tại Hồng Công, bốn Nhà bán lẻ của Việt Nam nhận giải Tốp 500 Nhà bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2008 và là năm thứ hai liên tiếp họ nhận danh hiệu này.  

Mạng Nghiên cứu và Thị trường có uy tín trên thế giới, nhận định: Việt Nam là một thị trường mới nổi thu hút giới đầu tư vào ngành bán lẻ thực phẩm, đồ uống, rau quả, v.v. Vì có mức tăng trưởng GDP cao, thu nhập của người dân tăng; các công ty lớn hoạt động tại đây như METRO Cash & Carry, Big C... đang đua nhau tăng quy mô và thị phần.

Tập đoàn Secor Group (Canada) khẳng định: Tiếp cận thị trường Việt Nam là cơ hội cho nhiều tập đoàn bán buôn và bán lẻ lớn trên thế giới, trong đó có Canada.   

Hãng Tư vấn A.T Kearney (Mỹ) cho rằng, Việt Nam đã thay thế Ấn Ðộ  trở thành thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới và hứa hẹn sẽ sôi động hơn kể từ năm 2009, khi mở cửa đón chào nhiều hãng bán lẻ danh tiếng toàn cầu, theo cam kết gia nhập WTO.

Ðiểm hấp dẫn đầu tư

Công ty Tình báo kinh tế có chi nhánh tại Mỹ (19-10) đánh giá Việt Nam tăng sáu bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu, từ vị trí 71 (trong 82 nước) giai đoạn 2004-2008 lên 65 giai đoạn 2009-2013 do môi trường kinh doanh được cải thiện sau khi vào WTO; khẳng định các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào viễn cảnh kinh doanh ở Việt Nam.

Ông Jan Noether, người môi giới cho các nhà đầu tư và các công ty Ðức  thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Ðức tại Việt Nam nhận xét: Sau khi Việt Nam vào WTO, Nhật Bản, Mỹ và EU đã trở thành đối tác thương mại của nước này. 250 công ty Ðức đang hoạt động ở Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại, sản xuất và dịch vụ. Năm 2008, hơn 20 đoàn doanh nghiệp Ðức tới tìm hiểu thị trường. Các doanh nghiệp Ðức xếp Việt Nam là một trong mười điểm đầu tư hấp dẫn nhất thế giới và ngày càng nhiều công ty Ðức muốn có chỗ đứng trên thị trường tiềm năng này. 

Báo Le Figaro (Pháp) công bố (11-11) kết quả điều tra của Hội đồng kinh doanh châu Á cho thấy, lần đầu, Việt Nam vượt Mỹ và đứng thứ ba về sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Á, với tỷ lệ doanh nghiệp thông báo đầu tư vào Việt Nam trong năm 2008 tăng 28% so với 2007 "vì sau khi vào WTO kinh tế Việt Nam cởi mở, thông thoáng hơn".

Bộ trưởng Kinh tế Italy dẫn đầu Ðoàn doanh nghiệp  thăm Việt Nam (tháng 10) khẳng định: Việt Nam với những người dân mến khách, 58% dân số dưới 30 tuổi đang "trải thảm đỏ" cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo phóng viên Ðài Phát thanh RAI đi cùng đoàn, Việt Nam giống một ngôi sao mà các doanh nghiệp Italy nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ, khao khát chinh phục; 1.800 cuộc gặp giữa 900 doanh nghiệp hai nước trong bốn ngày thăm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy cộng đồng doanh  nghiệp Italy đánh giá Việt Nam là một thị trường cực kỳ quan trọng.   

Nhật báo “Người đưa tin buổi chiều” bán chạy nhất của Italy, đánh giá: Bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế, mức tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc loại cao nhất thế giới, đưa quốc gia Ðông-Nam Á này vào hạng "ngôi sao đang lên" của thế giới. Niềm tin của giới đầu tư vẫn rất cao do nền tảng cơ bản của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam hoàn toàn ổn định. 

Báo Phương Nam (Chile) khẳng định: Việt Nam mở rất nhiều cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Chile.

Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội A.Sitkoff nhấn mạnh: Sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vài năm gần đây là một "hiện tượng", với mức trung bình 8%/năm, đứng thứ hai thế giới. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Cộng đồng đầu tư quốc tế vẫn sẽ hướng tới những "miền đất hứa" để đầu tư và Việt Nam tiếp tục là một trong số đó./.

(Theo: Phương Hà/Nhân dân ĐT)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất