Thứ Hai, 30/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 18/7/2008 13:23'(GMT+7)

Làm gì để phát triển bền vững Tam nông trong thời gian tới

Tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông, lâm, thuỷ sản đạt bình quân trên 3,3%/năm; an ninh lương thực quốc gia đảm bảo trong mọi tình huống; thu nhập và đời sống nông dân cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo trong nông thôn giảm bình quân 1,5%/năm; bộ mặt nông thôn đổi mới theo hướng văn minh… Song bên cạnh những thành tựu đó, nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại một số vấn đề nổi cộm:

I. Mấy nét về thực trạng nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta hiện nay.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong gần 22 năm (1986-2008), sản xuất nông nghiệp, kinh tế xã hội nông thôn và đời sống nông dân đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và cơ bản. Tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông, lâm, thuỷ sản đạt bình quân trên 3,3%/năm; an ninh lương thực quốc gia đảm bảo trong mọi tình huống; thu nhập và đời sống nông dân cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo trong nông thôn giảm bình quân 1,5%/năm; bộ mặt nông thôn đổi mới theo hướng văn minh… Song bên cạnh những thành tựu đó, nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại một số vấn đề nổi cộm:

1. Ruộng đất của nông dân.

Theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2000, cả nước có 9,38 triệu ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó có 6 triệu ha đất trồng cây hàng năm, 4,1 triệu ha đất lúa. Bình quân đất nông nghiệp trên 1 nhân khẩu rất thấp, nhất là đất canh tác lúa, lại giảm nhanh cùng với quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá và tăng dân số. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2001 đến hết năm 2007, diện tích đất nông nghiệp, cả nước đã mất đi 500 nghìn ha do đô thị hoá và công nghiệp hoá, riêng năm 2007 mất 120 nghìn ha. Các vùng mất đất nông nghiệp nhiều nhất là đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do tốc độ đô thị hoá và phát triển các khu công nghiệp nhanh. Hiện nay cả nước có 150 khu công nghiệp (KCN) tập trung, đất quy hoạch cho các KCN trên 70 nghìn ha đất nông nghiệp, nhưng tỷ lệ lấp đầy diện tích đất tại các KCN mới đạt trên 60%. Bên cạnh các KCN, nhiều địa phương còn xây dựng các cụm công nghiệp, sân gôn với hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp.

Tỉnh Bắc Ninh từ 2001-2007 mất 3.000 ha đất nông nghiệp do xây dựng 8 KCN. Xã Hoài Sơn (Tiên Du) có 260/390 ha đất canh tác lúa bị thu hồi để xây dựng KCN Tiên Sơn và KCN Hoàn Sơn – Đại Đồng. Nhiều nơi có tới 90-95% đất nông nghiệp bị thu hồi, đẩy nhiều hộ nông dân vào tình cảnh “mất đất, mất cả cơ nghiệp”. Tỉnh Hưng Yên mất 5.000 ha trong 5 năm 2003-2008… Trong khi đất nông nghiệp giảm nhanh thì dân số hàng năm vẫn tăng với tốc độ bình quân 1,2%/năm, tương đương 1,2 triệu người nên bình quân ruộng đất trên nhân khẩu giảm nhanh từ 1.100 m2 năm 2001 xuống còn 900m2 năm 2007, trong đó đấát trồng cây hàng năm còn 600 m2, đất lúa còn 470 m2 và còn tiếp tục giảm. Đất đai đã ít lại phân tán theo quy mô hộ gia đình, bình quân 1 hộ có trên 15 mảnh ruộng, phân tán theo nhiều cánh đồng khác nhau, nhiều loại cây trồng, nhiều loại giống khác nhau đang hạn chế hiệu quả sử dụng máy móc và công nghệ mới trong sản xuất. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2006, có 4% số hộ nông nghiệp không sử dụng đất nông nghiệp, 61% hộ nông nghiệp sử dụng dưới 0,5 ha và 14,1% hộ sử dụng từ 0,5 ha đến dưới 1 ha.

Đất đai nông nghiệp đã ít lại bị chia nhỏ manh mún với mức bình quân đầu người rất thấp nhất là ĐBSH làm cho xu hướng tự túc tự cấp ở một số vùng ở miền Bắc vẫn nặng nề, sản xuất hàng hoá phát triển chậm. Việc phân chia quỹ đất như hiện nay để đảm bảo “người cày có ruộng” nhưng có nhược điểm là tính bình quân quá cao, ràng buộc chặt hơn nông dân với ruộng đất với trồng trọt, năng suất thấp, chi phí cao.

2. Lao động, việc làm ở nông thôn.

Vấn đề lao động thừa, việc làm thiếu ở nông thôn vốn tồn tại từ lâu nhưng nổi cộm nhất trong những năm gần đây, cùng với quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá và chuyển đổi ngành nghề của các hộ nông dân. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, hiện tại trong nông thôn còn dư thừa từ 7-8 triệu lao động trong độ tuổi, không có việc làm hoặc chỉ có việc làm vào thời vụ gieo cấy, thu hoạch mùa màng. Với qui mô ruộng đất quá ít lại giảm nhanh như những năm qua và hiện nay, số lao động nông thôn thất nghiệp toàn phần chắc chắn ngày càng tăng. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cứ 1 ha đất nông nghiệp mất đi kéo theo 15 lao động mất việc làm, như vậy với nửa triệu ha đất nông nghiệp mất đi trong 7 năm qua đã kéo theo hàng triệu lao động mất việc làm trong ngành trồng trọt.

Trong khi đó các ngành nghề dịch vụ phi nông nghiệp ở nông thôn lại phát triển quá chậm, chưa tạo thêm việc làm mới để thu hút lao động dư thừa từ trồng trọt. Theo số liệu Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2006, cả nước có 11.077 làng nghề, ở 702 xã, chiếm 8% tổng số xã cả nước. Số lao động làm việc trong các làng nghề là 655,8 nghìn người, tăng rất chậm nên khả năng thu hút lao động nông nhàn là rất thấp. Do lao động nông thôn dư thừa, thiếu việc làm nên đã hình thành dòng người di dân tự do vào các vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ hoặc ra thành phố ngày càng tăng… Tính đến năm 2007, lao độång nông thôn chuyển tự phát ra TP Hồ Chí Minh lên đến trên 1 triệu người, Hà Nội trên 60 vạn người, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng… mỗi tỉnh có hàng chục vạn người, làm đủ các ngành nghề từ lao động dịch vụ phổ thông, làm thuê, bán hàng rong đến làm trong các KCN, KCX.

3. Vốn đầu tư xây dựng cho nông nghiệp và nông thôn.

Vốn đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn từ nguồn ngân sách Nhà nước TW, trong những năm qua tuy có tăng về giá trị tuyệt đối nhưng giảm nhanh về tỷ trọng từ trên 20% trước năm 1990 đến năm 2001 chỉ còn dưới 10%, và năm 2007 chỉ còn khoảng 8% (nếu cả khu vực nông thôn là 14%) trong tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Do vậy cơ sở vật chất kỹ thuật trong nông nghiệp và hạ tầng nông thôn vốn đã yếu kém lại có bộ phận xuống cấp nhất là hệ thống thuỷ lợi, giao thông, cơ sở chế biến nông sản, hệ thống trạm trại, nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Thiếu vốn đầu tư cho nông nghiệp nên khả năng tái tạo vốn rừng rất hạn chế, cả trồng rừng, nuôi rừng phát triển chậm. Xu hướng giảm sút ngành lâm nghiệp 7 năm qua (2001-2007) có nguyên nhân thiếu vốn đầu tư từ ngân sách. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực nông, lâm, thuỷ sản chỉ chiếm 3%, riêng năm 2007 chỉ có 1,8% tổng số vốn FDI cả nước trong từng thời kỳ. Vốn đầu tư của các Doanh nghiệp vào lĩnh vực này cũng rất thấp do khả năng sinh lời không cao, tính ổn định thấp. Vốn đầu tư của dân lại không đáng kể do thu nhập thấp, tích luỹ của hộ nông thôn không lớn, vốn đầu tư của hộ chủ yếu là vốn vay Ngân hàng theo dự án nhưng không nhiều.

Thiếu vốn trở thành thách thức lớn nhất đối với quá trình phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường.

4. Tổ chức sản xuất ở nông thôn.

Tồn tại của vấn đề này là tổ chức sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn chưa ổn định. Vai trò của các doanh nghiệp nhà nước mờ nhạt, kinh tế hợp tác xã giảm sút, kinh tế hộ gia đình tuy phát triển nhưng không đều giữa các vùng các địa phương, kinh tế tư nhân yếu kém so với các ngành công nghiệp và dịch vụ. ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung việc chuyển đổi các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp (HTXSXNN) sang làm chức năng dịch vụ gặp nhiều khó khăn và lúng túng. Đến 2006, theo Tổng cục Thống kê, cả nước có 7.237 HTX nông, lâm, thủy sản, 50% số HTXNN chuyển đổi theo luật HTX nhưng số HTX thực sự đổi mới có hiệu quả không nhiều, số còn lại hoặc không có hiệu quả hoặc chỉ tồn tại hình thức. Các tồn tại chủ yếu là thiếu vốn, thiếu cán bộ, dịch vụ. Vốn bình quân của 1 HTXNN chỉ có 917,8 nghìn đồng, trong đó HTX mới thành lập là 544 triệu đồng, HTX chuyển đổi là 1 tỷ đồng, nên rất khó phát triển dịch vụ. Các tổ hợp tự nguyện tuy đã hình thành, nhất là ở vùng ĐBSCL nhưng chưa được nghiên cứu tổng kết và chưa được thừa nhận về pháp lý. Các doanh nghiệp (DN) nhà nước có 2/38 đơn vị, trong đó DN nhà nước có 517 đơn vị. Đánh giá chung các DN vốn ít, bình quân 21 tỷ đồng/DN nên hoạt động khó khăn, chậm thích ứng với cơ chế tự chủ, kém hiệu quả, nhưng sử dụng quá nhiều quỹ đất nông nghiệp, lâm nghiệp trong khi nhiều vùng nông dân thiếu đất để mở rộng sản xuất hàng hoá. Năm 2006 cả nước có 113,7 nghìn trang trại. Vốn bình quân 1 trang trại mới đạt 239.4 triệu đồng, tổng thu sản xuất kinh doanh 170 triệu đồng là quá ít.

5. Tác động của công nghiệp vào nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Tác động của công nghiệp vào nông nghiệp chưa rõ nét, công nghiệp chế biến nông sản yếu kém, các khâu làm đất, vận chuyển, thu hoạch, ra hạt vẫn sử dụng nhiều công cụ thủ công, nhất là ở vùng duyên hải miền Trung, ĐBSH. Công nghệ sau thu hoạch chưa theo kịp yêu cầu của sản xuất nông sản hàng hoá của kinh tế hộ nông dân nên tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn lớn, khoảng 13-15% sản lượng cây trồng. Chất lượng các hoạt động công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Đến nay hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu của nước ta như gạo, cao su, cà phê, chè, rau quả, thuỷ sản, hạt tiêu, hạt điều đều ở dạng thô hoặc sơ chế nên sức cạnh tranh thấp. Do vậy, chất lượng sản phẩm, năng suất ruộng đất, năng suất lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản còn thấp. Quan điểm, nội dung công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn cũng chưa được cụ thể hoá bằng các chính sách và giải pháp. Các ngành nghề truyền thống trong nông thôn phát triển chậm do thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm, chất lượng, mẫu mã bao bì chưa phù hợp với yêu cầu thị trường, hiệu quả nông sản xuất khẩu thấp. Mục tiêu gắn sản xuất với chế biến chưa thực hiện được.

6. Thị trường nông thôn và giá cả vật tư nông nghiệp, phân bón, nông sản.

Thị trường nông thôn yếu kém đã có tác động tiêu cực đến “đầu vào” và “đầu ra” của sản phẩm nông nghiệp. Vai trò của các DN thương mại, xuất nhập khẩu còn mờ nhạt. Đến nay hoạt động của tư thương đã chi phối gần như toàn bộ thị trường nông thôn kể cả vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc tăng trọng, nông sản hàng hoá, xuất khẩu… Các DN nhà nước không ký kết hợp đồng với hộ nông dân như Quyết định 80 của Chính phủ mà chủ yếu thông qua thương lái để gom hàng xuất khẩu, không quan tâm đến thị trường trong nước và lợi ích của hộ nông dân cũng như người tiêu dùng. Cơn sốt ảo về giá lương thực tháng 4-2008 và sốt giá phân bón đang diễn ra hiện nay đã chứng minh điều đó. Tình trạng này làm cho người nông dân thiệt về lợi ích kinh tế, không yên tâm đầu tư vốn và công nghệ để mở rộng sản xuất. Tình trạng nông dân bị ép cấp, ép giá nông sản xảy ra phổ biến và kéo dài trong nhiều năm là minh chứng rõ ràng. Tháng 5-2008 giá lương thực tăng đến 50% so với đầu năm, riêng TP Hồ Chí Minh tăng 72,8% nhưng giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu lại tăng cao hơn nên người nông dân sản xuất ra sản phẩm vẫn không có lãi. Thực tế là vụ hè thu 2008, nông dân một số tỉnh vùng ĐBSCL đã giảm diện tích xuống giống vì giá phân bón tăng cao. Tại tỉnh lúa Thái Bình những năm gần đây đã có hàng trăm hộ nông dân thuộc 3 huyện Vũ Thư, Đông Hưng, Kiến Xương trả lại đất cho HTX, có vụ lên tới 50 ha, chủ yếu là đất 5%, do chi phí sản xuất cao, thu nhập thấp, làm ruộng không đủ sống.

7. Môi trường, sinh thái suy giảm.

Trong những năm qua và hiện nay, cùng với quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá nông thôn tăng nhanh, môi trường đất đai, khí hậu, thảm thực vật, rừng vàng, biển bạc đang suy giảm. Tình trạng môi trường sinh thái mất cân đối do phát triển KCN, cụm công nghiệp, làng nghề nông thôn, công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, các khu chăn nuôi tập trung, sử dụng quá mức phân hoá học thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phương thức khai thác tài nguyên rừng và biển đang nặng tính chất bóc lột, khai thác trắng làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có. Tình trạng đốt phá rừng làm rẫy tràn lan ở Tây Nguyên, miền núi Việt Bắc và Tây Bắc, làm giảm độ che phủ đất rừng cả nước từ 43% năm 1945 còn 36% năm 2007. Du canh, du cư vẫn còn tồn tại ở các vùng núi cao là một nguy cơ của tệ nạn đốt phá rừng ở miền núi. Ngay cả việc mở rộng diện tích cà phê ở Tây Nguyên lên gần 900 nghìn ha năm 2007 và đang tăng lên trong năm 2008 do giá tăng cao cũng đã và đang gây ra những hậu quả xấu đối với vốn rừng và môi sinh, môi trường, nhất là ở Đắc Lắc.

Thuỷ sản cũng trong tình trạng tương tự. Phương thức “xổ tôm” ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và cách khai thác thuỷ sản những năm qua cũng đang làm cho nguồn thuy,ã hải sản ngoài biển khơi suy kiệt nhanh chóng. ở các vùng này có hàng ngàn, hàng vạn tàu thuyền đánh bắt tôm cá tập trung khai thác cả cá tôm bố mẹ lẫn cá tôm con, từ lớn đến nhỏ. Tàu thuyền đánh cá đủ các loại công suất thả lưới quét từ bờ biển Đông sang bờ biển Tây mọi loại thuỷ sản có trong lòng biển, bất kể môi trường và chu kỳ tái sinh tôm, cá. Từ năm 2001, việc chuyển đất lúa vùng ven biển sang nuôi tôm tự phát, quy mô lớn ở vùng bán đảo Cà Mau, duyên hải miền Trung khi chưa chuẩn bị tốt về thủy lợi, giống, kỹ thuật đã dẫn đến tôm chết hàng loạt, môi trường đất, nước, rừng ngập mặn bị ô nhiễm.

8. Nông nghiệp đang tụt hậu so với công nghiệp.

Nông nghiệp đã và đang tụt hậu ngày càng xa so với công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân nước ta. Thực trạng này thể hiện rõ ràng trong tốc độ tăng trưởng GDP của mỗi ngành và khu vực năm 1991 đến năm 2007. Năm 2007, tốc độ tăng GDP của nông, lâm, thuỷ sản là 3,4%, của công nghiệp và xây dựng và 3,4%, hệ số chênh lệch hơn 3 lần là quá cao.

Theo kinh nghiệm các nước đang phát triển, có thu nhập thấp và trung bình thì hệ số chênh lệch giữa tốc độ phát triển công nghiệp so với nông nghiệp 2 lần là hợp lý. Đối với các nước đang phát triển, nông nghiệp tăng bình quân 4 - 5%/năm, và công nghiệp tăng 10%, hệ số chênh lệch từ 2 đến 2,2% là hợp lý, còn nếu chênh lệch cao hơn sẽ dẫn đến sự tụt hậu của nông nghiệp so với công nghiệp, nông thôn so với thành thị. Trong khi đó hệ số chênh lệch này ở Việt Nam là 3-4 lần. Khoảng cách quá xa về tốc độ tăng trưởng giữa công nghiệp và nông nghiệp ở Việt Nam những năm qua làm cho nông nghiệp vốn đã lạc hậu lại tụt hậu xa hơn so với công nghiệp và dịch vụ dẫn đến phân hoá nhanh hơn về thu nhập và đời sống giữa nông thôn và thành thị trong cơ chế thị trường. Đó là một trong những yếu tố làm giảm sức mua của nông dân và nông thôn hiện nay.

9. Thu nhập và đời sống nông dân còn thấp và tăng chậm.

Thu nhập, chi tiêu và sức mua của nông dân còn thấp, chênh lệch về mức sống nông thôn - thành thị có xu hướng tăng lên. Theo kết quả điều tra “Mức sống dân cư Việt Nam 2006” do Tổng Cục Thống kê công bố đầu năm 2008 thì thu nhập bình quân đầu người/tháng trong cả nước là 636,5 nghìn đồng (thành thị: 1.058 nghìn đồng, nông thôn 505,7 nghìn đồng). Hệ số chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn là 2 lần, có xu hướng tăng lên.

Đáng chú ý là cơ cấu thu nhập của dân cư nông thôn cho đến nay, chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp và xu hướng này ít thay đổi so với các năm trước. Giá cả vật tư, phân bón và nông sản không ổn định, biến động theo hướng bất lợi đối với người nông dân, nhất là người trồng lúa nên dù những năm gần đây tuy giá lương thực tăng cao, nhưng thu nhập của nông dân không tăng với tốc độ tương ứng, cá biệt, có năm, có vùng giảm, kéo theo sự giảm sút do giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao hơn. Tại các vùng nông dân mất đất, thu nhập của hộ nông dân không ổn định, thậm chí giảm sút. Tại Bắc Ninh, tại vùng đất đền bù giải toả để xây dựng KCN, đô thị hoá chỉ có 35% số hộ có thu nhập tăng, mức sống khá hơn trước, 65% số hộ còn lại, đời sống như cũ thậm chí giảm so với trước khi bị thu hồi đất. Những vùng bị thiên tai, dịch bệnh lúa vàng lùn, bùn xoắn lá, cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, lợn tai xanh, các vùng nuôi tôm bị chết do dịch bệnh, trâu bò chết rét đầu năm 2008, thu nhập và đời sống nông dân còn khó khăn hơn, số hộ tái nghèo tăng nhanh.

Nguyên nhân của tình trạng trên:

Về chủ quan: Nhận thức của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp về nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước còn chưa tương xứng với vai trò, vị trí của nó.

Cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân tuy nhiều nhưng chưa đầy đủ, chưa đồng bộ. Tồn tại rõ nhất là thiếu các chính sách thoả đáng đối với người sản xuất nông nghiệp, người nông dân. Các chính sách hiện hành mới quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp, chưa quan tâm đến các hoạt động khác như tiêu thụ nông sản, chế biến, xuất khẩu, lao động, việc làm, đào tạo nghề phi nông nghiệp cho nông dân vùng bị thu hồi đất, thu nhập, đời sống của nông dân. Chính sách ruộng đất, thị trường, thuế, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thuế, phí, cho vay, đầu tư cho nông nghiệp còn nhiều bất cập nhưng chậm bổ sung sửa đổi. Chính sách xã hội nông thôn, khoan sức dân để tăng sức mua ở nông thôn vẫn còn nhiều điểm chưa đồng bộ và kém hiệu quả.

Vai trò của Hội Nông dân, chưa được đánh giá đúng mức nên hoạt động của các cấp Hội mới dừng lại ở mức khiêm tốn, tự phát. Cơ sở pháp lý cho hoạt động của hệ thống tổ chức Hội còn chắp vá, không đồng bộ.

Nguyên nhân khách quan: Thị trường giá cả vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi biến động phức tạp, thiên tai, dịch bệnh diễn ra trên diện rộng ảnh hưởng xấu đến sản xuất, đời sống nông dân và cơ sở hạ tầng nông thôn.

