Thứ Hai, 30/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 25/7/2008 22:12'(GMT+7)

Ngăn chặn những sai lệch chuẩn và giá trị xã hội trong lối sống của thanh thiếu

Tuổi trẻ Trường sa

Tuổi trẻ Trường sa

Những cảnh báo từ cuối thế kỷ 19 của nhà xã hội học pháp E. Durkheim về những hiện tượng bệnh hoạn xã hội, về những sai lệch chức năng, sai lệch về đạo đức, chuẩn mực và giá trị - cái mà ông gọi chung là “anomie” ấy, không ngờ ngày nay đã trở thành một vấn đề gây lo ngại đối với toàn nhân loại.

Ngày nay, sự nhiễu loạn của hệ giá trị, sự biến đổi của nhiều chuẩn mực xã hội đang khiến cho nhân loại bàng hoàng, lo âu, bất ổn. Bất chấp các giá trị và chuẩn mực về chủ nghĩa nhân đạo truyền thống, người ta có thể tiến hành nhiều tội ác mà không cảm thấy lương tâm cắn dứt, kẻ khủng bố và giết người hàng loạt, ở một nơi nào đó, có thể được nhìn nhận như những “anh hùng”, lạm dụng tình dục với trẻ em có thể được coi như là một “thú vui”, kẻ phạm tội không thể hiểu được rằng mình đang làm những điều sai trái...

Các sai lệch chuẩn mực xã hội trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên, trên thực tế, đã đặt cộng đồng các nhà khoa học vào tâm thế của những người bị động. Nó đòi hỏi từ các nhà khoa học không chỉ có được những giải pháp thiết thực đối với từng hiện tượng, khu vực cụ thể mà còn rộng lớn hơn, cắt nghĩa được toàn bộ vấn đề sai lệch xã hội một cách tổng quát và toàn diện. Thiếu một sự tiếp cận đầy đủ về lý thuyết, chúng ta không thể không lúng túng trước rất nhiều vấn đề phải xử lý trong thực tiễn.

Rất tiếc, trong sách vở khoa học ở nước ta, sự quan tâm đến những vấn đề tổng quát, lý thuyết về chuẩn mực xã hội và sai lệch các chuẩn mực xã hội vẫn còn chưa thật đầy đủ, toàn diện và sâu sắc. Trong bài viết này, chúng tôi mạnh dạn nêu lại một số vấn đề lý luận có liên quan tới chủ đề về những sai lệch xã hội trong thanh thiếu niên, với hy vọng nó sẽ gợi ý cho những người quan tâm đi sâu hơn vào vấn đề này.

1. Những căn bệnh xã hội của cơ chế thị trường.

Không còn nghi ngờ gì nữa, hệ luỵ của cơ chế thị trường đã kéo theo những sự “sai lệch các chuẩn mực và giá trị xã hội” mà chúng ta thường gọi một cách nôm na là những “tệ nạn xã hội”

Trong xã hội học phương Tây, nghiên cứu nhằm khắc phục các tệ nạn xã hội và hiện tượng sai lệch các chuẩn mực xã hội đã được coi là một trong những đề tài quan trọng hàng đầu. Mặc dù còn nhiều luận điểm chưa được thống nhất nhưng nhìn chung, về mặt lý thuyết các nhà nghiên cứu đều đi sâu theo xu hướng là cố gắng lập một lược đồ tổng quát về những sự tương hỗ cơ bản của các mối quan hệ xã hội, trên cơ sở đó xác định vị trí và ảnh hưởng của các sai lệch xã hội trong tương quan chung. Xu hướng này cho phép người nghiên cứu có được một sự nhận thức tổng hợp, tìm thấy những điểm chốt căn bản để ngăn chặn và xử lý trên phạm vi rộng và bao quát các sai lệch xã hội, từ nguyên nhân xuất hiện đến quá trình phát triển và lây lan của nó trong xã hội.

Đáng chú ý là các công trình nghiên cứu sau này của nhà xã hội học người Mỹ R. Merton. Theo ông, sự phát triển của tệ nạn xã hội là biểu hiện có thể thấy được của một xã hội bệnh hoạn (anomie) từ bên trong. Bởi vậy vấn đề không chỉ là sự tìm hiểu và chạy chữa các biểu hiện bên ngoài mà phải khám xét và phát hiện những gốc rễ ẩn dấu bên trong của nó. Vốn là một người đặt nền móng cho phương pháp phân tích cấu trúc - chức năng, Merton luôn đòi hỏi sự định vị chính xác vị trí của vấn đề nghiên cứu trong toàn bộ tổng thể. Trong tác phẩm nhan đề “Cấu trúc xã hội và tệ nạn xã hội” ông cho rằng để tìm hiểu bản chất của những sự bệnh hoạn xã hội, cần phải phân định rõ được những chiều tác động lẫn nhau giữa ba khu vực hết sức cơ bản: thứ nhất là cơ sở kinh tế của xã hội, thứ hai là hệ giá trị và chuẩn mực xã hội và thứ ba là chính những căn bệnh xã hội.

Ở nước ta, sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá mới được thực hiện chưa lâu nhưng nhiều tệ nạn xã hội đã nảy sinh và lan rộng tới mức chóng mặt. Việc chưa được chuẩn bị một cách kỹ càng về mặt xã hội so với mặt kinh tế trong việc chuyển từ cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường đã khiến cho việc lý giải và chữa chạy các tật bệnh xã hội còn có phần lúng túng. Cơ chế thị trường đang làm thay đổi mạnh mẽ hệ giá trị và các chuẩn mực đạo đức truyền thống. Những quan điểm sống gắn liền với sự cạnh tranh lợi nhuận như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, các mối quan hệ “tiền trao cháo múc” không những chưa bị lên án mạnh mẽ mà còn lấn át các chuẩn mực tốt đẹp.

Tất cả những điều đó đang đòi hỏi một sự đổi mới và chuyển hướng mạnh mẽ trong nhận thức và hành động để phù hợp với việc ngăn chặn và khắc phục các tệ nạn xã hội trong những điều kiện mới của cơ chế thị trường.

2 Lược đồ cơ cấu các hành vi sai lệch xã hội.

Tính phức tạp của việc nghiên cứu các sai lệch xã hội không chỉ ở chỗ phải làm sao xác định được chính xác và đúng đắn vị trí và những tác động tương hỗ của các tệ nạn xã hội với tổng thể xã hội, mà còn là đi sâu vào chính nội hàm của các tệ nạn này. Nói một cách cụ thể là cần phải vạch rõ được những mối quan hệ nội sinh, những thành phần kết cấu cơ bản tạo nên các hành vi sai lệch xã hội. Chẳng hạn khi phân tích hành động phạm tội của một nhóm xã hội, chúng ta không thể không xem xét các mối quan hệ tương hỗ trong chính băng nhóm, tức là quá trình hình thành của nhóm, vị trí chức năng mỗi thành viên, vai trò của những kẻ cầm đầu, những cung cách hoạt động và phương thức ăn chia v.v… Tức là, về phương diện này, chúng ta cũng phải tìm hiểu bản chất của các hành vi sai lệch xã hội trong tính độc lập tương đối của nó với tổng thể xã hội.

Việc nghiên cứu và phân tích lược đồ khái quát về những hành vi sai lệch xã hội trên đây cho phép chúng ta đi sâu vào các lĩnh vực cụ thể của sai lệch xã hội mà không lạc mất phương hướng.

Chẳng hạn, hiện tượng tham nhũng có thể được đặt trong cấu trúc của những sai lệch kinh tế, cũng có thể là những tham nhũng cá nhân đơn lẻ, cũng có thể được tổ chức theo băng nhóm hoặc liên kết rộng rãi hơn trong thiết chế kinh tế. Xác định được chính xác vị trí tồn tại và hoạt động của hiện tượng tham nhũng chúng ta lại có cơ sở để phân tích sâu sắc các thành phần cấu kết của nó, các quy tắc hoạt động, các kiểu loại và dạng thức biểu hiện cụ thể để từ đó tìm ra những giải pháp hợp lý để ngăn chặn.

Ở đây, chúng ta có thể nhìn thấy khả năng tái sinh sản của các tệ nạn xã hội từ những yếu tố nội sinh của nó. Nói một cách cụ thể là bản thân sự tồn tại của một tệ nạn xã hội này có thể trở thành nguyên nhân xuất hiện của một tệ nạn xã hội khác. Và trên thực tế, sự gia tăng các tệ nạn xã hội do kết quả của sự hiệu ứng đô-mi-nô giữa chúng cũng mạnh mẽ không kém gì những tác động trực tiếp từ cơ sở kinh tế-xã hội.

