(TCTG) - Nhiều chính sách du lịch cấp bách như đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, xúc tiến quảng bá thị trường trọng điểm mà cụ thể là đề nghị mở văn phòng đại diện ở nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực du lịch… đã được các quản lý, chuyên gia du lịch… cho rằng cần được ưu tiên giải quyết hàng đầu.
Tại hội thảo “Xây dựng cơ chế chính sách cấp bách trong lĩnh vực VHTTDL” được tổ chức trung tuần tháng 4 tại Hà Nội, bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng TCDL cho biết: “Các nhà quản lý, các chuyên gia du lịch, doanh nghiệp, các nhà tư vấn kinh tế đều thống nhất, chính sách đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng cho quốc gia và các vùng miền có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế là chính sách cấp bách nhất, cần ưu tiên giải quyết trước”. Thời gian tới, các nhóm chính sách được đánh giá là “tối cần thiết” của ngành du lịch sẽ được trình văn bản lên Bộ VHTTDL, sau đó từng chính sách sẽ được trình Chính phủ. Thời gian triển khai việc nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung những văn bản tập trung giải quyết các vấn đề nêu trên được đề nghị từ năm 2011 đến hết năm 2012.
Hiện nay, các thủ tục để được hưởng ưu đãi khi đầu tư vào du lịch quá rườm rà, phức tạp nên chưa thu hút được các nhà đầu tư. Vì thế, cần có những nghị định hoặc quyết định về ưu đãi đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, ưu đãi và dành quyền khai thác sản phẩm du lịch mới trong một thời gian nhất định cho doanh nghiệp đầu tư sản phẩm du lịch đặc thù.
Một chính sách khác cũng được ngành du lịch quan tâm hàng đầu trong thời gian tới là xúc tiến quảng bá tại thị trường trọng điểm. Ngành du lịch đề nghị Chính phủ dành kinh phí cho các hoạt động xúc tiến du lịch bằng ngân sách nhà nước cấp theo tỷ lệ trích 1 USD/khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hàng năm. Đồng thời đề nghị Chính phủ ban hành quyết định thành lập hoặc thuê đại diện Văn phòng du lịch Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm ở nước ngoài, trước mắt trong năm 2012 cho phép thành lập tại Nhật và năm 2013 tại Pháp.
Các chính sách khác như xúc tiến quảng bá tại các thị trường trọng điểm; phát triển nguồn nhân lực du lịch; bảo vệ môi trường tại các khu, tuyến, điểm, cơ sở lưu trú du lịch; đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm có sức cạnh tranh cao cũng cần được quan tâm giải quyết sớm. Để thúc đẩy sự đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm, ngành du lịch đề nghị cần có chính sách ưu đãi về vốn vay và miễn thuế thu nhập trong một số năm đầu đối với nhà đầu tư vào khu du lịch quốc gia. Đối với các dịch vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng tại một số khu du lịch trọng điểm, có quy mô lớn có thể cho phép vay vốn trong vòng 20-30 năm, ân hạn 5 năm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3-5 năm đầu kể từ khi bắt đầu đưa vào khai thác và có lợi nhuận.
Một số ý kiến cũng đề nghị Bộ VHTTDL, các ngành chức năng liên quan, Chính phủ sớm xem xét giải quyết các chính sách về visa như: cấp visa điện tử, visa-online theo thông lệ quốc tế, áp dụng hình thức visa cửa khẩu cho một số thị trường du lịch quan trọng của VN vào tham quan du lịch (bổ sung cùng với chính sách miễn visa hiện đang áp dụng), kéo dài thời gian từ 15 ngày lên 30 ngày đối với các thị trường đã miễn visa... Việc cấp visa, lệ phí visa không phải là vấn đề phức tạp, du khách cảm thấy bức xúc và phiền hà ở chính các thủ tục xin cấp visa.
Đối với việc thu hút đầu tư vào xây dựng và khai thác cơ sở lưu trú du lịch, nên có các chính sách về thuế đất, vay vốn đầu tư, giá điện nước, phụ thu cước phí viễn thông, thời gian hoạt động của các dịch vụ vui chơi giải trí trong cơ sở lưu trú. Chính phủ và các Bộ, ngành cũng nên sớm thông báo kế hoạch làm bù, nghỉ dồn, chương trình khuyến mãi, bán hàng giảm giá lớn để kích cầu du lịch nội địa và quốc tế...
Quang Anh