Dự thảo (DT) Đề án (ĐA) kỳ thi phổ trung học phổ thông (THPT) quốc gia vừa được công bố mấy ngày nay được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Điều đó dễ hiểu, và có thể coi là một tín hiệu đáng mừng: truyền thống hiếu học của dân ta đang được tiếp nối và phát huy, vẫn là một giá đỡ cực kỳ quan trọng cho sự nghiệp giáo dục (bao gồm cả đào tạo) phát triển
1. Đặt vấn đề: tính chất quan trọng
Dự thảo (DT) Đề án (ĐA) kỳ thi phổ trung học phổ thông (THPT) quốc gia vừa được công bố mấy ngày nay được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Điều đó dễ hiểu, và có thể coi là một tín hiệu đáng mừng: truyền thống hiếu học của dân ta đang được tiếp nối và phát huy, vẫn là một giá đỡ cực kỳ quan trọng cho sự nghiệp giáo dục (bao gồm cả đào tạo) phát triển. Các cán bộ tuyên giáo chúng ta lại càng quan tâm hơn ai hết, đây thực sự là một việc hết sức hệ trọng, vừa là “đầu ra” của giáo dục phổ thông – nền tảng dân trí của đất nước, vừa là đầu vào của giáo dục đại học và chuyên nghiệp – chẳng những là nhân tố quyết định trong việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, mà còn giữ vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và văn hóa dân tộc nói chung. Hơn nữa, hàng năm còn động chạm đến “số phận” của hơn một triệu học sinh, cả phụ huynh các em – con số gấp đôi! Chẳng thế mà nước nào muốn thay đổi cách thức thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển vào đại học đều phải tính toán, cân nhắc rất kỹ. Ví dụ, cuối những năm 90 thế kỷ trước, Singapo đã phải mất mấy năm điều tra, khảo sát, đi tham quan nước ngoài, đeën cuối năm 1998 mới có báo cáo trình chính phủ, sau đó mới thực hiện việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ theo 3 tiêu chí: (1) điểm thi ở phổ thông, (2)chương trình lao động (project work) và (3) trắc nghiệm lý luận (reasoning test).
2. Đề án, dư luận, ý kiến.
Ngày 5-6-2008 Bộ GD-ĐT công bố ĐA Đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ, TC, nêu rõ sự cần thiết phải xây dựng ĐA, giới thiệu một số kinh nghiệm của một số nước, căn cứ pháp lý, quy trình thi tốt nghiệp và xét tuyển và ĐH, CĐ…, các giải pháp, tổ chức thực hiện, kèm theo có văn bản nói các điểm chỉnh sửa trong DT lần thứ 20 với điểm mở đầu “Tổ chức một kỳ thi, với tên gọi Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, thực nghiêm túc, khoa học, đảm bảo kết quả chính xác, tin cậy để công nhận tốt nghiệp phổ thông và làm một căn cứ quan trọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp”. Ở đây nêu rõ “Tổ chức một kỳ thi”, nhưng nhiều bạn đọc thì viết hoặc nói: “2 trong 1”, “2-1 còn 1”, có người còn chứng minh ”2-1=2”. Nhà quản lý lại yêu cầu chỉ nói “một kỳ thi”. Mới có thế đã rối mù rồi! Nói gì mà lôi thôi thế? Thực chất là sẽ chỉ tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông; bỏ thi tuyển vào ĐH, CĐ, TC. Thế là 2 trong 1 rồi còn gì: còn 1 và bỏ 1, có thể biểu đạt thành 2-1=1. Đúng quá rồi còn gì! Còn cái nghịch lý “2-1=2”? Đấy là người ta muốn nói: các ông bảo chỉ tổ chức 1 kỳ thi, nhưng rồi mà xem. Một số trường họ sẽ cứ xét tuyển qua một kỳ thi, thế là 1 thành 2!
Những tuần qua về đề án này có nhiều ý kiến lắm, không hiểu có ai sơ kết hay tổng kết không. Thấy nó giản tiện đi, ngồi tính toán bảo rằng đỡ tốn kém hơn, con em đỡ vất vả… ai mà chả thích! Nhưng mọi hoạt động của con người và xã hội có quy luật mục đích là quy luật quan trọng nhất, chi phối tất cả. Chưa có gì bảo đảm hiệu quả của chủ trương đổi mới này. Cứ qua một số buổi phát thanh và một số báo, thì phần nhiều khó chấp nhận, vì trước hết, hai kỳ thi mang tính chất hoàn toàn khác nhau, ghép lại với nhau thật khó, quá gượng ép. Trong ĐA viết: 60% cho cái này, 40% cho cái kia, thật khó tưởng tượng các thầy sẽ làm như thế nào.
Và theo Điều 60 Luật Giáo dục (2005), các trường ĐH, CĐ… có quyền tự tổ chức tuyển sinh cho trường mình, tất nhiên, phải theo Quy chế thi cử do Nhà nước quy định (Điều 14, Luật GD, 2005). Ai cũng biết, chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa Luật. Còn một điều quyết định nhất là tình hình, hoàn cảnh hiện nay ở nước ta đã bảáo đảm tính thực thi của ĐA chưa, nhiều ý kiến nói đến chuyện này chuyện kia ở nhiều địa phương, cấp này, cấp kia, cả trong ngành giáo dục, mà mới đây trong kỳ thi với tinh thần “2 không” – chẳng vui một chút nào, thậm chí còn đau lòng nữa, nhưng sự vận động xã hội là như vậy, ngành GD-ĐT với hệ thống nhà trường tới gần 4 vạn đơn vị không thể là một ốc đảo. Trong tình hình như hiện nay, mà làm theo ĐA này, nhiều người lo không tránh khỏi tiêu cực sẽ nhiều hơn, càng khó bảo đảm công bằng cơ hội học tập. Điều kiện phát triển giáo dục ở các địa phương rất khác nhau, đâu đã được một mặt bằng chất lượng, mà đào tạo nhân lực thì đâu cũng cần. Hiện nay cơ cấu vùng miền trong nguồn nhân lực nước nhà đang rất mất cân đối. Việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ, TC nhất thiết phải tính đến chuyện này và phải phục vụ mục tiêu này. Một buổi truyền hình của VTV6, các bạn sinh viên nói thẳng: nghe bỏ một kỳ thi, chúng cháu lo cho các bạn đi sau chúng cháu lắm, sẽ có đứa học lực khá sẽ không được vaò ĐH, CĐ. Một phụ nữ ở Hải Dương phát biểu trên Đài TNVN: mất 2 triệu cho con đi thi để được công bằng, tôi sẵn sàng. Mà ở ta hiện nay, số đậu vào ĐH, CĐ, TC chiếm tỷ lệ hơn 20% tổng số thí sinh (ở Nhật năm 2007 có 543.585 thí sinh thi vào ĐH, chỉ có 10.000 bị loại). Ở ta vấn đề gay gắt lắm! Chúng ta đang xây dựng một xã hội công bằng. Phát triển giáo dục, thi cử, tuyển sinh phải giữ vai trò quan trọng trong công cuộc này – phát triển bền vững chính là ở chỗ này. Tóm lại, ý kiến còn khác nhau lắm, nên cân nhắc thật kỹ lưỡng, thận trọng.
3. Kinh nghiệm một vài nước.
Ở trên đã nêu qua kinh nghiệm của Singapo, Nhật. Mà cũng chỉ mới nói sơ lược. Muốn hiểu kỹ, cần có một chuyên đề. Tìm hiểu trên mạng Google, chưa thấy số liệu trên thế giới có bao nhiêu kiểu tuyển sinh vào ĐH, CĐ, tỷ lệ theo kiểu này, tỷ lệ theo kiểu kia là bao nhiêu. Ở đây, nói gọn lại là có hay không thi tốt nghiệp phổ thông, có hay không thi tuyển vào ĐH, CĐ, kết hợp hai kỳ thi như thế nào. Về thi tốt nghiệp phổ thông, nói chung phổ cập giáo dục được đến đâu thì bỏ thi tốt nghiệp đến đấy. Còn tuyển vào ĐH, CĐ thì có hai cách:(1) xét tuyển, (2) thi tuyển; phần nhiều không quy định một chế độ chung cho toàn quốc, mà tùy từng trường, nhiều nước dùng cả hai cách. Ví dụ, ở Pháp, muốn vào trường Đại học tổng hợp chỉ cần có chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông và ghi tên là được; nhưng với các trường lớn, danh tiếng (tiếng Pháp gọi là Grands Ecoles), như trường ĐH Sư phạm Paris, trường ĐH Bách khoa, trường Mỏ… đều có thi tuyển rất khó, học sinh muốn thi vào đây phải học qua “lớp 14” (sau lớp 12 phải học 1 năm toán đại cương, 1 năm toán chuyên biệt). ở Trung Quốc, từ năm 1977 đã khôi phục lại một kỳ thi tuyển vào ĐH, CĐ thống nhất trong toàn quốc; về sau có kết hợp thi tuyển với xét tuyển trên cơ sở điểm thi tốt nghiệp PT; có tổ chức một số khoa đào tạo tuyển riêng học sinh các dân tộc thiểu số; một số khoa có chế độ tuyển sinh riêng; một số địa phương các cấp lãnh đạo có tham gia vảo tuyển sinh. Ở Mỹ, phần lớn các ĐH, CĐ cho các học sinh đạt kết quả học tập nhất định ở PT được dự thi tuyển qua Trắc nghiệm Đại học Mỹ (America College Test – ACT) gồm các môn: tiếng Anh, toán, tập đọc, lập luận khoa học (science reasoning). Như vậy, chế độ thi cử nói chung, thi tốt nghiệp PT, thi tuyển vào ĐH, CĐ nói riêng, rất phức tạp, giữ vai trò rất quan trọng trong GD, rất khó thống kê. Không nên tư duy, 90% người ta làm thế này, ta cũng làm thế. Họ làm như thế, nhưng hoàn cảnh lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của ta bây giờ có như người ta không?
4. Kiến nghị:
Tôi viết mấy điều trên, mới đề cập đến một vài khía cạnh của vấn đề để trao đổi với các bạn. Nhân đây, tôi nêu vài suy nghĩ kiến nghị:(1) nên có một vài phương án, để lựa chọn; (2) cần lưu ý việc lấy ý kiến trong nội bộ ngành – cấp dưới góp ý đề xuất của cấp trên; (3) không nên làm vội vàng, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng “ tham khảo nhiều ý kiến, đảm bảo khoa học, thực tiễn, khả thi, có bước đi thích hợp, được xã hội đồng tình”; (4) đây là một “chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước” (Điều 100, Luật Giáo dục, 2005), nên tính toán cấp nào (Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng) ra quyết định, ra một phương án thích hợp nhất đối với hoàn cảnh nước ta hiện nay./.