Từ những phân tích trên, có thể nói rằng những chính sách có tính khả thi đối với việc phòng ngừa và thanh toán các tật bệnh xã hội không thể được đặt ra một cách chủ quan phiến diện và duy ý chí. Nó phụ thuộc rất nhiều vào việc nhận diện đúng đắn những tật bệnh này. Bởi vậy, lược đồ khái quát về sai lệch xã hội và về mối quan hệ giữa sai lệch xã hội với tổng thể xã hội là cơ sở để xác lập trên đó mô hình của những chính sách xã hội tương ứng.

3. Ngăn chặn những hành vi sai lệch về chuẩn mực và giá trị xã hội trong thanh thiếu niên

Không phải ngẫu nhiên mà các sai lệch xã hội lại thường xuất hiện ở thanh thiếu niên nhiều hơn ở những nhóm xã hội khác. Một sự khao khát muốn biến đổi, muốn vượt ra ngoài những khuôn khổ cứng nhắc. Một sự thiếu hụt những kinh nghiệm sống, kèm theo những bồng bột của tuổi trẻ. Tất cả tạo thành những mặt tâm lý đặc thù khiến tuổi trẻ và sự sai lệch, cái tích cực và cái tiêu cực luôn kề cận bên nhau, đan xen vào nhau trong cuộc sống đời thường của thanh thiếu niên, làm cho những người lớn tuổi luôn phải nhìn nhận họ với cặp mắt “khi giận, khi thương” là vì vậy.

Thanh thiếu niên dễ phạm vào những sai lệch xã hội cũng gần giống với trạng thái hưng phấn khi họ lao vào với những mặt tích cực của xã hội. Chỉ có điều, cũng với bản chất đặc thù của tâm lý thanh niên, họ thường không phải là những người cố chấp, không bảo thủ và vì vậy mà cũng dễ từ bỏ những sai lệch để vươn tới những cái đúng đắn, với lẽ phải, khi họ có điều kiện và được giáo dục để nhận thức được điều đó.

Tuy nhiên, những sai lệch xã hội của thanh thiếu niên nếu không được điều chỉnh kịp thời cũng có thể là thảm kịch đối với một xã hội đang phát triển, khi nó gắn liền với bản chất cộng đồng trong đời sống sinh hoạt và giao tiếp của thanh thiếu niên. Những hiện tượng sai lệch trong một nhóm nhỏ thanh niên có thể nhanh chóng trở thành đốm lửa lan mạnh trong những nhóm thanh niên có cùng hoàn cảnh và điều kiện khác. Những sai lệch trong nhận thức chính trị có thể gây mất ổn định xã hội và trật tự trị an, dễ bị các thế lực chính trị thù địch lừa gạt, lôi kéo. Những sai lệch trong hoạt động kinh tế, trong sự định hướng giá trị lao động và việc làm, có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với việc phát triển nguồn nhân lực, ảnh hưởng tới khả năng hoạt động sáng tạo của xã hội. Những sai lệch trong văn hoá, lối sống có thể gây những nhiễu loạn trong các giá trị về cảm thụ và sáng tạo thẩm mỹ, dẫn dư luận xã hội vào những cảm xúc không lành mạnh, thậm chí phi nhân bản. Những sai lệch trong phạm vi các hoạt động xã hội có thể là nguyên nhân của những sai phạm về pháp luật, sự gia tăng của tội ác, sự mở rộng của các tệ nạn xã hội, của nạn trộm cắp, ma tuý, rượu chè, cờ bạc, mãi dâm... Điều này xuất phát từ công tác giáo dục về pháp luật và ý thức pháp luật trong thanh thiếu niên còn chưa cao.

