Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 4/1/2009 17:17'(GMT+7)

Đổi mới nội dung chương trình các môn lý luận chính trị -cần một lộ trình và bước đi cụ thể hơn

Dư luận đang trông chờ ngành giáo dục sẽ có nhiều đột phá

Dư luận đang trông chờ ngành giáo dục sẽ có nhiều đột phá

   Trong những năm vừa qua, sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở nước ta đều học năm môn thuộc lĩnh vực khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Triết học Mác-Lênin; Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhờ vậy đã cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng, xây dựng cho họ thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường và mục tiêu XHCN. Tuy nhiên, số thời gian giảng dạy các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh so với tổng quỹ thời gian học của sinh viên là quá lớn, nội dung giảng dạy có phần nặng nề, có sự trùng lắp giữa các môn học. Ngày 18-9-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định số 52/2008/QĐ - BGDĐT về việc ban hành chương trình các môn lý luận chính trị trình độ đại học, cao đảng dùng cho sinh viên khối không chuyên ngành Mác-Lênin. Theo quyết định này, chương trình lý luận chính trị trình độ đại học, cao đẳng dùng cho sinh viên không chuyên ngành Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gồm 3 môn: Môn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, môn tư tưởng Hồ Chí Minh và môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 26-9-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn số 8899/BGDĐT - GDĐH hướng dẫn việc thực hiện quyết định số 52/2008/QĐ - EGDĐT.

   Theo ý kiến chỉ đạo, chương trình các môn lý luận chính trị sẽ được bố trí giảng dạy, học tập từ học kỳ 3 của khoá tuyển sinh năm học 2008-2009 (trừ một số trường thực hiện thí điểm bố trí giảng dạy, học tập từ học kỳ 2 năm học 2008-2009). Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng đã và đang thực hiện sự chỉ đạo của Bộ. Các trường đại học đã tiến hành đổi tên khoa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thành khoa Lý luận chính trị, thành lập 3 bộ môn mới, cử giáo viên đi tập huấn theo kết cấu, nội dung chương trình mới và đang chuẩn bị soạn, thông qua bài giảng... Bước đầu triển khai thực hiện quyết định của Bộ, chúng tôi thấy có những vấn đề cần được trao đổi và sự giúp đỡ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các ban ngành hữu quan khác.

   Một là, chương trình các môn Lý luận chính trị trình độ đại học, cao đẳng gồm 3 môn. Môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin được kết cấu gồm 3 phần. Phần một với tiêu đề: Thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin (3 chương) được xây dựng chủ yếu dựa trên lôgíc thứ tự và nội dung của môn triết học Mác-Lênin; phần hai với tiêu đề: Học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác-Lênin về phương thức sản xuất TBCN được xây dựng chủ yếu dựa vào nội dung của phần phương thức sản xuất TBCN của môn Kinh tế chính trị; phần ba với tiêu đề: Lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về CNXH được xây dựng chủ yếu dựa vào nội dung của môn Chủ nghĩa xã hội khoa học. Môn đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam được kết cấu gồm 8 chương, trong đó có ba chương được xây dựng dựa vào nội dung của môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, những chương còn lại dựa trên nội dung của môn Kinh tế chính trị, môn Chủ nghĩa xã hội khoa học và một phần nhỏ của môn Triết học. Môn Tư tưởng Hồ Chí Minh được kết cấu bẩy chương trên cơ sở của giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh cũ.

Nhìn vào kết cấu chương trình các môn học mới, chúng ta sẽ thấy đây chỉ là sự ghép nối cơ học các bộ phận của các môn triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu tính tổng lượng các vấn đề cần giảng cho sinh viên khi còn dạy năm môn với những vấn đề cần giảng khi chỉ còn dạy ba môn sẽ thấy chúng tương đương nhau. Tuy nhiên thời gian khi giảng ba môn giảm đi một phần ba (225 tiết hiện nay so với 330 tiết trước đây). Như vậy, giáo trình mới phải được viết như thế nào? dung lượng kiến thức ra sao? giảng viên giảng những gì? giảng như thế nào? phần nào giảng, phần nào thảo luận, phần nào tự học? Phải được tiếp tục suy nghĩ, bàn bạc và lựa chọn.

   Hai là, trong chương trình đào tạo giảng viên các môn khoa học Mác-Lênin trước đây chúng ta đào tạo theo chuyên ban sâu: chuyên ban Triết học, chuyên ban Kinh tế chính trị, chuyên ban Chủ nghĩa xã hội khoa học và chuyên ban Lịch sử Đảng, với mục đích sau khi ra trường sẽ bố trí giảng viên giảng đúng môn học phù hợp với chuyên ban được đào tạo. Thực tế cho thấy thời gian vừa qua giảng viên Mác-Lênin đã hoàn thành tốt nhiệm vu giảng dạy theo cách làm như vậy. Đến nay, do bố trí lại các môn học, giảng viên được đào tạo chuyên ban triết học phải đảm nhận giảng dạy cả phần kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; giảng viên được đào tạo chuyên ban kinh tế chính trị phải đảm nhận giảng dạåy cả phần triết học và chủ nghĩa xã hội khoa học… Điều này đã gây nên tâm lý lo lắng ở các giảng viên và chắc chắn chất lượng giảng dạy những năm đầu sẽ không cao.

   Khi thiết kế chương trình mới, một số người cho rằng, tuy có ghép kiến thức của một số môn học trước đây với nhau nhưng giảng viên được đào tạo chuyên ban nào vẫn đảm nhận giảng dạy phần chuyên ban ấy. Thực ra không làm như vậy được vì lẽ, một giáo trình gồm nội dung của nhiều môn học ghép lại, chúng ta không thể bắt sinh viên học và nắm vững toàn bộ giáo trình trong khi giảng viên chỉ nắm và giảng dạy được một phần của giáo trình ấy. Hơn nữa, tất cả các trường đại học hiện nay đều có tổ chức đào tạo ở các cơ sở liên kết, trạm xa. Khi giảng dạy ở những cơ sở này nhà trường không thể cử 2, 3 giáo viên đến dạy cùng một môn học. Để khắc phục một phần bất cập này, nên chăng Bộ bố trí thời lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị gồm 11 tín chỉ (17 đơn vị học trình) với 5 điểm thi (những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin: 3 điểm thi; Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam: 1 điểm thi; Tư tưởng Hồ Chí Minh: 1 điểm thi) .

   Ba là, để chuẩn bị cho việc triển khai giảng dạy các môn lý luận chính trị, phần lớn các trường đại học đã thực hiện việc điều chuyển giảng viên giữa các bộ môn cho cân đối với số giờ giảng quy định. Tuy nhiên, ở một số trường không thực hiện được sự điều chuyển mà chỉ thực hiện việc ghép ba bộ môn triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học thành bộ môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và đổi tên bộ môn lịch sử Đảng thành bộ môn đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy dẫn đến sự chênh lệch quá lớn số người và số giờ giảng giữa các bộ môn. Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là do sự thiếu thiện chí của một số chủ nhiệm bộ môn, nhất là môn đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và môn tư tưởng Hồ Chí Minh. Các bộ môn này không muốn bị giảm giờ giảng khi nhận thêm người từ bộ môn triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học chuyển sang. Sau nữa là sự chưa sẵn sàng của các giảng viên xuất phát từ chỗ không hiểu hết cách sắp xếp và kết cấu chương trình của các môn học.

   Để tiếp tục triển khai quyết định của Bộ về việc đổi mới kết cấu, nội dung chương trình, giáo trình các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh dùng cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Chúng tôi xin nêu một số kiến nghị sau đây với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

   1. Bộ cần chỉ đạo để nhanh chóng có giáo trình mới của các môn học.

   2. Trong kết cấu thời lượng chương trình, Bộ quy định sinh viên nghe giảng 70% và thảo luận 30%. Xu hướng chung của các trường đại học hiện nay là bố trí các lớp nghe giảng khoảng 150 đến 200 sinh viên. Bộ cần có văn bản chỉ đạo tới các trường về số lượng sinh viên trong một lớp thảo luận và cách tính giờ thảo luận. Nếu không làm như vậy sẽ có sự tuỳ tiện ở các trường và chất lượng thảo luận sẽ không cao.

   3. Bộ cần có văn bản và chỉ đạo tất cả các trường thực hiện việc điều chuyển giảng viên để đảm bảo sự cân đối về người, về giờ giảng giữa các bộ môn.

   4. Bộ cần thường xuyên tổ chức những lớp bổi dưỡng cấp chứng chỉ cho giảng viên các bộ môn, đặc biệt là môn tư tưởng Hồ Chí Minh để tạo điều kiện cho sự chuyển đổi giảng viên và tuyển giảng viên mới sau này.

   5. Bộ cần tổ chức những lớp bồi dưỡng dài ngày cho giảng viên lý luận chính trị nhằm đào tạo lại và nâng cao trình độ cho đội ngũ này.

   6. Bộ cần có hướng dẫn việc giảng dạy các môn lý luận chính trị đối với học viên cao học và thi tốt nghiệp các môn lý luận chính trị cho sinh viên trong những năm tới.

   7. Bộ cần tiếp tục có những quy định và biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của họ.

   Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của giai cấp công nhân và Đảng ta. Việc giảng dạy, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với các thành viên xã hội, đặc biệt là với thế hệ thanh niên sinh viên là hết sức cần thiết. Chúng tôi cho rằng việc đổi mới và triển khai giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các trường đại học, cao đẳng cần được tiến hành từng bước, có sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo. Các văn bản chỉ đạo của các cấp phải cụ thể và dễ thực hiện./.

TS. Nguyễn Tài Quang
Chủ nhiệm khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Giao thông Vận tải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất