Thứ Hai, 28/7/2008 13:59'(GMT+7)
Tổ chức nhiều lễ hội, phải chăng quá lãng phí ?
Hơn 9.000 lễ hội lớn nhỏ hàng năm diễn ra trên cả nước là con số thống kê chưa trọn vẹn, nhưng cũng đã gây kinh ngạc về việc "bội thực" lễ hội hiện nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, hiện nay mới chỉ tạm thời thống kê được khoảng 7.000 lễ hội dân gian (chiếm 78,6%), 407 lễ hội lịch sử (5%), 1.399 lễ hội tôn giáo (15,7%); còn lại là các lễ hội quảng bá du lịch, lễ hội mới du nhập từ nước ngoài... Đó là chưa kể những lễ hội hoa, đường phố, hoá trang xuất hiện gần đây, cùng hàng loạt lễ hội riêng lẻ mà các tỉnh, thành tổ chức hàng năm. Có tỉnh còn tổ chức hơn 100 lễ hội trong năm!
Theo Thứ trưởng, hạn chế lớn nhất là việc quản lý lễ hội còn lúng túng của chính quyền các tỉnh, thành. Có nơi chưa nắm bắt được nội dung, bản chất, tác động của lễ hội, chưa nắm bắt tình hình mới của lễ hội, nên không chuẩn bị kịp khi có sự bùng phát về quy mô. Vẫn chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào về 9.000 lễ hội lớn nhỏ trên cả nước nhằm hiến kế cho Nhà nước quản lý, quy hoạch hoạt động này.
Song điều quan trọng nhất là cần báo động về tình trạng một số lễ hội lớn và các lễ hội văn hoá du lịch quốc tế được đổ vào tiền tỉ mà chưa đem lại lợi ích kinh tế so với mức đầu tư, sản phẩm du lịch yếu và chưa biết khai thác vốn văn hoá dân gian phong phú. Nhiều địa phương còn sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội, gây lãng phí tiền của. Đặc biệt, chưa có thống kê về mức tốn kém mà các lễ hội văn hoá du lịch đã "ném" vào các lễ khai mạc, phần sân khấu hoá, chưa kể đến sự trùng lặp của kịch bản gây nhàm chán... Cùng với sự lãng phí là ganh đua, phô trương "cho bằng thiên hạ". Chính vì thế, một số lễ hội của làng xã được nâng tầm quy mô hơn, lại thêm hiện tượng nhà nhà, người người tổ chức lễ hội, khiến tình trạng "bội thực" lễ hội ngày càng tăng.
Một số nơi coi di tích và lễ hội là nguồn lợi của địa phương, tập trung khai thác giá trị kinh tế làm phai nhạt bản sắc của lễ hội. Bên cạnh đó, việc cung tiến công đức cho tu bổ di tích và tổ chức lễ hội ngày một tăng lên, nhưng hiện tượng tuỳ tiện tu sửa, tôn tạo làm phá vỡ nguyên gốc di tích cũng không giảm. Một số đơn vị thực hiện công đức nhưng thực ra lại gây lãng phí và phản cảm, chỉ với mục đích phô trương và "quảng bá thương hiệu".
Đánh giá lại công tác quản lý lễ hội không chỉ để xong rồi đâu lại vào đó, mà chính là phải thay đổi hoàn toàn tư duy làm lễ hội, tổng kết cho được mức độ lãng phí là bao nhiêu. Cho đến nay, chỉ số ít đạo diễn dám công khai số tiền mình nhận được để làm chương trình lễ hội, còn lại, các tỉnh, thành thường "ỉm" đi ngân sách cho lễ hội, hoặc kê "khống" lên để giải quyết "khâu oai" và vì những "lý do tế nhị" khác/..
(Theo:Lao động)