Ở nước ta, dưới tác động của những mặt trái trong cơ chế thị trường hiện tượng sai lệch xã hội của một bộ phận thanh thiếu niên đã xuất hiện ngày một trầm trọng. Phân tích các số liệu thống kê từ Tổng cục cảnh sát nhân dân và Viện kiểm soát nhân dân các cấp, chúng ta có thể thấy, các vụ vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên đã tăng lên trên nhiều phương diện: số vụ việc vi phạm ngày càng nhiều hơn, phạm vi vi phạm ngày càng mở rộng hơn trên nhiều địa bàn. Nếu trước đây các vụ việc thường tập trung chính ở các khu vực đô thị, thành phố, khu dân cư, công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ... thì nay đang mở rộng ra trên cả những vùng nông thôn, vùng xa xôi hẻo lánh. Mức độ trầm trọng của tội ác cũng ngày càng tàn bạo và khốc liệt hơn. Nếu trước đây các hành vi sai lệch thường chỉ dừng ở mức độ trộm cắp, gây rối trật tự thì nay đã gắn liền với những hành vi cướp của, giết người và thường được tổ chức quy mô hơn

Tình trạng thanh thiếu niên mắc vào các tệ nạn xã hội như ma tuý, nghiện hút, mãi dâm ngày càng gia tăng. Theo các số liệu điều tra của Viện nghiên cứu thanh niên thì trong số những kẻ nghiện ngập ma tuý, thanh thiếu niên chiếm tới trên 3/4. Sự “trẻ hoá” những kẻ nghiện ngập ma tuý đang là một thực tế rất đáng lo ngại. “Nếu năm 1994 tỷ lệ thanh thiếu niên nghiện ma tuý mới chỉ có 39,7% thì nay đã hơn 70%. Đặc biệt ở địa bàn trọng điểm thành phố Hồ Chí Minh số người nghiện dưới 30 tuổi chiếm 82,4%, trong đó dưới 16 tuổi chiếm 7%”(1). Nhiều con nghiện vẫn còn đang ở lứa tuổi học trò. Phân tích cơ cấu của nhóm thanh thiếu niên nghiện ma tuý chúng ta cũng có thể thấy được phần nào diễn biến phức tạp của vấn đề ma tuý. Nếu như trước đây, nhóm thanh niên nghiện hút thường chỉ tập trung ở một số đối tượng lêu lổng, chơi bời, không có nghề nghiệp lao động chính thức, thì ngày nay nó được mở rộng ra cả những đối tượng được coi là nghiêm chỉnh nhất trong thanh thiếu niên như cán bộ, công nhân viên Nhà nước, sinh viên đại học, con em những gia đình khá giả, con em gia đình cán bộ, thậm chí con em cán bộ cao cấp.

Chúng ta đã có không ít những công trình nghiên cứu phân tích những khía cạnh xã hội của tệ nạn mại dâm. Có một cái gì đó đã được giải thích từ hệ quả của nền kinh tế thị trường, từ sự mở cửa hướng về một xã hội được gọi là xã hội tiêu thụ, một cái gì đó là sự buông lỏng về quản lý, là những yếu tố của sự phân hoá giàu nghèo, của các khuyết tật xã hội chưa được chạy chữa kịp thời, của sự khủng hoảng trong các mối quan hệ gia đình, sự xuống cấp về giáo dục tư tưởng… Những điều này là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, chúng ta còn chưa chú ý đúng mức đến một điều kiện quan trọng khác nữa, điều mà một số nhà nghiên cứu đã cảnh báo, đó là xã hội đang có những xu hướng không lành mạnh trong sự thay đổi giá trị, thay đổi quan niệm và hành vi đối với nhiều chuẩn mực và đạo đức, trong đó có tệ nạn mại dâm.

Giáo sư Edgar Morin, một trong những học giả xã hội học nổi tiếng nhất hiện nay của Pháp đã gọi các hiện tượng sai lệch xã hội như là một thứ “bi kịch của sự phát triển”. ông cho rằng xã hội càng phát triển nhanh thì bi kịch về sự sai lệch diễn ra ngày càng nhiều và nhu cầu phải giải quyết nó cũng ngày càng lớn.

ông cho rằng sự sai lệch chuẩn mực và giá trị của thanh thiếu niên chính là hệ quả tất yếu của những sai lệch thường ngày trong một xã hội phát triển sai lệch về giá trị sống như trên. Bởi vậy, theo ông, trong xã hội hiện đại, khi “thanh niên là khâu yếu nhất trong chuỗi mắt xích của nền văn minh”, thì chúng ta lại không hiểu thanh niên. “Mỗi khi giới trẻ nổi loạn chống xã hội, khi họ lao vào những thứ ma tuý mạnh chúng ta cứ đinh ninh rằng vấn đề chỉ là tại con em mình”, chúng ta không hiểu rằng đó còn là “thái độ bất phục đối với lối sống không trung thực và chân thành của người lớn”(2). Bởi vậy, việc khắc phục các sai lệch về chuẩn mực và giá trị của thanh thiếu niên cần phải được bắt đầu từ việc khắc phục những sai lệch của chính xã hội, khắc phục những “bi kịch của chính sự phát triển”.

Hướng vào mục tiêu khắc phục một cách đầy đủ và toàn diện các sai lệch xã hội, chúng ta cần phải có được một quan điểm mang tính hệ thống. Theo chúng tôi, có ba hệ thống chính sách ở tầm rộng lớn cần phải được chú trọng, trong đó mỗi hệ thống chính sách lại hàm chứa nhiều chính sách và giải pháp ở phạm vi hẹp và cụ thể hơn.

Thứ nhất, hệ thống những chính sách hướng vào cơ sở kinh tế - xã hội của xã hội, tức là nhằm ngăn chặn tận gốc rễ các sai lệch xã hội, loại bỏ những nguyên nhân làm nảy sinh các sai lệch này. Điều đó gắn liền với các giải pháp nhằm ngăn chặn sự hình thành các giá trị và chuẩn mực xã hội sai lệch gắn liền với những “bi kịch của sự phát triển”, những sự “bệnh hoạn xã hội” nảy sinh từ các quan hệ của cơ chế thị trường, của xã hội tiêu thụ, điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế, tăng cường cuộc đấu tranh chống đói nghèo, tạo cơ sở kinh tế xã hội bình đẳng để mỗi người lao động có điều kiện làm việc và hưởng thụ hợp lý những thành quả lao động của mình, những chính sách nhằm củng cố các mối quan hệ xã hội, củng cố sự ổn định gia đình và xã hội.

Thứ hai, hệ thống những chính sách hướng vào việc xây dựng các chuẩn mực xã hội và sự định hướng giá trị xã hội lành mạnh. Cụ thể là các chính sách xã hội nhằm phát huy và kế thừa các phẩm chất đạo đức truyền thống, phát huy và sáng tạo những giá trị cao đẹp của nhân loại trong lối sống để xây dựng những nguyên tắc mới trong mối quan hệ giữa con người với con người. Các chính sách nhằm củng cố vai trò điều chỉnh của luật pháp, tăng cường các biện pháp giáo dục tư tưởng nâng cao ý thức tự giác của mọi người, trong đó có thanh thiếu niên trong việc tuân thủ các chuẩn mực mới, phê phán và lên án các hành vi sai lệch.

Thứ ba, những chính sách hướng trực tiếp vào việc tấn công các sai lệch xã hội, xây dựng một hệ thống tổ chức điều hành và quản lý có hiệu lực để kiểm tra, khám phá và loại trừ các hành vi phạm tội. ở đây, căn cứ vào từng loại sai lệch và tệ nạn, từng đối tượng cá nhân, băng nhóm hoặc những tổ chức cụ thể, chúng ta lại có thể phân tích và tìm ra những chính sách và giải pháp tương ứng.

Các chính sách nhằm ngăn chặn các sai lệch xã hội mặc dù có thể được ban hành dưới nhiều hình thức, hướng vào các lĩnh vực và đối tượng khác nhau nhưng chúng bao giờ cũng cần được đặt trong mối quan hệ thống nhất, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau.

Tuỳ vào những điều kiện xã hội cụ thể mà những chính sách và biện pháp khắc phục các sai lệch xã hội trong từng nơi và từng thời điểm có thể khác nhau nhưng mục tiêu cơ bản của nó dường như không bao giờ thay đổi. Đó là sự định hướng vào những bản chất tốt đẹp của con người. Thanh toán những sai lệch xã hội ngay cả trong những biện pháp mạnh mẽ nhất cũng không phải là sự bài trừ con người mà là vì sự trong sáng của con người. Điều đó xét đến cùng chính là sự phản ánh bản chất tốt đẹp và nhân đạo của một chế độ xã hội./.
 
     . GS.TS Đặng Cảnh Khanh

1) Tổng quan tình hình thanh niên và phong trào thanh niên .

Tư liệu Viện nghiên cứu Thanh niên. Tài liệu đã dẫn.

(2) Edgar Morin : Trái đất tổ quốc chung, Tuyên ngôn cho thiên niên kỷ mới, Nxb KHXH, H, 2002, tr.199-200.
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất