Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 23/4/2011 9:56'(GMT+7)

Nuôi dưỡng tình yêu với sách và học kỹ năng đọc sách

 

Số lượng sách xuất bản ở nước ta tăng mỗi năm. Riêng trong năm 2010, tổng số sách toàn ngành xuất bản đạt số lượng hơn 25.700 đầu sách với gần 278 triệu bản. Tuy sách ngày càng nhiều hơn, nhưng số người dân ở nước ta đang mắc bệnh... lười đọc lại càng ngày càng tăng hơn. Theo một thống kê mới đây, trung bình mỗi năm, mỗi người Việt Nam chỉ mua 3,3 cuốn sách, đọc 2,8 cuốn (trong đó 80% là sách giáo khoa).

Nhiều người cũng bày tỏ sự lo ngại về việc xuống cấp trong văn hóa đọc của giới trẻ. Thế hệ @ giờ đây thích dùng đồ ăn nhanh, lướt Net siêu tốc và giết thời gian với những trò chơi trên mạng, nhưng hầu như họ không đọc sách, nhất là những cuốn sách buộc họ phải tư duy, động não.

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, với khối lượng kiến thức đồ sộ mà sách mang lại, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra những kỹ năng đọc sách mới. Nhưng người Việt Nam hầu như không tiếp cận được với cách đọc mới ây. Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần sách Thái Hà cho rằng chúng ta đang "đi số lùi" trong văn hóa đọc. “Tiến sĩ Văn hóa đọc" này đã tổng kết 10 sai lầm trong cách đọc của người Việt, trong đó có việc đọc chậm và kỹ; đọc từng từ; đọc thành chữ; phải hiểu hết và nhớ hết tất cả nội dung đọc; đọc ngược lại; tìm hiểu kỹ vấn đề chưa hiểu rồi mới đọc tiếp; đọc mà không ghi chú, không gạch chân... Con số mà Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra cũng đáng để chúng ta suy nghĩ: 82% người đọc sách hiện nay không có kỹ năng đọc; 91% người đọc mà không tập trung.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, nhưng trước hết là do giới trẻ chưa được dạy cách đọc sách sao cho hiệu quả. Trong nhà trường không có nhiều buổi sinh hoạt về sách, nói chuyện về sách, kể sách... Hiện nay, học sinh, sinh viên bị nhồi nhét đọc sách giáo khoa, mà thiếu hẳn đi mảng sách công cụ, sách kiến thức phổ thông, sách kỹ năng. Thêm vào đó, nhiều người đọc quá chậm, dẫn đến việc chán rồi lười đọc. Ở VN không dạy về văn hóa đọc và kỹ năng đọc sách nhanh trong chương trình học phổ thông.

Văn hoá đọc không chỉ dừng lại ở kỹ năng đọc, mà hiểu rộng hơn đó chính là văn hoá tích luỹ thông qua cả kỹ năng nghe, nhìn. Biết cách đọc, biết cách biến kiến thức của người khác, của các chuyên gia thành của mình thì người đọc sẽ cảm thấy rất thích và ngày càng hứng thú.

Chính vì thế, để nuôi dưỡng tình yêu với sách của cả cộng đồng, thì các nhà xuất bản, các công ty sách cần có trách nhiệm về những cuốn sách mình xuất bản để đưa đến cho bạn đọc những cuốn sách hay và tốt. Nhà nước cần dành nguồn ngân sách lớn hơn cho việc xây dựng các thư viện, hỗ trợ xuất bản sách, có ngân sách mua sách cho các thư viện từ trung ương đến làng xã. Cần đưa đọc sách thành một phong trào rộng khắp, với nhiều Câu lạc bộ đọc sách trong cộng đồng. Những ngày hội đọc sách với các hoạt động phong phú, hấp dẫn, trong đó có việc tặng sách, sẽ góp phần kích thích việc đọc của đông đảo công chúng. Tình yêu với sách và niềm đam mê đọc sách cũng cần được khơi nguồn mạnh mẽ và khích lệ, động viên trong mỗi gia đình. Mỗi gia đình cần có một tủ sách. Cha mẹ hãy dành thời gian đọc sách cùng con ở nhà hoặc các câu lạc bộ đọc sách, hướng dẫn con cách đọc, cách chọn sách, rèn luyện trẻ em có thói quen đọc sách từ khi còn thơ bé.

Kinh nghiệm đọc sách có hiệu quả, giống như kỹ năng Đọc sách siêu tốc của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng- Giám đốc Công ty cổ phần sách Thái Hà, cần được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, nhất là giới trẻ. Người đọc cần có ý thức lựa chọn đề tài hoặc những vấn đề cần đọc; định hướng nguồn tài liệu cần thiết cho bản thân; biết cách tiếp nhận tối đa và sâu sắc nội dung tài liệu đọc; biết vận dụng các biện pháp kỹ thuật để củng cố và đào sâu những nội dung đã đọc như ghi chép và quan trọng nhất là biết vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc để cải thiện chính cuộc sống của mỗi người.

Ngày hội Đọc sách 2011 do Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch tổ chức tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám (Hà Nội) đúng ngày Sách và bản quyền thế giới 23/4, là dịp để tôn vinh văn hóa đọc, nhân rộng hơn nữa niềm đam mê và tình yêu với sách, đồng thời cung cấp những kỹ năng đọc sách hiệu quả cho giới trẻ. "Đọc sách cho ngày mai"- chủ đề của Ngày hội đọc sách năm nay cũng là thông điệp dành cho mỗi người yêu sách. Điều quan trọng nhất của việc đọc sách là hãy để thông tin mà cuốn sách muốn gửi đến bạn đọc sẽ đồng thời mang lại lợi ích cho nhiều người, để cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn./.

- Mai Hồng -

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất