Hãy nâng cao dân trí như một nhiệm vụ hàng đầu để mỗi người dân biết mình, biết người để rồi nhanh chóng chuyển từ nền văn hóa phép chia sang nền văn hóa phép nhân càng sớm càng tốt.
Nội lực là quan trọng
Đã có nhiều người, nhiều bài viết đề cập về tính cách Việt, tâm hồn Việt và trí tuệ Việt. Càng gần đây càng có nhiều bài đăng trên báo giấy cũng như báo mạng mang nội dung mổ xẻ các tật xấu của người mình nhằm giải thích những bất cập, những yếu kém của đất nước trong những năm phát triển kinh tế xã hội vừa qua. So sánh những kết quả chúng ta đạt được trong cùng một khoảng thời gian với những nước như Hàn Quốc, hoặc gần hơn là Singapore, Thái Lan thì người Việt, một dân tộc nổi tiếng là sĩ, hẳn không thể bằng lòng.
Cứ xem cái “máu xưng vương” trong bóng đá dù chỉ mới ở vùng đầm lầy Đông Nam Á của người dân nước nhà hoặc sự “nóng ruột” được nhiều người bày tỏ công khai về sự thiếu vắng giải Nobel văn học cho Việt Nam hay những lời than vãn sau mỗi cuộc thi hoa hậu toàn cầu rằng, các cháu gái của nàng Tiên Âu Cơ đến bao giờ mới được trao vương miện thì mới biết tính ganh đua của dân mình đâu có kém cạnh gì, thái quá là đằng khác.
Có phải chúng ta là một dân tộc hay mơ mộng hão huyền? Từ xa xưa ông cha đã biết: “Có bột mới gột nên hồ” hoặc “Có thực mới vực được đạo”. Nhưng con cháu bao đời vẫn chẳng chịu nghe lời mà tu thân, mãi vẫn vậy: tào lao và thả hồn theo mây gió. Cái “bột” hay cái “thực” của người xưa răn dạy ở thời đại ngày nay chính là cái mà ta thường vẫn gọi nó là nội lực của mỗi người nói riêng và của cả dân tộc nói chung. Chẳng cần phải nói nhiều về một thực tế mà số đông người Việt có học thức đã biết, rằng trong phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia thì cái nội lực ấy quan trọng hơn nhiều so với nguồn tài nguyên thiên nhiên trời cho.
Còn một thực tế nữa mà nhiều người cũng đã ngộ. Ấy là, kinh tế luôn là bệ đỡ cho những thành công trong các lĩnh vực hoạt động thuộc về tinh thần và văn hóa, trên cơ sở đó mới nảy sinh lòng tự hào chân chính cùng sự kính trọng chân thành từ phía những người dân nước khác khi họ có dịp đến thăm Việt Nam hoặc mỗi khi chúng ta có dịp đi ra nước ngoài. Mà kinh tế ngày nay chỉ có thể phát triển bền vững và lớn mạnh trên nền tảng của khoa học công nghệ tiến tiến, nghĩa là những siêu công nghệ “sạch” và an toàn.
Một đất nước có nền kinh tế phát triển không nhất thiết phải là một quốc gia với đầy đủ những ngành công nghiệp nặng lớn mạnh theo mô hình mà bấy lâu nay người ta vẫn tưởng. Nếu mà cái trí khôn của người nông dân ta “đánh lừa” được cả Ông Ba Mươi trong câu truyện cổ tích ngày xưa, nay được phát huy để tìm ra những sản phẩm đặc thù dựa trên thế mạnh Thiên nhiên + Con người Việt thì dân ta chắc có cơ may thực hiện được mục tiêu nước mạnh dân giàu mà môi trường sống vẫn còn trong sạch.
Vì vậy, nếu có cái gì được coi là “cú” nhất của chúng ta thì cái ấy phải là cái nghèo, cái lạc hậu so với những người khác. Đó là cái “Cú mẹ” vì nó sinh ra bao nhiêu cái “cú” khác!
Cần cả trí tuệ và chí khí
Bây giờ chúng ta bàn về nội lực của một dân tộc. Nội lực là thuộc tính con người. Nội lực cấu thành từ hai thành tố: Trí và Chí, nghĩa là trí tuệ và chí khí. Trí tuệ là nền tảng của sáng tạo. Chí khí là lòng quyết tâm, kiên trì theo đuổi những mục tiêu mà tinh thần sáng tạo đã sản sinh ra. Nếu một cá thể có cả hai yếu tố đó thì thành công dễ đến. Có chí khí mà không có trí tuệ thì cũng chẳng nên cơm nên cháo, có khi còn là hậu họa. Nói chung một cá nhân đã thiếu trí tuệ thì cũng chẳng mấy khi có chí khí, có chăng chỉ là chí khí liều hay chí khí “ăn theo” của một kẻ a dua.
Nhưng, có trí tuệ mà lại thiếu ý chí thì cũng chẳng làm được việc gì lớn. Nếu trí tuệ ví như mỏ vàng thì chí khí là công nghệ khai thác. Không có công nghệ khai thác thì vàng vẫn chỉ nằm trong đất, theo thời gian bị nước cuốn trôi để hòa vào trong biển. Nếu lấy tấm gương về nội lực thâm hậu thì có lẽ người Nhật là một trường hợp điển hình và gần đây còn có người Hàn Quốc.
Người Việt chúng ta về trí tuệ chẳng đến nỗi nào. Gần đây một số nhà khoa học Việt Nam thành danh ở nước ngoài, chủ yếu ở Mỹ, đã chứng tỏ một điều, người mình trong các điều kiện thuận lợi có thể vươn tới những đỉnh cao của khoa học. Nhìn chung thì trí tuệ Việt thể hiện khá ấn tượng trong việc nắm bắt nhanh vấn đề trong học tập và tỏ ra có khả năng cao trong việc tìm hiểu và cải tiến công nghệ. Trí tuệ ấy cũng đủ để chúng ta ganh đua trong phát triển kinh tế xã hội. Thế mà chúng ta đã tụt hậu so với những người láng giềng mà cách đây chưa lâu họ còn lạc hậu hơn mình. Điều đó chứng tỏ về chí khí chúng ta thực sự có vấn đề.
Chớ “tham bát bỏ mâm”
Khi tìm hiểu về tính cách Việt, đa số các nhà nghiên cứu đều thống nhất ở một điểm cốt lõi. Ấy là nền kinh tế tiểu nông bao đời nay đã ảnh hưởng mang tính quyết định đến việc hình thành những thói quen, những nếp nghĩ làm cơ sở cho những tính cách mà nói thẳng ra là không thích hợp, thậm chí trói buộc chúng ta. Tôi chia sẻ với tác giả của một bài viết về vấn đề này, trong đó anh tổng kết một cách cô đọng nhưng khá chính xác về người Việt: Nguồn gốc-Tiểu nông, Hành động-Tiểu xảo, Tính cách-Tiểu nhân.
Người nông dân Việt Nam từ ngàn xưa đã quen canh tác theo cách tự sản tự tiêu, để nền nông nghiệp phân tán và manh mún phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Với tâm lí phó mặc cuộc đời cho Trời đất Thánh thần nên người nông dân Việt mới trở nên mộng mị và mê tín dị đoan đến mức yếu hèn, đánh mất lòng tin vào bản thân mình. Từ đó mới nảy sinh và bén rễ trong ông cha chúng ta một thái độ cam chịu đến đáng thương hàng ngàn năm nay.
Tất nhiên một kẻ yếu đuối về tinh thần và ý chí thì làm sao dám đương đầu với thử thách, một đức tính chỉ dành cho những người khát khao các điều mới lạ và tràn đầy nghị lực. Điều đó cũng giải thích vì sao một đất nước có bờ biển dài nhưng con người trên đó không có khái niệm hàng hải nên chẳng biết gì về biển cả, thấy sóng cao thì hốt hoảng rồi rủ nhau tìm về bình yên dưới rặng tre dày. Đó cũng là biểu hiện rõ rệt của một đặc điểm nữa của người mình, ấy là Tiểu chí.
Một cộng đồng hay một dân tộc u mê về thế giới quan sẽ mãi mãi bảo tồn sự lạc hậu và nghèo đói về vật chất của mình nhờ có hai yếu tố nội tại. Một là họ không đủ trí thông minh để có thể tạo ra những thay đổi, hai là họ duy trì được cách sống theo phương thức cộng đồng, nghĩa là không có khái niệm về tài sản riêng. Người Việt chúng ta lại khác. Từ xa xưa chúng ta đã có một xã hội dựa trên nền tảng gia đình. Đã thế ông cha chúng ta lại đủ thông minh. Chỉ có điều, cái văn hóa tiểu nông nói trên khiến người nông dân Việt Nam trở thành những cá nhân ích kỉ, chỉ chăm lo đến quyền lợi riêng của gia đình mình, cùng lắm là của người thân. Có lẽ vì thế mà khái niệm lợi ích cộng đồng rất mờ nhạt trong cách nghĩ của người Việt cho đến tận hôm nay.