II. Những giải pháp lớn để phát triển bền vững vấn đề tam nông ở nước ta trong thời gian tới.

1. Đổi mới nhận thức về vai trò, vị trí của tam nông trong tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.

Đổi mới nhận thức của Nhà nước, các ngành các cấp về vai trò của nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong tăng trưởng kinh tế chung và thực hiện công bằng xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc dân, cơ cấu lao động xã hội theo hướng CNH, HĐH. Theo đó, phát triển nông nghiệp toàn diện và vững chắc gắn với công nghiệp chế biến và thị trường xuất khẩu nông sản là yêu cầu và điều kiện tiên quyết để thực hiện CNH, HĐH và chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc dân (CCKTQD). Muốn vậy, cần đổi mới quan điểm và nhận thức về vai trò và vị trí của nông nghiệp trong CCKTQD thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, phải gắn phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản với chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngành này. Gắn nông nghiệp với nông thôn và nông dân trong quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách và chỉ đạo, điều hành. Từ đổi mới nhận thức phải tạo sự đột phá về tổ chức và quản lý cùng với hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ sở pháp lý về vấn đề tam nông theo hướng kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, đầu tư của Nhà nước cần thể hiện rõ ràng hơn vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn một cách toàn diện, đầy đủ cả kinh tế, xã hội, môi trường. Ngoài vai trò về kinh tế, nông nghiệp, nông thôn và nông dân còn có vai trò quan trọng hàng đầu trong ổn định xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Nông dân, nông nghiệp, nông thôn là nguồn cung cấp lao động, đất đai, tài sản cho CNH, HĐH đất nước.

2. Tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách kinh tế tài chính của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Các chính sách phát triển bền vững vấn về tam nông phải nhằm mục đích: Phát triển nông nghiệp hàng hoá theo hướng bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn và nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, bảo vệ môi trường sinh thái. Các chính sách về đất đai, lao động việc làm cho nông dân vùng bị thu hồi đất, đầu tư, khoa học công nghệ, thị trường, xuất nhập khẩu đều cần phải hoàn thiện theo hướng đảm bảo lợi ích của Nhà nước và nông dân. Về đất đai, Luật đất đai sửa đổi và các chính sách liên quan đến đất nông nghiệp trong thời gian tới cần đảm bảo lợi ích chính đáng của hộ nông dân. Theo hướng đó những năm tới cần có các chính sách hạn chế chuyển đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp, nhất là đất lúa. Thực hiện tốt chủ trương ổn định diện tích đất lúa 4 triệu ha để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Vấn đề chuyển một bộ phận đất lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, trồng ngô, cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn phải theo qui hoạch và kế hoạch.

Chính sách đầu tư: Tăng tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo quy định của WTO (10% giá trị sản xuất nông nghiệp). Đổi mới cơ cấu đầu tư theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư cho khoa học công nghệ, nhất và nghiên cứu, lai tạo giống cây trồng vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hạ để tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh hội nhập.

Thực hiện rộng rãi phương châm Nhà nước đầu tư vốn, nông dân góp công trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và cơ sở vật chất kỹ thuật nông nghiệp.

Bổ sung cơ chế chính sách xã hội nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái, giải quyết lao động việc làm, dạy nghề cho nông dân, tăng thu nhập và cải thiện đời sống đối với các hộ nông dân bị thu hồi đất để phát triển khu công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đô thị hoá để đảm bảo ổn định xã hội nông thôn và đời sống của nông dân mất đất nông nghiệp.

3. Giải quyết đồng bộ vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái

Môi trường sinh thái là một nội dung của phát triển bền vững nói chung, nông nghiệp nông thôn nói riêng. Vì vậy bảo vệ môi trường sinh thái trong phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững trong giai đoạn hội nhập WTO trước hết là chuyển dần từ phương thức sản xuất nông nghiệp theo đầu tư chiều rộng, chi phí cao, lấy năng suất, số lượng làm mục tiêu sang nền nông nghiệp thương phẩm lấy chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, chi phí thấp, hiệu quả cao làm mục tiêu để đứng vững trong cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Giải pháp kỹ thuật là đầu tư chiều sâu, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thuỷ sản, trồng rừng để tăng năng suất đi đôi với tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí trung gian, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hợp lý để phát huy vai trò nòng cốt của Hội nông dân các cấp trong các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn, trước hết hạn chế sử dụng hoá chất trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, trồng rừng, trồng cây phân tán, bảo vệ rừng, phát triển làng nghề nông thôn, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo quy hoạch, kế hoạch.

4. Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với vấn đề tam nông. Nâng cao vai trò, vị trí của tam nông trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, nhất là CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, nhất thiết phải tăng cường vai trò của Nhà nước về mọi mặt.

Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý về nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo hướng hoàn thiện tổ chức chức bộ máy quản lý, nâng cao năng lực trình độ đội ngũ công chức thông qua đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm quản lý kinh tế, tài chính nông nghiệp theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Tăng cường năng lực của bộ máy ngành nông nghiệp, Hội nông dân cả về tổ chức, cán bộ, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn trong mối quan hệ với các ngành các cấp trong hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Đề nghị Quốc hội xúc tiến chương trình nghiên cứu xây dựng Luật Nông nghiệp, Luật Nông dân… phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới của nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam, thay thế các pháp lệnh hiện hành. Luật Nông nghiệp, Luật Nông dân sẽ là cơ sở pháp lý cao nhất, có tác dụng tích cực, sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường vai trò quản lý Nhà nước và trách nhiệm của các ngành các cấp, các doanh nghiệp đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam trong giai đoạn hội nhập, phù hợp với những cam kết của nước ta khi gia nhập WTO. Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với Hội Nông dân Việt Nam, trong đó trọng tâm là hoàn thiện cơ chế chính sách, luật pháp đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân; nâng cao vai trò, vị trí của Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn.

Để Hội Nông dân phát huy vai trò trung tâm nòng cốt trong vấn đề tam nông theo chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất thiết cần tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, thông qua hoàn thiện cơ chế chính sách, luật pháp để nâng cao vai trò của Hội Nông dân các cấp trong hệ thống chính trị. Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý về Hội Nông dân cả về tổ chức, cán bộ, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn trong mối quan hệ với các ngành các cấp trong hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

5. Nâng cao vai trò của Hội nông dân trong phát triển bền vững vấn để tam nông. Yêu cầu đó không xuất phát từ ý muốn chủ quan của Hội Nông dân mà là đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển nông nghiệp hàng hoá theo cơ chế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước do Đảng ta lãnh đạo. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã nhấn mạnh: Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân… Chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… phát huy vai trò của giai cấp nông dân mà nòng cốt là Hội Nông dân Việt Nam trên cơ sở liên minh với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đúng như đánh giá của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: “CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trực tiếp của giai cấp nông dân liên minh với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước”(1).

Để thực hiện vai trò quan trọng đó, giải pháp cơ bản của Hội Nông dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là quán triệt sâu sắc vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội trong sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn theo quan điểm của Đảng. Từ đó TW Hội Nông dân cần xây dựng phương án tổ chức, hoàn thiện bộ máy, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành các hoạt động của hệ thống tổ chức Hội các cấp từ TW đến địa phương và cơ sở theo hướng: nâng cao trình độ KHKT, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ Hội để đáp ứng được yêu cầu phát triển tam nông bền vững. Hội Nông dân các cấp phải là nòng cốt trong vấn đề tam nông, có vai trò chủ yếu trong tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, hộ nông dân cả nước phát triển sản xuất nông sản hàng hoá gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, xóa đói giảm nghèo, xây dựng, nhân rộng các mô hình nông dân sản xuất giỏi làm giàu cho gia đình và xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái./.

PGS.TS. Nguyễn Sinh Cúc

———————

(1) Phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ IV, Văn kiện ĐHĐBTQ Hội Nông dân Việt Nam, tr.82.

Các tài liệu tham khảo chính.

- Văn kiện Đại Hội VI, VII,VII IX và X của Đảng CSVN.

- NQTW 5 (khoá IX) về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

- Luật Đất đai 2003.

- Luật HTX 1996, sửa đổi 2003.

- Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 Bộ KH&ĐT, 2006.

- Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp và nông thôn năm 2008, H, 2007.

- Các văn kiện cam kết về Việt Nam vào WTO.

- QĐ 09/TTG của Thủ tướng Chính phủ năm 2000.

- Các văn bản hướng dẫn thực hiện cam kết WTO của các Bộ Thương mại, Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục thuế, Bộ NN&PTNT.

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất