“Ruộng bề bề, không bằng nghề trong tay”. Lời dạy truyền khẩu ấy của ông cha ta cho đến bây giờ càng ngẫm nghĩ càng thấy đúng. Để phát triển nông nghiệp và nông thôn, nhất là đối với các địa phương còn nhiều khó khăn thì “giúp cần câu còn hơn cho xâu cá”. Đi về các làng, xã, thôn, bản hiện nay mới thấy tình trạng người lao động nông thôn, nhất là lớp thanh niên mang nhiều ước vọng vào đời nhưng do chưa được đào tạo nghề đầy đủ nên vẫn bị rơi vào tình trạng “học không hay, cày không biết”…
* Những kết quả đáng ghi nhận
Có thể nói Đề án 1956 đã thu hút được sự quan tâm, tham gia thực hiện của cả hệ thống chính trị, các lực lượng, các nguồn lực trong việc tổ chức thực hiện. Các địa phương đã chủ động bố trí ngân sách, huy động các nguồn khác bằng và cao hơn so với nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ để tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. Cùng với 750 cơ sở dạy nghề, các địa phương đã huy động trên 200 doanh nghiệp, 400 cơ sở khác có đủ điều kiện dạy nghề; trên 1,9 vạn giáo viên hữu cơ, giáo viên thỉnh giảng, trên 1,1 vạn kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, nhà khoa học, công nhân có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi đã tham gia vào công tác dạy nghề…
Mục tiêu chung của Đề án là trang bị kiến thức, tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã đủ tiêu chuẩn, trình độ, thành thạo chuyên môn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn… Sau ba năm thực hiện, hàng triệu lao động nông thôn đã được học nghề, có việc làm, nâng cao thu nhập… Cụ thể, tính đến nay, các ngành, các cấp, địa phương đã hỗ trợ dạy nghề cho gần 1,1 triệu lao động nông thôn (đạt 77,6% kế hoạch), trong đó 476.574 người được học nghề nông nghiệp, 610.405 người được học nghề phi nông nghiệp. 768.073 người đã có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ, có năng suất, thu nhập cao hơn. Các bộ, ngành đã tổ chức dạy nghề cho 23.779 lao động theo các mô hình đã thí điểm, đã có 10.973 người học xong; 10.949 người có việc làm (đạt 99,8%), trong đó 9.092 người được doanh nghiệp tuyển dụng, 1.722 người được doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm, 135 người tự tạo việc làm... Số người thoát nghèo, số người có thu nhập khá tăng, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu (có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm). Đối với các nghề nông nghiệp, người lao động sau học nghề đã bước đầu áp dụng được kiến thức, kỹ năng được học vào thực tế. Đối với các nghề phi nông nghiệp, sau học nghề, lao động đã tận dụng được thời gian nông nhàn nhận gia công, sản xuất cho các hợp tác xã, doanh nghiệp để tăng thu nhập, một số lao động sau học nghề đã thành lập được doanh nghiệp, tổ sản xuất...Một bộ phận lao động nông thôn sau học nghề đã thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho bản thân và các lao động khác.
Việc thực hiện Đề án đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình dạy nghề có hiệu quả đã được triển khai nhân rộng, như: dạy nghề nông nghiệp vùng chuyên canh, chuyên con; áp dụng phương thức dạy nghề tại chỗ, dạy nghề tiểu thủ công nghiệp tại làng nghề đối với người trung tuổi, gắn với tổ chức việc làm, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; dạy nghề công nghiệp, xây dựng, dịch vụ theo vị trí việc làm trong doanh nghiệp cho người trẻ tuổi; dạy nghề máy trưởng, thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ, gắn với việc hình thành các tổ đoàn kết, nghiệp đoàn của ngư dân … Trên cơ sở đó, quy trình quản lý, chỉ đạo, tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn ngày càng được hoàn thiện, có hiệu quả cao hơn.
Những kết quả nói trên cho thấy công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong 3 năm qua về cơ bản là đúng hướng. Những kết quả đạt được đã tạo cơ sở để nâng số lượng và chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn trong những năm tới.
* Còn đó những khó khăn, bất cập
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, việc thực hiện Đề án 1056 còn không ít khó khăn, bất cập. Việc triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế; thiếu định hướng dài hạn, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới, nhất là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thị trường. Tại một số nơi, dạy nghề còn chạy theo số lượng; chất lượng thấp, chưa phù hợp với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động. Mạng lưới cơ sở dạy nghề còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ cán bộ nhà nước về dạy nghề thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc hỗ trợ lao động nông thôn sau học nghề, đặc biệt là vốn và thị trường đầu ra cho sản phẩm do người dân tạo ra, tạo nên hiệu quả dạy nghề cho nông dân chưa cao. 6 địa phương chưa đạt được mục tiêu 70% có việc làm sau học nghề của Đề án. Công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phố biến về dạy nghề cho lao động nông thôn chưa sát thực tế, chưa phong phú về hình thức...
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án 1956 mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo cũng chỉ ra rằng: sau 3 năm triển khai, nhiều cơ chế, chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn trong Quyết định 1956/QĐ-TTg đã không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, như: chỉ tiêu dạy nghề cho lao động nông thôn hàng năm tại Quyết định 1956 quá cao đối với điều kiện thực hiện; mức hỗ trợ đối với lao động nông thôn về tiền ăn, tiền đi lại, chi phí đào tạo, mức hỗ trợ thù lao giảng dạy từ năm 2009 (theo Quyết định) đến nay không còn phù hợp; chưa được bổ sung nguồn vốn vay Quỹ quốc gia việc làm để cho lao động nông thôn sau học nghề vay...
* Quyết tâm mới cho ba năm 2013 – 2015 và năm 2013
Một trong những mục tiêu được đề ra cho ba năm 2013 – 2015 của Đề án là hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 2.040.000 lao động nông thôn (riêng năm 2013 là khoảng 600 nghìn người); số người học xong có việc làm hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, hiệu quả cao hơn đạt từ 70% trở lên… Để thực hiện được mục tiêu đó, đòi hỏi nỗ lực cao của các ngành, cấp, sự huy động, lồng ghép các nguồn lực, kể cả các Dự án của các Tổ chức phi chính phủ (NGO) cùng các nguồn xã hội hóa khác.
Cũng theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án 1956 mới đây, hằng năm, các địa phương sẽ phải phải rà soát lại danh mục nghề đào tạo; điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động để có bước đi phù hợp; tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền để người dân học nghề xong được làm đúng nghề đã học. Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả, nghiêm túc quán triệt, thực hiện đúng nguyên tắc đã được nêu trong Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn: "Địa phương phải phê duyệt quy hoạch sản xuất, quy hoạch nhân lực, làm cơ sở để triển khai. Không tổ chức dạy và học khi người lao động không dự báo được nơi làm và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học". Với hướng đi ấy, hy vọng rằng, công tác Đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ đạt được những thành tựu cao hơn, khắc phục được những tồn tại, khó khăn trước mắt../.
Theo TTXVN