Trong các nhiệm kỳ gần đây, công tác chuẩn bị, quy trình tiến hành và công tác điều hành kỳ họp Quốc hội đã có bước cải tiến. Nguyên tắc tập thể thảo luận và quyết định theo đa số đã bảo đảm phát huy trí tuệ của các đại biểu, huy động sự đóng góp của các cơ quan hữu quan, của đông đảo cán bộ tham mưu, nghiên cứu và cán bộ phục vụ. Những vấn đề được đưa ra thảo luận, xem xét và quyết định tại kỳ họp Quốc hội, thường đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, trước khi đưa vào chương trình nghị sự. Đối với các vấn đề chưa đạt sự thống nhất cao, Quốc hội thường giao cho các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ hoặc các cơ quan Nhà nước hữu quan nghiên cứu, tiếp thu và giải trình đầy đủ, rồi trình Quốc hội xem xét, quyết định. Chính những đổi mới quan trọng trong cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội đã từng bước xác lập lề lối, tác phong làm việc dân chủ trong Quốc hội, tạo nên sự tin cậy trong nhân dân, được nhân dân đồng tình và hoan nghênh.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng đổi mới phương thức hoạt động, nhưng Quốc hội vẫn chưa thể hoàn thành trọn vẹn các Nghị quyết của chính mình đề ra. Trên thực tế, vẫn còn nhiều dự án luật chưa được thông qua theo đúng chương trình xây dựng pháp luật; dự toán thu, chi ngân sách nhà nước một số năm và một số dự án quan trọng khác chưa được xem xét một cách kỹ lưỡng. Quốc hội chưa có những biện pháp đôn đốc kịp thời để bảo đảm việc thực hiện những quyết định đã được thông qua. Nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội chưa được dành thời gian thích đáng và chưa được cung cấp thông tin một cách toàn diện, đầy đủ hơn để có điều kiện xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, có một số kỳ họp phải điều chỉnh chương trình nhiều lần do thay đổi nội dung so với dự kiến. Quy trình thảo luận, thông qua các luật, các nghị quyết của Quốc hội cũng còn có chỗ bất hợp lý cần được tiếp tục cải tiến; việc chuẩn bị một số nội dung chưa kịp thời, chậm gửi đến đại biểu Quốc hội; một số phiên họp còn vắng khá nhiều đại biểu.
Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XII đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước. Trong quá trình thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đều nhất trí cho rằng: Chất lượng các quyết định của Quốc hội tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là năng lực của từng đại biểu, chất lượng các đề án, báo cáo, dự thảo, tờ trình, khả năng dự báo của các cơ quan tham mưu cho Chính phủ,… có ý kiến nhấn mạnh đến trách nhiệm và bản lĩnh của người đại biểu nhân dân. Có lẽ chỉ có tại kỳ họp thứ ba vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội mới lên tiếng đòi hỏi về năng lực quyết định của Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng: “Năng lực quyết định của Quốc hội ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Nhìn lại, nếu Quốc hội kiên quyết hơn trong việc ra chỉ số lạm phát, không chiều mục tiêu chạy theo tăng trưởng thì có lẽ lạm phát đã không gay gắt như hiện nay”. “Ở đây có trách nhiệm của các bộ, có trách nhiệm của cơ quan trình và có trách nhiệm của Quốc hội” (1). Hay, theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), thì: “Khi một quyết nghị của Quốc hội chỉ trong sáu tháng đã phải xem lại, bài học lớn nhất chúng tôi cảm thấy đây chỉ là khúc dạo đầu của một thời kỳ mới nhiều thách thức hơn. Thách thức này đòi hỏi phải phát huy hết năng lực của các cơ quan trong thể chế vì không phải quyết nghị nào cũng có thể thấy phải điều chỉnh lại trong sáu tháng… Việc quá tin tưởng vào văn bản của cơ quan trình, nghĩ rằng nó đã được xem xét rất kỹ rồi, là quán tính của sự bị bao cấp về tư duy. Nếu cứ nghĩ trên đã lo hết là không đúng. Trong lịch sử, các quyết định đúng đắn là chủ trương biết tập hợp sáng kiến của tập thể, của dân. Nếu cứ ỷ lại, trên bảo gì làm nấy thì có thể có thành công nhưng sẽ không tránh khỏi thất bại và thất bại có thể sẽ nhiều hơn”(2).
Trước thực trạng nền kinh tế-xã hội có nhiều biến động như thời gian vừa qua, bên cạnh việc đánh giá về năng lực quản lý, điều hành của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn nhận thấy một số quyết định của Quốc hội chưa thực sự chín muồi, chất lượng chưa cao. Chẳng hạn như khi xem xét Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2008, một số đại biểu Quốc hội đã đề cập đến chất lượng biểu quyết của Quốc hội tại kỳ họp trước (kỳ họp thứ hai) về vấn đề này. Theo đó, tại kỳ họp cuối năm 2007, trước khi Quốc hội quyết định nhiệm vụ kinh tế-xã hội cho năm 2008, trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đã nêu rõ quan điểm phản biện, rằng: Việc tăng giá tiêu dùng của những tháng cuối năm 2007 sẽ tạo áp lực tăng giá cho năm 2008 và điều này sẽ gây khó khăn cho kiềm chế lạm phát của năm 2008. Lúc đó, Uỷ ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ có phân tích, làm rõ hơn để có cơ sở chứng minh cho khả năng dự báo tốc độ tăng trưởng (GDP) là 9%, đồng thời, kiểm soát được lạm phát ở mức hợp lý. Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã sử dụng chính các số liệu của Chính phủ để dự đoán chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 sẽ tới 2 con số và sang năm 2008 sẽ còn khó khăn hơn. Chỉ tiêu mà Quốc hội giao cuối năm 2006 là lạm phát cả năm 2007 phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ hai (tháng 10/2007) lại khẳng định rất lạc quan là sẽ đạt được. Trong báo cáo thẩm tra của mình, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng dự đoán cả năm 2007 chỉ số giá tiêu dùng phải vào khoảng 10% và thực tế là 12%. Hệ quả đó, tuy đã được cảnh báo từ chính các cơ quan của Quốc hội, nhưng Quốc hội vẫn thông qua theo đề nghị của Chính phủ.
Thực tiễn các kỳ họp Quốc hội đã chỉ ra rằng, việc lắng nghe các luồng ý kiến trái chiều là rất cần thiết, bởi nó giúp cho các quyết định của Quốc hội bảo đảm khách quan, dân chủ và sáng suốt hơn. Dẫu rằng trọng tài cuối cùng của những luồng ý kiến khác nhau đó là việc Quốc hội biểu quyết thông qua. Con số 51% hay 99% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, thậm chí chỉ chênh nhau một vài ý kiến tán thành và không tán thành của ngưỡng an toàn 50%, thì theo quy định của luật là đủ điều kiện để một dự án luật hay dự thảo Nghị quyết được thông qua (trừ thủ tục thông qua Hiến pháp là 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội tán thành). Rõ ràng, tỷ lệ 51% hay 95% là thái độ biểu thị ý chí của tập thể Quốc hội, là chính kiến của từng đại biểu Quốc hội và trở thành quyết định của Quốc hội. Tuy nhiên, thực tiễn mới là thước đo đúng đắn, khách quan và công bằng về chất lượng xem xét, biểu quyết thông qua các quyết định của Quốc hội. Nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng: “Năng lực quyết định của Quốc hội, theo tôi, là năng lực lắng nghe, thấu hiểu và bản lĩnh thực hiện đúng ý chí của nhân dân. Không thể nói đi tiếp xúc cử tri mấy ngày, gặp mấy trăm người là đã lắng nghe, nắm bắt được nguyện vọng của nhân dân. Phải năng nổ tìm tòi nhiều kênh khác nữa. Thế nhưng trong quá trình tuyển chọn đại biểu, chúng ta thường chỉ dựa theo các tiêu chuẩn rất cụ thể như trình độ, thời gian công tác, ngành nghề, vị trí công tác...” (3)
Qua thực tiễn các kỳ họp của Quốc hội, có thể thấy một số nguyên nhân sau đây tác động đến chất lượng xem xét, biểu quyết thông qua các quyết định của Quốc hội:
- Một là, các cơ quan chuẩn bị báo cáo, đề án trình ra Quốc hội chưa cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tư liệu cần thiết; chất lượng dự báo thông tin chưa cao, chưa sát với sự biến động của các yếu tố khách quan, sự phối hợp giữa cơ quan
Để nâng cao chất lượng xem xét, biểu quyết thông qua các quyết định tại kỳ họp Quốc hội, theo chúng tôi, cần tiến hành một số giải pháp cụ thể sau đây:
Thứ nhất, cần đổi mới việc chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp Quốc hội theo hướng tăng thêm thời gian gửi các dự án, đề án, báo cáo dự kiến trình ra kỳ họp Quốc hội. Theo hướng đó, cần sửa đổi, bổ sung điều 8, Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định về thời hạn mà các cơ quan có trách nhiệm phải gửi các dự án luật đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 30 ngày, thay vì 20 ngày; cáác báo cáo và dự án khác phải được gửi chậm nhất là 15 ngày, thay vì 10 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp. Làm được việc này sẽ tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội xem xét kỹ lưỡng những vấn đề mà Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định tại kỳ họp.
Thứ hai, cần đổi mới quy trình thảo luận và thông qua các dự án, đề án, báo cáo tại kỳ họp. Theo hướng đó, Quốc hội cần tiến hành xem xét các dự án, đề án, báo cáo này qua các bước như sau:
- Bước một, xem xét và biểu quyết để thống nhất những vấn đề chung đã được đề cập trong các dự án, đề án, báo cáo. ở bước này, Quốc hội kiểm tra lại cơ cấu, bố cục về nội dung các vấn đề mà cơ quan có thẩm quyền dự kiến trình ra Quốc hội xem đã đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Quốc hội chưa? Có cần điều chỉnh, bổ sung những vấn đề gì và yêu cầu soạn thảo lại để trình Quốc hội biểu quyết thông qua. Nói cách khác, bước này là bước để Quốc hội xác định những nội dung trọng tâm và việc thể hiện những nội dung đó qua hình thức trình bày chủ yếu trên những khía cạnh then chốt nhất.
- Bước hai, Quốc hội lần lượt thảo luận kỹ từng vấn đề sau khi đã biểu quyết, thông qua việc điều chỉnh, bổ sung và đã được Quốc hội cho ý kiến ở bước một. Trong bước này, Quốc hội thảo luận cụ thể và chi tiết về những vấn đề được đề cập trong các dự án, đề án, báo cáo cũng như mối liên hệ hữu cơ những vấn đề đó trong toàn văn dự thảo văn bản. Quốc hội biểu quyết từng vấn đề cụ thể ở bước này, không nên sa vào thảo luận những tiểu tiết, như câu chữ, lối hành văn… để tránh lãng phí thời gian. Công việc đó giao cho các cơ quan của Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xử lý trước khi thông qua toàn văn.
- Bước ba, sau khi đã trải qua quá trình xem xét vừa tổng thể, vừa toàn diện ở bước một và bước hai, Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn văn bản.
Thứ ba, cần tăng cường chất lượng công tác thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Công tác xem xét, đánh giá, thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phải đúng quy trình, quy chế, chu đáo, cụ thể, thận trọng và khách quan. Ý kiến thẩm tra, đánh giá phải vừa toàn diện, bao quát ở tầm vĩ mô, vừa sâu sắc, cụ thể ở tầm vi mô. Các nhận định, đánh giá phải thể hiện rõ chính kiến của cơ quan thẩm tra, của các thành viên tham dự cuộc họp thẩm tra, với phân tích và lý giải sâu sắc, có căn cứ xác đáng, có lý lẽ thuyết phục. Nội dung ý kiến thẩm tra phải giúp cho đại biểu có cơ sở, có căn cứ để hình thành ý kiến độc lập và bày tỏ thái độ. Đồng thời, kết quả thẩm tra phải cung cấp các thông tin đa dạng, các ý kiến nhiều chiều, phản ánh đúng các quan điểm khác nhau trong quá trình thẩm tra để giúp Quốc hội thảo luận, xem xét kỹ trước khi thông qua các quyết định.
Thứ tư, việc thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp phải bảo đảm thật dân chủ, cởi mở, nghiêm túc và thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao. Để có quyết định đúng và thực chất những vấn đề quan trọng của đất nước tại diễn đàn Quốc hội, rất cần bản lĩnh và trí tuệ của mỗi cá nhân đại biểu Quốc hội trong thảo luận và tranh luận; rất cần quan điểm và cách nhìn nhiều chiều, nhưng hướng tới toàn cục, sâu sát và cụ thể. Các quyết định của Quốc hội phải đúng luật, có tính thực tế và tính khả thi cao.
Thứ năm, cần kiện toàn và củng cố đội ngũ cán bộ phục vụ kỳ họp Quốc hội. Tại các kỳ họp Quốc hội, thường thì Văn phòng Quốc hội chịu trách nhiệm bố trí lực lượng cán bộ, nhân viên phục vụ kỳ họp Quốc hội và nguồn chủ yếu được cung cấp từ Văn phòng Quốc hội. Đối với những vấn đề có nội dung liên quan hoặc do nhu cầu công việc, Văn phòng Quốc hội trưng tập thêm cán bộ, nhân viên từ các cơ quan khác. Thực tiễn phục vụ kỳ họp Quốc hội cho thấy, tuy đã có nhiều cố gắng trong công tác, nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ kỳ họp Quốc hội, nhìn chung, vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu. Để công tác phục vụ kỳ họp được tiến hành có hiệu quả hơn, cần thiết phải chuyên nghiệp hóa hoặc có hình thức bán chuyên nghiệp đội ngũ cán bộ, nhân viên theo hướng chuyên sâu về nghiệp vụ. Theo đó, cần có các hình thức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nhất là kỹ năng tổng hợp, ghi biên bản và việc xử lý thông tin có nội dung liên quan đến chương trình nghị sự của Quốc hội./.
TS. Lê Thanh Vân
Phó Vụ trưởng Vụ công tác đại biểu, VPQH.
(1), (2), (3) Quốc hội chưa quyết liệt, Tuổi Trẻ Online, thứ bẩy, ngày 17-5.