Tiếc rằng cái câu răn dạy "Tham bát bỏ mâm" lại không được người mình hiểu theo nghĩa cái mâm là lợi ích của toàn xã hội. Vì vậy, người Việt chúng ta gần như không có tính cộng đồng, không có văn hóa bàn bạc để đồng thuận, chia sẻ mục tiêu chung, trừ trường hợp đất nước bị xâm lăng. Với một lối sống vì mình là chính như thế, trong điều kiện xã hội không phát triển, thiếu thốn đủ đường mà trí thông minh lại không được dùng để sáng tạo ra nhiều của cải nên người Việt đã vận dụng nó để “sáng chế” ra những hành vi tiểu xảo nhằm thu vén quyền lợi cho cá nhân mình. Đó là những thói quen hành động kiểu như: ngậm miệng ăn tiền, ném đá dấu tay, chọc gậy bánh xe, chia bè chia phái, ton hót nịnh bợ, già nắn rắn buông, dèm pha nói xấu, ăn nói nước đôi, ăn cỗ đi trước lội nước đi sau,... Những hành vi tiểu xảo ấy lẽ dĩ nhiên không thể tạo nên những tính cách lớn mà chỉ có thể sinh ra những đặc trưng của một tiểu nhân. Đó là các tính: khôn lỏi ranh ma, dối trá lừa lọc, đố kị tinh tướng, lười nhác ham chơi, tráo trở lật mặt, háo danh ưa nịnh, thù vặt gây gổ, tùy tiện cẩu thả, hám lợi trước mắt,...
Cũng thật dễ hiểu một khi trong cộng đồng với đa số kẻ luôn chăm chắm thu vén cho lợi ích cá nhân, không coi trọng lợi ích chung thì ăn cắp, ăn hiếp và ghen gét sẽ là phổ biến. Kẻ lấy được nhiều thì tinh tướng cho ta hơn người, khi lấy được ít thì đố kị người khác. Cái trí thông minh sẽ được dùng để phục vụ cái tính ranh ma khôn vặt. Thật bi hài khi chúng ta luôn gắn mình với phẩm chất cần cù chịu khó. Thực ra người Việt rất ham chơi và thích ăn nhậu, rất lười suy nghĩ. Ngày xưa các cụ chẳng nói: Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè. Ngày nay lễ hội còn nhiều hơn ngày trước. Ngày xưa việc làng nhiều không kể xiết như một cách bày trò để ăn cỗ, bất chấp đói nghèo. Ngày nay các nhà hàng đặc sản, các quán bia mọc ở khắp nơi, lúc nào cũng đông nghịt.
Chuyển từ phép chia sang phép cộng, phép nhân
Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy mình rồi mà sửa đổi. Đó là cách duy nhất để giải quyết bài toán đói nghèo và gây dựng hình ảnh dân tộc, quốc gia. Cho đến tận hôm nay người Việt Nam chúng ta vẫn chưa biết đến phép cộng ý chí trong việc phát triển kinh tế-xã hội. Ai cũng biết khi cần cứu một chiếc xe sa lầy thì cần đến những cánh tay cùng đẩy về một phía và người bắt nhịp hò dô ta.
Chúng ta cũng chưa biết đến phép nhân của cải xã hội, mà số đông chỉ tìm cách để thực hiện phép chia. Cả hai phép cộng và phép nhân đó chỉ có thể thực hiện được ở nước ta khi mà tinh thần vì cộng đồng được nuôi dưỡng và phát triển trong mỗi con người Việt Nam. Đừng trách ai làm chúng ta tụt hậu. Hãy tự trách chính mình đã không làm tròn bổn phận dù ở bất cứ vị trí nào. Hãy nâng cao dân trí như một nhiệm vụ hàng đầu để mỗi người dân biết mình, biết người để rồi nhanh chóng chuyển từ nền văn hóa phép chia sang nền văn hóa phép nhân càng sớm càng tốt./.
Phong Doanh
(Nguồn: KH & ĐS)