Thứ Ba, 8/10/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 20/12/2008 22:43'(GMT+7)

Đào tạo người đi lao động xuất khẩu- vấn đề cốt tử

NLĐ học nghề hàn

NLĐ học nghề hàn

 

Năm 2008, mặc dù có một số khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, công tác xuất khẩu lao động cũng vẫn đạt mục tiêu đề ra là đưa được hơn 85.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Song, lớn hơn con số này là những kết quả đạt được ở một số lĩnh vực.

Thị trường lao động được mở rộng

Năm 2008 vẫn giữ và tăng cường thêm lao động ở các thị trường truyền thống, có chuyển hướng tích cực đối với thị trường mới. Các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan tăng đáng kể số lượng lao động sang làm việc. Đặc biệt, tại Hàn Quốc, chúng ta đưa được hơn 12.000 lao động mới và trên 6.000 lao động được tái tuyển dụng.

Tại Nhật Bản, bên cạnh chương trình hợp tác thông qua các doanh nghiệp, ta cũng mở thêm một chương trình phi lợi nhuận. Theo đó, người lao động không phải chịu chi phí trước khi đi, nâng tổng số tu nghiệp sinh sang Nhật Bản năm nay lên trên 6.000 người.

Đến nay, có khoảng 500.000 lao động Việt Nam làm việc ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ

Hằng năm người lao động gửi về nước 1,6-2 tỷ USD

Hiện có 156 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Một số thị trường mới được mở ra như: Brunei, Singapore và một số nước khu vực Trung Đông như: Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả rập (UAE), Oman, Arabia Saudi; triển khai thí điểm đưa lao động sang một số thị trường có mức thu nhập cao như Australia, Hoa Kỳ, Canada, Phần Lan, Italy… Đồng thời, chúng ta đưa được lao động sang Liên bang Nga và các nước SNG, Cộng hòa Czech, Bulgaria, Slovakia và Rumania. Đây là những thị trường lao động khá “khó tính”, đòi hỏi cao về trình độ nghề, ngoại ngữ và hạn chế cấp visa.

Quản lý lao động nước ngoài được tăng cường

Hệ thống quản lý lao động ở các nước có nhiều lao động Việt Nam làm việc đã được hình thành và phát triển với nhiều hình thức như: cơ quan đại diện, ban quản lý lao động hoặc cán bộ chuyên trách quản lý lao động tại cơ quan đại diện và đại diện các doanh nghiệp.

Đến nay đã tổ chức được 7 Ban Quản lý và đại diện quản lý lao động tại các nước và vùng lãnh thổ có đông lao động làm việc, gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Cộng hòa Czech, UAE và Qatar. Do đó, đã phát hiện và xử lý kịp thời hầu hết các vấn đề phát sinh đối với người lao động. Số lượng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc ở Hàn Quốc và Nhật Bản đã giảm rõ rệt trong năm qua. Trước đây tỷ lệ bỏ trốn của tu nghiệp sinh Việt Nam ở Hàn Quốc và Nhật Bản khoảng 20-30% thì hiện nay chỉ còn khoảng 2%.

Chất lượng người đi xuất khẩu lao động- yếu tố quyết định

Tại Hội nghị Toàn quốc về việc làm và xuất khẩu lao động 2008 mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh: Đào tạo nghề là vấn đề trọng tâm, có tính quyết tử. Hiện nay cả nước có khoảng 2.000 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 100 trường cao đẳng, 600 trường trung cấp dạy nghề…, nhưng theo Phó thủ tướng thì "số lượng đông, song quy mô nhỏ, thầy giáo, giáo trình đều thiếu và yếu, việc gắn kết với thị trường lao động còn hạn chế".

Theo Phó Thủ tướng, đào tạo người đi XKLĐ cần nhắm vào 4 vấn đề: đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề, đào tạo về văn hóa, phong tục tập quán và đào tạo về luật pháp của địa bàn sở tại. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được hình ảnh tốt đẹp về người lao động Việt Nam, bảo đảm phong thái và danh dự của người Việt Nam.

Năm 2009, mục tiêu của công tác xuất khẩu lao động là đưa được 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài; từ năm 2010 mỗi năm đưa đi 100.000 lao động.

Ông Vũ Công Bình
Ông Vũ Công Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài (LOD), Bộ Giao thông vận tải: Doanh nghiệp tìm được thị trường và đối tác tốt, kết hợp với việc tổ chức đào tạo người lao động có tay nghề, có ngoại ngữ; thì việc đưa lao động đi xuất khẩu vẫn ổn định, hạn chế được rủi ro. Công ty đã bước đầu có tư vấn cho người lao động “hậu XKLĐ”, song, để làm công tác này có hiệu quả, cần bắt đầu từ khâu tuyển chọn lao động trước khi đi, gắn ngành nghề với quy hoạch phát triển của địa phương.

 

Ông Nguyễn Xuân Vui
Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Hàng không (Airseco): Phải thay đổi được chất lượng người lao động, giữ được uy tín, hình ảnh người lao động Việt Nam, giành được thị phần trên thị trường lao động. Năm 2009 và những năm tới Công ty sẽ chú trọng thị trường UAE và Arabia Saudi; ngoài việc người lao động có nghề có thu nhập cao (8-10 triệu VNĐ), hầu hết chủ sử dụng lao động đều bao ăn 3 bữa cho người lao động. Hai thị trường này sẽ thu hút lao động nhiều hơn.

 

Ông Nguyễn Thanh Hòa
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Nhiệm vụ quan trọng của ngành là nắm chắc tình hình người lao động Việc Nam làm việc ở nước ngoài, hướng dẫn doanh nghiệp bảo đảm quyền lợi của người lao động. Những năm tới, vẫn sẽ giữ những thị trường truyền thống như Malaysia, Đài Loan, Trung Đông để phát triển số lượng, và khai thác các thị trường “khó tính” để tiến tới đưa lao động đi làm việc ở những địa bàn có thu nhập cao. 

 

Bích Đào-VOV
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất